Lạm phát và giảm phát là sản phẩm của nền văn minh nhân loại. Chắc chỉ có thời hàng đổi hàng thì mới không có khái niệm lạm phát còn sau đó là vỏ ốc, vỏ sò, vàng bạc,.. và cuối cùng là tiền giấy của chính phủ thì đều gặp phải hai tình huống này.
Trong cả tình huống lạm phát và giảm phát thì đều có lợi và hại; đều có hình thức đầu tư cho phù hợp. Trước hết cần hiểu về hai khái niệm này một cách rõ ràng.
Mục lục:
Mô hình giản đơn
Xét một mô hình kinh tế giản đơn, ở trạng thái ban đầu chỉ có 1 công nhân và 1 ông chủ lò bánh mỳ. Hàng ngày người công nhân đi làm từ sáng và tới tối lúc ra về được trả công là 10 cái bánh mỳ. Người công nhân có thể dùng bánh mỳ để đổi các hàng hóa khác như là trả 1 cái bánh mỳ cho anh grap đã có công trở anh ta về nhà; 1 cái bánh cho trường nơi con anh ta học,…Đây là hình thức hàng đổi hàng.
Bánh mỳ không để qua ngày được vì vậy anh ta kiếm được 10 cái bánh và cũng tiêu 10 cái bánh trong cùng một ngày. Tất cả các thành phần liên quan khác với hai đối tượng trên đều được nhận được bánh mỳ làm trong ngày và tiêu dùng hết trong ngày.
Giờ trong mô hình này ta thêm tiền; có 100.000 đồng trong lưu thông. Người công nhân sáng tới làm việc và chiều tối khi đi về được trả 100.000 đồng. Giả định rằng anh ta dùng luôn 100.000đ này để mua 10 cái bánh mỳ. Cứ như vậy ngày này qua ngày khác, 100.000 đ đó được trao đổi đi trao đổi lại; mỗi cái bánh mỳ giá 10.000đ. Tiền giúp cho việc trao đổi với những người khác trong nền kinh tế dễ dàng hơn rất nhiều so với bánh mỳ.
Tình huống 1: Giảm sản lượng
Một ngày đẹp trời anh công nhân thấy rằng không cần phải mua 10 cái mà chỉ cần mua 5 cái nên anh ta mua của anh chủ lò 5 cái với giá 50.000đ. Ở ngày đầu tiên có hành vi đó, mỗi bên còn lại 50.000đ. Ông chủ lò bị hỏng 5 cái bánh mỳ ngày đầu tiên vì vậy quyết định giảm sản lượng vào ngày kế tiếp từ 10 xuống còn 5 cái và đàm phán trả lương cho anh công nhận là 50.000đ. Sản lượng lúc này là 5 cái bánh mỳ/ngày; giảm 50% so với trước đây và chẳng ai được hưởng lợi cả (GDP tăng -50% thay vì 0% trước đây). Trong thực tế, kinh tế được thúc đẩy bởi chi tiêu; chi tiêu nhiều dẫn tới sản lượng sản xuất ra nhiều. Đứng về mặt tổng thể thì chính phủ cần kích thích người tiêu dùng ngày càng tiêu dùng nhiều hơn; còn đứng ở vị trí cá nhân thì bạn nên tiêu dùng ít đi nhằm tăng tiết kiệm; miễn là cả nền kinh tế không bắt chước bạn là được.
Ông chủ chỉ có thể bán hàng cho anh công nhân và anh công nhân cũng chỉ mua bánh mỳ của ông chủ trong khi đó tiền trong lưu thông có những 100.000đ. Một ngày đẹp trời lương của anh công nhân sẽ tăng lên 100.000đ và mỗi cái bánh mỳ sẽ có giá 20.000đ. Do cầu tiền giảm trong khi cung tiền vẫn vậy nên dẫn tới lạm phát.
Tình huống 2: Lạm phát
Mô hình độc quyền bán và mua như tình huống 1 ít xảy ra. Thực tế sẽ có nhiều người tiêu dùng và cũng có nhiều nhà sản xuất.
Giờ ta bổ sung vào mô hình 1 anh công nhân B (anh đầu tên là A) và tổng tiền trong lưu thông là 200.000đ. Hai anh này làm việc cho ông chủ lò nhận lương mỗi người 100.000đ; tới chiều tối trước khi đi về cả hai lại tiêu hết vào ….bánh mỳ (mỗi người 10 cái). Người chủ lúc này là độc quyền bán trong khi anh ta có vị thế cao hơn ở vị trí mua. Anh ta có những 2 người lao động và có thể dùng sự cạnh tranh của họ để thu lợi cho mình.
