Thông minh tài chính (P3: Danh mục đầu tư -Một số tài sản quen thuộc)

10
10931
4.9/5 - (25 votes)

Mong muốn được làm những gì mình thích, chẳng phải chịu sai khiến của ai, lúc nào thích làm thì làm, lúc nào không thích thì đi chơi là những mong muốn hết sức cảm dỗ. Khi chúng ta chưa bắt đầu chúng ta tưởng tượng ra rất nhiều thứ hay ho, cũng giống như khi là cảm giác trước khi mua một cái xe mới, một cái điện thoại mới, một ngôi nhà mới, một máy tính mới…Thực tế khi đã bắt đầu chúng ta sẽ thấy mọi thứ không đơn giản.

Chúng ta rất khó có thể thoải mái khi mà mỗi sáng thức dậy đã mất 200.000 tiền thuê cửa hàng, một đống nguyên liệu đã mua chất trong kho, đơn hàng cần gấp của khách hàng,…. Những thứ đó sẽ khiến ta không còn có thể chủ động được nữa; thay vì ngốn 8 tiếng khi đi làm thuê thì nó ngốn của ta 12 tiếng mỗi ngày. Những đam mê của những ngày đầu khi mới bắt đầu tự doanh dần phai nhạt theo những mệt mỏi hàng ngày. Số vốn tích cóp được cũng đội nón đi do khả năng kiểm soát tài chính kém.

Tự doanh hay là một nhà đầu tư đầy cám dỗ nhưng không phải là chỗ cho những người amateur. Nếu như một thứ gì đó mà ai cũng muốn đạt tới thì nó sẽ dư thừa nguồn cung dẫn tới việc  đó sẽ ngày càng khó khăn hơn. Đừng thấy người ta mở quán cafe, kinh doanh trên mạng,… mà ham. Bạn chỉ nên bắt đầu khi đã hiểu rất rõ khó khăn sẽ phải đương đầu và sẵn sàng chấp nhận nó.

Dù sao thì tự doanh cũng là con đường không hề dễ dàng. Xác suất trụ vững trong 5 năm là rất thấp. Nó là cái bánh ngọt bên trong có cái bẫy chuột.

Sẽ tốt hơn cho đại đa số chúng ta là nên nắm rõ một con đường đi phù hợp với mình thay vì kỳ vọng rằng mình cứ làm tốt ở một chỗ đứng nào đó rồi thì sẽ giàu. Một người về nguyên tắc ngay khi ra trường có thể lập tức nhẩy vào làm Nhà đầu tư, ví dụ như kinh doanh đồng tiền ảo chẳng hạn, nhưng xác suất thành công là vô cùng thấp. Ngoài kia có rất nhiều người thông minh đang đợi những người thiếu hiểu biết về tài chính nhảy vào cuộc chơi của họ. Cho dù bố mẹ bạn cho vài tỷ, bạn mở doanh nghiệp hay tự doanh thì rồi nó cũng bay hết nếu như bạn không đủ thông minh để không bị những người thông minh hơn vặt mất.

Những lời khuyên nghe rất hay giúp bạn mất tiền:

  • Em nên mua mảnh đất này, sang năm giá tăng gấp đôi vì có quy hoạch công viên ngay cạnh, sang năm sẽ khởi công.
  • Nên mua cổ phiếu A vì theo thông tin trong nội bộ thì nó sẽ tăng hơn 60% vào cuối năm.
  • Nên mở quán cafe ở đường Hùng Vương, chỗ đó chắc chắn sẽ đắt khách.
  • Buôn bán qua mạng giờ là mốt thời thường. Em nên đầu tư vài khóa bán hàng online, nhập hàng về bán.
  • Mua tiền ảo đi, tới sang tháng giá sẽ tăng gấp vài lần. Nguồn cung thì hữu hạn mà cầu thì vô hạn.
  • Em nên tham gia vào mạng lưới kinh doanh này. Hàng hóa thì rất chất lượng mà hợp lý, chỉ cần bỏ ra trước một ít tiền mua hàng là đủ.

Thông minh tài chính không đi kèm với vốn sẽ rất dễ bị mất vốn vì vậy cho dù bạn đang có tiền trong túi thì cũng đừng sốt ruột. Cơ hội luôn luôn có, mất đi cơ hôi này sẽ có cơ hội khác.

Entry này và vài entry sau ta sẽ cùng bàn về các loại tài sản thuộc danh mục đầu tư nhằm có cái nhìn sơ bộ về đích đến.

