Lãi suất ngân hàng

0
5503
5/5 - (3 votes)

Hiện tại trần lãi suất huy động tiền gửi do NHNN quy định là 14% nhưng thực tế ngân hàng đang huy động với lãi suất 17% thậm chí cao hơn. Cùng với đó là lãi suất cho vay lên tới 22%, thậm chí thỏa thuận có thể lên tới 27%. Mặc dù là một người ngoại đạo trong lĩnh vực ngân hàng nhưng cuộc sống, công việc bị ảnh hưởng nên bắt chước Vietnamnet cũng làm cái entry, gọi là có tí đóng góp. Lợi thế là trình bày bằng ngôn ngữ dễ hiểu để người nào không có tí chút kiến thức về tài chính cũng có thể hiểu được.

Nhìn tổng thể Ngân hàng cũng giống như thị trường chứng khoán là nơi gặp gỡ của người có tiền và người cần tiền. Cho dù Ngân hàng có nhiều nguồn thu khác nhau liên quan tới dịch vụ ngân hàng như làm các bảo lãnh, chuyển tiền, thẻ ATM nhưng nguồn thu chủ yếu của ngân hàng là ăn phần chênh lệch giữa tiền huy động và tiền cho vay.

Doanh nghiệp thương mại hay sản xuất thì ta có công thức T-H-T, có nghĩa là doanh nghiệp dùng tiền để mua hàng, gia tăng giá trị hàng đó và bán hàng đó với giá cao hơn. Khoản Delta T là lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đó. Với ngân hàng thì công thức là T-T, có nghĩa là ngân hàng vay tiền từ người dân với lãi xuất là X, ngân hàng sau đó lại cho cá nhân và doanh nghiệp vay với lãi xuất là Y. Khoản Y-X là khoản ngân hàng được hưởng lợi.

Trong điều kiện lý tưởng, ngân hàng vay với lãi suất là 17% và cũng cùng với thời gian đó ngân hàng lại cho vay ra với lãi suất 22% thì ngân hàng được hưởng lợi 5%. Trong thực tế thì có mấy vấn đề sau :

1. Dự trữ bắt buộc:
Ngân hàng phải có một dự trữ lượng tiền bắt buộc theo yêu cầu của ngân hàng TW để đảm bảo tính thanh khoản. Nguyên nhân là thời gian, thời hạn ngân hàng vay và thời gian, thời hạn ngân hàng cho vay ra là lệch nhau. Ngân hàng thường phải dùng tiền mới vay được để trả cho những khoản đến hạn phải trả khách hàng. Nếu như ngân hàng không có dự trữ bắt buộc thì rồi có một ngày đẹp trời, ngân hàng không có tiền để trả cho người cho vay do những khoản đến hạn phải thu hồi vì một lý do nào đó chưa thu hồi được. Hoặc ngân hàng cứ mải miết cho vay và rồi phát hiện ra rằng có nhiều khoản phải trả mà chưa tới hạn của các khoản phải thu.

Tiền bản thân nó nếu ở trong két thì không sinh ra được tiền. Vì vậy đương nhiên khoản dự trữ bắt buộc chính là chi phí mà ngân hàng phải chịu.

2. Không phải lúc nào cũng cho vay được hết những khoản trong định mức:

Giống như một doanh nghiệp, ngân hàng cũng phải tìm kiếm khách hàng để cho vay. Sẽ có lúc ngân hàng không có tiền để cho vay và có những lúc ngân hàng có tiền mà không ai vay. Khoản tiền mà không cho vay được sẽ thành chi phí, vì tiền đó là tiền huy động nhờ ngân hàng đi vay. Nhiệm vụ của ngân hàng là làm sao dòng lưu chuyển tiền tệ của mình nhanh nhất có thể, tiền cứ vay được là cho vay đi được luôn.

Hiện nay nhu cầu vay vốn đang rất cao. Cầu vượt cung, vì vậy ngân hàng vẫn bán được cho doanh nghiệp với giá cao. Với lãi suất cao tới 27%/1năm, doanh nghiệp sẽ khó mà làm gì cho lãi bằng, vì vậy doanh nghiệp buộc phải giới hạn và ngừng sản xuất. Cùng với việc nhà nước hạn chế các khoản vay liên quan tới đầu tư chứng khoán, đất đai, vàng bạc thì cầu sẽ giảm; cầu giảm thì lãi suất mới giảm được.

Đứng về Cung tiền cho ngân hàng, có nghĩa là mặt huy động vốn của ngân hàng. Bên cạnh việc ngân hàng thương mại huy động từ cá nhân và doanh nghiệp thì còn một kênh nữa là vay ngân hàng Trung ương. Ngân hàng trung ương thì không thể có tiền bằng cách in tiền hay tích trữ mà cho vay mãi được. Ngoài ra, đề giảm lạm phát thì ngân hàng cũng muốn hạn chế lượng tiền mặt ngoài thị trường. Để hạn chế tiền mặt thì ngân hàng sẽ tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc đối với NH Thương mại, tăng lãi suất cho ngân hàng thương mại vay, giảm định mức cho vay.

3. Lãi suất có kỳ hạn và không kỳ hạn
Nhìn bảng lãi suất của một ngân hàng bất kỳ ta sẽ thấy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ khoảng 3 % trong khi lãi suất từ 1 tháng tới 1 năm lên mức 14%. Sỡ dĩ có việc này vì đã là không kỳ hạn thì người cho vay rút lúc nào cũng được, như vậy ngân hàng sẽ không thể có kế hoạch cân bằng giữa tiền gửi và tiền cho vay được. Hầu hết tài khoản nhận lương của chúng ta đều là hình thức không kỳ hạn, chính vì vậy mà rõ ràng ngân hàng cầm tiền lương của chúng ta, thậm chí rất nhiều nếu ai lương cao nhưng lãi suất trên đó gần như không có.
Như vậy, đương nhiên ngân hàng sẽ ăn được khoản chênh trên những khoản tiền gửi không kỳ hạn, 8% giữa không kỳ hạn và có kỳ hạn. Số tiền này không nhỏ đối với các ngân hàng lớn như Quân Đội, VCB,…..

Cá nhân hay doanh nghiệp cũng sẽ nhìn thấy điểm khác biệt này để thay vì gửi không kỳ hạn thì gửi có kỳ hạn. Cứ gửi rồi đến kỳ rút ra, rồi lại gửi vào ngay; mất công một tý nhưng tiền lãi được nhiều.

4. Kinh doanh vàng và ngoại hối
Có nhiều bài báo liên quan tới ngoại hối gần đây, ở đây tôi chỉ tóm tắt lại để thấy cái lợi của ngân hàng. Giả sử như USD bán ra của NH là 19.500 đ và mua vào là 19.300 trong khi đó USD tự do là 20.500 đ bán ra. Doanh nghiệp cần USD muốn mua USD thì phải mua ở ngoài là 20.500đ sau đó nhờ người đó bán cho ngân hàng với giá là 19.300đ ( thiệt 1200đ/1usd); sau đó ngân hàng bán cho doanh nghiệp với giá là 19.500 số USD đó (thiệt tiếp 200đ/1usd). Như vậy, doanh nghiệp sẽ bị thiệt 1.400 đ/1usd, số tiền này lại không thể hạch toán vào chi phí hợp pháp mà doanh nghiệp phải giải tài chính lấy.

Điều này là dễ dàng nhận thấy, việc doanh nghiệp giải trình số chi phí đó vào những khoản chi hợp lý là một hình thức trốn thuế. Vô hình chung nhà nước bắt doanh nghiệp phải phạm pháp thì mới tồn tại được. 100% doanh nghiệp nước ta đều thế cả, ai không làm thế thì chết là chắc, kô làm thì không mua được USD, kô mua được USD thì đừng tính tới nhập khẩu cái gì. Cục thuế cũng biết vậy và Doanh nghiệp phải làm gì để cục thuế bỏ qua thì ai cũng biết.

Vậy, ngân hàng được hưởng 1400đ/1usd (có thể thấp hơn tính toán do Doanh nghiệp thương lượng tốt). Với 1 triệu usd giao dịch mỗi ngày thì ngân hàng được hưởng lợi 1.400.000.000 đ lãi gộp.

Với kinh doanh vàng cũng vậy.  Ngay từ thời điểm trước khi cấm huy động vàng thì lãi suất vàng tối đa là 3% có kỳ hạn; cùng thời điểm đó giả sử như lãi huy động tiền mặt là 14%. 11% khoản chênh này là kỳ vọng vàng tăng lên trong giai đoạn đó. Giả sử như khách hàng thấy là không có hy vọng vàng sẽ tăng thêm đồng nào trong vòng 3 tháng tới thì khách hàng phải quy đổi số vàng đó ra tiền để gửi, vì nếu gửi bằng vàng thì bị thiệt 11%.

