4.9/5 - (7 votes)

Trong entry này và entry sau tôi sẽ lấy ví dụ về đọc báo cáo tài chính của một công ty để ôn lại các bài từ 12.1 tới 12.8. Về lý thuyết bạn có thể đọc loạt entry ngắn gọn này thay vì đọc 8 entry kia.

Đọc một báo cáo tài chính quý, năm của một công ty nhằm xác định hiệu quả kinh doanh của công ty trong kỳ và sự phát triển bền vững của công ty đó trong tương lai. Hai yếu tố này so sánh dựa trên chính bản thân công ty đó với trung bình ngành hoặc đối thủ cạnh tranh.

Tìm ra trung bình ngành thường sẽ phải thông qua các báo cáo của các công ty chuyên về số liệu, muốn có phải mua. Ta có thể đi tắt bằng cách tìm ra công ty trung bình trong ngành, công ty tốt nhất trong ngành. Tìm ra hai công ty này không khó, chỉ cần nhìn quy mô doanh số là có thể tạm định vị được. Tìm được rồi thì phải có được báo cáo tài chính của công ty đó để so sánh.

Trong entry này và entry sau tôi sẽ phân tích tập đoàn hoa sen, lấy tập đoàn Hòa phát là cơ sở so sánh. Hai công ty có lĩnh vực kinh doanh chính là các sản phẩm thép, cũng là đối thủ chính của nhau trong đó Hòa phát là công ty đi đầu (thứ nhất) và Hoa Sen là công ty thách thức (thứ hai).

Báo cáo tài chính tới 30/6/2017 của hai công ty:

Tập đoàn Hoa Sen: HSG_17Q3_BCTC_HN

Tập đoàn Hòa Phát: HPG_17Q2_BCTC_HNSX

Năm tài chính của Hòa phát tính từ 1/1/2017 trong khi của Hoa sen lại tính từ 1/10/2016. Như vậy tính tới thời điểm 30/6/2017 thì báo cáo của Hòa Phát là quý II trong khi Hoa Sen là quý III. Một công ty tích lũy 9 tháng và một công ty tích lũy 6 tháng nên ta không thể so sánh trên giá trị tuyệt đối mà phải trên giá trị tương đối.

Lĩnh vực kinh doanh chính của Hoa Sen là thép còn Hòa phát lại đa dạng hơn, bao gồm bất động sản, đồ nội thất,…Vì vậy khi so sánh với nhau cũng sẽ có sự khập khiễng các chỉ số. Tuy nhiên Hoa Sen là đối tượng chính còn Hòa phát chỉ là để làm nền nên ta không quan tâm tới vấn đề này.

File excel của báo cáo tài chính, phục vụ cho entry này : Hoa phat va hoa sen

Mục lục:

1.Tỷ lệ lợi nhuận gộp

Tỷ lệ lợi nhuận gộp = (Doanh thu thuần – Giá vốn hàng bán)/Doanh thu thuần

Lợi nhuận gộp có mã 20 trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. So với cùng kỳ năm trước tỷ lệ lợi nhuận gộp của Hoa Sen giảm 5%.

Tỷ lệ lợi nhuận gộp được hình thành từ giá bán ra và giá sản xuất lên hàng hóa thành phẩm. Tỷ lệ lợi nhuận gộp giảm có thể do giá bán giảm hoặc giá vốn hàng bán tăng hoặc cả hai.

Doanh số Hoa Sen tăng trưởng 49% so với cùng kỳ. Điều này có thể mang lại các gợi ý:

  • Hoa sen có thể đã giảm giá bán để có thể bán được nhiều hàng hơn nhờ vậy doanh số cao hơn.
  • Số lượng phải sản xuất vượt quá năng lực nên giá vốn hàng bán tăng. Vì chi phí cố định ít biến động nên khi quy mô tăng thì giá vốn hàng bán đáng nhẽ phải giảm.
  • Chi phí nguyên vật liệu, nhân công,… trong kỳ tăng dẫn tới giá vốn hàng bán tăng.

