Trong entry đầu tiên tôi liệt kê các chỉ số về hiệu quả kinh doanh của một DN. Chúng ta thấy như vậy là chưa đủ, bằng thủ thuật kế toán, một DN có thể biến từ lỗ thành lãi, từ lãi thành lỗ. Lấy ví dụ như DN có một mớ hàng tồn trong kho bán chẳng ai mua nhưng họ lại định giá ở trên trời. Hoặc một khoản nợ không thể đòi được ghi ở trên báo cáo trở thành một khoản lợi nhuận ma.
Do vậy nếu chỉ quan tâm tới các chỉ số hiệu quả như ROA, ROE, EPS,.. của một kỳ báo cáo thì chưa đủ, chúng ta phải nghiên cứu cả các chỉ số thể hiện tính bền vững cũng như xét doanh nghiệp trong cả một giai đoạn dài, nhiều năm.
Entry này sẽ giúp bạn trả lời Làm sao biết được doanh nghiệp A có đang phát triển bền vững không ngay cả khi bạn không nằm trong ban giám đốc của công ty.
- Một DN đang trong ngành đang tăng trưởng
Tôi nhớ cách đây khoảng 7 năm gì đó, FPT xin được giấy phép để đi dây điện thoại cố định, nhưng sau đó không thấy triển khai. Nếu FPT triển khai thì có thể thấy thảm cảnh của họ ngày hôm nay.
Chẳng cần phải có số liệu phân tích, chỉ cần nhìn sự phát triển của công nghệ ta có thể đoán được ngành hay công việc nào sẽ thu hẹp và ngành hay công việc nào sẽ phát triển trong tương lai. Ví dụ:
- Công nghệ truyền dữ liệu không dây càng phát triển thì công nghệ có dây càng thu hẹp. 3G, 4G rồi giờ đây 5G, chẳng mấy người ta sẽ hủy ADSL hay cáp quang tại gia, cũng giống như người ta đã thay điện thoại cố định bằng điện thoại di động.
- Khi việc mua bán, thanh toán online ngày càng thuận lợi thì các cửa hàng ven đường, các cửa hàng điện máy, các phòng giao dịch ngân hàng, các trung tâm thương mại,… sẽ ngày càng ít khách hàng.
- Khi tivi, đường truyền ngày càng phát triển thì người ta càng ít tới rạp chiếu phim.
- Khi xe điện ngày càng rẻ hơn, an toàn hơn, tiết kiệm hơn thì xe ô tô chạy nhiên liệu hóa thạch sẽ ngày càng ít người dùng. Kéo theo các công ty cung cấp, phân phối xăng dầu sẽ ngày càng khó làm ăn.
- Cạnh tranh giữa Grap, UBer và taxi, xe ôm truyền thống. Khi sự gia nhập và thoát khỏi ngành càng thấp thì áp lực cạnh tranh càng cao, giá càng giảm.
- Văn hóa chia sẻ xóa nhòa vấn đề bản quyền. Cách đây 10 năm hiệp hội bản quyền âm nhạc còn kiện các trang như nhạc số, nhạc của tui,…thì nay các nhạc sỹ, ca sỹ thậm chí chen chân nhau để được lên đó…Chẳng phải họ tốt đẹp gì hơn trước kia mà vì giờ xu thế nó thế, chống lại là chết.
Một DN đang ở trong một ngành phù hợp với tương lai thì giống như nước nổi thuyển nổi, cho dù năng lực tự thân kém thì cũng vẫn phát triển được. Ngược lại một DN đang ở trong ngành có xu hướng ngày càng thu hẹp thì cho dù có năng lực thì cũng dần đi xuống.
Ngày nay một DN lớn thường kinh doanh đa ngành. Khi họ phát hiện ra một ngành mới họ sẽ đầu tư vào đó. Ban đầu sẽ chẳng có lợi nhuận gì nhưng tương lai nó sẽ trở thành ngành mang lại lợi nhuận. Do vậy trong quản trị chiến lược mới có khái niệm đơn vị kinh doanh SBU và chiến lược cho mỗi SBU.
