Báo cáo tài chính của Vingroup được dùng để làm ví dụ bạn cần phải tải về để hiểu entry này: VIC_17Q2_BCTC_HNSX
Mục lục:
18. Giá trị thương hiệu
Có hai căn nhà giống hệt nhau về mọi mặt, một nhà của VIN và một nhà của Đại gia Lê Thanh Thản, bạn chọn căn nhà nào? Chắc là nhà của anh Vượng, tại sao? Vì giá trị thương hiệu Vin cao hơn trong mắt bạn. Nói nhà mình ở của Vin vẫn oách hơn nhà của anh Thản.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ trình độ để thẩm định hết giá trị thực sự của một sản phẩm vì vậy quyết định mua cái gì phụ thuộc rất lớn vào giá trị thương hiệu của sản phẩm. Giá trị thương hiệu được hình thành thông qua quảng cáo, PR, sử dụng thực tế,…
Giá trị thương hiệu được định giá trong quá trình định giá nhằm mua bán doanh nghiệp nhưng trên bảng cân đối kế toán nó không được thể hiện. Trong mục tài sản cố định vô hình không hề có mục Giá trị thương hiệu.
Nguyên nhân vì giá trị thương hiệu là giá trị khó đo đếm chính xác. Nếu để DN tự định giá DN của mình và cho vào Bảng cân đối kế toán thì họ có thể dùng nó để tăng tổng tài sản của mình. Định giá 10 tỷ hay 100 tỷ thì ai mà thẩm định được, chưa kể giá trị thương hiệu thay đổi biến thiên theo thời gian. Một thương hiệu nước mắm hôm nay có giá trị rất lớn nhưng ngày mai có thể về âm nếu như tin đồn lan truyền có chất độc hại trong các sản phẩm của họ.
Giá trị thương hiệu chính là góp phần tạo ra mục Lợi thế thương mại. Là chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị trao đổi thực tế.
19. Đầu tư tài chính dài hạn
VIN là một tập đoàn lớn, nó mua các doanh nghiệp để có thể mở rộng hoạt động kinh doanh một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó VIN còn đầu tư vào các công ty khác theo hình thức mua cổ phần, với khả năng biểu quyết chiếm tỷ lệ lớn (mà không phải toàn bộ như hình thức mua DN)
Trên bảng VIN dùng 5.382 tỷ cho việc này ( chiếm tỷ lệ 5% trong tổng số 100 nghìn tỷ tài sản dài hạn). Chênh lệch với 31/12/2016 là 2000 tỷ, trong 6 tháng VIN đã đầu tư 2000 tỷ vào các công ty khác. Danh sách các công ty liên kết chúng ta tham chiếu tới mục 19.1.
Tại sao VIN không dùng tiền thừa của mình để đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chính mà lại đi đầu tư vào các công ty khác? Chúng ta hiểu đơn giản Công ty mẹ Vingroup hoạt động như một công ty quản lý quỹ, nó sở hữu 52 công ty với 100% vốn, bên cạnh đó thấy ở đâu có lợi nhuận tốt là nó sẽ đầu tư tiền của mình vào các công ty đó thông qua mua cổ phiếu.
Một nhà đầu tư riêng lẻ sẽ không thể mua cổ phiếu của một trong 52 công ty con trừ khi VIN mua một công ty nào đó trong quá khứ mà không thể mua hết cổ phiếu của công ty đó thì vẫn có nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm cổ phiếu của các công ty con. Nhà đầu tư giờ đây sẽ mua cổ phiếu của VIC giống như một hình thức góp vốn vào quỹ, ăn chia lợi nhuận theo hiệu quả quản lý vốn của công ty mẹ.
Bên cạnh nhằm tới tiền thì việc mua cổ phiếu của các công ty khác cũng có thể là nằm trong chiến lược dài hạn của DN. Muốn đặt một chân vào một ngành nào đó để tìm hiểu trước khi quyết định mua hẳn một công ty trong ngành. Vì vậy danh sách công ty liên kết, biến động tăng giảm đầu tư trong kỳ có thể cho ta một cái nhìn tổng quát về định hướng kinh doanh dài hạn của Ban lãnh đạo DN.