Một danh mục đầu tư bao gồm những loại tài sản như phía dưới:


Nhìn danh mục ta sẽ thấy có một số đặc điểm sau:

Sinh lời nhờ mua rẻ bán đắt:

Bất cứ tài sản nào nói chung cũng có thể sinh lời bằng cách này. Tất nhiên cũng có thể theo chiều hướng ngược lại khi chẳng may mua đắt bán rẻ. Kỹ năng cần rèn luyện nếu muốn kinh doanh dạng tài sản này là lựa chọn thời điểm mua và lựa chọn thời điểm bán.

Tiền gửi ngân hàng là loại tài sản rất đặc biệt. Đây là tài sản mà gần như 100% chúng ta sử dụng, không ai nhét VNĐ vào két sắt ngày này qua ngày khác  trừ các bác ở vùng sâu vùng xa không có khái niệm ngân hàng. Tiền gửi ngân hàng sinh lãi suất khi nắm giữ nhưng lại bị mất giá theo thời gian bởi lạm phát.

Tài sản sinh lời khi nắm giữ

Hàng hóa nói chung không sinh ra giá trị nếu như không tiêu dùng. Ví dụ bạn mua một thùng mì gói về nhà, nếu không ăn mà chỉ để đó thì nó sẽ giảm chất lượng dần theo thời gian. Vàng thì không bị thiu thối gì nhưng nếu chỉ để đó thì chẳng sinh ra cái gì cả, lại còn có rủi ro mất cắp nữa.

Tiền pháp định bị ảnh hưởng bởi lạm phát, cho dù bạn có nắm đô la Mỹ thì vẫn cứ có lạm phát khiến cho sức mua số tiền bạn nắm giữ ngày càng giảm. Tương tự, tiền ảo hay dầu mỏ cũng vậy đều mất chi phí nắm giữ nhưng không sinh ra tiền.

Tài sản có tỉnh lỏng khác nhau

Tính lỏng hoặc tính thanh khoản của tài sản là thời gian cần thiết để chuyển tài sản đó thành tiền mặt. Thông số này rất quan trọng vì chẳng có lợi ích gì khi bạn nắm giữ một món tài sản có giá trị mà không thể chuyển nó thành tiền để mua sắm thứ khác. Ví dụ nếu bạn có một viên ngọc nặng 1 tấn, giá trị có thể 1 triệu usd nhưng nó sẽ chẳng mang lại giá trị gì cho bạn vì không bán được.

 

Chúng ta đi vào một số loại tài sản đặc biệt:

 

1.Vàng

Vàng là nơi trú ẩn rất thích thú của người Việt Nam nói chung, thậm chí còn hơn cả tiền gửi ngân hàng. Hãy nhìn biểu đồ giá vàng từ 2011 tới nay, nó cho ta thấy điều gì? Nếu bạn mua vàng vào năm 2011 ở giá 37 tr/lượng, sau đó cất két tới hôm nay bán đi thì bạn chẳng có thêm đồng nào cả thậm chí là âm. Nhưng sẽ là tốt hơn nếu bạn bán vào tháng 4/2013 thời điểm giá vàng đạt 47tr/lượng.

Thông thường những người nắm giữ vàng suy nghĩ chủ quan về dài hạn là vàng sẽ tăng mãi nên không quan tâm tới biến động ngắn hạn.

Câu hỏi là liệu Vàng có tăng mãi không, ví dụ như 2 năm nữa thành 50 tr/lượng chẳng hạn?

Bản thân vàng không có giá trị sử dụng tới mức giá hiện tại mà đơn giản vì cung cầu. Khi cung vượt cầu thì giá giảm và khi cầu vượt cung thì giá tăng. Bạn hãy thử phân tích Cung cầu để xem liệu vàng có tăng trong tương lai không. Tôi thì tôi nghĩ là không, tăng thì có tăng nhưng lợi ích sẽ không bằng tiền gửi ngân hàng.

Một đặc trưng nữa của Vàng là khi tăng thì tăng rất nhanh còn khi giảm thì cũng giảm rất nhanh. Nguyên nhân là nó phụ thuộc hoàn toàn vào tâm lý nhà đầu tư và chu kỳ các loại tài sản khác. Phân tích về vàng tôi sẽ quy trở lại sau này sau khi các bạn có cái nhìn tổng thể về các loại tài sản.

 

2. Bất động sản

Đầu năm 2013 khi có 200 triệu đầu tiên, tôi dùng nó để mua vàng với suy nghĩ  vàng về dài hạn sẽ tăng. Tới giữa năm 2014 khi mua căn nhà đầu tiên cần tiền tôi bán vàng đi bị lỗ vài trăm nghìn (tất nhiên bên cạnh mất đi chi phí cơ hội của tiền là lãi suất ngân hàng nếu gửi vào NH).

