Entry trước có bàn về lãi suất ngân hàng, những ai là chuyên gia chắc phải cười ngất. Thôi thì thời nay thì nên biết nhiều nghề giỏi một nghề. Một đặc điểm của toàn cầu hóa là mỗi vấn đề phải được soi rọi dưới nhiều lăng kính: xã hội, chính trị, tài chính, môi trường,…. Tương tự, mỗi vấn đề ngày nay đòi hỏi người xử lý hay ra quyết định phải có đủ kiến thức để soi nó dưới nhiều góc độ. Thế nên biết một tí chút còn hơn là không biết.
Mình có đọc đâu đó khi người ta bình luận về việc năm nay các thí sinh đua nhau thi vào các trường quản trị kinh doanh với suy nghĩ là ra trường sẽ làm sếp. Học kỹ thuật thì ra chỉ làm anh kỹ thuật. Đúng là cho dù lĩnh vực ngành nghề ở bất cứ đâu thì nguyên tắc quản trị là đồng nhất, nó giống như cái cuốc, gặp đất mầu mỡ hay đất khô cằn thì chỉ là vấn để bổ sao cho hợp lý còn thì vẫn dùng cái cuốc đó. Học kỹ thuật thì khác, anh chỉ giỏi một lĩnh vực và chỉ làm nghề đó, kỹ sư tin học giỏi đến mấy thì cũng không thể xin làm nghề thợ hàn hay cơ khí được. Thế nên MBA giờ đắt hàng lắm.
Thực tế thì thông thường quản trị kinh doanh nên học từ thực tế, lý thuyết thì có đầy rẫy trên giá sách. Mặt khác những kiến thức quản trị học trong nhà trường nếu không áp dụng ngay vào thực tế thì rất dễ quên. Kết thúc ra trường cầm bằng loại giỏi nhưng cũng chỉ là kiến thức suông, anh chỉ có cái lợi là nếu có hoạch định một chiến lược nào đó, xây dựng một mô hình kinh doanh hay quản trị thì anh sẽ dễ bắt tay vào nhanh hơn là anh không học gì.
Còn anh kỹ thuật thì sao? kỹ thuật là một thứ rất khó học đặc biệt là tư duy nghiên cứu. Các trường về kỹ thuật có những môn học cơ bản như Phân tích thiết kế hệ thống, logic, lập trình ngôn ngữ….Vì vậy người học kỹ thuật thường có tư duy logic rất tốt, bắt gặp mọi hoạt động đều có xu hướng tìm hiểu ra thuật toán của nó. Người học kỹ thuật cũng học được đức tính kiên trì, anh có thể ngồi cả ngày chỉ để giải một bài toán, lập trình một đoạn code, thiết kế một trang web. Ngoài ra khi giao tiếp với những người học về kỹ thuật ta thường thấy họ rất thật thà, chất phác.
Điểm lại ta thấy trong 5 năm học đại học của anh kỹ thuật, anh ta học được rất nhiều những kỹ năng cơ bản như Tư duy logic, sự kiên trì, đức tính trung thực….Cùng lúc đó anh học về lĩnh vực kinh tế lại chỉ chủ yếu thu nhận kiến thức. Đã là kinh tế thì phải học thuộc nhiều vì vậy mà quay bài cũng nhiều. Kết lại sau 4 năm đại học bảo anh ta viết ra một trang giấy anh ta đã học được những gì chưa chắc anh ta làm được.
Như vậy, trừ khi nền giáo dục nước nhà có thay đổi, còn thì chọn học đại học ngành kỹ thuật hình như hay hơn học kinh tế. Tuy nhiên cái anh học ngành kỹ thuật cũng có những điểm yếu. Đầu tiên phải kể đến tầm nhìn của người kỹ thuật, họ thường có xu hướng chỉ nhìn công việc của mình mà ít quan tâm hoặc không đủ năng lực quan tâm tới các vị trí khác. Anh học kỹ thuật cũng có xu hướng bảo thủ, ít chịu thay đổi, thích sự ổn định.
Có một ai đó đã phát biểu “Có thể đào tạo một anh kỹ thuật thành quản lý còn không thể đào tạo người quản lý về kỹ thuật”. Nếu muốn làm quản lý buộc anh phải hiểu cái sản phẩm công ty anh bán là gì. Một giám đốc công ty phần mềm không thể không biết gì về phần mềm. Người quản lý phải am hiểu các sản phẩm mà công ty anh ta kinh doanh, nếu không hiểu anh ta sẽ bị hạn chế rất nhiều trong việc ra quyết định, xây dựng tầm nhìn, hoạch định chiến lược. Điểm lại những người nổi tiếng đều xuất thân từ học kỹ thuật hoặc xuất phát điểm là kỹ thuật.
Tất nhiên là không có gì là đúng tuyệt đối. Cơ hội rất lớn cho những người học về kỹ thuật, chỉ cần họ cởi mở hơn, chịu khó nâng tầm nhìn, học hỏi các ngành nghề khác thì họ sẽ thành công hơn. Nếu họ cứ suy nghĩ là ta học kỹ thuật thì ta làm kỹ thuật từ giờ tới lúc về hưu thì có nghĩa là họ đang theo quy luật “Suy nghĩ dẫn dắt hành động”, muốn thành công buộc phải thay đổi cách nghĩ. Thời nay chỉ cần ta muốn học gì thì có ngay tài liệu, diễn đàn để rèn luyện cái đó; hồi xưa muốn kiếm một quyển sách tử tế mà đọc cũng khó.
<Entry này được viết bởi một anh học kỹ thuật nên anh em học kinh tế đừng có chấp nhé; chúc anh em học về kinh tế thành công!
>