Tất cả các entry trong chuỗi entry về Thông minh tài chính này sử dụng kiến thức từ nhiều cuốn sách khác nhau và kinh nghiệm cá nhân. Đó là các cuốn Dạy con làm giàu của Robert Kyosaky (tôi không thích cách kể chuyện dài dòng của những cuốn này lắm), Nhà đầu tư thông minh của Benjamin Graham (người khai sinh ra trường phái đầu tư giá trị) và một số cuốn nói về Warren Buffett (được coi là nhà đầu tư thành công nhất từ trước tới nay).
Tôi sẽ giữ nguyên tôn chỉ về cách viết nhằm đảm bảo rằng bất kỳ ai ở bất cứ trình độ nào cũng có thể hiểu được. Những gì người đọc không hiểu thì có thể comment hỏi ở dưới mỗi entry.
Trước khi đi sâu thêm ta phải bàn lại một chút con đường đi:
1. Cần chọn được cho mình một con đường sẽ đi, chọn càng sớm thì càng về đích sớm.
Qua entry Chiến lược tài chính cá nhân ta hiểu rằng con đường phát triển nghề nghiệp và con đường phát triển tài chính cá nhân là hai con đường có những lúc đi chung và có những lúc đi riêng. Ta phải ý thức mình như thế nào để lựa chọn phương thức đi cho phù hợp.
Chúng ta nói chung thường chỉ đặt mục tiêu nghề nghiệp. Xa thì là một chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, gần thì thành thạo tiếng anh, vi tính,…Con đường đó sẽ đi theo một trong hai hướng:
Hướng tốt đẹp: Nhờ rất giỏi trong một lĩnh vực nào đó mà mức lương ngày càng cao hơn.
Hướng xấu: Không đạt được tới trình độ chuyên gia vì vậy mức lương tăng chỉ bù tương ứng với lạm phát. Nguyên nhân có thể do không chọn đúng nghề mình làm giỏi hoặc vì không có con đường đi cụ thể nên lạc đường mãi không tới đích.
Nếu chỉ xét yếu tố xác suất thì ta thấy hướng xấu sẽ là đa số. Điểm chung là không thực sự yêu thích công việc, không rõ mình sẽ đi về đâu vì vậy học tập, nhảy việc hay ở lại đều theo cảm tính mà không có sự tính toán cụ thể. Điều này chẳng khác việc bạn quyết định mua hay bán vàng chỉ bằng tin đồn.
Nếu coi thời gian, công sức như một dạng tài sản thì ta phải sử dụng nó giống như một nhà đầu tư thực thụ. Lựa chọn cho mình một hướng đi để theo đuổi phụ thuộc vào năng lực, hiện trạng của bản thân.
Một người giỏi hoặc xuất sắc nên theo con đường như sau:
Anh phải đặt mục tiêu rõ ràng nhằm đảm bảo rằng không có khoảng trống cho sự nhàm chán. Quan trọng hơn hết phải ý thức được đúng trình độ của mình, nhận thức rằng cho dù giỏi tới đâu thì đã theo con đường này thì chắc chắn sẽ luôn có khó khăn cản bước.
Nếu ý thức đúng thì phần thưởng cho những người theo con đường này là chắc chắn và nhanh hơn nhiều so với con đường thứ hai.
Nếu cảm thấy mình không thực sự giỏi cái gì thì nên theo con đường thứ hai:
Con đường này có nguyên lý rất đơn giản. Tiết kiệm tiền trong một thời gian rất dài và chuyển nó thành danh mục đầu tư. Trung bình mỗi người làm việc khoảng 30 năm, thừa đủ để đạt mục tiêu.
Con đường này không đòi hỏi phải thông minh nhưng lại bù lại đòi hỏi tính kiên nhẫn và kỷ luật rất cao.
Hai con đường này trái ngược nhau. Một con đường nhanh nhưng đòi hỏi nỗ lực lớn giống như chạy. Một con đường đòi hỏi sự kiên trì và kỷ luật cao giống như là đi bộ. Cả hai đều có thể hoàn thành cự ly 42km nhưng một hướng nhanh với khả năng chấn thương cao, một hướng chậm nhưng phải liên tục chống lại sự nhàm chán.
