Thông minh tài chính (P14 : Tâm lý bầy đàn trong đầu tư)

2
9576
5/5 - (13 votes)

Cho dù ai ít quan tâm nhất tới đầu tư chắc cũng không thể không nghe nói tới đồng tiền Bitcoin. Đồng bitcoin tới ngày hôm qua 18/12 đã gần đạt 19.000 usd tăng 1 mạch từ tháng 1/2017, khi đó 1 bitcoin mới chỉ có 1000 usd. Nó có nghĩa là nếu bạn đầu tư vào bitcoin vào tháng 1/2017 và giờ bán đi bạn đã thu lợi được gấp 19 lần khoản đầu tư ban đầu. Đúng là giàu còn nhanh hơn đi buôn ma túy.

Tại sao đồng bitcoin không được công nhận bởi ngân hàng nhà nước Việt Nam, bị nhiều thể chế tài chính tẩy chay mà chỉ với niềm tin rằng blockchain là xu thế của tương lai mà khiến đồng tiền tăng giá kinh khủng như thế. Tôi xuất phát từ dân kỹ thuật mà nói thật blockchain là cái mẹ gì giờ cũng không biết; ấy thế mà nhà nhà đầu tư bitcoin, ngành ngành mua máy cày bitcoin. Thực tế bitcoin có hành vi rất giống với mọi loại tài sản đầu tư khác giống như đầu tư nhà đất, vàng bạc, dầu mỏ, cao su, cafe,…Điểm khác biệt là nó là quả bong bóng được thổi quá nhanh và tự thân nó chẳng có giá trị gì rõ ràng.

Điểm ta dễ dàng nhận thấy là bitcoin tăng giá vì có một đám đông cứ nhất quyết mua nó bằng bất cứ giá nào. Hoặc khi nó giảm giá thì cũng có một đám đông cứ nhất quyết bán nó bằng bất cứ giá nào. Động cơ của việc quyết định mua bán đó của nhà đầu tư bitcoin cũng giống như nhà đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư ngoại hối, nhà đầu tư vàng, nhà đầu tư nhà đất. Nguyên nhân sâu xa chung đó là yếu tố tâm lý. Yếu tố tâm lý của một đám đông được hình thành từ yếu tố tâm lý của mỗi cá thể.

Quyết định vì yếu tố tâm lý và Quyết định bởi lý trí

Khi chúng ta có nhiều thời gian chúng ta sẽ quyết định theo lý trí vì ta có đủ thời gian để loại bỏ yếu tố tâm lý và có nhiều thời gian cho tính toán.

Khi chúng ta có ít thời gian thì vì tâm lý chưa đủ thời gian để loại bỏ nên ta sẽ hành xử theo yếu tố tâm lý.

Một nhà đầu tư tay ngang mua một mảnh đất ở bên gia lâm với giá 1 tỷ. Anh ta mua với mục đích để đó vì kỳ vọng rằng vài năm nữa nó sẽ tăng giá. Anh ta quên hẳn mình đang có mảnh đất đó. 2 năm sau anh ta có thể bán mảnh đất đó với giá 5 tỷ.

Giờ hãy tưởng tượng một nhà đầu tư chuyên tâm, anh ta cũng mua mảnh đất tương tự bên gia lâm với giá 1 tỷ. Giả sử giá mảnh đất của anh ta được niêm yết trên sàn giao dịch, giá của mảnh đất luôn được hiển thị thời gian thực. Khi giá mảnh đất sụt xuống 900tr anh ta vô cùng sốt ruột, rồi xuống 800tr thì anh ta không còn kiên nhẫn được nữa, bán đi để dừng lỗ. Tuần sau giá đất lại lên 1 tỷ, rồi tháng sau giá đất lại lên 1,1 tỷ,…Cứ vậy anh ta cứ mua đi bán lại chính cái mảnh đất đó.

Ai sẽ thu được lợi nhuận tốt hơn? Câu trả lời là nhà đầu tư tay ngang sẽ thu được lợi nhuận cao hơn mặc dù anh ta chẳng tốn thời gian giao dịch; nhà đầu tư chuyên tâm không những lãi ít hơn mà còn có thể bị lỗ cho dù anh ta tốn nhiều công sức để theo dõi bảng điện.

