Năm 2002, khi dịch Sars bùng nổ tại Hồng Kông, lúc đó tôi chỉ mới ra trường nên không cảm nhận được rõ ràng lắm ảnh hưởng tới kinh tế VN, nhưng tôi cho rằng lúc đó ảnh hưởng không nhiều vì GDP của VN lúc đó chỉ có 35 tỷ USD. Việt Nam chỉ mới bình thường hóa quan hệ với Mỹ được 7 năm và giao thương về hàng và người với nước ngoài còn rất ít.
Nhìn trên biểu đồ dưới ta thấy lạm phát của Việt Nam năm 2002 cũng chỉ nhích lên một tí. Sars thời đó trên tivi chỉ là những bản tin ngắn về một sự kiện ở đâu đâu; chẳng mấy người quan tâm.
Tới khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 thì GDP Việt Nam là 99 tỷ và mới gia nhập WTO được 2 năm. Khủng hoảng bắt đầu tại Mỹ (vay mua nhà dưới chuẩn), lan tới Châu Á khi Châu Á chỉ mới hồi phục được 10 năm (kể từ khủng hoảng tài chính Châu Á 1997).
Kể từ 2002 sau dịch Sars, Việt Nam với mong muốn tăng trưởng GDP đã tăng trưởng tín dụng 2 con số liên tục. Trong 6 năm đó, VN tăng trưởng GDP gấp 3 lần nhưng cũng trả giá bởi lạm phát cũng cao dần; năm 2004 chúng ta đã đạt tới lạm phát 10%; cộng hưởng với khủng hoảng 2008, lạm phát lúc đó đã lên 22,9%.
Từ 2008 tới 2013, ai có tiền mặt thì cứ gửi ngân hàng là chắc nhất vì lúc đó lãi suất gửi ngân hàng luôn là 2 con số.
Năm 2018 và 2019, những người quan tâm tới kinh tế bắt đầu lo lắng tới chu kỳ khủng hoảng 10 năm ( 1997-2008-2019). Tới cuối 2019 mọi thứ vẫn rất tốt đẹp, ai cũng hy vọng rằng chúng ta đã phá vỡ chu kỳ khủng hoảng, lại tiếp tục 10 năm tăng trưởng và phải tới 2030 mới bắt đầu nên lo lắng.
Rồi đùng một cái, khi phần lớn Châu Á còn đang trong kỳ nghỉ theo năm âm lịch thì một cái trời ơi đất hỡi đã xảy ra mang tên gọi Corona. Nó không xuất hiện mạnh mẽ như vụ khủng bố 11/9/2001 mà nhen nhóm từ từ rồi sau đó lớn dần. Người ta không còn đoán được lúc nào cái sự kiện này sẽ kết thúc và thôi ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới.
Nó xảy ra khi người dân TQ còn nghỉ tết; các nhà máy lúc đó vẫn còn đang nghỉ nên không ảnh hưởng gì. Từ chuỗi cung ứng toàn cầu tới người dân đều đã chuẩn bị hàng trong kho và thịt trong tủ lạnh phục vụ cho những ngày nghỉ tết (đã được biết trước đó từ rất lâu). Và giờ đáng nhẽ mọi thứ phải khởi động trở lại sau kỳ nghỉ thì nó bị dừng lại. Nghỉ thêm ngày nào thì Kinh tế TQ nói riêng và các nước khác nói chung thiệt hại ngày đấy.
Điểm khác biệt với vụ 11/9 là sự kiện này không biết bao giờ sẽ kết thúc. Không ai đoán được là bao giờ số vụ chết và nhiễm mới sẽ giảm xuống. Rồi sau đó thì người dân mất bao lâu để quay lại thói quen cũ. Mất bao lâu để lấy lại niềm tin giữa người với người, bao lâu để người ta dám tới chỗ đông người, tóm lại bao lâu để người ta quay lại mức chi tiêu ban đầu. Nếu người dân hạn chế chi tiêu thì các nhà máy cho tới người nông dân sẽ không cần sản xuất nữa.
