Tuần cuối làm việc trước tuần nghỉ tết, chúng ta lại được chiêm ngưỡng cuộc chiến giữa taxi truyền thống Vinasun và Grab, vốn đã dai dẳng trong hai năm qua. Cuộc chiến không những chỉ diễn ra trong các phiên tòa mà còn là cuộc chiến của giới truyền thông trong đó phe taxi truyền thống có vẻ chiếm ưu thế vì được chăm chút hơn. Hôm nay trên cafef có hẳn một bài viết đả kích grab mà tôi tin rằng chẳng có ma nào rửng mỡ làm một bài chỉn chu đến thế không công.
Bài viết này tôi sẽ sử dụng lý thuyết về kinh tế học để phân tích về cuộc chiến của Grab và Taxi truyền thống.
Trong loạt bài về kinh tế học, có 3 bài viết chiếm số view lớn nhất, xếp số 1 trong danh sách tìm kiếm của Google là 4 bài viết về các loại thị trường: Thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, Độc quyền bán và Độc quyền mua.
Nếu như chúng ta nắm rõ được đặc điểm của mỗi loại thị trường, không cần phải hiểu chi tiết các đường cầu đường cung cùng các khái niệm khó hiểu khác, thì ta cũng đã có thể có được kiến thức cơ bản giúp nhìn nhận cuộc chiến này.
Thị trường cạnh tranh hoàn hảo có đặc điểm:
1.Có nhiều người mua và bán độc lập nhau;
2.Sản phẩm là đồng nhất;
3.Thông tin là hoàn hảo và
4.Việc gia nhập và rút ra có chi phí thấp.
Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng không thích sản phẩm mình kinh doanh nằm trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo vì đã vào đó là xác định cạnh tranh bởi giá. Về dài hạn một Hãng cạnh tranh hoàn hảo sẽ tiến dần tới lợi nhuận bằng 0.
Tại sao một hãng cạnh tranh hoàn hảo sẽ tiến dần tới lợi nhuận bằng không? Giả sử bạn là người mua hàng và quanh bạn có 100 người bán; bạn biết rõ hàng hóa, biết chi phí sản xuất món hàng đó là bao nhiêu. Giả sử như chi phí cho một đơn vị sản phẩm là 10 đồng, ban đầu doanh nghiệp A trả giá là 15 đồng, doanh nghiệp B biết vậy nên thuyết phục bạn với giá 14 đồng, doanh nghiệp C nhìn thấy nên giảm giá xuống 13 đồng,.. cứ như vậy cho đến khi giá một doanh nghiệp nào đó sẽ bán cho bạn là 10 đồng hoặc 10,0000001 đồng.
Con đường đi tới lợi nhuận bằng không là con đường tất định đối với hãng cạnh tranh hoàn hảo nếu như họ cố gắng tồn tại. Thực tế sẽ có những kịch bản sau
- Các doanh nghiệp trên thị trường nửa sống nửa chết, dành dật nhau từng đơn hàng, không phát triển lên được nữa.
- Số doanh nghiệp giảm đi vì bỏ cuộc hoặc mua bán sát nhập. Hãng chuyển từ thị trường cạnh tranh hoàn hảo sang thị trường độc quyền bán. Tình huống Thế giới di động mua Trần Anh năm vừa rồi là một tình huống điển hình cho việc cố gắng chuyển từ thị trường cạnh trạnh tranh hoàn hảo sang thị trường cạnh tranh độc quyền.
- Cố gắng tạo ra các khác biệt trong sản phẩm để gia nhập vào thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Ví dụ như Samsung đang quảng cáo máy giặt có khả năng dừng cho thêm đồ trong khi đang chạy.
- Cố gắng tận dụng lợi thế nhờ quy mô, Lợi thế học hỏi, lợi thế về vị trí để giảm chi phí sản xuất tới mức mà chênh lệch giữa chi phí sản xuất của mình và đối thủ có một khoản đủ để doanh nghiệp làm ăn có lãi.
Taxi truyền thống đang trong một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Họ tạo ra sự khác biệt bằng cách:
- Giới hạn số taxi trong thành phố. Nhờ giới hạn số người bán (Nguồn cung) nên taxi làm ít mà vẫn có lãi.
- Cấu kết với nhau thành cạnh tranh tập đoàn. Giới hạn tồn tại chỉ có vài hãng taxi lớn ví dụ như Vinasun, Mai Linh, CP taxi,…sau này còn kết hợp lại thành Taxi Group. Nhờ giới hạn lại họ dễ dàng thống nhất với nhau về giá cước mà không lo hãng khác giảm giá hơn.
Và rồi thì Grab ra đời, Grab đã khiến cho miếng bánh thị trường to ra khi số người có nhu cầu đi taxi nhiều lên rất nhiều. Chỉ cần nhìn mấy anh grab bike lái xe chở các em xinh tươi nhan nhản ngoài đường là ta thấy có khác biệt rất lớn so với trước đây. Dân văn phòng giờ đây đi ăn trưa bằng taxi thay vì đi những quán ven công ty hay gọi suất ăn về. Sử dụng grab để di chuyển gần như đã thành thói quen của chúng ta. Túm lại cái bánh thị trường to ra gấp nhiều lần nhưng nó lại đẩy những người lái xe (bên bán) vào thị trường cạnh tranh hoàn hảo:
- Rất nhiều người mua xe ô tô để gia nhập đội ngũ grab, cùng với rất nhiều người sẵn xe cũng chạy grab để kiếm thêm. Thị trường đang tiến dần tới vô số người bán cùng với việc dần dần có rất nhiều người mua.