Một người bị sức ép của yếu tố tâm lý theo ngày; một người chẳng bị sức ép gì cả. Nhà đầu tư tay ngang không hề biết giá đất hôm nay đã sụt xuống còn 500tr, cũng không biết rằng tháng trước có lúc nó đã lên 2 tỷ. Anh ta chỉ có một tâm niệm rằng xét về dài hạn, nhà đất luôn tăng giá.

Đương nhiên nhà đầu tư tay ngang vẫn có thể là người thua cuộc khi giá tài sản anh ta nắm giữ không tăng được vượt quá thời điểm mua vì anh ta không mua đúng lúc. Ví dụ này để ta hiểu rằng yếu tố tâm lý đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tâm lý xuất phát từ nhìn hành vi của người khác và xuất phát từ chính tâm lý của bản thân.

 

Mỗi một loại tài sản như nhà đất, vàng bạc, ngoại tệ, cổ phiếu, trái phiếu hay đồng tiền điện tử Bitcoin đều hoạt động theo quy luật cung cầu. Quy luật cung cầu đó dựa vào giá trị nội tại của tài sản và tâm lý của những bên tham gia được hình thành từ tâm lý cá nhân và tâm lý đám đông.

Khi nói tới tâm lý đám đông ta thường hình dung ra một đám đông người có những hành xử giống nhau. Cùng chạy về một hướng, cùng làm những thứ giống nhau dựa trên cở sở bắt chước nhau mà không phải qua phân tích lý trí thấy cần phải làm thế.

Không những theo chiều hướng làm, thành viên của đám đông cũng có xu hướng không làm những thứ mà những thành viên khác không làm. Có hai quán phở cạnh nhau trông giống hệt nhau về mọi thứ, một quán phải xếp hàng và một quán thì không một bóng người. Giả sử bạn không có thông tin nào khác về hai quán thì chắc chắn bạn sẽ chọn quán đông khách mặc dù rằng phải mất thời gian xếp hàng. Chúng ta rất ngại vào những cửa hàng vắng vẻ, nó là quán ăn, cửa hàng thời trang,…hay bất cứ một cửa hàng nào khác.

Đám đông tạo lên sức mạnh biến cái không đúng thành đúng và ngược lại. Đồng tiền bitcoin là một minh chứng cho sức mạnh đám đông biến cái không thể thành cái có thể, biến cái bất hợp lý thành cái hợp lý. Nó chứng minh rằng chừng nào loài người còn thì cho dù khoa học kỹ thuật có phát triển đến đâu thì tâm lý đám đông vẫn còn tồn tại.

 

Đám đông di chuyển bởi bắt chước nhau và cũng bởi đặc tính tâm lý mỗi cá nhân trong nhóm. Giả sử như các thành viên trong đám đông không hề biết quyết định của những thành viên còn lại thì họ vẫn hành xử giống nhau vì tâm lý con người có những quy luật giống nhau.

Khi kinh doanh vàng bạn muốn mua rẻ sau đó có thể bán đắt nhằm kiếm tiền chênh lệch. Tương tự khi bạn mua 1 đồng bitcoin bạn có kỳ vọng rằng trong tương lai đồng bitcoin đó sẽ tăng giá, vấn đề mấu chốt là bạn không hiểu giá trị nội tại của đồng tiền là gì và bitcoin sẽ tăng tới bao nhiêu. Hai yếu tố này khiến bitcoin ẩn chứa rất nhiều rủi ro, thậm chí bạn có thể vẫn lỗ mặc cho đồng bitcoin đang tăng giá. Tương tự bạn vẫn có thể kinh doanh nhà đất thua lỗ bất chấp thị trường nhà đất đang trong thời kỳ tăng trưởng. Khi giá tài sản đầu tư nào đó đang trong thời kỳ tăng không có nghĩa là bạn có thể kiếm lợi từ nó. Bạn rất cần hiểu tâm lý đầu tư để có thể kiểm soát tâm lý của chính mình và hiểu diễn biến của thị trường.

Diễn biến tâm lý theo đồ thị đồng bitcoin

Diễn biến tâm lý theo đồ thị giá đồng bitcoin cũng giống với mọi loại tài sàn đầu tư khác. Tuy nhiên những tài sản giao dịch điện tử mà quyết định mua bán có thể thực hiện ngay lập tức như bitcoin, sàn vàng, sàn ngoại hối Forex, sàn chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa,…thì mức độ sẽ biến động sẽ nhanh.

