Thông minh tài chính (P12-7 : Bảng cân đối kế toán- Vốn chủ sở hữu)

0
10022
4.2/5 - (4 votes)

Báo cáo tài chính của Vingroup được dùng để làm ví dụ bạn cần phải tải về để hiểu entry này: VIC_17Q2_BCTC_HNSX

Vốn chủ sở hữu + Nợ  = Tài sản. Công thức này luôn đúng trong mọi tình huống, vì vậy người ta mới gọi nó là Bảng cân đối kế toán. Có thể diễn giải đơn giản như sau:

Giả sử khi mở DN bạn góp vốn với một người bạn tạm gọi là DN A. Bạn góp 600 triệu, anh ta góp 400 triệu được tổng 1 tỷ. DN được thành lập với số vốn điều lệ ban đầu 1 tỷ. Với mệnh giá quy định fix cứng mỗi cổ phiếu có giá 10.000 đ thì Bạn nắm giữ 60.000 cổ phiếu, người bạn nắm giữ 40.000 cổ phiếu. Cổ phiếu đó được gọi là cổ phiếu thường.

2 tháng đầu DN A sử dụng vốn chủ sở hữu để mua tài sản dài hạn như máy tính, máy photo, bàn ghế,….Phần tiền thừa được gửi vào trong ngân hàng dưới dạng tiền mặt. Khi chưa thành lập DN các bạn đã phải tính mình sẽ kiếm ra tiền bằng cách nào, tạm gọi là mô hình kinh doanh của mình là gì. Đó là công ty sản xuất hay công ty thương mại, nếu sp kinh doanh là quần áo thì dành cho đối tượng nào, mình sẽ bán ở một địa phương cụ thể hay bán trên cả nước. Nếu mở DN xong rồi, gắn cho nhau chức Giám đốc với phó giám đốc rồi mới ngồi nghĩ tới mô hình kinh doanh thì hơi muộn.

Bạn cần nhớ rằng lập doanh nghiệp thì vô cùng dễ nhưng xóa một doanh nghiệp lại vô cùng khó; khi xóa một DN đòi hỏi nhiều thủ tục trong đó có quyết toán thuế; đừng hứng lên thành lập DN khi mọi thứ còn mờ mờ.

Giả sử mô hình kinh doanh của công ty A là nhập quần áo thời trang từ Hàn Quốc về bán cho giới trẻ ở Hải phòng. DN A liên hệ với nhà cung cấp, ký hợp đồng, đặt cọc một lượng tiền cho hợp đồng, số còn lại mở bảo lãnh thanh toán LC. Lúc này trên bảng cân đối kế toán xuất hiện mục “Trả trước cho người bán ngắn hạn”. 2 tháng sau hàng về tới cảng, DN A thuê một đơn vị làm thủ tục nhập khẩu giúp, đóng thuế VAT, thuế nhập khẩu, vận chuyển về kho. Lúc này trên bảng cân đối kế toán xuất hiện thêm Hàng tồn kho. Hàng tồn kho bằng giá FOB hoặc CIP,.. cộng các thể loại chi phí để tới kho, gọi là nguyên giá của hàng hóa.

Chưa bán được cái áo nào thỉ 1 tỷ vốn chủ sở hữu đã hết. DN A cần bổ sung tiền. Nó làm điều đó bằng hai cách:

  • Vay ngân hàng: vay ngắn hạn hoặc dài hạn. Sử dụng tài sản công ty, hàng tồn,.. làm tài sản thế chấp ngân hàng.
  • Nó bán cổ phiếu ra công chúng; tăng vốn chủ sở hữu, tăng số cổ phiếu trong lưu thông, tăng hoặc giảm mục Thặng dư vốn chủ sở hữu.

Thông thường DN A chọn cách vay tiền ngân hàng vì lúc đó nó còn quá nhỏ, chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên việc tìm người mua cổ phần là khó khăn. Việc vay tiền ngân hàng trong quá trình kinh doanh là không thể tránh khỏi, mục vay dài hạn, vay ngắn hạn trong mục Nguồn vốn sẽ lần lượt xuất hiện.

Ban đầu DN bỏ hàng cho các cửa hàng nhỏ ven đường. Hàng đó có thể để ở cửa hàng, khi bán được thì cửa hàng mới trả DN tiền, đó gọi là hàng ký gửi. Hoặc DN bán luôn cho cửa hàng nhưng cho chịu nợ, xuất hiện thêm Khoản phải thu.