Cho dù bạn chỉ là một nhân viên nhỏ bé trong một công ty thì cũng nên quan tâm tới việc này. Khi bạn đang làm một nghề trong một ngành thu hẹp thì bạn sẽ ngày càng khó kiếm việc hơn, mức lương thấp hơn,…Đặc biệt rủi ro khi nghề đó chỉ có ngành đó có.
2. Xem hiệu quả kinh doanh trong nhiều năm
Doanh thu và chi phí có thể dễ dàng chuyển từ quý này sang quý khác nhưng hơi khó chuyển từ năm này qua năm khác. Có rất nhiều cách có lợi nhuận nhưng không bền vững vì vậy năm nay có đột biến nhưng năm sau lại sụt giảm.
Một doanh nghiệp phát triển tốt phải có sự tăng trưởng các chỉ số đều đặn trong nhiều năm, ít nhất phải hơn trung bình ngành:
Phía dưới là kết quả kinh doanh của tập đoàn Hòa Phát qua các năm. Ta thấy doanh thu, lợi nhuận sau thuế đều có sự tăng trưởng mạnh. Ta sẽ lấy Hòa phát làm ví dụ minh họa.
Các chỉ số hiệu quả của Hòa Phát:
Chỉ số P/E là chỉ số quan trọng nhất đối với nhà đầu tư. P/E = 6 ~ 16%/năm. Có nghĩa nếu bạn mua cổ phiếu của Hòa Phát thì lãi suất cho khoản tiền đó là 16%, cao hơn 10% so với gửi tiền ngân hàng. Tuy nhiên khác với ngân hàng, chắc chắn bạn sẽ thu được lãi suất thì DN có thể giữ lại lợi nhuận với lý do tái đấu tư dẫn tới bạn chỉ được hưởng trên danh nghĩa.
P/E giảm thể hiện tốc độ tăng của giá cổ phiếu thấp hơn tốc độ tăng của lợi nhuận trên cổ phiếu EPS.
ROA (Return on Total Asset- Lợi nhuận trên tổng tài sản) thể hiện khả năng kiếm tiền trên tổng tài sản. Chỉ số này của Hòa phát cũng tăng mặc dù thời điểm đó tổng tài sản cũng tăng. Nó thể hiện tốc độ tăng của tổng tài sản thấp hơn tốc độ tăng của lợi nhuận sau thuế.
ROE (Return on Equity – Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) có xu hướng tăng. Nó cũng thể hiện tốc độ tăng của vốn chủ sỡ hữu thấp hơn tốc độ tăng của lợi nhuận sau thuế. Chúng ta chú ý là có DN họ tăng vốn chủ sở hữu nhằm giảm chi phí vay tài chính khiến cho lợi nhuận sau thuế tăng nhưng số tiền trên mỗi cổ phiếu nhận được lại giảm.
ROS (Return on Sales – Lợi nhuận trên doanh thu) có xu hướng tăng, năm 2016 tăng đột biến so với 3 năm trước đó thể hiện công ty có một lợi thế cạnh tranh nào đó hoặc có một sản phẩm nào đó có mức lợi nhuận cao phát sinh năm 2016. Nếu 2017 Hòa phát vẫn giữ được mức ROS trên ngang với 19% thì mới có thể khẳng định chắc chắn đó là lợi thế bền vững.
GOS (Gross on Sales – Lợi nhuận gộp): GOS cũng tăng nhưng mức tăng thấp hơn ROS thể hiện chi phí bán hàng, chi phí tài chính, chi phí quản lý giảm. Muốn biết đây có phải sự giảm bền vững không thì phải đợi báo cáo 2017.
DAR ( Dept Asset Rate – Tổng nợ trên tổng tài sản): Tổng tài sản = Tổng nợ + Nguồn vốn. Nếu DAR = 1 có nghĩa là tổng nợ bằng tổng tài sản, nguồn vốn đã bị ăn mòn hết. DAR của Hòa phát có xu hướng giảm và giữa 2015 với 2016 có sự giảm đột biến.