Đối với các tài sản mà việc mua và bán đều đòi hỏi thời gian như nhà đất, vàng vật chất, ,….thì tốc độ biến động sẽ chậm hơn. Ngoài ra khi quá trình mua bán bị kéo dài thì mức độ phụ thuộc vào tâm lý sẽ thấp hơn do người ta có nhiều thời gian suy xét và có thể thay đổi quyết định mua bán trong tiến trình quá trình mua bán diễn ra.

Thời điểm quyết định mua

Có một nguyên lý trong đầu tư nói chung là lợi nhuận của một thương vụ quyết định ngay tại thời điểm mua. Quyết định thời điểm mua còn quan trọng hơn so với quyết định thời điểm bán. Lấy ví dụ bạn mua một con lợn éc ở Điện Biên với giá 1 triệu đồng rồi mang nó về vùng xuôi bán. Thực tế giá bạn bán ở vùng xuôi đã được quyết định bởi giá chung tại miền xuôi, bạn không thể bán cao hơn giá đó được. Vậy, bạn lãi bao nhiêu xuất phát từ việc bạn mua con lợn éc đó giá bao nhiêu.

Quyết định mua xuất phát từ hai yếu tố chính:

1.Tin rằng nó đang rẻ

Thế nào là một con lợn éc giá rẻ để bạn quyết định mua, tương tự thế nào là một đồng bitcoin rẻ? Rẻ hay đắt là thông qua so sánh. Nếu một người đang đầu tư bitcoin họ thường so sánh nó với giá của quá khứ để xác định rẻ hay đắt. Ví dụ ngày hôm trước bitcoin đang là 4.400 usd mà ngày hôm nay là 4000 usd thì họ có thể cho là rẻ, ngày tiếp theo là 3900 usd, lại càng thấy rẻ hơn. Họ có thể kiên nhẫn không mua nhưng có thể quyết định mua vào khi giá về đúng hoặc thấp hơn giá của đồng bitcoin trước đó họ mua. Hoặc nếu họ đã mua nhiều đồng bitcoin ở các thời điểm khác nhau thì có một mức giá chung gọi là giá vốn.

Nếu một người chưa từng mua một đồng bitcoin nào có nghĩa là họ không có một tí kinh nghiệm nào thì họ thường xem đồ thị giá theo thời gian. Nếu giá cao hơn so với đỉnh trong quá khứ thì họ cho là đắt, nếu thấp hơn họ cho là rẻ. Hoặc họ có thể sốt ruột vì thấy đồng bitcoin tăng hàng ngày, ban đầu nghi ngờ nhưng rồi cảm thấy sốt ruột vì mình đang bỏ lỡ một cơ hội đầu tư tốt.

Một người chưa từng có kinh nghiệm đầu tư bitcoin giờ đầu tư bitcoin thường sẽ thua lỗ. Nhưng ai cũng vậy thôi, phải trả tiền cho kinh nghiệm có được.

2. Tin rằng giá đang ở đáy

Tại điểm C, giá mỗi đồng đang là 4.400 usd. 15 ngày tiếp theo đó bitcoin giảm về 3200 usd để tới điểm D. Trong 15 ngày đó, nhà đầu tư phải chiến đấu với cám dỗ mua vào khi họ tin rằng ngày hôm đó đang là đáy. Họ có thể mua ở ngày thứ nhất, ngày thứ tư, ngày thứ 8, ngày thứ 13,….Giao dịch mua vào đó gọi là bắt đáy.

Giống như ví dụ kinh doanh lợn éc của bạn. Giả sử bạn nằm vùng ở bản Mù Căng Chải để cố gắng tìm ra con lợn mình cần mua với giá rẻ nhất. Hôm đầu bạn ra chợ, con lợn có giá 1 triệu, ngày thứ hai nó có giá 990N, ngày thứ ba nó có giá 900N…Khi giá giảm bạn rất mừng nhưng kèm theo đó lại là một lỗi lo rằng ngày mai giá lợn lại tăng, bạn sẽ bỏ lỡ việc mua con lợn với giá rẻ nhất. Rồi cho bất chấp giá đang giảm bạn sẽ quyết định mua ở một mức giá nào đó với kỳ vọng rằng nếu nó có tiếp tục giảm thì sẽ không giảm thêm nhiều nữa.

 

Thời điểm quyết định bán

Quyết định bán không quan trọng bằng quyết định mua nhưng nó là dấu mốc quan trọng chốt lời hoặc chốt lỗ. Một nhà đầu tư quyết định bán xuất phát từ hai yếu tố chính:

1.Tâm lý chốt lời

Giả sử một nhà đầu tư mua được một đồng bitcoin với giá 2000 usd vào tháng giữa tháng 7/2017. Bản thân đồng bitcoin rất khó hiểu về giá trị nội tại nên anh ta mua nó chỉ với niềm tin rằng nó sẽ tăng trong tương lai. Tới giữa tháng 8 đồng bitcoin đã đạt 4.500 usd, tỷ lệ lợi nhuận lúc này đã đạt tới 250%. Nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy bất an vì từ trước tới nay mình chưa từng lãi nhiều như thế, gửi ngân hàng cả năm mới được có 7%, giờ đây một tháng đã được những 250%. Tâm lý chốt lời nhằm giữ thành quả bắt đầu hình thành và ngày càng tăng dần theo thời gian. Rồi một lúc nào đó anh ta quyết định bán đồng bitcoin đó đi để chốt lời.

Một nhà đầu tư chốt lời khi tin rằng giá tài sản đó đã tạo đỉnh. Nếu đó là đỉnh anh ta sẽ bán nó với giá cao nhất và có thể mua lại vào những ngày hôm sau khi giá đi xuống.

Quay lại ví dụ về kinh doanh con lợn éc. Bạn mua được con lợn éc với giá 1 triệu đồng và đã mang nó ra chợ Thành Công. Bạn quyết tâm phải bán được con lợn này với giá cao nhất có thể. Ngày thứ nhất con lợn có giá 1 triệu, ngày thứ hai là 1,05 triệu, ngày thứ ba là 1,1 tr,….Tiền lời theo lý thuyết nếu bạn bán đi theo thời gian ngày càng tăng. Tuy nhiên càng ngày bạn càng cảm thấy lo lắng rằng ngày mai giá lợn sẽ giảm. Rồi một lúc nào đó bạn sẽ bán con lợn đó đi vì tin rằng nếu nó có tăng tiếp thì cũng sẽ tăng không đáng kể.

2. Tâm lý chốt lỗ

Thật là đau buồn nếu ở trạng thái này, giả sử bạn đang sở hữu một hoặc nhiều đồng bitcoin với giá vốn mỗi đồng là 4.800 usd. Trong toàn bộ 15 ngày từ C tới D bạn phải chứng kiến tài sản của mình đang mất giá hàng ngày. Tới điểm D giá là 3.200 usd, có nghĩa là bạn đã mất đi 33% giá trị tài sản; nếu đang có tài sản 1 tỷ, giờ chỉ còn 670 triệu.

Tương tự như tình huống chốt lời, bạn cảm thấy mình phải bán đi gấp vì nếu không ngày mai nó sẽ còn tiếp tục giảm. Áp lực bán chốt lỗ mạnh mẽ hơn chốt lời rất nhiều vì nó là mất đi số tiền mình đang có trong khi chốt lời chỉ là có nên dừng lời ở điểm đó hay không.

Tuy nhiên một nhà đầu tư đang lỗ cũng có niềm tin rằng ngày mai giá sẽ lên. Chừng nào anh ta còn tin anh ta sẽ còn giữ. Anh ta sẽ bán đi nếu như mất đi niềm tin, lúc đó cảm giác của anh ta sẽ vô cùng chán nản. Nếu khoản lỗ quá nhiều anh ta có thể dừng cuộc chơi (bán đi hoặc quên là mình có nó), không còn muốn mua thêm bitcoin nữa. Tất nhiên cho tới khi anh ta nguôi đi nỗi đau và quay trở lại trạng thái muốn mua.

Quay lại ví dụ con lợn éc, ước là lúc này bạn vẫn còn dắt theo nó. Bạn đã mua nó với giá 1 triệu đồng ở Mù Căng Chải, đèo nó tới chợ Thành công. Tới nơi, có người sẵn sàng mua nó với giá 1,5 triệu. Vì chưa biết gì nên chắc chắn bạn không bán ngay mà nghe ngóng một thời gian. Đờ mờ, đời thật là đen, giá các ngày sau đó giảm liên tục. Bạn căng thẳng sốt ruột hy vọng ngày hôm sau nó sẽ lại tăng nên không bán ra. Rồi giá giảm xuống thấp hơn cả giá mua vào, tới một lúc nào đó bạn buộc phải bán chốt lỗ.