Vàng thì nằm yên cũng như tiền không thể tự sinh ra được; chưa kể tính thanh khoản của vàng thấp hơn tiền. (ghi chú: khả năng thanh khoản là khoảng thời gian cần thiết để biến cái vật đó thành tiền mặt). Vì vậy ngân hàng cũng phải cho vay ra bằng vàng với lãi xuất cao hơn, hoặc tự kinh doanh (bán ra lúc cao và mua vào lúc thấp), hoặc dùng vàng đó để thế chấp quy đổi sang tiền……

Bên cạnh các khoản chi phí và phân tích lợi nhuận ở trên thì ta thấy chi phí duy trì hệ thống của ngân hàng cũng rất khủng khiếp. Văn phòng luôn ở mặt đường, vị trí đẹp, nhân viên ăn mặc mát rượi, điều hòa vù vù, hệ thống corebank cứ là phe phé…..Mặc dù vậy thì chi phí đó cũng không thấm vào đâu so với lợi nhuận gộp. Và cho dù nền kinh tế nước ta có khó khăn đến mấy thì ngân hàng vẫn hưởng lợi. Ví dụ như EXimbank 3 tháng đầu năm đạt 850 tỷ đồng lãi trước thuế (gấp đôi so với năm 2010), với vốn điều lệ là 10.560 tỷ thì lợi nhuận trước thuế đạt 8% trên vốn điều lệ trong 3 tháng.

Thế túm lại những cái trên ảnh hưởng gì tới đời sống của chúng ta:?

Đầu tiên là đất nước phát triển được là nhờ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở đây đừng lôi mấy ông Doanh nghiệp nhà nước vào làm gì cho mất công vì lãi ông thu được đúng bằng lãi nếu gửi vốn đó vào ngân hàng đã là may rồi. Mấy ông doanh nghiệp mà không phát triển thì nước ta chỉ còn mỗi khoản thu là bán tài nguyên.

Doanh nghiệp thương mại thì bản chất là trung gian, tìm người có nhu cầu, tìm hàng hay dịch vụ thỏa mãn nhu cầu; cho hai ông đó gặp nhau và lấy lãi. Ông này làm cho hàng hóa lưu thông, đóng vai trò rất quan trọng, hồi xưa nước ta ấu trĩ cấm tiểu thương thì đã phải trả giá rồi.

Doanh nghiệp sản xuất thì tạo ra hàng hóa bằng nguyên vật liệu đầu vào. Ông này thực sự là tạo ra giá trị, nếu hàng ông ý mà lại còn để xuất khẩu thu về ngoại tệ thì thật là tuyệt vời. Ông này phải được khuyến khích vì nếu ông này không phát triển thì nước ta tiêu dùng bằng hàng hóa nhập khẩu thì biết bao giờ mới ra được khỏi vòng luẩn quẩn lúc nào cũng thiếu USD.

Nhưng với lãi suất 23%/1năm ~ 2%/1tháng thì kinh doanh gì cho lại. Trước tiên là mấy bố xây lắp chết đầu nước; chưa tính tới trượt giá nguyên vật liệu năm nay nhà nước không bù nữa thì riêng lãi ngân hàng đã lên tới 23%/1năm; làm gì để lãi 23/% bây giờ? Nếu ông ý có tiền thì tốt nhất ông ý nên giải tán doanh nghiệp tạm thời, gửi vốn đó vào ngân hàng, đợi bao giờ thuận lợi lại làm tiếp.

Mấy bố DN thương mại thì cũng không khá gì hơn dù chu trình luân chuyển tiền mặt của ông ý có nhanh hơn; có thể là vài tháng. Điều này không làm ông chết ngắc nhưng cũng làm ông ngóc ngoải. Vậy thì phải làm gì? đương nhiên là cắt giảm chi phí bằng cách thu hẹp kinh doanh, đuổi bớt nhân viên.

Vậy, nếu bạn có làm ở DN sản xuất hay thương mại thì bạn cũng bị ảnh hưởng. Lương của bạn không tăng được lại còn có nguy cơ bị thât nghiệp.

Còn về mặt tiêu dùng thì dễ nhìn thấy, nếu ngân hàng hưởng lợi thì phải có ai đó chịu thiệt tương ứng chứ. Hàng hóa sẽ đắt lên do chi phí tăng, năm nay lạm phát không đạt tới 20% đã là may lắm rồi chứ đừng có đặt mục tiêu dưới 2 con số cho thêm nhục.

Trong bức tranh xám xịt cũng có vài điểm sáng. Giả sử như tất cả các doanh nghiệp đều lâm vào tình trạng thu hẹp sx, phá sản mà DN của bạn trụ được thậm chí phát triển thì khi kinh tế vào giai đoạn thuận lợi thì bạn đã có đủ cơ sở cần thiết để phát triển; lúc đó các ông thu hẹp và phá sản còn đang loay hoay gây dựng lại hệ thống.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here