Thông minh tài chính (P12-2 : Học đọc hiểu báo cáo tài chính Vingroup)

0
8784
4.6/5 - (7 votes)

Báo cáo tài chính của Vingroup được dùng để làm ví dụ bạn cần phải tải về để hiểu entry này: VIC_17Q2_BCTC_HNSX

Cuối của entry trước nói về chỉ số tỷ suất lợi nhuận gộp, đây là chỉ số rất hay dùng và hầu như ai cũng biết. Ta có thể rút ra được thông tin từ chỉ số này thông qua việc so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, thường là trung bình ngành:

  • Một DN có lợi nhuận gộp lớn hơn trung bình ngành thường nó có một lợi thế nào đó. Lợi thế này khiến nó có thể tạo ra giá vốn hàng bán thấp hơn hoặc bán được giá cao hơn. Ta phải tìm ra được lợi thế đó là gì, nó có phải lợi thế bền vững không. Với Vingroup, lợi thế có thể họ có được các mảnh đất với giá rẻ, bán với số lượng lớn (quy mô) và nhờ có Thương hiệu tốt trong mắt khách hàng. Cùng một điều kiện như nhau nhà của VIN sẽ đắt hơn nhà của các công ty bất động sản khác giống như Iphone đắt hơn samsung ở cùng một cấu hình vậy.
  • Muốn biết đó có phải lợi thế cạnh tranh bền vững hay không thì phải so sánh nó với các năm trước đó, càng nhiều năm càng tốt. Nếu như năm trước đó DN có tỷ suất LN gộp thấp hơn trung bình nhưng năm nay lại có tỷ suất cao hơn trung bình thì lợi thế đó có thể không bền vững. Một ví dụ đơn giản như mấy tháng trước, có thông tin Quốc Cường Gia lai bán mảnh đất của mình đi, khoản lợi nhuận có được đó là bất thường trong kỳ đó, thực chất là bán máu, có lợi nhuận trước mắt nhưng lại mất đi lợi nhuận ở dài hạn.

Tỷ suất LN gộp của 30% cũng là rất đáng nể, nhưng giờ phải xem về chi phí

Mục lục:

5. Tỷ số (Chi phí quản lý + Chi phí bán hàng)/Lợi nhuận gộp

Lợi nhuận gộp = Doanh thu – Giá vốn hàng bán = 35.193 – 23.863 = 11.333 ( Mười một nghìn ba trăm ba mươi ba tỷ)

Chi phí quản lý = 2.789  tỷ là các chi phí trả lương, thuê văn phòng, văn phòng phẩm,….

Chi phí bán hàng = 4.073  tỷ là chi phí liên quan tới hoạt động bán hàng như bảng dưới:

Chi phí quản lý + Chi phí bán hàng = 2.789 + 4.073 = 6.862  tỷ. ( Sáu nghìn tám trăm sáu mươi hai tỷ)

Tỷ số = 6.862/11.333 = 60% 

Chỉ số này càng thấp càng tốt. Chi phí thấp có thể xuất phát từ việc sản phẩm dễ bán hơn đối thủ nhờ có thương hiệu hơn…. Tỷ số thấp hơn trung bình ngành thể hiện rằng DN có lợi thế cạnh tranh nào đó. So sánh chỉ số này với con số của các giai đoạn trước đó để biết chi phí này đang giảm đi hay tăng lên từ đó xác định lợi thế đó có bền vững không.

So với năm 2016 tỷ số là 70% thì Vin đã có bước tiến bộ lên tới 10%. Tiến bộ này đến chắc chủ yếu từ việc giá trị tuyệt đối lợi nhuận gộp tăng hơn so với cùng ký. Khi doanh thu tăng thì chi phí biến đổi tăng trong khi chí phí cố định lại không thay đổi nhiều dẫn tới tỷ số giảm.

Nếu tỷ số này biến thiên tăng giảm đột ngột qua các năm thì nó thể hiện rằng DN phải rất vất vả để bán được hàng.

Chi phí quản lý có xu hướng ổn định qua các năm vì nó hầu hết là chi phí cố định. Chi phí bán hàng sẽ biến thiên theo từng giai đoạn theo chu kỳ sản phẩm. Ví dụ như nếu sản phẩm mới đưa vào thị trường thì chi phí cho quảng cáo, khuyến mại, hoa hồng,.. phải rất cao. Khi sản phẩm đã được khách hàng tin tưởng thì chi phí này sẽ giảm xuống.

Chỉ số liên quan: Chi phí khấu hao/Lợi nhuận gộp = 698/11.333 = 6%

Khi mua một tài sản cố định, DN sẽ khấu hao tài sản đó trong một số năm. Ví dụ như một cái ô tô có giá 1 tỷ thì ví dụ DN hạch toán mỗi năm khấu hao 100 tr, 10 năm sẽ khấu hao hết cái ô tô. Khoản khấu hao hàng năm 100 triệu được ghi nhận nhưng thực tế không có dòng tiền ra. Khác với các khoản chi phí khác là khi phát sinh thì phải có dòng tiền đi ra khỏi DN. Sau 10 năm ô tô đó hết khấu hao thực tế nó vẫn được dùng, để có một vòng quay khấu hao mới DN sẽ thanh lý cái ô tô đó tạo ra khoản lợi nhuận bất thường.

Chi phí khấu hao là một chi phí hợp lý giúp giảm số tiền phải đóng thuế thu nhập DN. Tỷ số càng cao càng thể hiện DN trừ được nhiều tiền nhưng nó cũng thể hiện rằng tài sản bị khấu hao quá nhanh. Tới khi tài sản hết khấu hao thì DN lại mất một khoản chi phí vào kỳ mua tài sản thay thế. Ví dụ sau 10 năm thanh lý ô tô được 300 triệu nhưng DN lại phải bỏ ra 1 tỷ để mua cái xe mới.