Tóm lại trên Bảng kế toán của một DN bất kỳ sẽ luôn có:

  • Tài sản dài hạn là các tài sản như nhà xưởng, máy móc,.
  • Tài sản ngắn hạn là tiền mặt, hàng tồn,..
  • Nợ ngắn hạn phục vụ cho một hoặc một vài chu kỳ kinh doanh
  • Nợ dài hạn dùng để mua các tài sản dài hạn.
  • Vốn chủ sở hữu

Quay trở lại bảng cân đối kế toán mục Vốn chủ sở hữu. Ban đầu số cổ phiếu mà bạn và anh kia có gọi là “Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết” hay còn gọi là cổ phiếu thường. Bên cạnh cổ phiếu thường thì còn có cổ phiếu ưu đãi. Cổ phiếu ưu đãi cũng như cổ phiếu thường là có quyền chia cổ tức nhưng bị giới hạn ở một số quyền như quyền biểu quyết. Chữ “ưu đãi” ở đây không có nghĩa là người nắm giữ cổ phiếu này được hưởng nhiều quyền lợi hơn cổ phiếu thường mà ít hơn. Cổ phiếu ưu đãi thường được phát hành cho cán bộ công nhân viên để khuyến khích họ làm việc.

Giả sử năm đầu tiên, DN đạt lợi nhuận là 100 triệu tương ứng chỉ số ROE (Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) là 10%. Số tiền này tạo lên mục Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Trong mục này có hai mục, mục tích lũy kỳ trước và mục của kỳ này. Là số lãi của kỳ trước mà hiện DN chưa phân phối cùng với lãi tích lũy được trong kỳ tới thời điểm lập bảng cân đối kế toán.

Các doanh nghiệp đang trên đà phát triển rất khan tiền mặt vì vậy họ thường giữ lại lợi nhuận mà không phân chia cổ tức cho cổ đông. Khi số tiền này để ở mục “lợi nhuận chưa phân phối” trong mục Vốn chủ sở hữu thì cũng có nghĩa rằng trong mục tài sản cũng đang có 100 triệu. (Chú ý khi phân phối lợi nhuận thì cổ đông nhận cổ tức sẽ phải đóng thuế thu nhập cá nhân).

Sau vài năm vận hành, công ty của bạn đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Lúc này cổ phiếu của công ty được nắm giữ bởi rất nhiều người khác nhau. Các cổ đông thành lập lên Hội đồng quản trị là những người nắm giữ số cổ phiếu lớn nhất. Hội đồng quản trị bầu ra chủ tịch hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị cũng thuê một ông Giám đốc điều hành để điều hành doanh nghiệp. Thường thì chủ tịch hội đồng quản trị kiêm luôn giám đốc điều hành tuy nhiên theo quy định mới thì các công ty có niêm yết trên sản chứng khoán chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và Giám đốc điều hành phải là 2 người.

Hội đồng quản trị họp để quyết định với số lợi nhuận có thêm này với các lựa chọn như sau:

  • Chia cổ tức cho cổ đông: Giả sử lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đang là 10% thì cứ mỗi một cổ phiếu sẽ được 1000 đồng (theo mệnh giá 10.000 đ). 1000 đồng này nếu chia cho giá của cổ phiếu thì ra giá trị EPS (Earning per Stock). Chú ý công ty công bố luôn là tỷ lệ % trên mệnh giá chứ không phải % của giá cổ phiếu.
  • Mua cổ phiếu quỹ: Dùng lợi nhuận đó mua một lượng cổ phiếu trên thị trường. Cổ phiếu này để dự trữ giống như một quỹ mà khi cần nó có thể bán đi để thu về tiền, nó giống như lợi nhuận chưa phân phối nhưng tồn tại dưới dạng cổ phiếu. Việc mua này sẽ giảm lượng cổ phiếu lưu thông trên thị trường, lượng cung suy giảm có thể khiến giá cổ phiếu tăng lên.
  • Cổ phiếu quỹ này cũng có thể hủy đi, khi đó tổng lượng cổ phiếu giảm xuống tương ứng trong khi tổng vốn chủ sở hữu không đổi dẫn tới giá trị mỗi cổ phiếu tăng lên. Ví dụ với lợi nhuận ROE 100 triệu đồng, nếu có 1000.000 cổ phiếu thì mỗi cổ phiếu sẽ được 100 đồng nhưng nếu chỉ có 100.000 cổ phiếu thì mỗi cổ phiếu sẽ có 1000 đồng. Nó ngược lại so với việc DN phát hành thêm cổ phiếu

Vin tới thời điểm 30/6/2017 có 52 công ty con. Các công ty này không phải công ty nào Vin cũng năm giữ 100% cổ phần mà chỉ đủ có quyền kiểm soát, có thể tự quyết định vận mệnh công ty con mà không phải hỏi ý kiến các cổ đông khác. Tài sản của công ty con được nhập vào tài sản của công ty mẹ trong bảng cân đối kế toán. Để cân bằng giữa tài sản và nguồn vốn, phía nguồn vốn trong mục vốn chủ sở hữu thêm mục “Lợi ích cổ đông không kiểm soát”.