Câu hỏi ta sẽ phải đặt ra là sự kiện gì xảy ra năm 2016 khiến Hòa Phát có các chỉ số đều tốt hơn một cách đột biến như vậy. Chắc chắn phải có một nguyên nhân nào đó hợp lý, có thể tìm thấy các thông tin công bố giai đoạn đó của DN hoặc trong báo cáo tài chính. Tuy nhiên báo cáo tài chính công bố không phải là bản chi tiết tới mức làm rõ từng khách hàng tạo lên doanh số hàng bán.
So sánh hiệu quả kinh doanh với các công ty trong ngành
Bảng dưới là các công ty lớn trong ngành sản xuất thép. Chúng ta có thể dự đoán được các chỉ số trung bình của ngành như ROA, ROE, EPS..
Thông qua doanh số của công ty ta cũng có thể biết được đâu là công ty đầu ngành, công ty thách thức, công ty ăn theo hay công ty ngách.
Các công ty lớn thường sẽ kinh doanh đa ngành. Họ mở rộng theo chiều rộng hay chiều sâu bằng cách mua bán sát nhập. Các công ty lớn ít khi tự mở một cái gì đó để làm từ đầu vì họ cần nhất là thời gian. Hòa Phát ban đầu làm về bàn ghế nội thất sau đó sản xuất thép rồi đầu tư vào bất động sản.
Hòa Phát cũng mới khởi công dự án gang thép vốn 10.000 tỷ ở Dung Quất năm nay. Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được triển khai trong 24 tháng từ tháng 2/2017, công suất 2 triệu tấn/năm thép dài bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao. Khi đẩy quy mô lên mức lớn hơn nó sẽ khiến các công ty ăn theo, công ty thách thức khó sống hơn bởi bài toán giá.
Tập đoàn Hoa Sen, công ty thách thức, đương nhiên không ngồi yên. Họ cũng có các dự án mở rộng sản xuất như Dự án ống thép Hoa sen Yên bái, Dự án ống thép mạ kẽm nhúng nóng Hoa sen Phú Mỹ, Dự án ống nhưa Hoa Sen Hòa Bình (thâm nhập vào ngành nhựa).. Mặt khác họ theo chiến lược mở rộng về phía kênh phân phối khi tự mình thành lập và làm chủ các đại lý, hiện họ đã có 500 cửa hàng trên cả nước. Và họ cũng có các dự án bất động sản như dự án khách sạn, căn hộ cao cấp Quy Nhơn, Dự án khách sạn ở Yên Bái,…
Hàng ngày sau chương trình thời sự tối có một đoạn quảng cáo nhỏ của hoa sen trong đó Hoa sen bán hàng trực tiếp cho khách hàng cuối. Trước đây khi có nhu cầu bạn phải ra cửa hàng bán, nó thường lại đại lý của rất nhiều hãng khác nhau. Hãng nào cho biên lợi nhuận tốt thì cửa hàng sẽ chèo kéo để KH mua cho bằng được. Nay bạn chỉ cần nhấc máy lên và gọi, hoặc đến trực tiếp đại lý của Hoa sen. Thỉnh thoảng tôi thấy có quảng cáo của thép Nam Kim, thép Việt Ý, Thép Hòa Phát (tài trợ cho chương trình chìa khóa thành công),.nhưng đểu chỉ là quảng cáo sản phẩm thôi, KH muốn mua thì mua qua đại lý.
Công ty cổ phần thép Pomina, một công ty ăn theo, họ chỉ sản xuất thép. Không phải họ không đủ tầm nhìn để thấy rằng phải mở rộng sản xuất, mở rộng kênh phân phối,… mà vì vị thế của họ như vậy họ phải có chiến lược tương ứng với vị thế đó. Nếu họ làm như Hòa Phát hay Hoa Sen thì họ không đủ tiềm lực tài chính, nguồn lực quản trị dẫn tới mất đi cái ngách mà họ đang ở.
Entry sau ta sẽ tới các chỉ số khác:
3. Chất lượng tài sản
4. Dòng tiền
5. Chất lượng nợ
6. Hội đồng quản trị
Quản trị chiến lược (P15: Phân tích chiến lược – Ma trận Mc Kinsey)
Thông minh tài chính (P13-1 : Các chỉ số hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp)