Thị trường hiệu quả là gì? (P1:TTCK)

0
6246

Tôi sẽ tiếp tục chủ đề Thông minh tài chính bằng cách nói về một lĩnh vực đầu tư cụ thể đó là thị trường chứng khoán. Các hình thức đầu tư cơ bản là giống nhau về nguyên lý nhưng thị trường chứng khoán được ví như hàn thử biểu của nền kinh tế và thông tin về nó rất nhiều do vậy tôi chọn lĩnh vực này để giúp các bài viết được sâu hơn thay vì nói chung chung.

Các bài viết ở đây cho dù bạn không đầu tư chứng khoán thì đọc vẫn thấy có ích. Cá nhân tôi nghĩ rằng bạn không nên đầu tư chứng khoán khi mà kiến thức và tính kỷ luật còn chưa đủ. Ngoài ra mỗi người phù hợp với một loại đầu tư khác nhau tùy thuộc vào tính cách và có duyên hay không. Nói chung để kiếm lời trên thị trường chứng khoán là không dễ trong khi rủi ro lại rất lớn; cơ hội ít hơn nhiều so với rủi ro.

Loài vượn cổ tiền thân của loài người có cách đây 6 triệu năm, con người thông minh có cách đây 4 vạn năm. Ngay cả từ trước đó thì mối quan hệ cung cầu đã tồn tại trong tự nhiên. Bất cứ một loài thực vật, động vật nào trong tự nhiên đều cung cấp một hàng hóa/dịch vụ nào đó để đổi lại sự sinh trưởng và tồn tại của mình.

Hoa sản xuất ra mật để ong tới hút mật thì tranh thủ thụ phấn cho nó. Con ong lấy mật và giúp hoa được thụ phấn. Cả hai loài đều vì lợi ích của cá nhân mình mà hành động nhưng lại mang lợi ích cho đối phương.

Cây cho trái ngọt để chim ăn nhờ đó hạt của nó được đi khắp nơi thay vì chỉ rơi dưới gốc. Chim ăn trái ngọt và giúp gieo hạt cho cây mà nó ăn. Cây và chim sống dựa vào nhau, nếu một loài mất đi thì thì loài kia không phát triển được.

Con cáo săn thỏ giúp đào thải những con thỏ yếu và giúp duy trì một lượng thỏ vừa đủ. Nếu không có cáo thì thỏ sẽ sinh vô tội vạ và cuối cùng tất cả có thỏ đều chết vì không còn đủ thức ăn. Con cáo tưởng chỉ hưởng lợi nhưng lại giúp mang lại lợi ích cho bầy thỏ.

Con người sinh ra ban đầu theo hình thức săn bắn hái lượm; có nghĩa thiên về nhận mà không cho đi, chỉ có cầu mà không có cung ra. Dần dần họ biết nuôi trồng; có sở hữu cá nhân, có phân công lao động. Mỗi người trong bầy đàn đảm nhận một trách nhiệm cung một hàng hóa/dịch vụ nào đó để nhận lại những thứ họ thiếu từ người khác.

Từ đó tới ngày nay, mối quan hệ cung cầu giống như xương sống giúp con người có thể tồn tại thành bầy đàn lên tới gần chục tỷ người (điều này không xảy ra với các loài khác). Họ phân chia thành các quốc gia, mỗi quốc gia thông qua lợi thế cạnh tranh tương đối sản xuất ra hàng hóa/dịch vụ mà mình có lợi thế rồi đem đổi với các nước khác. Những người trong một quốc gia cũng thông qua lợi thế so sánh tương đối của mình để chọn ra một hàng hóa/dịch vụ mà mình làm tốt nhất để cung ra và cầu lại những thứ khác.

Bàn tay vô hình thông qua quan hệ cung cầu đã tồn tại cả triệu năm chẳng đợi tới khi Adam Smith phát biểu ra trong cuốn “Của cải các quốc gia” năm 1776. Bàn tay vô hình giúp vận hành thế giới tự nhiên và cả thế giới con người.

Lực lượng bên cung cung cấp ra lượng hàng hóa/dịch vụ mà họ muốn và có khả năng bán tại một mức giá. Nếu họ thấy giá chưa đủ cao thì họ sẽ không bán. Lực lượng bên cầu cầu một lượng hàng hóa/dịch vụ mà họ muốn và có khả năng mua tại một mức giá. Nếu họ thấy giá chưa đủ thấp thì họ sẽ không mua.

Bên bán và bên mua gặp nhau tại một mức giá với sản lượng gọi là điểm hiệu quả. Tại điểm đó bên bán không muốn bán thấp hơn mà bên mua không muốn mua cao hơn. Nếu một ai đó bên mua bỏ cuộc thì sẽ làm giá cân bằng giảm xuống khiến cho một ai đó bên bán bỏ cuộc hoặc một ai đó bên mua sẽ gia nhập vì giá đã phù hợp với họ.

Thị trường chứng khoán là cái chợ nơi mà bên mua và bên bán giao dịch cổ phiếu với nhau. Giá mỗi cổ phiếu là giá mà tại đó cả bên mua và bên bán đều cho rằng hợp lý thông qua những gì họ đã biết ví dụ như doanh nghiệp kinh doanh gì, Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE là bao nhiêu, Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu EPS là bao nhiêu? Tóm lại toàn bộ các thông tin đều biết. Cái bất định còn lại chỉ là thông tin ngẫu nhiên không thể dự đoán vì nếu dự đoán được thì nó sẽ phản ánh ngay vào giá.

Giống như giá mớ rau ngoài chợ hôm nay tăng gấp đôi so với tuần trước là do trời quá lạnh khiến nguồn cung sụt giảm; giá đó là giá hợp lý đối với cả bên mua và bên bán. Những người bên bán để có mớ rau đó phải ra ngoài vườn lúc trời rất lạnh; anh ta tăng giá bán vì thấy nó hợp lý với công sức đã bỏ ra. Người mua mớ rau hiểu sự hy sinh đó vì vậy họ chấp nhận giá đó (hoặc nếu không chấp nhận thì họ không mua). Một sự kiện ngẫu nhiên trong tương lai mà cả bên mua và bán đều không thể dự báo trước là có một trận mưa đá tối hôm đó. Nhưng cả bên mua và bên bán đều không thể dự báo nên bên bán không có ý định găm rau đợi tới ngày hôm sau và bên mua không mua nhiều rau hơn để tích trữ. Điều này giống y hệt những gì diễn ra trên TTCK; giá hiện thời là giá hợp lý và cả bên mua và bên bán đều không dự báo được sự ngẫu nhiên trong tương lai (sẽ làm tăng hoặc giảm giá đó).

Gấu đại diện cho bên bán và Bò đại diện cho bên mua.

Tóm lại nếu giá chứng khoán Vingroup với mã VIC ngày hôm nay mở cửa ở giá 95.300 và đóng cửa ở giá 100.400 thì 100.400 đồng/cổ phiếu của Vingroup đó là giá hợp lý ở thời điểm đóng cửa. 5000 đồng tăng thêm là do có sự chênh lệch về thông tin giữa lúc đóng cửa của ngày hôm trước và đóng cửa của ngày hôm nay khiến cho bên cầu chấp nhận trả giá cao hơn và bên cung không chịu bán giá thấp hơn . (Chú ý là chúng ta đang bàn tới luận điểm cho rằng thị trường chứng khoán là một thị trường hiệu quả).

Giả định rằng bạn có 200 triệu và đứng trước các cơ hội đầu tư như sau:

  • Gửi tiết kiệm ngân hàng có kỳ hạn
  • Mua một số cổ phiếu trên thị trường chứng khoán
  • Mua ngoại tệ
  • Mua vàng
  • Mua nhà đất
  • Mở một doanh nghiệp

Bạn sẽ quyết định cho 200 triệu đó vào đâu tùy thuộc vào lợi tức thu được, mức độ rủi ro và tính thanh khoản. Gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất 7% đương nhiên là an toàn nhất sẽ là cơ sở để so sánh với các hình thức khác.

Mua một cổ phiếu bản chất là bạn sở hữu một phần doanh nghiệp và nhận cổ tức từ nó. Một doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có tỷ suất lợi nhuận cao hơn mức gửi ngân hàng 7%, trả cổ tức bằng tiền mặt và đều ít nhất 5 năm thì rất nhiều. Vì vậy đơn giản nhất là bạn chọn công ty đó và mua cổ phiếu của nó vào bất cứ lúc nào (vì giá bất cứ lúc nào cũng là hợp lý). Sau đó quên nó đi, nhận tiền mặt cổ tức hàng năm. Và khi cần tiền mặt thì bạn có thể bán nó đi ở bất cứ lúc nào vì giá bất cứ lúc nào cũng là hợp lý (cao hơn so với lúc mua thì tốt quá mà thấp hơn thì đành chịu).

Bạn có thể đầu tư theo cách này, chỉ cần nhớ 3 điều kiện:

  • Chọn công ty có tỷ suất sinh lời càng cao càng tốt (tất nhiên cao hơn lãi gửi NH). Tỷ suất đó ổn định trong quá khứ ít nhất 3 năm và có ngành nghề kinh doanh ít phụ thuộc, hoặc phụ thuộc phù hợp với môi trường bên ngoài trong tương lai. Nếu không biết công ty độc lập hay phụ thuộc phù hợp với bên ngoài trong tương lai thì chọn công ty có số năm trả cổ tức bằng tiền với tỷ suất sinh lời có xu hướng bằng hoặc cao dần. Một công ty đã trả cổ tức bằng tiền mặt 5 năm, 7 năm, 10 năm hoạc cao hơn chứng tỏ nó có lợi thế cạnh tranh giúp ổn định mức sinh lời cho cổ đông trong tương lai. Và chú ý là cổ tức phải trả bằng tiền mặt.
  • Phải mua bằng tiền mình có (mà không phải tiền đi vay).
  • Phải quên nó đi giống như bạn gửi tiền có kỳ hạn ở ngân hàng; gửi càng lâu thì lãi suất càng cao.

Bạn có làm được điều trên không? Chắc không. Rất ít nhà đầu tư làm như trên, họ vi phạm cả 3 hoặc 1 trong 3 điều kiện. Và vì vậy thị trường chứng khoán trở thành thị trường không hiệu quả. Nó không phải thị trường hiệu quả vì:

1.Thông tin bất đối xứng

Đúng là cái gì đã xảy ra thì đều có lý do nhưng cái lý do đó không phải tất cả mọi người đều biết cùng một lúc. Người biết nhanh nhất, đầy đủ nhất đương nhiên là Chủ tịch HĐQT, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc điều hành, ..nói chung là người nội bộ trong công ty. Ủy ban chứng khoán có quy định về việc công bố thông tin của một số vị trí trong công ty đại chúng nhằm loại bỏ lợi thế về thông tin. Ví dụ nếu ông A là kế toán trưởng của doanh nghiệp X (gọi là doanh nghiệp đại chúng) thì ông sẽ phải thông báo công khai trước 3 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động mua/ bán. Hoạt động đó sẽ diễn ra trong bao lâu với hình thức nào (thỏa thuận hay khớp lệnh), kết thúc thời hạn mua/bán, ông phải công bố đã mua và bán bao nhiêu.

Nhưng nói chung thì ông A đó không nhất thiết tự mình mua mà có thể thông báo cho một người khác thực hiện mua/bán. Và đề chống lại việc ông A bảo vợ con ông ý mua thì ủy ban chứng khoán (Bộ tài chính ban hành thông qua đề xuất của chủ tịch UBCK) cũng có quy định là người thân của ông A (gọi là người có liên quan) thực hiện thì cũng phải thông báo như ông A. Nhưng cũng chỉ ngăn phần nào thôi chứ không thể triệt để nhất là trong một thị trường chứng khoán còn sơ khai như của ta (Thị trường CKVN xếp vào nhóm sơ khai, thấp nhất trong 3 phân hạng)

Ngoài ra các quỹ lớn thường cũng sẽ nắm lượng cổ phiếu lớn gọi là nhóm cổ đông lớn; họ cũng sẽ có thông tin sớm cộng với bộ máy chỉ có ăn và phân tích.

Đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ chỉ thông qua sự biến động về giá để dự đoán rằng đã có một thông tin có lợi hay bất lợi nào đó đã diễn ra (mà không phải ngược lại). Nếu như có một thông tin nào đó được đăng trên báo thì có khi đã được phản ánh vào giá rồi chứ không phải tương lai nó tăng hay giảm vì thông tin đó. Khi một tin tốt ra có khi là lúc nên bán chứ không phải lúc nên mua; vậy nên trong đầu tư chứng khoán mới có câu “tin ra là bán”.

Nhà đầu tư nhỏ lẻ nhận phần thiệt trong sự bất xứng về thông tin này. Bạn dự đoán triển vọng về giá thông qua dữ liệu mà ..đã được phản ánh vào giá. 🙂 chán nhể.

2. Con người rất phi lý trí trên thị trường chứng khoán

Chẳng cần phải trên thị trường chứng khoán, tất cả các lĩnh vực đầu tư con người đều để cảm xúc chi phối rất nhiều. Ví dụ như ở mảng bất động sản, Trong cuối năm năm 2017 tới giữa 2018 khi manh nha thông tin về luật đặc khu thì giá đất Vân Đồn đã trả qua thời kỳ tăng giá gấp 4 lần. Các nhà đầu tư thi nhau mua với kỳ vọng là sẽ bán được cao hơn trong tương lai bất chấp giá đất đã trở nên hết sức bất hợp lý. Kết cục là ai mua cuối cùng sẽ chịu thiệt; vấn đề là khi thực hiện mua bạn không thể chắc chắn được mình có phải là người cuối cùng đó không.

Thị trường chứng khoán có đặc trưng là giá được hiển thị thời gian thực và biến động theo từng phút. Nhà đất thì khác, bạn mua một mảnh đất và phải mất nhiều công sức mới có thể biết được mảnh đất đó hiện có thể bán với giá bao nhiêu. Giả sử khi xác định được giá, bạn cũng phải mất cả tháng để tìm được người mua và thực hiện các giao dịch cho tới khi nhận tiền về tài khoản.

Hiển thị thời gian thực và mua/bán rất đơn giản nên tác động vào tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán rất lớn.

Mặt khác, thị trường chứng khoán ngoài giá mỗi cổ phiếu còn tồn tại một chỉ số chung mà tác động rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư. Với TTCK Việt Nam đó là VnIndex, và các TTCK quốc tế thì có Nasdaq của Mỹ, Nikkei của Nhật, Shanghai của TQ.

Đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ mang tâm lý đầu ngắn hạn vì vậy bị tác động rất lớn bởi yếu tố tâm lý. Các quỹ đầu tư, các cổ đông lớn các công ty thì họ nghĩ tới vài năm vì vậy ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố tâm lý trong ngắn hạn.

Tóm lại giá trị hiện thời của mỗi một chứng khoán trên thị trường chứng khoán không phải là giá hợp lý dưới tác động của Thông tin bất đối xứng và yếu tố cảm xúc của nhà đầu tư. Vì không phải giá hợp lý nên nhà đầu tư nhắm tới mục tiêu mua tại giá thấp bất hợp lý và bán tại giá cao bất hợp lý với kỳ vọng rằng trong dài hạn giá sẽ về mức hợp lý để mình có thể bán đi hoặc mua lại kiếm lời. Với suy nghĩ đó tỷ lệ thắng chỉ là 10% trên tỷ lệ thua 90%.

Nói vậy thì có vẻ như TTCK còn nhiều rủi ro hơn một sới bạc. Nếu vậy thì cần gì phải có mấy cái entry này làm gì. TTCK có trên thế giới hơn 100 năm, ở VN là gần 20 năm; nó sẽ tiếp tục tồn tại và nó tồn tại cũng có cái lý của nó. Một nhà đầu tư nhỏ lẻ không phải là không có cơ hội thắng miễn là họ có kỷ luật và có kiến thức.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here