- Sản phẩm hoàn toàn đồng nhất, cực khó tạo ra sự khác biệt. Bạn đi xe nào cũng vậy cả, chẳng có khái niệm xe sang với xe hèn, đường ngắn hay đường dài,..tất cả quy hết về một khung giá cố định.
- Thông tin thì siêu hoàn hảo. Bạn biết trước quãng đường đi, số tiền tương ứng với quãng đường, loại xe, biển số xe, ….Trước đây người lái taxi có thể đi lòng vòng kiếm thêm, thậm chí mắng chửi bạn mà chẳng lo lắng. Ngày nay không thế được, đơn giản là không thể làm thế với Grab. Nếu lái xe mắng bạn, bạn cho anh ta điểm đánh giá thấp, họ không đi lòng vòng được, tắc đường cũng không đòi thêm tiền của bạn một xu nào,…Túm lại thông tin khó mà hoàn hảo hơn được nữa.
- Điều kiện thứ tư thì quá rõ rồi, việc gia nhập và rút ra có chi phí thấp. Chỉ cần có một cái điện thoại rẻ tiền, một cái xe cà tàng, một người có thể gia nhập vào thị trường và rút ra chỉ với một cú click trên mặt điện thoại cảm ứng. Sáng anh ta làm grab, chiều chán thì anh ta tắt phần mềm rồi đi nhậu, đêm buồn đời vì vợ mắng lại bật grab lên để kiếm thêm. Chi phí gia nhập và rút khỏi là bằng không.
Chiến lược của Grab rất rõ ràng, đầu tiên họ tự bỏ tiền ra để chạy các chương trình khuyến mại. Khách hàng đi xe quá rẻ, đi ngắn đi dài đều được, ….dần dần họ quen dần với grab. Lái xe cũng không khổ, anh ta tiết kiệm xăng hơn, có nhiều đơn hàng hơn, kiếm bộn hơn. Khi lượng bên mua và bên bán đủ lớn cũng như đã quá quen thuộc với việc sử dụng grab rồi thì grab đưa ra các điều kiện về chi phí cho bên bán.
Lái xe bị lấy đi % trên mỗi cuốc đi, đi những chuyến xe ngắn, bị gò bó trong những điều luật của grab. Giờ đây họ đã chính thức gia nhập thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thấy cái phũ phàng của thị trường này. Họ có muốn quay lại thị trường cũ không? Tất nhiên là muốn rồi và Vinasun cũng như liên minh các taxi truyền thống đang cố gắng để xóa sổ grab.
Họ dùng các chiêu bài sau:
- Đánh vào tâm lý của người đi xe rằng đừng đi xe của grab vì lái xe grab khổ lắm. Đi xe grab là một hình thức bóc lột trắng trợn.
- Vận động lái xe taxi chống đối, đình công.
- Vận động hành lang để chính quyền đưa ra các luật lệ trói buộc grab….
Khi vinasun kiện Grab đòi bồi thường 45 tỷ vì vi phạm luật cạnh tranh gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp thì họ thừa hiểu khả năng thành công là rất nhỏ nhoi nhưng cái họ được là khiến dư luận chú ý, để dư luận coi grab như một tội đồ cần phải loại bỏ. Nhưng dư luận có quan tâm không thì là chuyện khác, họ thích đi xe giá rẻ, đơn giản vậy thôi.
Năm vừa rồi ta thấy Uber bị đánh bầm dập trên toàn thế giới nhưng Grab lại phát triển rất tốt. Riêng việc họ phát triển đội ngũ grab bike cũng đã khiến chúng ta phải cúi đầu nể phục về chiến lược thâm nhập thị trường. Mai Linh cũng bắt chước làm Mai Linh bike nhưng chẳng thấy bóng dáng đầu mặc dù ra chương trình đã lâu.
“Chia sẻ” là một đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dường như Grab là một cái kết tất yếu; cho dù grab có thể thua cuộc lần này nhưng tương lai một grab’ sẽ lại xuất hiện. Grab’ đó có thể đến từ chính các hãng taxi truyền thống.
Grab tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo nhưng nó cũng lại là một công ty độc quyền trên thị trường vận tải. Khi công ty độc quyền này thâu tóm hết thị phần nó có thể ra luật chơi mới mà các bên phải theo. Công ty độc quyền này có lợi thế độc quyền dựa vào quy mô khách hàng. Bản thân phần mềm không có gì là độc quyền, đối thủ có thể mua từ nhà cung cấp hoặc tự mình lập trình. Rào cản ở đây là làm sao để khách hàng chấp nhận cài phần mềm, lái xe gia nhập vào đội lái? Khách muốn bật phần mềm lên là dễ dàng gọi xe; lái xe muốn bật lên là có thể được nhận cuốc đi; vậy cái nào có trước?
Tình huống Grab và Taxi truyền thống trong lĩnh vực vận tải hành khách ta cũng gặp motif tương tự ở các ngành khác:
- Ngân hàng và công ty cung cấp ví điện tử.
- Khách sạn và các công ty cung cấp dịch vụ đăng ký khách sạn.
- Nhà sản xuất âm nhạc và trang web cung cấp nhạc online
- Nhà sản xuất chương trình truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ (fpt play,..)
Cái mới thay cái cũ, rồi cái mới hơn lại thay cái mới đó. Quy luật cạnh tranh của thị trường là vậy, không chống lại được quy luật.