Giá dầu như chỉ số đo lường sức khỏe của nền kinh tế. Khi giá dầu tăng có nghĩa rằng tiêu thụ dầu tăng xuất phát từ sản xuất gia tăng, nền kinh tế đi lên. Khi giá dầu giảm có nghĩa là sản xuất suy giảm. Lý do đơn giản là muốn sản xuất và vận chuyển thì phải cần dầu.
Giờ đây, do khả năng tác động vào cung dầu yếu (bởi các nhà sx không thể nói chuyện được với nhau) nên dầu tăng hay giảm phụ thuộc vào việc tăng giảm nhu cầu sản xuất của thế giới là chủ yếu. Nó không trực tiếp gây ra tăng trưởng hay suy giảm của kinh thế giới nhưng nó lại gián tiếp phản ánh điều đó.
Các nhà sản xuất dầu thừa hiểu rằng dầu là hữu hạn, nếu họ liên tục sản xuất và bán với giá lợi nhuận mỏng như vậy thì thật thiếu thông minh. Nhưng họ đang mắc phải một số vấn đề sau:
- Một số quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào dầu mỏ, ngừng bán dầu là chết đói.
- Thà họ bán lỗ để công nhân có việc làm, có ngoại tệ thu về còn hơn. Các chi phí khai thác dầu của họ được thanh toán bằng đồng nội tệ trong khi họ bán dầu thu được ngoại tệ.
- Tranh dành thị phần.
- Chính trị
Vì mỗi nước có những nỗi lo riêng của mình nên họ không thống nhất được với nhau nhằm điều chỉnh lượng Cung dầu. Từ thị trường độc quyền tập đoàn giờ đây dầu đã gia nhập vào thị trường cạnh tranh hoàn hảo.
Ngoài ra với sự phát triển của năng lượng thay thế như điện mặt trời, các xe chạy bằng năng lượng điện,…trực tiếp làm giảm lượng cầu thì còn đánh vào mặt tâm lý các nsx rằng nhu cầu dầu sẽ còn giảm trong tương lai và giá dầu còn có thể xuống thấp nữa.
Xét về dài hạn vài chục năm thì dầu khó có thể bị đánh mất vị thế của mình mà mấy trăm năm qua nó đã giữ. Dù sao trữ lượng dầu cũng sẽ suy giảm theo thời gian, thu nhập người dân tăng khiến họ mua sắm nhiều hơn kích thích sản xuất. Thế giới càng bất ổn thì càng thúc đẩy giá dầu tăng, các nước có xuất khẩu dầu mỏ là các nước đầu tiên sẽ bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn. Nếu như nhà bạn và nhà thằng bên cạnh đều bán dầu, nếu bạn và họ không thể thống nhất với nhau về sản lượng bán ra thì việc tốt nhất bạn có thể làm là cho gia đình nhà đó bất ổn khiến nó không thể bán dầu nữa. Các nhà chính trị rất giỏi nhìn bên trái trong khi đánh bên phải.
Mỗi ngày thế giới tiêu thụ 72 triệu thùng dầu:
Ở entry trước ta thấy mối quan hệ giữa các chỉ số kinh tế vĩ mô như GDP, lạm phát, lãi suất và thất nghiệp với giá dầu. Entry này ta sẽ tìm hiểu mối tương quan giữa giá dầu và giá các tài sản khác trong danh mục đầu tư.
1. Dầu và vàng
Giá vàng tăng giảm vì nhiều nguyên nhân, cần hẳn một vài entry để nói về chủ đề vàng. Trong mục này tôi chỉ nói về mối liên quan giữa vàng và dầu, một ông là vàng thật, một ông là vàng đen.
Tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu dầu tăng vì vậy giá dầu tăng. Tăng trưởng kinh tế cũng đồng nghĩa với việc người dân có niềm tin vào nền kinh tế, khi đó nhu cầu nắm giữ vàng của họ sẽ giảm vì vậy giá vàng giảm.