So với đối thủ, Hòa phát cũng giảm tỷ lệ lợi nhuận gộp từ 26% xuống 22%, giảm 4% so với cùng kỳ. Mức giảm gần tương tự như Hoa Sen. Điều này cho ta một gợi ý rằng sự giảm này là vấn đề chung của ngành mà không phải do trong nội tại Hoa Sen.

Lợi nhuận gộp của Hòa Phát đang cao hơn 5% so với Hoa Sen. Có thể có các lý do sau:

  • Hòa Phát bán giá cao hơn so với Hoa Sen ở cùng một loại sản phẩm.
  • Giá vốn hàng bán của Hòa Phát đang thấp hơn Hoa Sen.

Sự “hơn” này có nhiều nguyên nhân. Giống như tại sao bạn lại mua Iphone 8 thay vì Samsung Note 8 trong khi giá Iphone 8 đắt hơn nhiều.

Nhìn báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Hoa Sen. Doanh thu thuần của Hoa sen tăng 6.311 tỷ tương ứng 49%, giá vốn hàng bán tăng 5.878 tỷ tương ứng với 59%. Tỷ lệ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn so với tỷ lệ tăng của doanh thu dẫn tới tỷ lệ lợi nhuận gộp giảm. Như vậy nguyên nhân chủ yếu nằm ở giá vốn hàng bán của Hoa Sen tăng.

Nhìn sang Hòa Phát, Hòa phát cũng có tỷ lệ tăng giá vốn hàng bán 45%. Như vậy có thể kết luận mặc dù giá sắt thép có xu hướng tăng trong giai đoạn đó nhưng giá nguyên vật liệu cũng tăng theo.

Doanh thu của cả hai công ty đều tăng trường trên 30% thể hiện giai đoạn bùng nổ các công trình xây dựng.

2. Lợi nhuận trên doanh thu ( ROS-Return of Sales)

Lợi nhuận sau thuế, mục 60 trong Báo cáo kết quả hoạt động KD, là lợi nhuận gộp trừ đi tất cả các chi phí, bao gồm:

  • Chi phí bán hàng
  • Chi phí quản lý doanh nghiệp
  • Chi phí tài chính
  • Chi phí khác
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp

ROS = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần

ROA của Hoa sen là 6%, giảm 2% so với cùng kỳ. So với tỷ lệ của Hòa phát thì thật đáng mơ ước, kỳ này 17%, kỳ trước là 20%. Tỷ lệ của Hòa phát cũng giảm nhưng luôn luôn có độ chênh lệch 10%. Cứ mỗi một 100 đồng doanh thu bán ra Hòa Phát được hơn 10 đồng so với Hoa Sen.

Chúng ta phân tích cơ cấu chi phí trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh xem thế nào:

Các chỉ số chi phí của Bảo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cho thấy chi phí tài chính của Hoa sen tăng tới 138%. Tỷ lệ tăng hơn nhiều so với con số tăng doanh thu 49%. Cứ mỗi 1% tăng doanh số Hoa sen phải trả giá bằng 3% tăng của chi phí tài chính. Ta sẽ phân tích nợ của Hoa Sen trong phần phát triển bền vững.

Chi phí bán hàng tăng 41%, tương ứng với doanh thu tăng 49%; cơ bản là chấp nhận được. Hàng bán nhiều hơn thì chi phí vận chuyển hơn, chi phí lắp đặt bảo hành hơn là đương nhiên.

Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7% trong khi doanh thu tăng 49% là một con số khích lệ. Chi phí quản lý bao gồm tiền lương trả cho người lao động, văn phòng phẩm, chi phí thuê văn phòng,….Chi phí này giảm trong khi doanh thu tăng là tín hiệu tốt.

So sánh với Hòa Phát, Hòa phát cũng có tăng giảm tương tự nhưng ở mức tốt hơn. Điều này cho thấy dưới góc độ chi phí, Hòa Phát cũng đang làm tốt hơn. Những tiến bộ của Hoa Sen có thể do xuất phát từ sự thay đổi chung của ngành giống như nước nổi thuyển nổi mà không thực sự xuất phát từ nội tại Doanh nghiệp.

Quản trị chiến lược (P12: Lợi thế cạnh tranh)

3. Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE – Return on Equity)

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thể hiện khả năng kiếm tiền trên mỗi đồng vốn bỏ ra.

