Báo cáo tài chính của Vingroup được dùng để làm ví dụ bạn cần phải tải về để hiểu entry này: VIC_17Q2_BCTC_HNSX
Đọc báo cáo tài chính thực sự không dễ dàng gì, tôi nghĩ muốn hiệu quả đòi hỏi một số yêu cầu từ người đọc:
- Phải rất kiên nhẫn đặc biệt là giai đoạn đầu khi mọi thứ đều mới.
- Phải hiểu ý nghĩa các giá trị và các chỉ số cần tính toán.
- Phải hiểu đặc trưng ngành mà doanh nghiệp đang kinh doanh.
- Phải có kiến thức về quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược để có thể thông qua các số liệu hiểu DN đang theo chiến lược kinh doanh nào, tình hình quản trị ra sao.
Mục lục:
Khó khăn thì rất lớn vậy thì học đọc báo cáo tài chính làm gì?
Số liệu tài chính thể hiện mọi mặt kinh doanh của một DN dưới góc độ tài chính. Nếu một DN bảo rằng năng lực quản trị tôi cực giỏi thì số liệu trên báo cáo tài chính sẽ chứng minh rằng họ đúng hay sai.
Các chỉ số đều được định lượng rõ ràng, có form biểu các khái niệm thống nhất cho toàn bộ các DN. Bạn có thể so sánh giữa các DN với nhau mà không phải lo lắng DN A định nghĩa chi phí quản lý khác với DN B.
Nếu bạn định mở một DN hay bất cứ một mô hình KD nào từ bé tí tới lớn tướng thì điều vô cùng quan trọng là bạn phải đọc được báo cáo tài chính. Không đọc được thì sẽ lệ thuộc hoàn toàn vào bộ phận kế toán và bạn sẽ không sử dụng được thế mạnh của Kế toán quản trị.
Nếu định mua cổ phiếu của một DN thì càng phải đọc hiểu thay vì nghe dân tình bàn tán nên mua cổ này nên mua cổ kia.
Nếu là quản lý cấp trung, là nhân viên trong một công ty, hiểu báo cáo tài chính sẽ giúp cho tiếng nói của mình chuyên nghiệp hơn, hỗ trợ nhiều cho công việc.
Và quan trọng nhất là bạn có thể lập Báo cáo tài chính cá nhân. Không lập được báo cáo tài chính cá nhân thì khó mà nói tới chiến lược tài chính cá nhân.
Báo cáo tài chính có thể biến tấu theo như ý đồ của chủ doanh nghiệp. Lý do thì có nhiều lắm vì vậy phải lựa chọn báo cáo tài chính chuẩn đọc mới đúng. Các báo cáo tài chính của các công ty lớn, được niêm yết trên thị trường chứng khoán, được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán có uy tín thì khá chuẩn. Có 4 công ty kiểm toán uy tín nhất hiện nay gọi là nhóm Big4: PricewaterhouseCoopers (PwC) , Ernst & Young (E&Y), Klynveld Peat Marwick Geordeler (KPMG), Deloitte Touche Tohmatsu Limited (Deloitte)
Muốn tìm báo cáo tài chính của một công ty nào đó bạn có thể search trên google, các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán luôn công khai báo cáo tài chính của họ trên website.
Entry trước ta đã kết thúc phần chi phí của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Phần này nói tới Lợi nhuận
8. Lợi nhuận sau thuế (Lợi nhuận ròng)
Là lợi nhuận kế toán trước thuế trừ đi số thuế thu nhập phải nộp = 3.141 – 1.561 + 281 = 1.861 nghìn tỷ.
Chúng ta phải so sánh lợi nhuận sau thuế qua các năm liên tiếp. Nếu nó tăng đều đặn thì thể hiện rằng công ty đang có tăng trưởng ổn định.