Nếu giá dầu tăng không xuất phát từ bên cầu (tăng trưởng kinh tế) mà xuất phát từ bên cung, khi các nhà sản xuất dầu cắt giảm sản lượng thì lúc đó nền kinh tế sẽ đi chậm lại. Người dân mất niềm tin vào nền kinh tế, họ tăng nhu cầu giữ vàng vì vậy giá vàng tăng.
Nếu loại bỏ yếu tố cảm xúc thì việc một ai đó nắm giữ vàng sẽ căn cứ vào việc phân tích lợi ích giữa các loại tài sản nắm giữ. Nếu họ thấy tiền nhận được từ lãi suất lớn hơn tiền nhận được từ đà tăng của vàng thì người ta sẽ bán vàng ra lấy tiền gửi vào ngân hàng. Ví dụ như khi FED tăng lãi suất thì giá vàng giảm còn tuần trước khi FED giữ nguyên lãi suẩt thì giá vàng tăng
Biểu đồ dưới là mối tương quan giữa dầu và vàng. Trong khi dầu có xu hướng tăng lên, có lúc lên tới 30% thì vàng lại có xu hướng giảm đi. Dầu trong 1 năm qua tăng là nỗ lực từ phía bên cung mà không phải xuất phát từ biến động của Cầu. Việc biến động của giá vàng chủ yếu phụ thuộc vào mấy lần tăng lãi suất của cục dự trữ liên bang Mỹ FED
Biểu đồ dưới thể hiện giá vàng và dầu trong 20 năm qua. Năm 2008 do khủng hoảng kinh tế nên cầu dầu giảm, giá dầu đi xuống nhưng sau đó hồi phục tăng dần. Giá vàng từ thời điểm đó cũng tăng rất nhanh vì người dân cảm thấy bất an sau khủng hoảng.
2. Dầu và Cổ phiếu
Cổ phiếu các công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong entry kinh tế học P32 tôi có giải thích về ảnh hưởng của giá dầu đối với từng loại doanh nghiệp có liên quan, bạn nên tham khảo bài này sau khi đọc xong entry này để có cái nhìn chi tiết hơn.
Thị trường chứng khoán là nơi tập hợp của các doanh nghiệp trọng yếu của một nền kinh tế nên nó phản ảnh sức khỏe của nền kinh tế. Khi thị trường giá lên cũng đồng nghĩa với kinh tế đi lên, cần nhiều dầu hơn để sản xuất, vận chuyển vì vậy giá dầu sẽ tăng (do cầu tăng).
Khi giá dầu tăng thì trên thị trường chứng khoán, các công ty có đầu ra là dầu sẽ được hưởng lợi vì bán giá cao hơn vì vậy cổ phiếu của nó sẽ tăng. Các doanh nghiệp có đầu vào là dầu càng nhiều thì lợi nhuận của nó càng bị giảm đi vì vậy cổ phiếu của nó sẽ giảm hoặc không tăng nhanh bằng cổ phiếu của công ty có đầu ra là dầu.
Chúng ta chú ý rằng giá dầu phụ thuộc hoàn toàn vào cung cầu mà không phụ thuộc vào chi phí sản xuất ra mỗi thùng dầu. Chi phí sản xuất ra mỗi thùng dầu gần như cố định, giá dầu càng tăng thì lợi nhuận của họ càng tăng.
Biến động của giá đầu được các nhà đầu tư theo dõi rất sát. Trong bản tin tài chính khi nói về thị trường chứng khoán thường sẽ đi kèm theo thông tin về tình hình giá dầu ngày hôm đó
Ghi chú : S&P 500 là 500 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tương tự như VN30 là 30 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam
3. Dầu và chứng khoán phái sinh
Khi bạn mua một món hàng nào đó thì bạn được nhận hàng thực, người bán nhận được tiền thực. Có thể việc giao hàng hay trả tiền ở những thời điểm khác nhau nhưng hàng hóa đó đã rất rõ ràng. Đó là thị trường cơ sở.
