Trong 4 entry trước ta đã bàn tới thị trường hàng hóa và dịch vụ trong đó thì người bán là doanh nghiệp và người mua là người tiêu dùng. Hàng hóa trao đổi trong thị trường này là hàng hóa để phục vụ cho mục đích tiêu dùng.
Thị trường hàng hóa & Dịch vụ bao gồm 3 cấu trúc thị trường chính là 1.Thị trường cạnh tranh hoàn hảo; 2.Thị trường độc quyền và 3.Thị trường cạnh tranh không hoàn hảo.
Đối với thị trường các yếu tố sản xuất (hoặc thị trường các yếu tố đầu vào) thì người bán lúc này lại là hộ gia đình và người mua là doanh nghiệp.
Doanh nghiệp mua 1.Sức lao động 2.Vốn và 3. Đất đai
Người lao động bán sức lao động cho doanh nghiệp; cho doanh nghiệp vay tiền tiết kiệm của mình (thông qua Ngân hàng và thị trường chứng khoán), cho doanh nghiệp thuê đất đai,..
Điểm khác biệt lớn nhất so với thị trường HH & Dịch vụ đó là cầu của yếu tố sản xuất là cầu thứ phát. Có thể hiểu đơn giản như thế này: DN sẽ dự kiến sản xuất ra lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu của thị trường; khi có dự kiến anh ta mới bắt đầu có nhu cầu mua các yếu tố sản xuất ở đầu vào để sản xuất hàng hóa. Như vậy cầu của yếu tố sản xuất là có sau và phụ thuộc vào cầu hàng hóa.
Thị trường yếu tố sản xuất được điều chỉnh bởi cung cầu yếu tố sản xuất. Lương là giá của sức lao động, lãi suất là giá của vốn, tiền thuê là giá của đất đai
Đường cung, đường cầu yếu tố sản xuất cũng có tác nhân làm dịch chuyển.
Ví dụ thời điểm sinh viên ra trường hàng năm lượng cung lao động tăng đột biến sẽ làm cung dịch phải. Khi kinh tế suy thoái sẽ làm cầu lao động dịch trái.
Thị trường lao động
Cầu:
Cầu lao động là số lượng lao động mà các doanh nghiệp có khả năng và sẵn sàng thuê ở các mức tiền lương khác nhau.
Sản phẩm doanh thu cận biên của lao động (MRP): là phần doanh thu tăng thêm khi sử dụng thêm 1 lao động. Ví dụ như thêm 1 công nhân may sẽ tăng thêm được 1000 cái áo một tháng; mỗi cái áo bán được 10.000 đ -> Sản phẩm doanh thu cận biên của lao động là 10.000.000 đ/tháng.
Doanh thu cận biên có quy luật giảm dần vì vậy nó là đường chéo từ trên xuống dưới
Chi phí tài nguyên cận biên của lao động MRC: là chi phí tăng thêm khi doanh nghiệp sử dụng thêm một lao động. Ví dụ ở trường hợp trên nếu như lương là thu nhập duy nhất của người lao động thì lương chính là chi phí cận biên của lao động, MRC là đường thẳng song song với trục hoành vì lương được trả giống nhau.
Doanh nghiệp sẽ thuê lao động tại điểm tối ưu là lợi ích cận biên = chi phí cận biên -> Doanh nghiệp sẽ thuê số lao động mà lao động cuối cùng mang lại doanh thu cận biên bằng với tiền lương phải trả cho anh ta ( MRP=MRC)
Doanh nghiệp hành xử theo MRP nên MRP chính là đường cầu lao động
Cung lao động cá nhân:
Cung lao động cá nhân là số lượng lao động (số giờ) mà một cá nhân có khả năng và sẵn sàng cung cấp tại các mức tiền lương khác nhau trong một khoảng thời gian nhất định
Chúng ta giả định rằng một người có hai sự lựa chọn:
1. Đi làm để mang lại thu nhập; có thu nhập thì anh ta tiêu dùng để nhận được lợi ích từ việc sử dụng hàng hóa và dịch vụ.
