Con người hay bị ảo tưởng rằng họ có thể đa nhiệm như máy tính, một lúc làm nhiều việc mà vẫn ngon. Không những thế, phụ nữ còn được đánh giá cao hơn đàn ông ở khoản đa nhiệm. Bằng chứng là chị em có thể nấu chục món ăn cùng lúc mà không món nào bị hỏng. Đàn ông thì khác, cứ giao họ 3 nhiệm vụ: luộc trứng, luộc rau, hâm nước mắm; thể quái nào cũng có món nào đó chẳng ra gì.
Thực tế chúng ta, bất kể nam hay nữ, đều không có khả năng đa nhiệm. Ảo tưởng cùng lúc làm nhiều thứ thực ra chỉ là ngừng việc này làm việc kia sau đó ngừng việc kia quay lại làm việc này. Ví dụ khi bạn đang đánh một văn bản, bỗng có một thông báo email tới; bạn bật outlook lên trả lời email rồi quay lại đánh tiếp văn bản. Bạn không thể vừa đánh văn bản vừa trả lời email được.
Trong entry đầu tiên của loạt bài về chủ đề này tôi có nói tới con người ngày nay phải chịu 3 thách thức lớn:
- Phải thường xuyên ra quyết định hơn
- Có nhiều thứ xao nhãng, gây mất tập trung
- Khủng hoảng nguồn lực cá nhân
Có nghĩa rằng ta phải nghĩ nhiều hơn để ra quyết định nhưng lại bị nhiều thứ cản trở khiến không có một khoảng thời gian đủ dài để ra quyết định đúng đắn. Nó dẫn tới một tình huống tất định là ta không làm tốt được việc gì cả; tưởng là làm được nhiều việc nhưng thực ra chẳng việc nào ra hồn.
Vì chúng ta không làm tốt được một ngày từ đó ta không làm tốt được một tuần rồi không làm tốt một tháng, cuối cùng là không làm tốt được cả đời người.
Trong một ngày, nếu không đủ năng lực tập trung ta sẽ dễ lúc lại bật facebook, lúc lại vnexpress, rồi trả lời ba cái email ba lăng nhăng. Loanh quanh một ngày toàn những việc vụn vặt, chẳng có việc nào đủ lớn cả.
Làm việc càng lớn càng đòi hỏi phải tập trung trong một khoảng thời gian dài. Hơn lúc nào hết “khả năng tập trung” đang ngày càng trở nên quan trọng.
Nhận thức PHẢI TẬP TRUNG rất quan trọng, nếu không chú ý ta dễ bị tình trạng không nhận thức được rằng mình đang mất tập trung. Giả sử nhận thức được thì vì không đủ kỹ năng nên dễ đầu hàng.
Nguyên tắc thứ 5, nguyên tắc cuối cùng, tôi chọn chủ đề sự tập trung để trình bày.
1. Tập trung mang lại năng suất
Năng suất lao động quyết định tới sự thành bại của mỗi người. Kết quả của năng suất là giá trị mà con người tạo ra trên một đơn vị thời gian. Đó có thể là khâu xong một số cái cúc, bóc xong một số con tôm, dán xong đế một số đôi giày. Đó cũng có thể là kiếm được một lượng doanh số nào đó, giải quyết xong một vấn đề phức tạp, lập ra một kế hoạch khả thi,..
Một thứ đòi hỏi sự tập trung thấp mà vẫn có thể làm được thường sẽ mang lại giá trị thấp kiểu như bóc vỏ tôm chẳng hạn. Lúc đó chỉ đòi hỏi con người duy trì làm liên tục không ngắt quãng. Quá trình làm có thể để một phần đầu óc bay bổng đi nơi khác.
Công việc càng phức tạp thì càng đòi hỏi sự tập trung chú ý của đầu óc vào công việc và phải duy trì trong một khoảng thời gian dài. Cuộc chạy đua giữa thỏ và rùa là một ví dụ; Thỏ chạy nhanh nhưng không liên tục, rùa chạy chậm nhưng liên tục vì vậy cuối cùng rùa vẫn thắng. Trong một tiến trình công việc nếu ta phân mảnh nó ra thì mặc dù mất sức nhưng hiệu quả không cao.
