Thông minh tài chính (P11 : Mô hình cung cầu trong thực tế)

0
17389
4.9/5 - (17 votes)

Các tài sản nói chung như vàng bạc, nhà cửa, dầu mỏ, cao su, tiền gửi ngân hàng, doanh nghiệp,….đều được vận hành bởi Cung – Cầu vì vậy hiểu về mô hình này sẽ giúp bạn không ít trong các entry về sau. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều hiểu giá một thứ nào đó được quyết định bởi cung cầu nhưng hiểu sâu thì không đơn giản.

Entry này sẽ trình bày dưới góc độ bình dân đại chúng, nếu bạn thích chuyên sâu thì đã có hẳn một chuỗi bài viết về Kinh tế học để mà ngâm cứu.

Mô hình cung cầu được tạo bởi đường cầu và đường cung.

Đường cầu

Chúng ta ai cũng là người tiêu dùng, không hàng hóa này thì là hàng hóa khác vì vậy tìm hiểu đường cầu sẽ rất dễ hiểu.

Trên trục tọa độ có trục tung là giá và trục hoành là sản lượng (số lượng). Nguyên tắc khi giá giảm thì người ta mua nhiều hơn vì vậy đường cầu dốc xuống.

Ví dụ: Khi bút có giá 10.000 đ bạn sẽ mua 6 cái; khi giá giảm xuống còn 8.000đ bạn có thể tăng số mua lên thành 8 cái; khi giá giảm tiếp xuống còn 6.000 đ thì bạn có thể mua tới 13 cái.

Nó cũng giống như giá thịt lợn. Khi giá thịt lợn tăng cao bạn có thể mua ít đi cho mỗi bữa ăn, khi giá giảm xuống bạn có thể cân nhắc mua thêm một ít cho con trẻ ở nhà ăn được thoải mái hơn. Nguyên nhân một phần vì chúng ta định vị trong đầu một khoàn tiền dành cho một mục nào đó. Ví dụ như “Cho tôi 10.000 đồng cà muối”, người tiêu dùng không quan tâm lắm tới giá mỗi quả cả mà chỉ quan tâm họ sẽ dành 10.000 đồng cho việc đó.

Khái niệm cầu

Lượng cầu: là số lượng hàng hóa/dịch vụ mà người mua muốn và có khả năng mua tại mức giá cho trước trong một thời gian nhất định. Trong ví dụ trên: Lượng cầu tại mức giá 10.000 đồng là 6 cái, lượng cầu tại mức giá 8000 đ/cái là 8 cái.

Đường Cầu: là số lượng hàng hóa/dịch vụ mà người mua muốn và có khả năng mua tại các mức giá khác nhau trong một thời gian nhất định. Tập hợp các lượng cầu sẽ thành đường cầu

Hàm cầu : Thực tế hàm cầu chắc chắn phải là đường phi tuyến tính chứ không thể là đường thẳng tuyến tính như trên nhưng trong kinh tế học để đơn giản hóa người ta thường dùng như vậy. Hàm của nó là y = -a.x + b -> P = -a.Q + c ( Trong đó P là giá và Q là sản lượng)

Nếu bạn là một người bán hàng, một doanh nghiệp đang bán một mặt hàng A nào đó thì bạn sẽ phải quan tâm tới đường cầu của hàng hóa A đó. Quyết định bán ở mức giá nào để có lợi nhuận tối đa.

Các hàng hóa trên thị trường đều bán hàng dựa trên đường cầu.

Ví dụ định giá bán Iphone: 

  • Khi Iphone mới ra Apple sẽ bán ở giá tối đa, giả sử là 25 triệu đồng/cái. Sản lượng bán sẽ tăng dần sau đó sẽ giảm dần. Chu kỳ tới đỉnh rồi giảm có thể kéo dài trong 1 tới 2 tháng. Nguyên nhân vì số người “có khả năng mua” sẽ giảm dần khiến cho sản lượng bán mỗi ngày giảm dần.
  • Khi sản lượng giảm tới mức nào đó họ sẽ giảm giá bán xuống còn 23 triệu đồng/cái. Lúc này số người “có khả năng mua” tăng lên khiến cho sản lượng bán ra lại tiếp tục tăng. Sau khi tới điểm tối đa sản lượng lại giảm xuống.
  • Khi sản lượng giảm tới mức nào đó thì Apple lại tiếp tục giảm xuống 21 triệu đồng/cái. Và sản lượng lại tăng lên, rồi lại giảm. Họ cứ làm như vậy cho tới khi giá giảm tới mức gần điểm tối thiểu mà họ đã định trước. Họ sẽ không lập tức bán ngay tại điểm 21 triệu vì nếu thế họ sẽ bị thiết 4tr/cái đối với những người sẵn sàng bỏ ra 25tr để mua.