Cuộc đấu tranh giữa bên mua và bên bán tạo ra các đường dao động hình răng cưa. Xét theo giờ, theo ngày, theo tuần hay theo tháng thì nó vẫn cứ là đường dao động lên xuống. Trên thị trường chứng khoán, bên bán được ví như con gấu, bên mua được ví như con bò. Mỗi ngày hai con đấu đá nhau, nếu con bò thắng thì giá của cổ phiếu (hay chỉ số chung của toàn thị trường) tăng; nếu con gấu thắng thì giá cổ phiếu giảm.

Các biểu đồ nhỏ ở dưới là biểu đồ cổ phiếu Apple theo tuần, tháng, tháng, năm và ngày. Chúng ta thấy nó đều là dao động lên xuống nhưng luôn là điểm kết thúc cao hơn điểm bắt đầu. Tại sao xét về dài hạn điểm kết thúc thường cao hơn điểm bắt đầu? Chúng ta hiểu logic thế này, một doanh nghiệp như Apple làm ăn chắc chắn phải có lợi nhuận hàng năm. Lợi nhuận đó nếu được tái đầu tư mà không chia cổ tức thì giá trị của công ty tăng lên tương ứng. Giá trị đó được thể hiện trong giá cổ phiếu tăng tương ứng bởi quy luật cung cầu. Nếu một công ty đem toàn bộ lợi nhuận kiếm được trong năm chia hết cho cổ đông thì về lý thuyết giá trị công ty không hề thay đổi vậy cổ phiếu của nó cũng vẫn giữ nguyên giá đó. Tất nhiên tăng giảm còn phụ thuộc vào tổ lái nữa nhưng tôi sẽ phân tích về sau.

Một nhà đầu tư theo kiểu lướt sóng sẽ dao động rất nhanh qua các vai trò giữa bên mua và bên bán. Lúc anh ta là bên bán và lúc thì anh ta là bên mua, mục đích của anh ta là kiếm khoản chênh lệch giữa mua và bán càng nhiều càng tốt.

Thị trường bitcoin không có giờ đóng cửa và mở cửa, nó mở cửa 24/24. Nó cũng không có giá sàn và giá trần được phép giao dịch nên biên độ dao động ngay trong phiên của nó rất mạnh. Thị trường chứng khoán thì có giờ mở giờ đóng, có biên độ nên mỗi nhà đầu tư ít nhất có một khoảng tĩnh lặng trong giờ thị trường đóng cửa để ổn định tâm lý.

Tâm lý cá nhân và tâm lý bầy đàn

Nếu tất cả các nhà đầu tư không hề biết gì về quyết định của nhau mà họ hành xử giống nhau thì ta không thể gọi đó là tâm lý bầy đàn được, nhưng một cá thể có thể quan sát được chuyển động của đám đông thông qua chuyển động của giá. Khi giá tăng họ cho rằng đám bò đang dành ưu thế, khi giá giảm họ cho rằng đám gấu đang dành ưu thế.

Chúng ta tưởng tưởng có một đám đông hỗn tạp giữa bò và gấu. Đàn có hai con dẫn đầu, một con là bò, một con là gấu. Chuyển động của hai con đầu đàn là chuyển động của thị trường thời gian thực. Các cá thể trong đàn lúc thì chạy theo con gấu và lúc thì chạy theo con bò tùy thuộc vào niềm tin của cá nhân họ và số cá thể chạy theo mỗi con.

Sàn giao dịch có hiển thị khối lượng bên bán của mỗi mức giá và khối lượng bên mua của mỗi mức giá. Trên sàn chứng khoán, nó cũng thể hiện khối lượng mua bán đã thực hiện của các nhà đầu tư ngoại. Mỗi cá thể có thể quan sát hành vi của đám đông thông qua xu thế giá của thị trường và tâm lý của họ bị cuốn theo đám đông. Do vậy hành vi của mỗi nhà đầu tư ngoài theo tâm lý cá nhân còn bị ảnh hưởng của đám đông nữa.

Vết hằn ký ức

Ta có hẳn một kiểu tư duy là tư duy kinh nghiệm, người tư duy theo kinh nghiệm sẽ suy nghĩ theo những gì anh ta đã trải qua trong quá khứ. Khi chúng ta càng già chúng ta càng nhiều kinh nghiệm và vì vậy càng theo chiếu hướng tư duy này.

Các nỗi đau vì lỗ hay sự vui mừng vì lãi sẽ hằn trong đầu các nhà đầu tư tạo cho anh ta những lối mòn trong suy nghĩ. Anh ta sẽ rất nhậy cảm ở những mức giá mà trước đây anh ta đã thành công hay thất bại. Đám đông hành xử giống nhau có những thất bại và thành công giống nhau tạo ra một tâm lý chung với các điểm giống nhau.

Khi giá bitcoin tạo đỉnh tại C và bắt đầu giảm dần, điểm đỡ của nó sẽ là giá tại điểm A (2000 usd). Giá tại điểm A lúc này gọi là ngưỡng tâm lý dưới; càng tới sát điểm A thì lực mua bắt đáy càng tăng khiến cho lực cản đà giảm càng tăng. Nếu như giá giảm xuống dưới điểm A thì điểm ngưỡng tâm lý bị phá vỡ, lúc này ngưỡng tâm lý mới sẽ là giá của điểm đáy kế tiếp đó.

Khi giá tạo đáy tại D khoảng 2700usd và bắt đầu tăng, điểm C lúc này gọi là ngưỡng tâm lý trên. Các nhà đầu tư có thể cho rằng lịch sử lặp lại, vì vậy càng tới giá của điểm C thì lực cản càng mạnh. Khi giá vượt quá điểm C thì lực cản giảm vì người ta kỳ vọng rằng giá sẽ thiết lập đỉnh mới. Nếu như đây là đỉnh cao nhất trong lịch sử thì anh ta không có gì bám víu vào để dự đoán đâu là đỉnh kế tiếp. Tương tự đối với tình huống nếu đáy là đáy thấp nhất trong lịch sử thì anh ta cũng không có gì dựa vào để nhận biết đâu là đáy.

Tại các điểm ngưỡng ta sẽ thấy luôn có sự lưỡng lự. Nếu tới điểm ngưỡng mà đường vẫn thẳng băng là lúc đó bitcoin hoặc một cổ phiếu nào đó có một tin tức tốt tạo lực đẩy mạnh lên hoặc một tin tức xấu khiến giá phá đáy không lưỡng lự.

Entry này chỉ nhằm để bạn hiểu rằng một tài sản đầu tư nào đó tăng hay giảm bên cạnh bản thân giá trị nội tại của tài sản còn phụ thuộc vào tâm lý đám đông. Tâm lý đám đông bị một nhóm người lợi dụng để trục lợi, vặt lông những nhà đầu tư non kinh nghiệm trên thị trường. Đằng sau một tài sản có biến động giá mạnh luôn có dấu ấn của nhóm dẫn dắt, bitcoin không nằm ngoài nguyên tắc đó. Nếu một tài sản chỉ tăng hay giảm phụ thuộc vào giá trị nội tại của nó thì biến động là có nhưng biến động rất chậm vì giá trị của một tài sản chỉ có thể tăng từ từ.

Nếu bạn không đầu tư nhà đất, chứng khoán, tiền ảo,…mà kinh doanh sản xuất hay thương mại một thứ khác, kiểu như thương mại con lợn éc ở trên, bạn sẽ thấy là cũng tương tự vậy thôi. Có mấy thứ bạn phải nghĩ:

  • Lợi nhuận bạn có được là dựa vào thời điểm mua. Bạn có thể mua nguyên vật liệu, mua hàng thành phẩm bán qua tay,…Nhưng chắc chắn mua là thời điểm mang tính quyết định.
  • Bản chất quá trình thống nhất giá là quá trình đàm phán giữa bên mua và bên bán, nó được quyết định bởi yếu tố tâm lý. Giá trị nội tại của hàng hóa trao đổi đóng vai trò chỉ một phần nhỏ. Đừng nghĩ rằng bạn có hàng hóa tốt, dịch vụ tốt là khách hàng sẽ mua hàng của bạn với mức giá cao.
  • Phải xác định được mức giá chốt lời, khi đã chốt lời thì đừng tiếc nuối nếu giá nó tiếp tục tăng. Tương tự phải sẵn sàng chốt lỗ để có thể tiếp tục với một cơ hội khác cho dù ngày mai nó lại tăng.

Trong entry sau ta sẽ tìm hiểu cách mà nhóm dẫn dắt hay gọi là tổ lái có thể sử dụng tâm lý đám đông để dẫn dắt giá tài sản đầu tư.