Một ngày anh thấy rằng nếu mình tăng giá bánh mỳ và giảm sản lượng sản xuất ra thì ẽ có lãi hơn. Anh ta giảm sản lượng tổng từ 20 xuống còn 10 cái, tăng giá bán lên 20.000/cái (lạm phát 100%). Với 10 cái sản lượng, A và B phải cạnh tranh nhau về giá đành chấp nhận mua với giá 20.000đ/cái. Nếu cả hai A và B cùng đồng thời không mua thì có thể ép ông chủ bánh mỳ nhưng trong nền kinh tế có rất nhiều người tiêu dùng rời rạc, họ không thể ngồi thỏa thuận được với nhau.
Nếu chính phủ giảm cung tiền từ 200.000 xuống 100.000đ thì giá sẽ lại điều chỉnh từ 20.000đ/cái về 10.000đ/cái. Có vẻ như lạm phát lúc này là 0% nhưng GDP thực tế vẫn giảm 50% (từ mức 20 cái/ngày xuống 10 cái/ngày). Vì vậy chỉ số lạm phát luôn phải đi kèm với chỉ số GDP. Lý tưởng nhất là GDP tăng và lạm phát giảm (trong vùng cho phép từ 2 tới 3% vì thấp hơn là dấu hiệu của giảm phát).
Tình huống 3: Giảm phát
Chúng ta thấy rất nhiều sản phẩm ngày nay có xu hướng rẻ hơn so với trước đây, điển hình như điện thoại thông minh. Nguyên nhân là do có sự tham gia của nhiều nhà sản xuất khiến họ cạnh tranh với nhau. Tương tự với tình huống ô tô cũng vậy, ô tô cũng có xu hướng ngày càng rẻ hơn do sự cạnh tranh khi Vinfast gia nhập thị trường và rất có thế mạnh ở TT trong nước. Vậy rẻ hơn phải là tốt chứ?
Quay lại mô hình ban đầu giờ bổ sung thêm 1 ông chủ bánh mỳ. Ông chủ này vừa gia nhập thị trường vốn đang cân bằng ở mức giá 10.000đ/cái. Ông chủ mới này muốn bán được bánh mỳ thì giá phải rẻ hơn vì vậy ông giảm giá 8000đ/cái. Ông chủ ban đầu thấy vậy cũng phải giảm giá theo; dần dần thì mức giá cho mỗi cái bánh mỳ chỉ còn 5000đ/cái. Mặc dù cầu tiền giảm xuống, cung tiền vẫn vậy nhưng mức giá không tăng. Trong nền kinh tế thực tế có rất nhiều hàng hóa dịch vụ, ví dụ như giá điện giảm xuống thì tiền thừa đó được người tiêu dùng mua hàng hóa dịch vụ khác hoặc để tiết kiệm.
Hai ông chủ bánh mỳ bán giá không đủ chi phí dẫn tới một ông nào đó sẽ rời bỏ thị trường. Với tình huống giá ô tô giảm, người tiêu dùng có xu hướng ngồi đợi ô tô giảm thêm rồi mới mua dẫn tới chi tiêu giảm; chi tiêu giảm thì sản lượng giảm. Vậy giá giảm (giảm phát) thường đi kèm với sản lượng giảm (GDP giảm). Mà sản lượng giảm thì chẳng ai được hưởng lợi cả, người tiêu dùng cũng là người lao động, thu nhập của họ cũng giảm vì doanh nghiệp bán được ít hàng hóa hơn.
1.Đầu tư trong thời kỳ lạm phát tăng cao
Một mức lạm phát ở 2% là vừa đủ, giúp cho người mua chấp nhận được mức giá tăng và giúp cho người lao động cảm thấy tươi đẹp khi lương tăng. Lương anh công nhân A tăng từ 100.000đ lên 200.000đ và giá bánh mỳ từ 10.000 lên 20.000đ thì anh ta sẽ vẫn vui hơn là việc lương và giá giữ nguyên hoặc lương 50.000 với giá bánh mỳ 5000đ.
Một mức lạm phát cao thường sẽ kích thích người ta tiêu trước trả sau. Giả định bạn biết rằng tiền sẽ mất giá 50% từ nay tới 2020 thì bạn sẽ vay 10 tỷ để mua một mảnh đất; tới năm 2020 thì căn nhà đó đã xấp xỉ 20 tỷ trong khi bạn chỉ phải trả vốn 10 tỷ + lãi 10% (nhớ vay theo thời gian dài và lãi cố định lúc vay). Nếu bạn cho rằng làm gì có chuyện bất hợp lý đó thì hãy nhìn giai đoạn 2007 tới 2012 khi mà lạm phát mỗi năm đều ở mức trên 12%.
Lạm phát là cân bằng của cung cầu tiền, giống như hai lưỡi của một cái kéo. Chính phủ quản lý cung tiền, một lưỡi kéo. Ở lưỡi còn lại chính phủ kiểm soát được chi tiêu chính phủ (chính sách tài khóa) và kiểm soát các thành phần khác bằng chính sách hành chính. Ví dụ chính phủ có thể giảm thuế thu nhập DN kích thích DN sản xuất nhiều hơn ở một lĩnh vực ưu tiên nào đó. Vậy lạm phát là do chính phủ quyết định phần lớn. Nhưng chính phủ đôi khi phải hy sinh lạm phát để có được GDP, nới lỏng tiền tệ thường có tác động thúc đẩy sản xuất kinh doanh vì tiêu dùng nhiều hơn.
Chính phủ quản lý cung tiền thông qua hệ thống ngân hàng bằng các chính sách nới lỏng hoặc thắt chặt. Nới lỏng là khi chính phủ giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng hạn mức dư nợ tín dụng, bán trái phiếu,…và thắt chặt là khi làm ngược lại.
Cung tiền trong giai đoạn 2009-2012 có sự nới lỏng quá mức là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao ở nước ta. Nếu như năm 2000 tổng phương tiện thanh toán (M2) của Việt Nam chỉ ở mức dưới 60% GDP, thì đến cuối năm 2010 đã lên đến trên 130% GDP (tổng dư nợ tín dụng trên 110% GDP).
Tốc độ tăng cung tiền cao hơn tốc độ tăng GDP theo giá thực tế đã tồn tại trong thời gian dài. Vào năm 2007, tốc độ tăng trưởng M2 là 43,7%, tín dụng là 53,9%; mức tăng kỷ lục này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra lạm phát cao vào năm 2008. Đến năm 2009 và 2010, tăng trưởng M2 và tín dụng lại tăng lên mức khoảng 30%/năm, đã dẫn đến lạm phát năm 2010 và 2011 lại bị đẩy lên cao.
Đầu 2006 với mục tiêu tăng trưởng, chính phủ tăng chi tiêu chính phủ thể hiện bằng nợ công giai đoạn này tăng từ 24 tỷ usd năm 2006 lên 48 tỷ USD năm 2011
Tiền được đẩy vào nền kinh tế thông qua mua sắm công của chính phủ. Người dân có thu nhập cao hơn, họ dùng tiền đó để tiêu sài, đầu tư hoặc gửi vào ngân hàng. Thị trường chứng khoán từ giữa 2006 bắt đầu từ mức 300 điểm lên tận gần con số 1200 điểm. Nói chung không chỉ TTCK mà tất cả tài sản đều bị thổi bong bóng lên gấp nhiều giá trị thực. 2008 bắt đầu các tài sản vỡ và TTCK cũng vỡ theo giảm về mức ban đầu.
Như vậy có thể tách thời kỳ lạm phát phi mã ra làm ba giai đoạn. Ở giai đoạn bắt đầu có dấu hiệu lạm phát không thể kiểm soát, cần tích lũy tài sản vật chất ví dụ như vàng, nhà đất,..Trên TTCK thì chọn các DN mà tài sản của nó sẽ tăng lên ví dụ DN bất động sản, các DN đầu ngành (nói chung thì DN nào cũng sẽ tăng điểm khi thị trường chung tăng điểm). Trong giữa thời kỳ của lạm phát phi mã việc bạn bán một tài sản này và mua một tài sản khác nếu không cẩn thận có thể vẫn thiệt vì bán cao nhưng mua cũng cao. Thường thì giai đoạn này lãi suất tiền gửi ngân hàng cũng cao khi chính phủ nỗ lực giảm cung tiền và NH thì không có tiền để cho vay do người dân đang trong cơn lốc tiêu dùng và đầu tư. Khi đã bán tài sản và chuyển sang tiền thì không quay lại thị trường nữa, đợi cho tới khi bong bóng vỡ và tài sản về thấp hơn giá trị thực, là lúc lại mua tài sản.