20. Tổng tài sản -Rào cản gia nhập ngành
Để kinh doanh bán quần áo qua mạng bạn chỉ cần số vốn vài triệu tới vài chục triệu, có ít làm ít có nhiều làm nhiều. Tổng tài sản bằng vốn hoặc gấp vài lần vốn nếu bạn có vay tiền. Bất cứ ai cũng có thể gia nhập ngành. Ngày mai nếu chán bạn có thể dừng công việc KD của mình bằng cách ngừng nhập hàng, bán nốt số hàng đang có; rời khỏi ngành với chi phí rất thấp.
Các công ty bất động sản đều có tổng tài sản vài nghỉn tỷ trở nên. Đó là rào cản vốn rất lớn mà các doanh nghiệp có máu thì cũng khó mà nhẩy vào được. Hãy thử tưởng tương một doanh nghiệp mua một mảnh đất, xây một cái chung tư, rồi bán. Ít cũng phải mất 2 năm từ lúc có giấy phép tới khi bán được nhà. Trong giai đoạn đó tổng tài sản sẽ nở ra cùng với số tiền đi vay. Mà có DN bất động sản nào chỉ chăm chăm xây một khu chung cư đâu, cùng lúc nó có nhiều dự án ở khắp nơi.
Một DN rất khó gia nhập ngành bới Tổng tài sản phải duy trì rất lớn. Khi thoát khỏi ngành chi phí cũng rất cao, bao nhiêu mảnh đất, căn nhà, máy móc phải thanh lý.
Trong kinh doanh các doanh nghiệp trường vốn thường đẩy tổng tài sản lên thật cao; một DN muốn tồn tại trong ngành phải duy trì tổng tài sản cao như vậy nếu không nó sẽ không có lãi.
Tổng tài sản lớn có nghĩa rằng quy mô sản xuất lớn dẫn tới tận dụng lợi thế về quy mô. Các DN khi có quy mô không bằng sẽ không tận dụng được lợi thế này dẫn tới lợi nhuận nhận được thấp hơn.
Ví dụ 1: Sản xuất mì tôm
- Giả sử Masan sản xuất 1 triệu gói mì một ngày. Mỗi gói chỉ cần lãi 100 đồng là có được lợi nhuận sau thuế 100 triệu đồng.
- Một doanh nghiệp sản xuất mỳ khác sản xuất 1000 gói một ngày, để có lợi nhuận tốt hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng nó phải lãi mỗi gói tối thiểu 1000 đồng. Lúc này nó sẽ không cạnh tranh về giá được với Masan.
Ví dụ 2: Kinh doanh qua mạng
Quay lại ví dụ bán quần áo qua mạng của bạn. Đối thủ của bạn một lúc nhập 100 cái áo, tổng tài sản thường duy trì ở mức 1 tỷ. Bạn mỗi lần nhập được 10 cái áo, tổng tài sản duy trì ở mức 100 triệu. Ai có lợi thế hơn nếu như cả hai đều kinh doanh một loại áo như nhau? Đương nhiên là đối thủ của bạn vì với mỗi cái áo cô ý chỉ cần lãi bằng 1/10 của bạn.
Cứ mỗi 1 đồng giảm lợi nhuận của đối thủ thì để giữ nguyên cân bằng bạn phải giảm 10 đồng. Bạn sẽ lỗ phải dừng hoạt động và những người cũng muốn bán hàng sẽ gặp khó khăn hơn để có thể cạnh tranh với lợi nhuận của cô ý. Tất nhiên, một anh A nào đó có thể gia nhập ngành đẩy tổng tài sản lên 100 tỷ, và đến lượt đối thủ của bạn ra đi. Cuộc chơi ngày cảng trở nên khó khăn hơn cho những người gia nhập mới.
ROA của VIN là lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sàn = 1.860 tỷ/193.761 = 1%. Nó có nghĩa rằng cứ 100 đồng tài sản thì VIN thu về 1 đồng lợi nhuận thuần. Nó thể hiện rào cản rất lớn của ngành bất động sản.
Xét trên góc độ tích cực, tỷ số này thể hiện khả năng sinh lợi từ tài sản của DN. Một DN có tổng tài sản ít hơn nhưng tỷ lệ cũng 1% thì có nghĩa là nó hoạt động hiệu quả hơn VIN.
Vậy khi xét Tổng tài sản và chỉ số ROA, chúng ta phải xét tới đặc điểm của ngành mà DN đó đang kinh doanh. Có cần thiết phải tận dụng lợi thế về quy mô để ngăn cản đối thủ hay không? Nếu không cần thì tỷ lệ ROA càng cao càng tốt.