Tôi nghiệm ra thêm một điểm nữa cần phải lưu ý đối với loại tài sản dạng này là khi cần tiền bắt buộc phải bán đi thì lại thường không được giá.

Ngay như tiền gửi ngân hàng, muốn lãi suất cao thì phải gửi có kỳ hạn 6 tháng hoặc 1 năm. Chỉ cần thiếu 1 ngày thôi thì khi rút ra bạn sẽ chỉ ăn được lãi không kỳ hạn. Tất nhiên là cũng có cách để bạn bảo toàn được chi phí cơ hội của tiền trong 11 tháng đã qua đó nhưng đôi khi ít tiền quá bạn tặc lưỡi cho qua.

Vàng cũng vậy, ngay khi bạn mua 1 số lượng vàng nào đó thì đã ngay lập tức mất một số tiền chênh lệch giữa giá bán ra và giá mua vào.  Lúc cần tiền bán đi thì đa phần vào thời điểm giá thấp.

Như vậy, đối với những tài sản chỉ sinh lời từ chênh lệch giữa mua và bán thì ít nhất bạn phải chủ động được thời điểm bán.

Bất động sản là một dạng trung tính. Nó có thể sinh lời khi nắm giữ nếu như bạn cho thuê được. Nó cũng có thể sinh lời từ tiền chênh lệch mua bán.

Căn nhà đầu tiên của tôi sau hơn 1 năm nắm giữ bán đi lãi được khoảng 9%. Vài năm trôi qua với nhiều lần thử sức tôi nhận ra rằng để đạt lợi nhuận 10% từ BĐS là cực kỳ khó. Chủ yếu lợi nhuận đến từ việc bạn không phải chồng tiền ra ngay một lúc, ví dụ đóng tiền theo tiến độ xây dựng, còn nếu như phải chồng tiền 100% lúc mua thì lãi cùng lắm 10% là may mắn lắm rồi, nếu không chỉ có lỗ.

Có thể bạn sẽ phản đối vì không phải không có tình huống mua 1 bán 10. Nhưng bạn nên nhớ một quy luật trong kinh doanh tài sản nói chung đó là “Khi bạn biết một thông tin nào đó thì thường đã quá muộn rồi”

Khi bạn biết có dự án sân bay Long thành thì đất ở đó đã bị người ta gom hết rồi. Nếu bạn lao vào thì chắc chắn mua ở đỉnh. Vì nhà đầu cơ đã gom hàng trước đó sẽ ồ ạt bán ra chốt lời nên giá sẽ giảm đi. Kết cục đau lòng là bạn mua ở thời điểm giá cao và bán ở thời điểm giá thấp.

Một thông tin mà đã đăng lên internet, hàng triệu người có thể đọc được thì càng muộn. Thông tin từ một anh bạn nào đó rỉ vào tai bạn thì là may cho bạn với điều kiện rằng không có vài nghìn người như anh ta cũng đang nghĩ rằng chỉ có mình mình biết.

Khi bạn biết giá vàng đang lên và quyết định mua thì đừng dại mua. Nói chung mọi thứ đang lên giá đều phải cảnh giác cao độ khi quyết định mua. Đừng hy vọng một cách chủ quan rằng mình mua ở sườn lên chứ không phải mua ở đỉnh hay sườn xuống.

Bất động sản cũng là loại tài sản cần rất nhiều vốn, rất dễ vào vòng nợ xấu nếu cố gắng nắm giữ. Khi bạn mua bằng nợ thì sẽ bị sức ép về việc bán để trả nợ vì vậy không còn chủ động được thời điểm bán nữa.

Một bất động sản bạn sở hữu mà đang ở trên đó, không kiếm tiền được nhờ cho thuê mà còn phải trả phí sử dụng đất thì theo định nghĩa là tiêu sản. Thông thường ta hay theo xu hướng khi có tiền thì đổi nhà, mua nhà to hơn để ở với suy nghĩ rằng sau này nếu không ở nữa có bán đi sẽ có lãi. Nhưng thực ra tiền đó để bạn đầu tư món khác còn sinh lời tốt hơn; chẳng có lý gì khi gia đình bạn chỉ ở có 1/3 số diện tích mà lại phải trả tiền ban đầu cũng như các loại chi phí duy trì cho 2/3 còn lại. Đây là sai lầm rất phổ biến, suy nghĩ kỹ trước khi mua nhà to hơn để ở.

 

3. Ngoại tệ

Ngoại tệ là món rất thịnh hành trước đây, khi mà lãi suất gửi tiền đô la Mỹ còn ở mức 2% và VNĐ cứ mất 10% mỗi năm trước USD. Ngày nay vấn đề rất khác, giống như vàng thì lãi suất tiền gửi ngoại tệ là 0%.