2. Điều kiện để thành công
Điều kiện để bạn tới đích khi theo chiến lược tài chính cá nhân rất đơn giản. Có 3 điều kiện: Kiên nhẫn, Kỷ luật và Vốn
Vốn bạn sẽ tích tụ dần theo thời gian với cách thức tiết kiệm như đã liệt kê ở entry Chiến lược tài chính cá nhân. Đó là bạn phải:
- Tăng cường nắm giữ tài sản (những thứ sinh ra tiền) và giảm đi nợ (những thứ làm mất tiền). Thời điểm ban đầu nên quan tâm tới việc giảm nợ, tất cả hàng hóa/dịch vụ mà giá trị khi sử dụng mang lại không xứng đáng với số tiền bỏ ra đều là nợ.
- Nếu phải nợ thì tăng nợ tốt (nợ mà người khác trả giúp bạn) và giảm nợ xấu (nợ mà chính bạn phải trả).
- Tập trung vào 20% chi phí mang lại 80% chất lượng sống. Giảm thiểu toàn bộ các chi phí có thể thay thế bằng thứ miễn phí, hoặc có giá rẻ hơn.
Song song với đó đương nhiên bạn sẽ phải tìm cách tăng nguồn thu bằng cách gia tăng năng lực mang lại giá trị để người khác phải trả lương bạn cao. Tôi không bàn nhiều về việc tăng nguồn thu vì đã có rất nhiều bài trên blog này rồi. Ở đây tôi mặc định rằng bạn là người bình thường, chỉ có khả năng tiết kiệm mỗi tháng từ 1 tới 4 triệu.
Kiên nhẫn là đức tính không thể thiếu được khi bạn phải tiết kiệm tiền trong một thời gian rất dài, 10 năm, 20 năm. Bạn không thể sốt ruột theo kiểu thỉnh thoảng vài ngày, vài tháng lại nhìn danh mục tiết kiệm của mình được. Sẽ phải quên nó đi trong khi vẫn phải sống tằn tiện để có tiền cho vào đó đều đều hàng tháng.
Hãy nhìn cách lũ kiến giải phóng một con gián chết. Chúng nó bê từng phần từng phần của con gián, có thể mất cả ngày mới xong. Kết quả cuối cùng con gián đã biến mất hoàn toàn; chúng không cố gắng bê nguyên con một lần vì như thế là bất khả thi.
Kỷ luật là đức tính không thể thiếu. Ngày nay có rất nhiều các cám dỗ, tất cả mọi thứ đều có hai lựa chọn Mất tiền hoặc Không mất tiền. Thói quen sẽ thiên về hướng mất tiền nhiều hơn vì dịch vụ của mất tiền thường mang lại sự tiện nghi, an toàn. Bơi sông hồ – Bơi bể bơi, Uống nước lọc – uống nước ngọt, xem phim ở rạp-xem phim ở nhà, đi ô tô – đi xe bus, ăn ngoài tiệm – ăn ở nhà,….
Và kết quả của hướng miễn phí đôi khi lại tốt hơn so với hướng mất tiền. Tiết kiệm hơn không có nghĩa là chất lượng sống đi xuống.
Nếu chỉ có mình ta thì vấn đề khá đơn giản nhưng chúng ta có cả một gia đình mà trong đó không phải ai cũng đồng lòng tiết kiệm, đặc biệt là trẻ con. Chúng ta lại có họ hàng, đồng nghiệp, bạn bè,.,…, rất dễ bị cuốn vào lối sống của những người xung quanh. Chỉ cần tặc lưỡi một cái là bạn sẽ phá vỡ kỷ luật trong tiết kiệm.
Tôi nghĩ để có sự kiên nhẫn và kỷ luật đòi hỏi phải suy nghĩ rất nhiều về lựa chọn con đường, gia tăng sự quyết tâm tới mức bạn có thể đánh bại các thói quen đang cản trở con đường đó. Hãy như một vận động viên marathon nghiệp dư, từng bước một đi về phía đích, rồi thì cũng về tới đích, Phần thưởng ở vạch đích thực sự rất đáng để hy sinh.
Tôi biết rằng việc này vô cùng khó vì tôi nghiệm ra rằng các cuốn sách dạy người ta làm giàu của những người thành công đều được phát hành khi mà người đó đã thành công. Có nghĩa họ đã thành công sau đó nhìn lại quãng đường đi của mình và đưa ra các lý do cho sự thành công đó. Họ nghĩ rằng nếu thực hiện các điều đó thì người khác cũng sẽ thành công như họ. Những lý do đó mang tính chủ quan rất cao, thiếu nhiều thông tin mà họ đã không nêu ra vì không nhớ hoặc không muốn kể ra. Biết trước kết quả sau đó đi tìm các biến số các hằng số trong đó, một bài toán ngược đầy rủi ro.