Hành vi của người tiêu dùng tương đối giống nhau ở tất cả các lần ra Iphone mới vì vậy dần dần Apple có thể khôn khéo vừa tối đa hóa giá bán vừa khiến cho áp lực sản xuất không quá căng.

Các sản phẩm/dịch vụ khi mới ra thị trường thường có khuyến mại giảm giá. Họ không định giá 8 đồng mà định giá 10 đồng nhưng sau đó giảm 20% cho khuyến mại. Khi số người “muốn dùng” tăng lên thì họ tăng giá lên về mức định giá ban đầu 10 đồng. Trong quá trình vận hành họ phải thường xuyên quảng cáo, PR nhằm tăng số người “biết” từ đó tăng số người “muốn” để bù đắp cho những người rời bỏ sản phẩm do họ không còn “muốn” hoặc không đủ “khả năng” mua nữa. Nói chung các sản phẩm khác nhau thì có các phương thức định giá khác nhau.

Đường Cung

Khi giá tăng thì bên bán muốn bán được nhiều hàng hóa hơn vì vậy giá và sản lượng tỷ lệ thuận với nhau, biểu thị bởi một đường dốc lên.

Khi mớ rau muống tăng từ 10.000 đ lên 15.000 đ thì bà bán rau sẽ có xu hướng hái nhiều rau ngoài vườn đem đi bán hơn. Hoặc giống như thịt lợn, khi giá thịt lợn tăng thì người ta thi nhau nuôi lợn, khi giá thị lợn giảm thì người ta lại không còn hứng thú nữa, thậm chí dừng hẳn việc nuôi lợn vì chi phí sản xuất cao hơn cả giá thành.

Khác với bên cầu, bên cung luôn có độ trễ từ lúc quyết định tới lúc thực hiện. Khi cầm tiền trong tay bạn có thể quyết định ngay lập tức việc tăng hay giảm mua. Nhưng khi bạn sản xuất một cái gì đó thì từ lúc quyết định việc tăng sản lượng tới khi có sản lượng thực sự lại là một quãng thời gian. Dù gì rau không thể mọc ngay lập tức, lợn cũng phải cần một thời gian để lớn. Đôi khi tới lúc bạn sẵn sàng sản lượng để bán thì giá đã thay đổi so với lúc quyết định rồi.

Đối với những tài sản mang tính nắm giữ kiểu như vàng bạc, nhà đất, chứng khoán,… thì cả bên cung và bên cầu đều không có độ trễ từ lúc quyết định tới lúc có thể thực hiện; chỉ có lĩnh vực sản xuất mới có độ trễ.

Khái niệm cung

Lượng cung: là số lượng hàng hóa/dịch vụ mà người bán muốn và có khả năng bán tại mức giá cho trước trong một thời gian nhất định.

Đường Cung: là số lượng hàng hóa/dịch vụ mà người bán muốn và có khả năng bán tại các mức giá khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định.

Hàm cung: y = a.x + b hay P=a.Q + b. Hàm cung đương nhiên cũng không thể là đường thẳng tuyến tính đẹp đẽ; nó sẽ là một đường phi tuyến. Thông thường bên cung là bên tạo ra sản phẩm/dịch vụ có thể tính toán được cho mình theo kiểu lấy mẫu, ví dụ với những giá bao nhiêu thì mình có thể sẵn sàng bán được bao nhiêu (còn bán được không lại phải phụ thuộc vào bên cầu nhé).

Trong cả hai khái niệm Cung, Cầu trên bạn phải nhớ trong đầu cụm từ “muốn” và “có khả năng”

“Muốn” là yếu tố thuộc về thái độ còn “Có khả năng” lại thuộc về năng lực. “có khả năng” nhưng “không muốn” thì không mua mà “Muốn” nhưng “Không có khả năng” thì cũng không mua. Tương tự như đối với bên bán, bạn có thể rất muốn bán lợn, có sẵn lợn trong chuồng nhưng không thể bán được vì giá quá thấp.