Lợi nhuận trên doanh thu ROS = 1.861/35.193 = 5,2%
Lợi nhuận trên doanh thu càng cao càng thể hiện tính hiệu quả. So sánh hai công ty cùng ngành, nếu lợi nhuận trên doanh thu của công ty nào cao hơn thì công ty đó hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ một công ty có lợi nhuận thuần là 10 tỷ trên doanh thu 100 tỷ sẽ hoạt động không hiệu quả bằng công ty có lợi nhuận thuần 10 tỷ trên doanh thu 80 tỷ.
9. Lãi cơ bản trên cổ phiếu hay thu nhập trên mỗi cổ phiếu
So sánh với cùng kỳ ta thấy lợi nhuận sau thuế tăng nhưng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu lại giảm. Đó là vì Vingroup đã phát hành thêm cổ phiếu khiến cho tổng số lượng cổ phiếu tăng lên, hiện tượng này gọi là pha loãng. Ngược lại, nếu VIN mua cổ phiếu Quỹ thì sẽ giảm lượng cổ phiếu trong lưu thông, gọi là cô đặc.
Cụ thể so với cùng kỳ 2016 thì đã có thêm = 1.751.038.095.979 – 1.543.530.371.549 = 207.507.724.430 cổ phiếu phát hành thêm.
Rút cái váy lại tổng lợi nhuận của công ty tăng không có nghĩa rằng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tăng. Giả sử trong kỳ công ty không phát hành thêm cổ phiếu mà nếu cần tiền nó vay ngân hàng thì lợi nhuận sau thuế chắc chắn sẽ giảm do chi phí tài chính tăng dẫn tới lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu cũng giảm.
Nó thể hiện rõ sự khác nhau giữa việc công ty sử dụng vốn vay ngân hàng và tăng vốn chủ sở hữu bằng cách phát hành thêm cổ phiếu.
Một người không phải là cổ đông của công ty sẽ chỉ quan tâm tới chỉ số lợi nhuận sau thuế và họ nghĩ rằng công ty đang làm rất tốt. Trong khi cổ đông của công ty lại không thấy thế vì rõ ràng với lượng cổ phiếu không đổi họ có được tiền ít hơn.
Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu = Lợi nhuận thuần (lợi nhuận sau thuế)/Tổng số lượng cổ pihếu = 1.715.038.095.979/2.456.818.742= 698,072 đồng. Nó có nghĩa rằng mỗi người nắm giữ cổ phiếu trong 6 tháng qua sẽ có thêm 698,072 đồng
Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu là thu nhập trên mỗi cổ phiếu trong 1 năm. Ở ví dụ trên vì đây là báo cáo tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm vì vậy nó chưa phải là EPS của cổ phiếu Vingroup
EPS = Lợi nhuận thuần/Số lượng cổ phiếu đang lưu hành
Muốn tính EPS của VIN ta phải tính từ báo cáo tài chính năm của VIN. Lợi nhuận thuần năm 2017 và tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành đều có thể thay đổi. Nếu đó là thời điểm không phải cuối năm thì lấy lợi nhuận thuần của 12 tháng kế tiếp trước đó. EPS của Vingroup đang là 670 đồng.
Chỉ số EPS chính là số tiền nhận được trên mỗi cổ phiếu hàng năm, chính là cổ tức. EPS càng cao càng tốt, càng ổn định qua nhiều năm càng tốt.
11.Chỉ số P/E
Đây là chỉ số quan trọng thứ hai sau EPS nhưng nó lại phát triển từ EPS. P/E = Giá cổ phiếu (Price)/Cổ tức (Earning) = Giá cổ phiếu/EPS.
Đóng cửa hôm qua cổ phiếu Vingroup mã VIC có giá là 52.600 đồng.
Vậy chỉ số P/E của Vingroup = 52.600 đồng/670 đồng = 80
Có nghĩa rằng nếu bạn mua 1 cổ phiếu VIC với giá 52.600 đồng thì phải mất 78,5 năm bạn mới có được thêm 52.600 đồng.