2.Nghỉ ngơi để thu lại lợi ích từ nghỉ ngơi
Hai sự lựa chọn này là đánh đổi; nghỉ ngơi mang lại lợi ích rất rõ ràng nhưng lại không có tiền tiêu vì vậy anh ta vẫn phải đi làm để có tiền. Người lao động có lý trí sẽ phân chia thời gian của anh ta để làm sao anh ta có được lợi ích cao nhất. Anh ta sẽ không nghỉ ngơi cả ngày và cũng không lao động cả ngày.
Quyết định của người lao động bị tác động bởi hai ảnh hưởng:
Ảnh hưởng thay thế:
Chúng ta nhớ lại công thức ở trạng thái cân bằng tiêu dùng mà người lao động lựa chọ là Lợi ích cận biên của hàng hóa tiêu dùng/giá hàng hóa=Lợi ích cận biên của nghỉ ngơi/lương.
Khi tiền lương tăng lên người ta có xu hướng tăng thời gian lao động vì lúc đó chi phí cơ hội của nghỉ ngơi (lương) đã tăng lên. Khi lương tăng tới một mức nào đó thì lợi ích cận biên từ hàng hóa tiêu dùng ngày càng giảm xuống và lợi ích cận biên của nghỉ ngơi ngày càng tăng lên do nghỉ ngơi ngày càng khan hiếm; người tiêu dùng lại giàm thời gian lao động và quay trở lại nghỉ ngơi cho đến khi cân bằng
Ảnh hưởng thu nhập
Khi tiền lương tăng lên thì thu nhập cũng tăng lên. Hàng hóa nghỉ ngơi là hàng hóa thông thường nên nó tuân theo quy luật Engel, có nghĩa là thu nhập tăng lên làm số giờ nghỉ ngơi tăng lên
Hai ảnh hưởng thay thế và ảnh hưởng thu nhập có quan hệ ngược chiều nhau:
– Ban đầu khi lương tăng lên thì giờ lao động tăng lên nhưng nhu cầu nghỉ ngơi cũng tăng lên. Tuy nhiên ảnh hưởng của tiền lương lấn át ham muốn nghỉ ngơi vì vậy người lao động tăng thời gian lao động.
– Càng về sau ảnh hưởng của thu nhập ngày càng tăng và dần dần lấn át ảnh hưởng thay thế của việc tăng lương nên người lao động lại tăng dần thời gian nghỉ ngơi.
Ví dụ:
Lương của bạn ban đầu là 10.000đ/giờ. Bạn thấy rằng 10.000 đ kiếm được cũng chẳng mua được bao nhiêu hàng hóa/dịch vụ, bạn thích nghỉ ngơi hơn do vậy bạn làm việc 3 giờ/ngày.
Khi lương tăng dần tới 50.000đ/giờ, càng tăng bạn càng thấy rằng cái giá của nghỉ ngơi là quá cao vì vậy tăng thời gian lao động để kiếm nhiều tiền hơn, bạn tăng thời gian làm việc lên 10h/ngày. Khi kiếm được 500 nghìn/ngày với 10 h làm việc, bạn thấy thời gian nghỉ ngơi của mình khan hiếm quá và quý những giây phút nghỉ ngơi, bạn cũng thấy rằng kiếm được tiền mà không có lúc nào tiêu thì kiếm tiền chẳng có ý nghĩa gì do đó bạn dừng làm việc và bắt đầu tăng thời gian nghỉ ngơi. Chúng ta thấy rất rõ là lợi ích cận biên có xu thế tăng lên khi số lượng ít dần đi, thời gian nghỉ ngơi càng ít thì cứ mỗi giờ được nghỉ ngơi thêm bạn càng thấy quý.
cho em hỏi cách xác định đường cầu loa động trong ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền