Trên thị trường chứng khoán trên 99,5% là nhà đầu tư cá nhân, mỗi người mỗi quan điểm đầu tư khác nhau. Cho dù bắt đầu từ đâu và với quan điểm đầu tư nào thì đều phải quan tâm tới tìm hiểu thông tin về kinh tế vĩ mô bên cạnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mà họ mua cổ phiếu.
Mục lục:
Thị trường chứng khoán và sức khỏe của nền kinh tế
Có tổng thống hay thủ tướng nước nào lại tự chê về triển vọng kinh tế tương lai không? Không, cho dù có là Trump hay Thủ tướng nước ta, tất cả đều tô vẽ một viễn cảnh tương lai kinh tế đất nước mình một cách sáng lạn. Điều này cũng giống như việc bạn nghe một người bán hàng nói về sản phẩm của họ bán, chẳng có người bán nào lại chê mà chỉ có khen sản phẩm mình bán.
Sản phẩm tốt hay xấu phải thông qua phân tích các thông số của sản phẩm cũng tương tự như nền kinh tế tốt hay xấu là thông qua các chỉ số vĩ mô của nó.
Thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của kinh tế vĩ mô, nó có mối quan hệ nhân quả cũng như mối quan hệ dự báo. Đầu tư chứng khoán giỏi cũng phải là người có khả năng phân tích kinh tế vĩ mô giỏi.
Tuần này Mỹ và Trung Quốc sẽ hội đàm với nhau để tiến tới giải quyết các xung đột. Cả Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đều muốn hai bên đi đến một giải pháp thay vì cứ đấu đá nhau. Chiến tranh thương mại làm cho thị trường chứng khoán của cả hai quốc gia đều giảm, mà điều đó sẽ ảnh hưởng tới mức độ ủng hộ lãnh đạo của người dân mỗi nước. Đặc biệt là Mỹ, nơi mà thị trường chứng khoán tăng điểm cũng quan trọng chẳng kém gì số việc làm tạo mới phải tăng. Và vì vậy chúng ta có thể dự đoán gần như chắc chắn là hai nước sẽ đạt tới một thỏa thuận chung trước thời hạn tháng 3 tới đây. Điều này được thể hiện bằng chỉ số công nghiệp Dow Jones (DJ) của Mỹ tăng điểm mấy ngày qua. Từ mức thấp nhất ngày 3/1 là 22.685 điểm khi chính phủ Mỹ đóng cửa tới ngày 7/1 đã quanh 23.600 điểm (tăng 5%).
Thông qua chỉ số DJ của Mỹ tăng hay giảm mà ta biết được các nhà đầu tư lạc quan hay bi quan với nền kinh tế hay một sự kiện cụ thể nào đó, giống như cuộc gặp Mỹ-Trung đang diễn ra.
Ngoài chỉ số Dow Jones được tính từ 30 công ty lớn nhất thì còn chỉ số S&P 500 là 500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất trên thị trường chứng khoán NewYork. Hai chỉ số này có sự biến thiên tương đối giống nhau nên thường người ta chỉ quan tâm 1 trong hai chỉ số; hoặc DJ hoặc S&P500.
Mỗi nước sẽ có các chỉ số chung tiêu biểu. Ở Việt Nam đó là VnIndex là chỉ số chung của các công ty niêm yết trên sàn Hồ Chí Minh (HOSE). Chỉ số HNX là chỉ số chung của các công ty niêm yết trên sàn Hà Nội (HNX). Do vốn hóa của các công ty trên sàn HOSE chiếm hơn 75% tổng vốn hóa toàn thị trường (HOSE, HNX và UPCOM) nên VnIndex được coi là chỉ số chính phản ánh toàn thị trường.
Tại sao thị trường chứng khoán lại là thước đo phản ánh nền kinh tế của cả hiện tại lẫn tương lai?
Trên TTCK, giá mỗi cổ phiếu phản ánh hiện trạng và kỳ vọng của nhà đầu tư đối với DN đó. VnIndex được tính dựa trên các cổ phiếu này vì vậy nó phản ánh một hiện trạng và tương lai chung của kinh tế VN. Tất nhiên phải hiểu rằng giá là sự thỏa thuận giữa người mua và người bán mà quyết định của người mua và người bán không chỉ dựa trên lý trí mà còn trên cả cảm xúc nữa.
Các chính phủ luôn muốn TTCK tăng điểm vì nó thể hiện hiện trạng và niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô cần quan tâm
Lãi suất
Khi lãi suất tăng, người dân sẽ gửi tiền tiết kiệm vì vậy chi tiêu và đầu tư sẽ giảm; và tiền đổ vào TTCK cũng giảm. Ngược lại, khi lãi suất giảm, người dân sẽ chi tiêu và đầu tư nhiều hơn; tiền đổ vào TTCK nhiều hơn.
Lãi suất giảm cũng làm cho chi phí vốn vay của DN giảm đi nhờ vậy họ có lãi hơn. Nói chung lãi suất giảm thì chỉ số chung thường tăng điểm. Tất nhiên Ngân hàng nhà nước cũng rất ít khi thay đổi lãi suất, thường họ sẽ nói về định hướng sắp tới. Ví dụ NHNN bảo sẽ ổn định lãi suất trong năm thì hiểu là trong năm sẽ không có biến động về lãi suất; nhưng nếu NHNN phát biểu theo hướng tăng hay giảm thì sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới TTCK ở hiện tại.
NHNN thường rất cẩn thận trong các phát biểu kiểu như vậy vì có thể nó sẽ dội vào một gáo nước lạnh vào thị trường; như vậy sẽ mếch lòng thủ tướng.
Mối quan hệ giữa lãi suất và thị trường rõ nhất là trong năm 2018 vừa qua khi FED tăng lãi suất 4 lần. Cứ mỗi trước kỳ họp của FED là các nhà đầu tư lại đoán. Nếu họ đoán FED tăng LS thì Dj sẽ giảm ngay trước khi FED họp. Khi họ đoán FED không tăng LS thì DJ sẽ chập chờn đợi chờ trước khi FED họp; nếu FED họp và quyết định ko tăng thì DJ tăng điểm; nếu quyết định tăng LS thì DJ sẽ sụt giảm mạnh hơn nữa.
Thủ tướng nước ta đương nhiên muốn thị trường chứng khoán tăng điểm vì nó sẽ giúp các nhà đầu tư lạc quan đầu tư tiền, người tiêu dùng lạc quan mà chi tiêu nhiều tiền hơn, các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào nhiều hơn, thoái vốn DN nhà nước được giá hơn,…Nói chung TTCK tăng điểm là một chỉ số quan trọng thể hiện năng lực điều hành của chính phủ. Ngân hàng rất ít khi tác động vào lãi suất vì họ có các công cụ khác hay hơn để nới lỏng hay thắt chặt như quy định tăng trưởng tín dụng, định hướng ưu tiên cho vay các ngành nghề…Chúng ta sẽ tìm hiểu dần các chỉ số kinh tế vĩ mô khác ở entry sau. Đọc thêm: Biến động thị trường qua 15 lần thắt chặt tiền tệ của Fed
Cảm ơn anh vì những bài viết hữu ích!
cảm ơn em!
Tình cờ được biết trang web của anh . Đọc nhiều bài viết của anh em hiểu được nhiều điều .
Năm mới chúc anh và gia đình luôn mạnh khoẻ và hạnh phúc . Và ngày càng có nhiều bài viết hay hơn .
Cảm ơn em.