Một chính phủ giống như Việt Nam có hai loại chính sách quan trọng chính để điều tiết nền kinh tế đó là Chính sách tài khóa và Chính sách tiền tệ. Tuy nhiên ở Mỹ thì người điều hành chính sách tiền tệ không phải là chính phủ mà là Cục dự trữ liên bang Mỹ FED. Việc FED quyết định tăng hay giảm lãi suất không chịu sự chi phối của chính phủ mà tự FED quyết định. Ở VN hay hầu hết các nước khác điều hành chính sách tiền tệ là Ngân hàng TW trực thuộc chính phủ.
Lấy ví dụ Việt Nam có gói kích cầu bất động sản 30.000 tỷ. Chính phủ ra quyết định và ngân hàng trung ương cung cấp các khoản vay ưu đãi cho ngân hàng thương mại để họ cung cấp các khoản vay cho người mua nhà. Ở Mỹ không như thế, FED cung cấp ra các gói nới lỏng định lượng QE3 mà không chịu sự chi phối của tổng thống Mỹ.
Vì vậy chính phủ Mỹ trên phương diện kinh tế còn lại công cụ là chính sách tài khóa. Quan điểm của Kynes cho rằng nền sản xuất có xu hướng gia tăng sản lượng theo thời gian, tổng cung tăng mà tổng cầu không tăng theo thì sẽ làm cho nền kinh tế rơi vào suy thoái. Theo quan điểm này thì chính phủ sẽ phải tăng chi tiêu theo thời gian nhằm tăng tổng cầu, điều này tất yếu dẫn tới chính sách tài khoá thâm hụt.
Mặt khác chi tiêu chính phủ thường kém hiệu quả vì chính phủ không rõ ràng giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Việc kéo điện tới một bản làng có vài chục hộ dân không mang lại hiệu quả kinh tế nhưng chính phủ vẫn làm vì hiệu quả xã hội. Chương trình chăm sóc y tế ObamaCare của tổng thống Obama không thể coi là mang lại hiệu quả kinh tế được. Hiệu quả xã hội vì khó đo đếm nên rất dễ bị đem ra chỉ trích.
Trump là một doanh nhân, ông rất nhậy cảm về hiệu quả kinh tế vì vậy chính sách chi tiêu của chính phủ Obama không thể nằm ngoài tầm ngắm được. Chính sách thuế liên quan tới thu nhập của chính phủ ta đã bàn ở entry phần 3, entry này là quan điểm về chi tiêu.
Cứu lấy chương trình An sinh xã hội
Khi tới 60 tuổi về hưu có thể bạn sẽ chẳng tích lũy được xu nào để sống nốt 40 năm còn lại mà không có thu nhập. Nếu một mình bạn thì chẳng có vấn đề gì nhưng nếu có cả xã hội như bạn thì đó là vấn đề lớn. Chính phủ biết rằng người dân thường sẽ ít người nghĩ tới việc tích lũy tiền cho tuổi nghỉ hưu vì vậy họ bắt chúng ta phải đóng Bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Vấn đề đối với An sinh xã hội là vì chính phủ giữ tiền hộ người lao động nên họ có thể tiêu lạm vào đó và tới lúc cần trả thì lại không có tiền. Thực tế chính phủ có thể dùng tiền của người đóng mới để trả cho người đã đóng trong quá khứ. Nếu tháp dân số hình nhọn dần về phía đỉnh thì chẳng có vấn đề gì vì số người nộp lớn hơn số người nhận.
Các cuộc bùng nổ dân số diễn ra sau các cuộc chiến tranh khiến cho tháp dân số tại thời điểm đó là hình tháp nhọn hướng lên trên. Theo thời gian số sinh mới giảm dần khiến cho tháp trở nên béo dần ở giữa. Lúc này là lúc mà chính phủ phải bỏ ra rất nhiều tiền (mà họ đã lỡ tiêu) để bù đắp cho số thiếu hụt. Đó cũng là lúc mà quỹ hưu trí và quỹ bảo hiểm y tế có thể bị phá vỡ.
Ở Mỹ, người lao động khi còn đi làm cũng đóng vào hai quỹ giống như ở Việt Nam. Quỹ an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội) là 12,4% số lương trong đó NLĐ và chủ LĐ mỗi bên chịu một nửa. Quỹ y tế Medicare (Bảo hiểm y tế) đóng 2,9% số lương, mỗi bên chịu một nửa. Như vậy, mỗi tháng NLĐ Mỹ phải trả 7,6% tổng số lương cho hai quỹ.
Hình dưới là tháp dân số năm 2016 của Mỹ. Ta sẽ thấy là tháp đang có cấu trúc bắt đầu thuôn nhỏ dần về phía đáy. Những người đi làm trong độ tuổi từ 19-65 sẽ dần mất cân đối với lứa trên 65 ( tuổi về hưu hiện tại của Mỹ là 65).
Theo thông tin từ Trump thì hiện chương trình An sinh xã hội đang chiếm 20% tổng chi ngân sách. Chương trình chăm sóc y tế và hỗ trợ y tế liên bang chiếm 22%. Tại thời điểm năm 1965 thì cứ 50 người mới có 1 người sử dụng thì nay cứ 6 người thì có 1 người đang sử dụng chương trình này ( tương ứng với 53 triệu người). 75 năm nữa con số này sẽ là 122 triệu người, chiếm 1/4 dân số.