Bạn nên suy nghĩ thật kỹ, dành nhiều thời gian ở bước hoạch định mục tiêu: lựa chọn con đường đi của mình và cam kết tuân thủ nó ít nhất 10 năm sắp tới.
Một số entry liên quan:
Cảm ơn anh Dũng vì những chia sẻ rất có tâm và nhiều thông tin. Em chúc anh được sức khoẻ.
cảm ơn em!
Các bài viết trên trang anh vô cùng có giá trị, mình xin copy vài bài để trang nhà mình nhé
cảm ơn em!
cảm ơn tác giả, bài học rất bổ ích ạ. Đọc bài viết tôi suy ngẫm và đưa ra được chiến lược tài chính cá nhân của chính mình.
Cảm ơn em.
Bài chia sẻ của anh rất bổ ích.
Cảm ơn em.
Kính chào anh dungiso, tôi nhận thấy nếu chuyển từ E sang I có vẻ không ổn lắm ở chỗ, thiếu đi “quá trình” trở thành nhà đầu tư(kiến thức, kinh nghiệm). Quá trình quan trọng hơn kết quả.
Mình có hai quá trình. 1.quá trình tích lũy vốn và 2.Quá trình tích lũy năng sử dụng vốn mà. Trong đó thì quá trình tích lũy vốn là tốn nhiều thời gian nhất nên mình có nhấn mạnh trong entry này.
V.D
Dear Huyền,
Thực tế có rất nhiều người đã chuyển từ E sang I mà chẳng cần phải học hỏi gì nhiều.
Mình chứng kiến những người tiết kiệm một cách cực đoan, ăn không dám ăn ngon, mặc không dám mặc đẹp, hạn chế các mối quan hệ xã hội,…Họ theo một cách tích lũy tài sản rất cổ điển đó là chuyển tiền tiết kiệm thành vàng, khi vàng đủ nhiều họ chuyển nó thành bất động sản. Những người đó đa phần sống trong một giai đoạn khó khăn, khi bắt đầu có nguồn thu nhập cao hơn họ ý thức rất cao việc phải tiết kiệm nhằm phòng chống sự mất thu nhập trong tương lai, khi đó họ không phải quay lại những tháng ngày khó khăn nữa. Những người này họ có sự kỷ luật từ thực tế trải qua, họ thoải mái mặc kệ thiên hạ nghĩ họ ra sao. Con đường của họ gần như chắc chắn sẽ thành công, sau 10 năm tới 20 năm tiền thuê nhà đủ để họ sống.
Chiến lược của họ rất đơn giản : Đất đai không sinh ra được còn con người thì ngày càng đông hoặc tích trữ của cải bằng vàng vì vàng lúc nào cũng tăng trong dài hạn. Ngược lại, có những người muốn mau chóng trở nên giàu có mà không cần bỏ thời gian công sức, những người này thường không có kiến thức vì vậy dễ bị người khác lấy đi tất cả. Trong entry đầu tiên: Chiến lược tài chính cá nhân (https://chienluocsong.com/chien-luoc-tai-chinh-ca-nhan/) mình cũng đã nhấn mạnh tới tiến trình. Tiến trình đó đòi hỏi rất nhiều thời gian, còn đi như thế nào mình cũng đang cố gắng để chỉ ra trong chuỗi entry về thông minh tài chính.
Nếu không có con đường trực tiếp từ E sang I mà bắt buộc phải qua bước tự doanh hoặc doanh nghiệp thì cơ hội quá ít cho đa số chúng ta.
cảm ơn bạn.
V.D
Mong anh chia sẻ thêm về việc chuyển từ E sang I , ngoài việc đi làm tiết kiệm tiền và tích lũy kiến thức để chuyển sang I liệu ta có cách nào thúc đẩy nhanh quá trình không? Liệu ta có nên vay tiền ngân hàng lãi suất 10% rồi cho vay lại 12% để có thư nhập bên I trong khi vẫn đi làm ? …
Nếu em vay 10% rồi cho vay lại 12% thì chắc chỉ có làm cầm đồ em ạ. Cái gì cũng có thể làm được cả nhưng mình có đủ năng lực để làm hay không thôi.
anh.
Cảm ơn anh đã phản hồi.