Ngay khi mua bạn đã mất một số tiền vì chênh lệch giữa giá mua và giá bán

Về dài hạn nhà nước sẽ phải bảo vệ VNĐ nên sẽ có chính sách để khiến cho dân chúng không muốn giữ USD trong két. Gần đây có tin là nhà nước muốn huy động tiền USD trong dân bằng cách tăng lãi suất tiền gửi USD từ 0% lên mức trên 0% nhưng về cơ bản nếu bạn quy đổi nó ra VNĐ gửi ngân hàng thì vẫn có lợi hơn.

Một hình thức kinh doanh tiền khác là kinh doanh tiền trên thị trường ngoại hối, ví dụ như sàn Forex. Tôi nghĩ rằng hình thức kinh doanh tiền này đầy rủi ro, giá được quyết định hoàn toàn từ cung cầu và từ những nhóm người bạn không thể với tới, không có khả năng nắm giữ dài hạn sinh lãi như một số loại tài sản khác.

Gần đây còn hình thức kinh doanh tiền ảo, thậm chí kinh doanh đa cấp tiền ảo. Tốt nhất bạn không nên dính vào nó nếu như không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Trên đây là 4 loại tài sản mà chúng ta hay nắm giữ bao gồm 1.Tiền gửi ngân hàng; 2.Vàng, 3.Bất động sản và 4.Ngoại tệ. Tôi sẽ nói về các loại tài sản còn lại, mối quan hệ giữa chúng ở entry sau. Chắc hẳn sẽ rất thú vị vì các loại tài sản đó mới có nhiều thứ để nói.

 

Entry này bạn cần nhớ một số ý chính sau:

  • Tài sản có hai loại: nhóm sinh lời cả khi nắm giữ lẫn khi bán đi và nhóm chỉ sinh lời khi bán đi.
  • Đối với tài sản sinh lời từ chênh lệch giữa giá bán và giá mua thì năng lực lựa chọn điểm mua và điểm bán quyết định lợi nhuận có được.
  • Khi bạn biết một thông tin nào đó nghe có vẻ hay ho thì thường đã quá muộn để có thể kiếm lời từ nó.
  • Vay nợ để đầu tư vào tài sản sinh lời từ chênh lệch là cực kỳ rủi ro vì bạn sẽ bị động về thời điểm mua trong khi chủ động được thời điểm mua mang tính sống còn đối với loại tài sản này.
  • Đầu tư tài sản sinh lời nhờ chênh lệch theo hướng nắm giữ dài hạn không phù hợp với vàng, ít nhất là từ giờ trở đi.
  • Nếu bạn không cảm thấy chắc chắn nên để tiền vào đâu thì tiền gửi ngân hàng vẫn đang là lựa chọn số 1.
Entry phần 3 này mình đã bắt đầu và dở dang ít nhất là 5 lần ở 5 nội dung khác nhau. Khó khăn vì kiến thức về lĩnh vực này rất rộng trong khi người đọc thì đa dạng ở nhiều trình độ khác nhau. Chúng ta tạm chấp nhận bắt đầu từ những thứ đơn giản và phức tạp dần theo các entry về sau.

Comments

comments

10 COMMENTS

  1. Một bất động sản bạn sở hữu mà đang ở trên đó, không kiếm tiền được nhờ cho thuê mà còn phải trả phí sử dụng đất thì theo định nghĩa là tiêu sản.
    –> Hi anh, vậy nếu như em đang có nhà để ở, nhưng mua thêm một miếng đất để sau này về ở và miếng đất đó chưa thể ở được ngay do khu đó chưa phát triển + chưa đủ tài chính để xây. Thì đó là tài sản hay tiêu sản ? Tại vì theo em 5 năm nữa em không thể mua được miếng đất đó với mức giá hiện tại, và hiện tại chỉ mới sau 2 năm đã tăng giá khoảng 50%.

    • Tốc độ tăng giá của miếng đất lớn hơn chi phí cơ hội của tiền + chi phí duy trì là được em ạ. Chi phí cơ hội của tiền là lãi gửi tiết kiệm của số tiền em đã bỏ ra. Chú ý giá miếng đất phải là giá thanh khoản có nghĩa là giá thực vì đôi khi giá chỉ do cò đưa đẩy, lúc bán thì không bán được giá đó.

  2. Hầu hết những sách em đọc trước đây để thay đổi tư duy về tài chính và quản lý tài chính cá nhân đều nằm ở trang này!Cảm ơn ad đã cho em nhiều kiến thức về kinh tế mà em cần tìm.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here