Mình dùng nguyên cái title này trên trang vnexpress trong mục Góc nhìn để bàn về đề xuất thay đổi chữ quốc ngữ của PGS Bùi Hiển. Chủ đề này rất hot của năm 2017, tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, làm mờ đi bao nhiêu chữ trên bàn phím, làm chết bao nhiêu nơ ron thần kinh của người dân vì vừa buồn cười vừa tức giận.
Tất nhiên là tranh luận thì còn lâu mới hết vì không có cái này thì cũng phải có cái khác. Công chúng luôn cần cái gì đó để tiêu khiển làm cuộc sống đỡ buồn tẻ; không có ông Bùi Hiển thì sẽ có ông Bùi gì đó thế chỗ vào. Ông đen thì ông vào tầm ngắm; mà cũng chưa chắc là đen, chẳng phải là cả nước đã biết tới tên ông rồi sao. Đã nổi tiếng thì sẽ được các hãng chào mời quảng cáo, tiền từ đó mà ra.
Các tranh luận nói chung là vì ở các góc nhìn khác nhau nên sẽ không bao giờ có hồi kết. Ta tạm có mấy góc nhìn sau:
Cách nhìn khoa học
Phản biện là việc cần thiết nhưng phải phản biện mang tính xây dựng với ngôn ngữ văn minh và không được bao giờ công kích tới cá nhân. Đối tượng phản biện của anh phải là sản phẩm không phải là tác giả của sản phẩm.
Làm khoa học đương nhiên phải sống cùng với phản biện, có phản biện thì anh mới làm cho sản phẩm của anh gần với cuộc sống, mới khả thi được. Cũng phải rất lâu rồi người Việt Nam mới có cái gì đó nghe có vẻ to tát và phức tạp để bàn luận.
Trong lịch sử đã có hàng tá người đề xuất, ông ý không phải là người đầu tiên. Vâng, chẳng có cái gì bạn nói ra ngày hôm nay mà không có ai đó trong quá khứ đã từng nói ra, đó là đương nhiên, khỏi cần bàn. Khác biệt chỉ là ông phát biểu không đúng lúc, đúng chỗ, đúng người.
Xét về hiệu quả
Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa có một gia đình rất đông con. Bà mẹ ngày đêm bươn chải tìm cách nuôi sống gia đình. Câu chuyện của bà suốt ngày là mớ rau, con tép,..vì ăn bữa nay lo bữa mai ..Ông bố với suy nghĩ trong đầu rằng đã làm đàn ông phải làm gì đó vang danh với đời. Ông dự định sẽ tạo một con đường nối Việt Nam với Mỹ, hàng ngày từ sáng tới tối ông xúc cát đổ ra biển đều như vắt cam. Câu chuyện của ông luôn là những thứ rất hoành tráng, viễn cảnh về một con đường rộng 100 m nối giữa Việt Nam và Mỹ khiến cho giao thương hai nước được mở rộng, dân hai nước có thể đi bộ qua lại thăm thú mà không tốn tiền máy bay.
Ông chồng khinh bà vợ vì tầm nhìn của bà không vượt nổi câu rau muống trước nhà, suy nghĩ không dài hơn con cá bống mới bắt hôm qua, quanh đi quanh lại là hôm nay có gì ăn không. Ông chồng tự cảm thấy mình thật vĩ đại, làm những thứ vĩ đại, nghĩ những thứ vĩ đại,..thế mới không uổng làm một thằng đàn ông. Ông trách vợ mình không nghĩ lớn được như ông để ông có thể hàng ngày đàm đạo với bà về nhân tình thế thái, ông ước mình sớm tìm được người tri kỷ của cuộc đời. Vãi ông.
Đứng sau một ông chồng như vậy khó mà thiếu vằng sự hy sinh nhẫn nhịn của một bà vợ và sự thiệt thòi của những đứa con. Chẳng có kết quả gì tạo ra mà không phải trả giá bởi tiền bạc, thời gian; bỏ sức ra làm một việc vô bổ chẳng đáng tẹo nào cho dù lý tưởng có cao quý tới đâu.
Đề xuất quá bất khả thi và quá dễ nhận ra là nó bất khả thi nên mới có nhiều người công kích tới vậy. Cả làng thừa hiểu là chẳng có ai dám cả gan áp dụng đề xuất của ông nhưng vẫn cứ phải ra sức phản đối. Họ phản đối vì như vậy sẽ chứng tỏ rằng cái học vị giáo sư cũng vậy mà thôi. Ham muốn trà đạp người khác để mình nổi lên vốn là bản tính loài người.
Mà cho dù cái việc phản đối đó xuất phát từ động cơ cao cả thì mất thời gian phản đối làm gì? Sao không dành thời gian đó mà làm việc có ích hơn. Túm lại, cái vụ này đã làm thiệt hại cho xã hội không biết bao nhiêu là tiền của chứ không hẳn là một câu chuyện vui vẻ.
Góc nhìn xã hội
Giữa cái thời mà các nhà khoa học bị chỉ trích nặng nề vì toàn nghiên cứu đâu đâu thì đề xuất của ông góp phần cho thêm tí xăng vào. Cũng vì ông mà sự kính trọng của người dân với những người làm khoa học có giảm đi tí chút. Ồ, hóa ra làm khoa học là thế, mấy chục năm nghiên cứu để đưa ra cái kết quả như thế, phải chăng còn hàng tỷ các đề tài vô bổ khác vẫn đang được sản xuất hàng ngày ở các viện nghiên cứu.
Điều này giống như việc nhà đang bận bỏ mẹ tự nhiên ông lại phá cái tủ ra để đóng lại vì cho rằng nó chưa đẹp. Không những tốn thời gian của ông, ông còn lôi bao nhiêu người vào cùng bàn luận về cái tủ. Việc quan trọng trước mắt thì không làm, toàn làm thứ đâu đâu.
Túm lại xã hội là một mớ những con người khác nhau, bất cứ một cái gì đưa ra công luận thì luôn có người ủng hộ và người phản đối. Chịu được phản đối thì hẵng đưa ra, nếu không thì đóng vào cho kỹ, nhét vào góc tủ, thỉnh thoảng cuối năm mở ra ngắm thành quả rồi lại đậy vào để vào tủ. Lúc nào mở ra thấy nó tã quá rồi thì nhớ nhét vào cái thùng rác màu xanh để giúp bảo vệ môi trường nhé.