Giả sử tôi là ông chủ của Thế giới di động dự định phân phối hàng nông sản của Bầu Đức thông qua hệ thống phân phối của mình thì tôi và Bầu Đức có thể có các loại hợp đồng sau:
- Bầu Đức thông báo với tôi là tuần tới nông sản sẽ sẵn sàng được bán. Tôi và Bầu Đức ký hợp đồng thống nhất giá cả, thời gian giao hàng, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận hàng. Đó là hợp đồng mua bán bình thường.
- Giả sử 4 tháng tới mấy quả xoài của Bầu Đức mới sẵn sàng. Lo ngại nếu tới lúc đó mới đàm phán giá với Bầu Đức thì có thể giá sẽ cao vì vậy tôi thuyết phục Bầu Đức ký một hợp đồng thường được gọi là hợp đồng nguyên tắc. Thỏa thuận với nhau ở giá X đồng, tới thời điểm giao hàng mặc cho giá xoài trên thị trường tăng hay giảm thì giá vẫn là X đồng. Bầu Đức sẽ thu được lợi ích là an tâm về đầu ra và giá. Tôi thì ngủ ngon vì gần như chắc lãi do không có rủi ro đầu vào. Hợp đồng đó đúng tên gọi chuyên ngành gọi là hợp đồng kỳ hạn (bình thường ta hay gọ là hợp đồng nguyên tắc)
- Nếu tôi đưa hợp đồng ký hạn đó lên thị trường chứng khoán thì có thể ông Vinmart thích thú với hợp đồng đó và mua lại hợp đồng đó với giá mà tôi mong muốn. Đó gọi là hợp đồng tương lai.
- Tôi và Bầu Đức có thể ký với nhau một hợp đồng trong đó tôi có quyền mua xoài trước một thời điểm X trong tương lai. Tới thời điểm đó nếu thấy lợi thì tôi mua, nếu không thì tôi không mua. Đó gọi là hợp đồng quyền chọn.
Giờ tôi đóng vai trò là Bầu Đức, bên bán:
- Lúc Bầu thế giới di động (từ giờ gọi là Bầu Tài) ngỏ lời mua nông sản của tôi thì các cây xoài trên cánh đồng của tôi chưa có nhú ra quả nào cả. Thực tế là tôi đã bán hàng mà tôi chưa có (gọi là bán khống). Đến lúc cần giao hàng chẳng may quả không nhú ra, lúc đó tôi phải nộp phạt cho Bầu Tài hoặc phải mua hàng ở đâu đó để trả. Trên thị trường chứng khoán phái sinh, một nhà đầu tư có thể vay cổ phiếu X để bán đi, tới thời hạn trả anh ta lại mua cổ phiếu X đó để trả nợ. Anh ta kỳ vọng rằng thị trường sẽ đi xuống vì vậy anh ta bán ở đỉnh nhưng mua trả nợ ở đáy.
- Hợp đồng giữa tôi và Bầu Tài được đóng gói đẹp đẽ và được phân ra thành các gói nhỏ niêm yết trên TTCK phái sinh. Một ông bầu nào đó có nhu cầu (để mua rẻ bán đắt hay là có nhu cầu nông sản thật) sẽ mua cái hợp đồng đó. Khi tôi bán cái hợp đồng đó cho ông Y đó thì nó trở thành hợp đồng giữa ông Y và bầu Tài.
Hợp đồng kỳ hạn rất phổ biến. Ví dụ như trước các nhà máy đường chỉ cam kết miệng với bà con từ đầu mùa là sẽ thu mua mía khi thu hoạch. Tới lúc thu mua thì họ bắt ép bà con phải bán giá rẻ. Ngược lại, có khi bà con không bán mía cho nhà máy vì bán chỗ khác cao hơn. Để cho cả hai bên an tâm thì đơn giản nhất là hai bên ký một hợp đồng kỳ hạn quy định rõ sản lượng và giá. Hợp đồng được ký tại thời điểm mà thậm chí người ta còn chưa cắm cây mía giống xuống đất.