2. Đầu tư trong thời kỳ giảm phát
Mức lạm phát dưới 2% được coi là giảm phát. Bản thân việc giá hàng hóa/dịch vụ giảm không phải là xấu nhưng nó là dấu hiệu cho thấy chi tiêu đang giữ nguyên hoặc giảm. Mà chi tiêu giữ nguyên hoặc giảm thì sản lượng (GDP) cũng vậy. Rất nhiều nguồn lực trong xã hội sẽ không được dùng hết công suất: máy móc bị bỏ không, người lao động không có việc làm, tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng với lãi suất bằng 0 mà vẫn có người gửi.
Giảm phát có lẽ chỉ thấy ở các nước phát triển kiểu như Nhật khi mà các nguồn lực đều đã khai thác tới ngưỡng hoặc xu hướng giảm. Ở Việt Nam chắc còn lâu ta mới rơi vào tình trạng này. Cũng tương tự như lạm phát, chính phủ có thể kiểm soát một phần lớn bằng cách tăng cung tiền hoặc tăng chi tiêu chính phủ.
Ngày 16/12/2008, FED đưa lãi suất về mức 0% (chắc nếu có lãi suất âm thì FED cũng làm) để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. Và từ 2015 tăng từ từ tới 2018 là 1,5%; còn năm 2018 tăng luôn 4 lần lên 2,5%.
Hãy tưởng tượng một nền kinh tế ngủ gà ngủ gật, cứ bình bình đều đều. Bạn mua một căn nhà và thấy nhà cứ giảm đi; cho thuê thì năm tới lại phải đàm phán với bên thuê giảm giá thuê (thay vì tăng). Tất cả tài sản đều giữ nguyên hoặc giảm đi; lãi suất ngân hàng lúc đó cũng sẽ sát mức 0%. Túm lại bạn giữ của cải ở dạng hình thái gì cũng không khiến nó sinh sôi. Có thể nếu tài sản bị định giá thấp trong khi lãi suất vay ngân hàng về mức gần 0% thì vay tiền ngân hàng dài hạn với lãi suất cố định để mua tài sản như nhà đất để cho thuê, và sau này có thể bán khi nền kinh tế thoát khỏi giảm phát.
Về nguyên tắc tiền phải đổ về một loại tài sản nào đó. Nếu như những người có tiền thấy gửi ngân hàng không lãi nhiều, thị trường nhà đất thì èo ọt thì sẽ đổ tiền vào thị trường chứng khoán nơi các doanh nghiệp vẫn trả cổ tức. Các doanh nghiệp trên TTCK có thể đang kinh doanh ở nước ngoài, có thị trường xuất khẩu rộng kiểu như Apple của Mỹ nên nó vẫn có lợi nhuận tốt. Tránh các doanh nghiệp có thị trường chủ yếu trong nước vì họ bị ảnh hưởng bởi chi tiêu trong nước.
Trong giai đoạn giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp sẽ có xu hướng tăng đặc biệt là giới trẻ khi mà kinh nghiệm chưa có gì. Những người phụ thuộc vào thu nhập sẽ thấy mức lương mình giảm nhưng vì giá hàng hóa cũng giảm nên những ai có việc không bị ảnh hưởng nhiều về mức sống nhưng luốn đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi những người thất nghiệp trên thị trường sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn.
Tóm lại lạm phát là một chỉ số rất quan trọng của kinh tế vĩ mô bên cạnh tổng sản phẩm quốc nội GDP, tỷ lệ thất nghiệp. Lạm phát là kết quả của việc tăng cung tiền hoặc tăng chi tiêu chính phủ. Chính phủ tăng cung tiền thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng bởi các chỉ số lãi tiền gửi ngân hàng (lãi suất), dự nợ tín dụng, tăng giảm của dự trữ ngoại tệ,….Thông qua lạm phát và GDP, nhà đầu tư có thể biết được nền kinh tế đang trong giai đoạn nào. Nền kinh tế biến đổi theo chu kỳ 5 năm, 10 năm hoặc cao hơn nên cũng đòi hỏi tầm nhìn của nhà đầu tư xa hơn và cũng phải kiên nhẫn hơn.
Cảm ơn anh. bài viết rất hữu ích. Anh có thể giải thích tại sao giai đoạn này lạm hát thấp nhưng lãi suất ngân hàng vẩn có xu hướng tăng. và giai đoạn này nên đầu tư vào gì ( nhà đất, chứng khoán hay gửi tiết kiệm) .