Trong nội dung này bên cạnh nhắc lại các nội dung cũ liên quan tới tăng nguồn thu thì Trump đưa ra chính sách cụ thể:
- Tăng tuổi về hưu đang là 65 lên 70 để tăng số người đóng bảo hiểm và giảm số người nhận bảo hiểm. Trump cũng chú ý rằng việc này phải làm nhưng không phải bây giờ (để không làm mất lòng những cử tri hiện tại)
- Tăng số người có việc làm từ đó tăng số người đóng bảo hiểm. Chú ý là những người trong độ tuổi lao động mà không có việc làm thì họ không những không đóng góp được gì vào quỹ mà họ còn lấy ra thông qua trợ cấp thất nghiệp.
- Loại bỏ gian lận bảo hiểm y tế.
Năm 2010, tổng thống Obama ký phê chuẩn chương trình Obmacare giúp mở rộng chương trình chăm sóc y tế cho người có thu nhập thấp, các công ty nhỏ. Chương trình này giống với chương trình hỗ trợ người nghèo của chính phủ Việt Nam. Người nghèo thường sử dụng triệt để các dịch vụ của bảo hiểm y tế, khác với những người có tiền thường họ sẽ sử dụng các dịch vụ mà bảo hiểm y tế không hỗ trợ để mong có dịch vụ y tế tốt hơn. Lý do này sẽ làm quỹ bảo hiểm bị thâm hụt nhiều hơn.
Trump đưa ra số liệu rằng có hàng nghìn tỷ usd thất thoát từ chương trình ObamaCare. Cứ 20 người Mỹ thì có 1 người khai là khuyết tật để hưởng trợ cấp.
Tóm lại nếu chính phủ kiểm soát chặt thì mọi công dân tới tuổi về hưu sẽ nhận được khoản tiền mà mình đã đóng trong 40 năm trước đó. Cách quản lý của chính phủ Obama hiện nay tất yếu sẽ dẫn tới phá sản của quỹ an sinh xã hội.
Chính phủ phải bớt lãng phí hơn
Sau đây là các ví dụ mà Trump đưa ra để chứng minh chính phủ của Obama đang lãng phí ra sao, bạn sẽ không thể có cách nào xác minh là đúng hay sai:
– Theo báo cáo của GAO, mỗi năm chính phủ chi tiêu hàng tỷ đô la cho hàng chục chương trình phí phạm chồng lấn lên nhau. Chỉ cần tổ chức hợp lý và hợp nhất 2.100 trung tâm dữ liệu sẽ giúp tiết kiệm 200 tỷ đô la trong 10 năm tới.
– Trong năm qua cục Quản lý nhân sự đã chi trả 601 triệu đô la tiền hưu trí cho những người đã chết.
– Năm 2010, 700.000 đô la tiền thuế đã được cắt cho nghiên cứu về hiện tượng ợ hơi ở bò. 600 nghìn đô la cho việc tạo ra chò chơi video liên quan đến chó sói; 250.000 đô la cho nghiên cứu chuyện tình thời Internet..
Trump đưa ra các ví dụ về việc ông đầu tư hiệu quả ra sao trong các dự án của mình nhằm liên tưởng tới việc ông sẽ quản lý tiền nhà nước hiệu quả ra sao nếu làm tổng thống. Trump vốn là một doanh nhân nổi tiếng và không quá khó để ông chứng minh việc này.
Chính phủ Obama giải quyêt khoản thâm hụt 5,3 nghìn tỷ đô la mỹ trong 75 tới của quỹ An sinh xã hội bằng cách tăng thuế. Trump giải quyết bài toán bằng cách giảm thuế mà vẫn đảm bảo rằng không bị vỡ quỹ chỉ bằng kiểm soát tốt việc chi.
Trong vòng 7 năm làm tổng thống Obama đã làm cho nợ công Mỹ tăng gấp đôi, hiện nợ Mỹ lên tới 20.000 tỷ usd tương đương với 105% GDP. Chúng ta nhớ rằng Obama lên làm tổng thống Hoa kỳ cùng thời điểm này năm 2008. Năm 2008 cũng là năm khủng hoảng tài chính thế giới bắt nguồn từ bong bóng nhà đất của Mỹ. Obama đã hứa rằng sẽ tăng chi tiêu chính phủ để kích thích nền kinh tế, đây là câu mà ai ai cũng thích từ người lao động tới nhà tư bản. Trump không hề bảo rằng sẽ cắt giảm chi tiêu, ông chỉ bảo rằng sẽ tiêu hiệu quả hơn nhờ vậy nguồn thu sẽ tăng lên cân đối với những thứ đã chi ra.
Người ta thống kê rằng 100% các vị tổng thống không làm đúng những gì anh ta đã hứa khi tranh cử. Những điều Trump đưa ra không có nhiều khác biệt so với các vị tổng thống khác. Vị nào chẳng hứa sẽ chi tiêu chính phủ hiệu quả hơn để giảm thâm hụt ngân sách nhưng thực tế thì lại khác. Tuy nhiên Trump là một nhà kinh doanh lão luyện, người dân có quyền hy vọng rằng ông sẽ cứu đất nước Mỹ khỏi cuộc phá sản giống như ông đã từng cứu chính công ty của mình. Hillary thì không có gì để chứng minh, bà là người có nền tảng chính trị rất vững chứ không phải nền tảng làm kinh doanh.
Chúng ta sẽ có cơ hội để xem Trump sẽ làm tốt ra sao, năm 2017 cũng là năm mà chính phủ Mỹ sẽ lại phải đàm phán với quốc hội về việc tăng trần nợ công.
Một số entry liên quan tới chính sách tài khóa:
- Kinh tế học (P28: Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế) 13/04/2014
- Chiến lược đầu tư P4 (Chính sách tài khóa thâm hụt)14/05/2013