Khái niệm thất nghiệp cũng thế. Người thất nghiệp là người “muốn” có việc làm nhưng lại không tìm được việc. Còn một người đang không có việc làm nhưng không muốn có việc làm thì không thể gọi là thất nghiệp.

Mô hình Cung – Cầu

Mô hình cung cầu là sự kết hợp của đường cung và đường cầu của một loại hàng hóa nào đó. Điểm giao của nó là sản lượng cân bằng và giá cân bằng.

Điểm cắt nhau này không có nghĩa rằng trên toàn bộ thị trường mọi người đều bán đúng bằng giá đó mà là dao động quanh giá cân bằng đó. Đối với thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì nó sẽ luôn là điểm cân bằng vì người bán không muốn bán thấp hơn cân bằng và người mua không muốn mua cao hơn cân bằng vì vậy họ gặp nhau ở cân bằng.

Nếu giá cân bằng đó nằm thấp hơn giá sản xuất giống như thịt lợn vừa rồi thì tự những người bên cung sẽ phải giảm sản lượng khiến cho giá tăng. Trên đồ thị điều gì diễn ra lúc này?

Do bên cung giảm sản lượng vì lý do mỗi người bên cung giảm số sản xuất hoặc/và những người bên cung đóng cửa, phá sản nên đường cung dịch trái.

Đường cung dịch sang trái trong khi đường cầu giữ nguyên dẫn tới việc giá thịt lợn tăng lên nhưng số lượng bán được ít đi.

Thông thường bên cầu cũng sẽ phản ứng lại nếu như họ bất mãn với giá mới; một số người bên cầu chuyển sang tiêu thụ thịt bò hoặc chuyển sang ăn chay. Điều này khiến cho đường cầu cũng dịch trái. Đường cầu dịch trái cắt đường cung dịch trái trước đó, giá giảm xuống và sản lượng cũng giảm xuống. Hai bên cung cầu có thể đấu tranh với nhau một thời gian cho tới khi hai bên gặp nhau ở điểm cân bằng mà bên cung cảm thấy sống được và bên cầu cảm thấy thoải mái. Nguyên tắc chính phủ không cần can thiệp gì tới thị trường lợn, thị trường sẽ tự động điều chỉnh theo đúng nguyên lý bàn tay vô hình.

Đó chính là sức mạnh của kinh tế thị trường nơi lực cung và lực cầu tự đấu tranh nhau và cân bằng ở điểm tối ưu.

 

Trong một số tình huống nhằm đảm bảo mục đích an sinh xã hội, giảm bất bình đẳng,… chính phủ phải đưa ra giá sàn ví dụ như lương tối thiểu hoặc áp ra trần ví dụ như giá xăng. Tham khảo cách chính phủ kiểm soát giá tại entry sau:

Kinh tế học (P6: Kiểm soát giá)

Mô hình cung cầu áp dụng cho mọi hàng hóa và dịch vụ. Nếu đủ độ máu bạn có thể tham khảo mô hình cung cầu ở một số thị trường phía dưới. Nguyên tắc bạn đọc càng nhiều xung quanh một khái niệm nào đó bạn sẽ càng hiểu sâu hơn về khái niệm đó.

Cung cầu trên thị trường  lao động

Kinh tế học (P25: Thị trường lao động P1)

Kinh tế học (P26: Thị trường lao động P2)

Cung cầu tiền trên thị trường tài chính: Cung cầu tiền

Tài chính và Tiền tệ (P3: Cung cầu tiền)

Cung cầu trên thị trường vốn

Tài chính và tiền tệ (P2: Cung cầu vốn)

Tổng cung tổng cầu trong nền kinh tế

Kinh tế học (P8: Mô hình tổng cung – tổng cầu)

Nếu bạn thấy mọi thứ quá phức tạp thì có thể đọc trong entry tổng hợp sau:

Kinh tế học (P30: Các mô hình trong Kinh tế vĩ mô)

Hiểu sâu về cung cầu sẽ giúp bạn hiểu dễ dàng hơn kiến thức trong entry sau. Nếu bạn thích chuyên sâu về cung cầu, hiểu khi nào đường cầu dịch trái phải, khi nào thì nó di chuyển trên đường cầu thì tìm hiểu entry sau:

Kinh tế học (P3: Cung cầu)

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here