Mục lợi ích cổ động không kiểm soát bao gồm toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông của các công ty con của Vingroup mà VIN đã không thể mua hết cổ phần của công ty đó.

Nẵm giữ cổ phiếu VIC của VIN sẽ khác với việc nắm giữ một cổ phiếu công ty con của VIN. Khi nắm giữ cổ phiếu công ty con, bạn sẽ ăn cổ tức của công ty đó. Khi nắm giữ cổ phiếu VIC của VIN thì bạn sẽ ăn cổ tức trên lợi nhuận của cả tập đoàn.

Thế còn Thặng dư vốn cổ phần?

Theo quy định của ủy ban chứng khoán Việt Nam, mỗi cổ phiếu đều có mệnh giá cố định là 10.000 đồng, bất kể đó có là cổ phiếu của Vingroup hay cổ phiếu của FLC hay cổ phiếu của một công ty nhỏ xinh nào đó chưa niêm yết trên TTCK.

Trên bảng Vin đang có 26.377.079.540.000 đồng cổ phiếu đã phát hành. Tra tới mục 28.4 ta có số lượng cổ phiếu là 2.637.707.954 cổ phiếu ( tỷ lệ với nhau đúng 10.000)

Mệnh giá của VIC và mọi công ty khác đều là 10.000 đồng nhưng giá trị trao đổi trên thị trường chứng khoán lại khác nhau. Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu VIC có giá tham chiếu 52.000 đồng. Giả sử VIC phát hành ra công chúng 1000 cổ phiếu, nó đương nhiên không bán với giá 10.000đ/cp mà bán với giá gần với giá trên TTCK, ví dụ là 52.000 đồng.

Tổng giá trị thu về = 1000 x 52.000 = 52 triệu đồng. 52 triệu đồng này được phân bổ như sau:

  • Có 1000 x 10.000 đồng = 10.000.000 được cộng thêm vào Số lượng cổ phiếu đã phát hành ra công chúng. Nếu đó là cổ phiếu thường thì vào mục cổ phiếu thường, nếu là cổ phiếu ưu đãi thì cộng vào mục cổ phiếu ưu đãi. Đồng thời với đó, 1000 cổ phiếu được cộng vào số cổ phiếu đang lưu hành.
  • Có 52 triệu – 10 triệu = 42 triệu được cộng vào mục Thặng dư vốn cổ phần. Mục tiền mặt trong tài sản ngắn hạn vẫn tăng lên 52 triệu đồng.

Cụ thể trong mục 28.1 diễn giải phần biến động vốn chủ sở hữu của báo cáo tài chính quý II năm 2017 của Vingroup (VIC_17Q2_BCTC_HNSX ) ta sẽ thấy khoản biến động tăng 119.498.418.388 xuất phát từ nghiệp vụ ” Chuyển nhượng một phần lợi ích trong công ty con hiện hữu không mất quyền kiểm soát. “Chuyển nhượng” là bán đi cổ phần của công ty con đó nhưng số cổ phần còn lại vẫn đảm bảo khả năng kiểm soát công ty con đó. Khi bán đi cổ phần thì khoản 119 tỷ đó chính là chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá theo mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng.

Cổ phiếu quỹ (419) là tổng giá trị tại thời điểm doanh nghiệp mua lại cổ phiếu nhưng không hủy mà để dưới dạng quỹ để sau này có thể bán đi. Giá trị này bao gồm giá tại thời điểm mua cùng toàn bộ các loại phí liên quan tới việc mua đó. Thường DN sẽ mua cổ phiếu quỹ khi họ thấy rằng giá cổ phiếu đang rẻ (để sau này có thể bán đi khi giá tăng)

 

Lợi nhuận chưa phân phối là nơi thể hiện khả năng kiếm tiền của DN. Nó cũng là nơi thể hiện cách hành xử với số tiền kiếm được của DN.

Trong mục nguồn vốn của Vin ta thấy cổ phiếu quỹ đang là 2.974 tỷ. Số này được diễn giải tại mục 28.5. Trong đó ta sẽ thấy là Vin dùng cổ phiếu đó làm tài sản đảm bảo cho một  số khoản vay.

Về vốn chủ sở hữu tôi sẽ còn quay lại ở một entry khác. Tới phần này chúng ta đã kết thúc Bảng cân đối kế toán. Phần sau sẽ bàn về Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here