Nếu bạn dùng 52.600 đồng này gửi ngân hàng với lãi suất 5% thì mỗi năm bạn có được 2.630 đồng. Nếu như bạn rút lãi mỗi năm chỉ giữ gốc thì bạn mất 52.600/2.630 = 20 năm để có thêm 52.600 đồng (đó là chưa còn tính lãi rút ra hàng năm)
Có vẻ gửi ngân hàng thì tốt hơn là làm cổ đông của Vingroup. Nhưng tại sao người ta vẫn mua cổ phiếu VIC ? Vì không ai nắm cổ phiếu chỉ vì cổ tức nhận được hàng năm, họ nhằm tới chênh lệch giữa giá họ mua và giá trong tương lai.
Mục đích chính của Ban lãnh đạo Vingroup không phải là kiếm được nhiều lợi nhuận hàng năm cho cổ đông mà là gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư trong tương lai về tiền đồ của tập đoàn. Họ gia tăng bằng cách thể hiện rằng công ty đang phát triển vượt bậc, đang đi đúng hướng,…..Khi nhà đầu tư tin tưởng về tương lai họ sẽ sẵn sàng mua cổ phiếu với giá cao hơn, giá cổ phiếu sẽ tăng lên. Chủ đề này rất dài nên tôi sẽ hẹn vào lúc khác.
MOng anh có thêm nhiều bài viết về Báo cáo tài chính doanh nghiệp và những kiểu gian lận trong báo cáo tài chính ah. Tks a!
1. Vậy 9 và 10 khác nhau ở số lượng cổ phiếu thôi đúng ko anh. Còn cơ sở tính vẫn là Lợi Nhuận Ròng ( Sau Thuế) .
2. “Lợi nhuận ròng = (60) Lợi nhuận sau thuế TNDN = (50) Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế – (52) Thu nhập thuế TNDN hoãn lại – (51) Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.”
Theo như BCKQKD của Vin thì họ đang ( +) ” thu nhập thuế TNDN hoãn lãi ” khác với công thức (-) của anh . Anh có thể giải thích thêm về ” Thu nhập thuế TNDN hoãn lại ” ko ah. Thanks a
Mục 8 Lợi nhuận thuần có miêu tả lợi nhuận thuần “Là lợi nhuận trước thuế trừ đi số thuế thu nhập phải nộp”.
Tìm hiểu qua google thì em thấy đây là miêu tả của lợi nhuận ròng (lợi nhuận sau thuế).
Nhờ anh kiểm tra lại thông tin có chính xác không ạ.
Thank you
Dear em;
Cảm ơn em. Đúng là anh có sự nhầm lẫn; anh sẽ sửa lại tên gọi cho đúng ngôn ngữ kế toán
Dân gian hay gọi rất chung chung là lợi nhuận gộp, lợi nhuận thuần, lợi nhuận ròng mà không theo chuẩn tên gọi của kế toán vì vậy dễ gây hiểu lầm. Anh tóm lại như sau:
Lợi nhuận gộp = (20) Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ = (10)Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ – (11) Giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp
(10) Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ = (01) Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ – (02) Các khoản giảm trừ doanh thu
Doanh thu = (01) Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ + (21) Doanh thu hoạt động tài chính (Ví dụ như tiền lãi của tiền gửi NH)
Chi phí = (22) Chi phí tài chính +(25) Chi phí bán hàng + (26) Chi phí quản lý doanh nghiệp
Lợi nhuận thuần = (30) Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh = (20) Lợi nhuận gộp + (21) Doanh thu tài chính – (22) Chi phí tài chính – (25) Chi phí bán hàng – (26)Chi phí quản lý doanh nghiệp
Lợi nhuận trước thuế = (50) Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế = (3)Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh + (31) Thu nhập khác – (32) Chi phí khác – (40) Lỗ khác
Lợi nhuận ròng = (60) Lợi nhuận sau thuế TNDN = (50) Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế – (52) Thu nhập thuế TNDN hoãn lại – (51) Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
anh VD
Em cám ơn anh đã giải thích thêm ạ.