6. Doanh thu tài chính và chi phí tài chính

Doanh thu tài chính là lợi nhuận có được từ hoạt động tài chính như tiền gửi ngân hàng lấy lãi trong lúc không dùng đến, các khoản thanh lý vốn, chênh lệch tỷ giá,…. Ngược lại khi dùng tới tiền thì DN phải vay ngân hàng và các bên làm phát sinh chi phí tài chính.

Doanh thu tài chính năm 2016 của Vin gấp đối so với chi phí tài chính nhưng tới năm 2017 thì doanh thu tài chính sụt giảm chỉ còn 690 tỷ trong khi chi phí tài chính là 2.006  nghìn tỷ. Nguyên nhân thì có rất nhiều, muốn biết tốt hay xấu ta nhìn bảng phân tích các thành phần của Doanh thu tài chính

Bảng này ta thấy lãi tiền gửi ngân hàng không có biến động nhiều. Biến động lớn là năm 2016 có khoản thanh lý đầu tư tài chính với con số lên tới 2.220 tỷ. Đây là khoản bất thường.

Trừ ngân hàng doanh thu tài chính lớn hơn chi phí tài chính còn DN nói chung chi phí tài chính lớn hơn doanh thu tài chính. Trong chi phí tài chính ta để ý số liệu quan trọng nhất là Chi phí lãi vay = lãi vay/Lợi nhuận gộp = 1.644/11.333 = 14,5%.

Chỉ số này càng thấp càng tốt, càng cao nó càng ăn vào vốn. Nhớ lại cách đây vài tháng có đọc tin trên mạng là tổng công ty 36 có chi phí vay chiếm hơn 50% lợi nhuận. Điều này có nghĩa rằng ngân hàng ngồi không còn hưởng phần nhiều hơn cả DN vất vả cả năm.

Nếu so với các năm chỉ số này có xu hướng tăng lên thì nó thể hiện DN đang gặp vấn đề rủi ro trong tài chính. Vì khi lãi vay tăng lên có nghĩa rằng để có một đồng lợi nhuận doanh nghiệp ngày càng mất thêm nhiều chi phí vay. Vấn đề này có thể do ngân hàng tăng lãi suất hoặc do DN sử dụng vốn kém hiệu quả hơn.

7. Lợi nhuận trước thuế

Thuế thu nhập DN khác nhau với các ngành nghề khác nhau do chính sách của chính phủ muốn ưu đãi hay hạn chế cái gì theo từng thời kỳ. Người ta quan tâm Lợi nhuận trước thuế vì nó sẽ giúp so sánh với các công ty khác hoặc với chính mình được dễ dàng hơn. Ví dụ dự án VinFast được chính phủ miễn thuế 4 năm. Nếu so sánh con số sau thuế thu nhập thì dẫn tới giữa năm thứ 4 và năm thứ 5 sẽ có sự sụt giảm về lợi nhuận sau thuế mặc dù Lợi nhuận trước thuế có thể không đổi.

Lợi nhuận trước thuế của VIN sụt giảm so với năm trước mặc dù rằng doanh thu tăng hơn. Điều này chưa thể khẳng định được là Vin hoạt động kém hiệu quả hơn. Chúng ta nhớ rằng trong quản trị chiến lược, khi DN đang thực hiện chiến lược mở rộng thì cả doanh thu và chi phí đều tăng, thậm chí chi phí còn cao hơn doanh thu.

VIN cùng lúc thực hiện rất nhiều dự án khác nhau của nhiều công ty con. Chẳng ai có thể biết chính xác là công ty con nào đang theo chiến lược nào vì chẳng có bằng chứng gì, chỉ quan sát từ bên ngoài thôi thì không thể áp đặt được. VIN có thể điều chuyển lợi nhuận giữa các công ty con để tối giản số thuế phải nộp.

Công ty quản lý dự án VinFast có thuế thu nhập DN 0%. Một công ty con khác của VIN có thể bán cho Vinfast với giá thấp hơn cả giá vốn, nhờ VinFast được miễn thuế nó không phải nộp đồng thuế nào cả. Lợi nhuận được chuyển từ công ty con sang cho VinFast trong khi lợi nhuận trước thuế hợp nhất của tập đoàn không đổi. Tương tự ở đầu ra, VinFast có thể bán giá trên trời cho công ty phân phối do cũng chính VIN sở hữu, công ty phân phối đó bán ra cộng thêm một ít tiền đủ để không phát sinh lợi nhuận tính thuế.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Chi phí thuế thu nhập DN trên bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh lại chiếm tới 50% của Lợi nhuận trước thuế trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp phổ biến đang là 20%? Chúng ta nhìn thuyết minh tại mục 35.1

Nhìn bảng trên ta thấy Thuế tính theo thuế suất của công ty là 628 tỷ, gần tương đương với 20% của lợi nhuận trước thuế. VIN là tập đoàn lớn, đây lại là báo cáo hợp nhất nên mới phức tạp thế này. Doanh nghiệp bình thường chi phí thuế thu nhập DN = thuế suất x thu nhập chịu thuế (lợi nhuận trước thuế) = 20% x lợi nhuận trước thuế.

Sau khi viết xong loạt entry về đọc hiểu báo cáo tài chính tôi sẽ có một entry tóm tắt tổng hợp lại và tham chiếu đến các entry tương ứng vì vậy các bạn đừng lo không nhớ được. Mục đích của đọc bài này để các bạn hình dung mường tượng. Sau đó cố gắng kiếm một báo cáo tài chính nào đó đọc thử, đọc nhiều thì thành phản xạ sẽ không cảm thấy nhức đầu nữa.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here