Chắc hẳn bạn gặp tình huống mình cố gắng làm gần xong một việc sau đó tự cảm thấy thỏa mãn, dừng lại để dành tới mai làm tiếp. Hôm sau, khi bắt tay vào làm bạn mất một lượng thời gian để hồi ức, tìm lại những dữ liệu. Càng để xa thì càng tốn thời gian để bắt đầu lại. Giá mà cố thêm một tí ở hiện tại để kết thúc việc đó hoặc chí ít kết thúc một phần việc đó cho ra kết quả cụ thể thì tốt biết bao.
Khi chạy marathon 42 km tôi rất thấm thía về việc này. Phải duy trì bước chạy liên tục hơn 5 giờ trong trạng thái cơ thể và đầu óc ngày càng mệt mỏi. Không thể làm gì khác, chỉ có thể sống chung với những tiếng kêu gào đòi ngừng lại trong tâm trí.
Tương tự khi làm việc gì đó bên máy tính, rất nhiều những cám dỗ khiến chúng ta phân tâm. Thời gian bị phân mảnh ra thành mỗi 5 phút, 5 phút bạn làm việc sau đó 5 phút đọc báo rồi 5 phút đọc email. Chạy qua chạy lại giữa các công việc khiến cho năng suất công việc rất thấp.
Khi chạy marathon bạn ý thức được rất rõ dừng lại có nghĩa là đầu hàng, có nghĩa là không đạt được mục tiêu đề ra. Bạn cũng rất khó để có thể làm một thứ gì khác, không thể vừa chạy vừa xem điện thoại hay tán phét. Còn khi làm việc ta ít ý thức được mục tiêu cần đạt, ta cũng có thể làm những việc khác đồng thời. Việc phân tâm là tất yếu nếu ta không cố gắng chống lại cám dỗ.
Tôi cũng chắc chắn một điều là đi bộ 10 km mệt hơn nhiều so với chạy 10 km. Đi bộ 10km mất khoảng 120 phút, chạy 10km mất 70 phút. Hiệu quả đi bộ thấp hơn (về thời gian) nhưng lại mệt hơn. Tương tự như vậy việc ta túc tắc làm một việc gì đó vừa mệt vừa hiệu quả thấp hơn nhiều so với ta nỗ lực dùng hết sức mình. Khi cố gắng làm tốt nhất một thứ gì đó có khi còn đỡ mệt hơn là chỉ làm một cách hời hợt cho xong.
2. Tập trung như một thói quen
Ai trong chúng ta cũng có một tập hợp thói quen nhất định. Bản thân sự mất tập trung cũng là một thói quen và để có thể giữ được sự tập trung trong dài hạn đòi hỏi phải xây dựng thói quen tập trung.
Viết tới đây tôi lại nghĩ tới chạy. Khi chạy ta không phải nghĩ nhiều tới việc bước chân như thế nào, vung tay ra sao, cũng không phải nghĩ tới tim co vào như thế nào, mũi hít vào như thế nào, thở ra ra sao. Tóm lại 99% mọi thứ tự động diễn ra mà không đòi hỏi đầu óc phải suy nghĩ để điều khiển. Ta chỉ có tập trung vào giữ cho trạng thái tinh thần hưng phấn để chiến thắng thôi thúc muốn bỏ cuộc.
Tương tự, sẽ rất tốt nếu như những gì bạn làm hàng ngày đều được vận hành một cách tự động. Không đòi hỏi bạn phải chú tâm điều khiển nó. Nó sẽ giúp bạn tiết kiệm trí óc để dành tâm sức vào giải quyết các vấn đề hóc búa.
Mỗi sáng tôi thức dậy vào một giờ cố định, khoảng 5h30. Tôi vệ sinh cá nhân, xỏ giày và đi chạy. 7h về nhà tắm rửa, ăn ngũ cốc và lấy xe đi làm. Tới công ty lúc 8h, tôi dành 30 phút làm những việc đơn giản để khởi động trí óc sau đó bắt đầu làm những việc khó nhất trong ngày. Buổi sáng là thời điểm rất tốt để giải quyết những việc đòi hỏi sự tập trung cao độ. Buổi chiếu đầu óc kém linh hoạt hơn nên tôi sẽ làm những công việc chỉ đòi hỏi sự liên tục mà không đòi hỏi quá nhiều trí óc. Tôi ra khỏi công ty cùng một giờ, ăn tối cùng một giờ và làm cùng một số thứ vào buổi tối trước khi đi ngủ vào cùng một giờ.