Việc kinh doanh trên thị trường phái sinh có đòn bẩy tài chính cực mạnh. Ví dụ như khi tôi mua nhà trả góp theo tiến độ xây dựng có diện tích 100 mét vuông bắt đầu từ tháng 2/2017 và giao nhà vào tháng 2/2019. Hợp đồng giữa tôi và bên bán là hợp đồng tương lai có giá xác định là 20tr/m. Tới thời điểm hiện tại tháng 7/2017, giả sử giá mỗi mét ở đó đã lên tới 30tr. Ông X mua căn nhà đó của tôi với giá 30tr x 100m = 3 tỷ. Thực tế lúc đó tôi chưa hề bỏ ra 2 tỷ mà mới chỉ đóng có 200 triệu vì vậy ông X sẽ trả tôi = 3 tỷ – 2 tỷ + 200 triệu = 1,2 tỷ. Lợi nhuận tôi đạt được sau 5 tháng đầu tư là gấp 6 lần.
Bất cứ một loại hàng hóa nào cũng có thể mua bán theo hình thức trên. Khi các hợp đồng mua bán đó được đóng gói, chia nhỏ thì nó có thể được niêm yết trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Nói dài dòng thế để thấy chứng khoán phái sinh có liên quan tới yếu tố dự báo tương lai. Khi một chứng khoán phái sinh của một ngành nào đó bị giảm giá thì chứng tỏ rằng người ta có dự cảm tiêu cực về hàng hóa liên quan tới nó và ngược lại.
Giá dầu phản ánh trực tiếp lên thị trường chứng khoán (thị trường cơ sở) ở khoảng thời gian quanh hiện tại. Nó ảnh hưởng lên thị trường phái sinh thông qua việc người ta dự báo giá dầu ở tương lai xa, đặc biệt là các ngành có liên quan tới đầu ra liên quan tới dầu hay có đầu vào mà dầu chiếm tỷ trọng lớn.
4. Dầu và Thực phẩm
Dầu dùng để sản xuất phân bón, vận chuyển nông sản vì vậy giá dầu tỷ lệ thuận với giá lương thực. Khi giá dầu tăng thì chi phí sản xuất tăng -> Giá bán thực phẩm tăng.
Trên các biểu đồ ta sẽ thấy có những biến động đột ngột vào năm 2008. Năm 2008 là khủng hoảng kinh tế thế giới xuất phát từ bong bóng nhà đất Mỹ. Qua khủng hoảng đồ thị đi xuống do kinh tế suy thoái. Nếu tìm hiểu sâu thì bong bóng đó bị thổi lên nhanh bởi các công cụ phái sinh như ở mục trên tôi có giải thích.
Giá dầu hiện nay chỉ loanh quanh dưới mức 50 usd trong khi có lúc đã lên tới tận 190 usd thùng vào năm 2009. Đó là tin tốt cho an toàn lương thực thế giới.
Tương tự đối với các hàng hóa có đầu vào là dầu khác thì giá dầu tăng sẽ kéo giá các hàng hóa đó tăng.
Đứng ở vị trí người tiêu dùng, bạn có thể đơn giản nghĩ rằng dầu càng thấp thì càng tốt chứ sao, giá xăng sẽ rẻ hơn, giá hàng hóa sẽ rẻ hơn,..mọi thứ sẽ rẻ hơn. Vậy tại sao phải lo lắng khi giá dầu xuống thấp? Bản thân dầu giảm là tốt, nó chỉ không tốt vì nó phản ánh một nền kinh tế đi xuống (thất nghiệp gia tăng sẽ khiến thu nhập giảm xuống; có nghĩa là đầu vào của người dân có thể còn giảm nhiều hơn nhiều so với cái lợi ở đầu ra do giá hàng hóa giảm )
Tóm lại, giá dầu là một thông số rất quan trọng. Bạn hãy chú ý tới nó, tìm hiểu mối tương quan của nó với các chỉ số vĩ mô, với các loại tài sản khác. Thông thường một bản tin khi nói tới giá dầu tăng hay giảm cũng nói luôn tác động của nó tới thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, thị trường vàng, thị trường ngoại hối, thị trường nhà đất,…
Like