Trong đầu tư chúng ta có hai nỗi sợ chính đó là 1.Sợ mất đi những cái đang có và 2.Sợ mất đi những cái sẽ có.

Lấy ví dụ như đồng bitcoin, khi giá bitcoin đang trên đà tăng lên thì nhà đầu tư sợ nếu không mua ngày hôm nay thì ngày mai bitcoin lại tăng lên nữa và mình phải mua với giá cao hơn vì vậy thôi thúc trong họ là mua vào để ngày mai có ngay lợi nhuận. Khi đồng bitcoin đang trên đà giảm thì nhà đầu tư thấy tài khoản của mình cứ giảm đi hàng ngày, họ sợ mất đi những cái đang có vì vậy thôi thúc trong họ là bán ra để giữ thành quả.

Nhà đất hiện tại đang ở mức tăng chậm vì có quá nhiều nguồn cung. Nhưng giả sử giá nhà đất ở một nơi nào đó mà bạn quan tâm cứ giá tháng sau cao hơn tháng trước thì chắc chắn bạn sẽ rất sốt ruột và muốn mua vào vì sợ mình không được hưởng lợi từ cơn sốt nhà đất này. Giả sử bạn đang sở hữu một căn hộ chung cư cao cấp và thấy giá ngày một giảm thì bạn rất muốn bán ra vì nhìn tài sản mình giảm giá thật là đau lòng.

Chống lại sự thôi thúc hành động mua/bán vì nỗi sợ sự nghi ngờ. Bạn không tin rằng ngày mai bitcoin tiếp tục tăng vì vậy không dám mua. Bạn hy vọng rằng ngày mai bitcoin sẽ ngừng giảm để tài sản của bạn được bảo toàn. Sự nghi ngờ đó chống lại nỗi sợ, chừng nào sự sợ hãi lấn át sự nghi ngờ là lúc bạn xuống tiền mua hay bán đi tài sản của mình.

Thông thường khi bạn ra được quyết định thì cũng là muộn rồi. Bạn đã mua vào khi tài sản ở đỉnh hoặc gần đỉnh và bán ra khi tài sản ở đáy hoặc gần đáy. Nguyên nhân là có hàng vạn người cũng đang ở trạng thái lưỡng lự như bạn, khi bạn quyết định thì cùng thời điểm đó có hàng vạn người cũng có chung quyết định như bạn. Nhưng trong đầu bạn và một vạn người như bạn cho dù quyết định nhưng vẫn ẩn chứa sự lưỡng lự. Nếu như hôm nay bạn mua, ngày mai nó giảm, ngày kia nó lại giảm thì bạn sẽ hoảng sợ cho rằng nó sẽ tiếp tục giảm và bán ra để chốt lỗ. Cuối cùng thì chỉ có tổ lái và những người thông minh là hưởng lợi.

Khi một tài sản nào đó bạn đang nắm giữ ngày một giảm thì rất khó để bạn ra được quyết định dừng lỗ bằng cách bán đi. Ví dụ bạn mua 1 bitcoin ở giá 20.000 usd với kỳ vọng nó sẽ tăng lên 28.000usd trong nay mai nhưng sau khi mua giá lại giảm dần. Mỗi ngày mở bảng tài sản ra bạn lại thấy nó mất đi một ít. Ban đầu bạn có thể lưỡng lự bán nhưng khi khoản lỗ vượt quá một ngưỡng nhất định thì bạn sẽ rơi vào trạng thái tê liệt, quá hoảng sợ, không quan tâm tới nó nữa, đóng nó lại và hy vọng một ngày nào đó mở ra nó sẽ có lãi.

Đối lập với nỗi sợ mất tài sản rất kinh khủng nhưng lại khó ra quyết định là nỗi sợ mất đi thành quả đang có. Khi bitcoin đang trên đà tăng giá, tài sản của bạn tăng lên hàng ngày kèm theo nỗi sợ rằng ngày mai nó giảm. Nỗi sợ mất đi khoản lợi nhuận trên lý thuyết này khiến cho bạn muốn bán ra để giữ gìn thành quả vì nếu bạn không có thao tác bán thì lãi vẫn là trên giấy tờ, ngày mai nó có thể mất đi. Kết cục là bạn có thể bán ra qua sớm và ngày hôm sau lại mua lại ở giá cao hơn.

Comments

comments

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here