ROE = Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu

Vốn chủ sở hữu có mã 411 trong Bảng cân đối kế toán. Lợi nhuận sau thuế có mã 60 trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Nói tới ROE ta không còn quan tâm tới doanh thu nữa. ROE của Hoa Sen giảm từ 53% xuống còn 32%. Mức sụt giảm này do lợi nhuận sau thuế tăng ít hơn so với mức tăng của vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu tăng 78% so với cùng kỳ trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ tăng có 8%.

So với Hòa Phát, Hòa Phát có ROE từ 36% xuống còn 27%. Vốn chủ sở tăng 50% trong hi lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 14%. Khoảng cách ROE giữa hai công ty đang thu ngắn lại. Từ chênh lệch 19% xuống còn 5%. Thật đáng buồn cho Hoa Sen hoặc chỉ đơn giản Hoa Sen đã chuyển lợi nhuận vào kỳ trước để kỳ này có sự sụt giảm lớn.

4. Lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu ( EPS- Earning per Share)

Bằng Lợi nhuận thuần / tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Ta có thể tính tổng số cổ phiếu đang lưu hành bằng cách lấy “Vốn góp của chủ sở hữu” mục 411 trong bảng cân đối kế toán chia cho 10.000 đồng, là mệnh giá cố định của mỗi cổ phiếu.

Tại sao chỉ số lợi nhuận trên cổ phiếu lại quan trọng hơn nhiều so với chỉ số ROE? Vì lãi suất cho một khoản vay có thể đặt ở mục chi phí tài chính, trước lợi nhuận sau thuế hoặc cũng có thể đặt trong chi phí cơ hội của vốn chủ sở hữu.

Hoa Sen đang có hơn 349 triệu cổ phiếu lưu hành trong khi Hòa Phát đang có hơn 1,2 tỷ cổ phiếu. Số tiền kiếm được trên mỗi cổ phiếu Hoa sen là 3.221 đồng trong khi của Hòa Phát thấp hơn là 2.748 đồng. Tuy nhiên, thật đáng tiếc là ở chỉ số này Hoa sen cũng có mức giảm cao hơn nhiều so với mức giảm của Hòa Phát.

5. Chỉ số P/E  ( Price/Eps)

P/E = Giá cổ phiếu/ Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu EPS. Đại loại ta hiểu đơn giản là số năm cần thiết để 1 đồng tiền bạn bỏ vào tăng thành 2 đồng.

Ví dụ với lãi suất 6% thì bạn cần 12 năm để tăng gấp đôi số tiền tiết kiệm gửi ngân hàng với điều kiện không được rút lãi và Ngân hàng không thay đổi lãi suất.

Chỉ số P/E của Hoa Sen là 8,5, của Hòa phát là 13.8. Mức giảm so với cùng ký gần giống nhau do giá cổ phiếu Hòa Phát giảm trong khi giá cổ phiếu Hoa Sen lại tăng.

Chỉ số P/E bao nhiêu là tốt ? Tất nhiên P/E càng thấp càng tốt, nhưng bao nhiêu là đáng báo động. P/E của Apple, một công ty ai cũng biết tới đang có P/E là 17,8. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng lãi suất ngân hàng của đồng đô la chỉ hơn 1%, trong khi lãi suất ngân hàng của VNĐ đang là 6%. Ngoài ra cũng còn nhiều yếu tố khác nữa vì vậy P/E thế nào là mức không thể chấp nhận rất khó xác định.

6. Giá trị sổ sách trên cổ phiếu,

Giá trị sổ sách = Tổng tài sản – Tổng nợ.

Giống như việc lấy toàn bộ tài sản bạn đang có trừ đi tổng nợ bạn sẽ có tài sản ròng, là tài sản trên sổ sách của bạn.

Lấy giá trị sổ sách chia cho tổng số cổ phiếu đang phát hành ta có giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu. Chỉ số này thể hiện giá trị thực của mỗi cổ phiếu tại thời điểm được tính.

Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của Hoa sen đang là 14.217 đ trong khi giá trị trao đổi trên thị trường đang là 27.450 đồng, chỉ bằng một nửa. Điều này cũng giống như việc bán tài khoản tiết kiệm của bạn có 14.217 đồng trong đó với giá 27.450 đồng. Bạn có mua không? chắc không vì bạn phải bỏ ra 27.450 đồng trong khi chỉ được nhận 14.217 đ.

Nhìn sang Hòa phát cũng tương tự, giá trị sổ sách của Hòa phát trên mỗi cổ phiếu lớn hơn nhưng cũng chỉ bằng một nửa giá trị trao đổi trên thị trường. Tại sao lại tồn tại sự bất hợp lý này? Phải chăng nếu giá trị mỗi cổ phiếu trên sổ sách lớn hơn giá trị trao đổi thì giá trị trao đổi của cổ phiếu sẽ có xu hướng tăng tiệm cận với giá trị sổ sách và ngược lại?

Câu trả lời là không, vì tổng tài sản không được tính đúng theo thực tế mà theo quy định của nghiệp vụ kế toán. Lấy ví dụ như khấu hao tài sải cố định…Có nhiều tài sản hết khấu hao nhưng vẫn dùng tốt thậm chí còn tăng giá hơn lúc mới mua. Giá trị thương hiệu cũng không được tính tới, Giá trị thương hiệu của Hòa phát chắc hơn Hoa Sen nhưng hơn bao nhiêu thì không được định giá trên Bảng cân đối kế toán.

7. Vốn hóa thị trường

Giá trị vốn hóa thị trường của Apple đã đạt hơn 800 tỷ USD ( bằng 4 lần GDP của việt Nam). Con số này được tính bằng tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành nhân với giá đóng cửa của cổ phiếu đó trên thị trường chứng khoán.

Vì giá cổ phiếu biến động tăng giảm theo ngày nên giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp cũng tăng giảm theo ngày.

Tài sản của ông Vượng Vingroup, ông Quyết FLC,,.. là tính trên tổng lượng cổ phiếu ông ta nắm giữ nhân với giá cổ phiếu. Chính vì vậy thỉnh thoảng ta vẫn nghe nói ông này đang đứng đầu, hôm sau lại thấy có ông khác đã chiếm ngôi đầu bàng. Những người giàu nhất thế giới nắm cổ phần một hoặc một vài công ty nào đó, giá trị tài sản của họ tăng giảm theo ngày căn vào giá cổ phiếu nên ta cũng hay nghe ông này ông kia chiếm ngôi nhất thế giới của Bin Gates.

Comments

comments

6 COMMENTS

  1. Dear chú,
    Cháu thấy chỗ lợi nhuận trên doanh thu là ROS nhưng sao trong bảng lại ghi ROA ạ

  2. Chào anh,
    Theo em được biết thì vốn điều lệ = 10000 * tổng số lượng cổ phiếu
    còn vốn chủ sở hữu lại là tổng của vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần, lợi nhuận chưa phân phối…
    Trong bảng có ghi vốn chủ sở hữu gấp 10000 lần số cổ phiếu.
    Có nhầm lẫn gì ở đây không ạ. Mong giải đáp của anh.

  3. Chào anh,
    Việc so sánh giá sổ sách và thị giá thì có thể rút ra được điều gì ah?
    Nếu Giá sổ sách lớn hơn thị giá và ngược lại thì sao…

    Và có nên chọn 1 CP có thị giá đang thấp hơn giá trị sổ sách hay không?
    Mong giải đáp của anh,
    Thanks

    • Dear em;
      Thực tế trên thị trường chứng khoán có rất nhiều các công ty có giá trị sổ sách lớn hơn thị giá và ngược lại. Giá trị sổ sách chỉ có ý nghía khi bán công ty đi còn khi nó đang hoạt động thì thực sự không mang nhiều ý nghĩa. Và không thể dùng nó để quyết định là mua cổ phiếu của công ty có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách với kỳ vọng rằng tương lai nó sẽ tăng tới giá trị sổ sách.
      Nguyên nhân vì không phải tài sản nào cũng sinh ra tiền; và không phải tài sản nào cũng được định giá đúng nhất là ở Việt Nam.
      anh VD

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here