Mỗi người dân chúng ta chỉ mới cảm nhận ở mức độ ảnh hưởng ở đầu chi tiêu. Chúng ta hạn chế du lịch, hạn chế đi xem phim, đi siêu thị, đi quán ăn ngoài. Chúng ta mua nhiều mỳ tôm hơn, nhiều khẩu trang hơn. Tóm lại giảm chi tiêu; dù sao cũng có lợi cho tiết kiệm gia đình. Ảnh hưởng tới thu nhập chưa có nhiều do tháng giêng là tháng ăn chơi, thường chúng ta sẽ làm cầm chừng tới hết tháng, cho hết không khí tết. Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy mức tác động tới thu nhập tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của sự kiện này tới doanh nghiệp mà họ làm.
Hiện một nhóm chuyên gia đã đưa ra kịch bản có khả năng nhất đó là mọi thứ bắt đầu hồi phục từ kết thúc tháng 4. (gần 3 tháng nữa). Mức tác động tới GDP là 0,83%. ( so với mục tiêu được QH phê duyệt là 6,8%).
Kịch bản tích cực hơn là ngay trong tháng 3 mọi thứ đã bắt đầu khôi phục lại khi mà số người chết sẽ giảm xuống. Hiểu đơn giản là số người nhiễm bệnh “có thể chết” đã chết và số người nhiễm mới được kịp thời cứu chữa thì số người chết mới sẽ giảm đi.
Kịch bản tiêu cực hơn là số người chết và nhiễm mới vẫn cứ tăng tới tận tháng 4 không giảm. Nguyên nhân cũng bởi vì hiện rất nhiều người đã nhiễm không được xét nghiệm để bổ sung vào con số nhiễm nCov. Khi họ bị bỏ rơi điều trị, họ sẽ làm gia tăng số người chết trong tương lai cũng như lây thêm cho nhiều người. Lúc này rất khó có thể biết chắc được bao giờ nó quay đầu vì nó nằm ngoài vùng kiểm soát của chúng ta. Mặt khác tại thời điểm đó giống như thú nuôi bị bỏ đói quá lâu, các doanh nghiệp sẽ kiệt quệ, người dân giảm thu nhập và ngày càng sợ hãi.
Thời gian càng kéo dài thì áp lực hoàn thành mục tiêu năm càng lớn; trước đây chúng ta có 12 tháng để hoàn thành công việc thì nay rút ngắn lại chỉ còn 6 tháng hoặc ít hơn. Hậu quả không những ảnh hưởng tới kinh tế 2020 mà còn gần như chắc chắn kinh tế thế giới bước vào suy thoái; chỉ lệch so với chu kỳ 10 năm có 1 năm. Hãy tưởng tượng một cái cối xay đang chạy chậm dần, phải cần bao nhiêu lực tác động vào để quay trở lại như cũ hay là nó cứ chạy chậm dần.
Sự kiện nCoV hay với cái tên Covid-19 là một sự kiện Thiên nga đen, sự kiện cực kỳ hiếm xảy ra và không thể dự báo trước. Chỉ có người biết trước biết sau chứ không ai giữa năm 2019 có thể dự đoán được. Nếu dự đoán được trước thì chắc sẽ nhiều người giàu lắm. Nó khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ, các nhà kinh tế lão luyện chỉ cần nhìn các chỉ số của thị trường chứng khoán, của GDP, lạm phát, tình hình lao động là có thể dự đoán được từ xa.
Nói chung đây là sự kiện vô cùng tệ đối với tất cả chúng ta; cả chủ doanh nghiệp lẫn người lao động và cả các chính trị gia.
Gửi anh Dũng,
Em chào anh. Em là một sinh viên đại học năm 3. Anh có thể chia sẻ, phân tích thêm những khó khăn cũng như cơ hội mở ra sau dịch Covid-19 này không ạ? Liệu dịch này có dẫn đến một cuộc suy thoái sâu và cuộc suy thoái này theo anh mức độ nghiêm trọng như thế nào?
Nếu có thời gian, em rất mong anh có thể chia sẻ kiến thức và những dự đoán của anh về một cuộc suy thoái cũng như những cơ hội mà nó mang lại!
Em cảm ơn anh.
Lâm