Ngày nào cũng như ngày nào. Tôi chỉ chú tâm tối ưu hóa cái thói quen đó thôi. Xây dựng thói quen mới và loại bỏ đi những thói quen cũ. Tôi để đầu óc giải quyết các vấn đề khó; không cố gắng phải dậy sớm, không phải suy nghĩ chọn ăn gì buổi sáng, vận hành theo đồng hồ sinh học của chính mình.
Ngược lại, mỗi ngày bạn dậy vào những giờ khác nhau, bắt đầu nghĩ tới ăn gì vào buổi sáng, đến công ty vào những giờ khác nhau. Bắt đầu bằng một việc bất kỳ nhìn thấy, quay sang làm một việc xen ngang không có trong dự kiến không phân biệt nó có khẩn cấp hay không. Chiều nghĩ tới việc ăn gì buổi tối, chơi gì buổi tối,..Nó cũng giống như việc khi chạy bạn phải nghĩ tới điều khiển chân, tim, phổi vậy.
Vậy bí quyết ở đây là cần phải xác định thói quen hiện tại của mình là gì. Nó đang giúp ích cho sự tập trung hay đang ngăn cản sự tập trung. Nhớ rằng chỉ có thói quen mới giúp bạn duy trì được sự nỗ lực của bản thân. Hãy như con rùa từng bước, từng bước; rồi có lúc cũng sẽ tới đích.
3. Muốn tập trung phải biết từ chối
Chọn cái để không làm cũng quan trọng như chọn cái để làm vậy. Thường ta sẽ bị lôi cuốn vào cái lợi trước mắt ví như xem một tin mới, trả lời nhanh chóng một email, nhận một lời mời ăn nhậu, ngủ thêm một tí,…Những cái lợi trước mắt khiến ta quên đi cái lợi lâu dài khi hoàn thành công việc đang dang dở. Không nhìn thấy chi phí cơ hội của mỗi hành động để đánh giá được cái nào làm thì lợi hơn.
Tập trung là cảnh giới bạn chỉ nghĩ cái công việc mình đang làm. Lúc đó đầu óc rơi vào trạng thái quên thời gian. Càng tập trung thì hiệu quả càng cao mà càng ít nghĩ tới cái khác. Tập trung chưa đủ sâu dễ phát sinh các nhu cầu khác kiểu như đứng lên uống cốc nước, xem hôm nay showbiz có gì mới, có tin gì hot không. Nếu ta thỏa hiệp thỏa mãn nhu cầu thì càng về sau càng khó nói từ chối với những quấy rối của ngoại cảnh.
Do vậy, trước hết hãy học cách từ chối. Để làm được việc này đòi hỏi tính tự kỷ luật. Bạn bao gồm hai con người, một thằng nhân viên và một thằng quản lý. Nhân viên thì chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, thích hưởng thụ, lười nhác. Quản lý thì muốn đạt mục tiêu lớn, muốn mình được mọi người tôn trọng, muốn là chính mình. Với trách nhiệm làm quản lý, thằng quản lý phải quản lý thằng nhân viên.
Thằng quản lý muốn từ chối nhưng thằng nhân viên lại muốn đồng ý. Thằng nào khỏe thằng đấy thắng.
Nhân viên sẽ rất khỏe trong một con người buông thả. Anh ta hành động theo lời khuyên bảo của nhân viên. Quản lý sẽ rất khỏe trong một người nghiêm túc với chính mình. Nếu bạn chăm sóc thằng quản lý, nó sẽ ngày một khỏe lên. Nếu bạn chăm thằng nhân viên thì sẽ ngày càng yếu đi.
Kiên định không bỏ mục tiêu đã định, nhằm tới lợi ích lâu dài, mong muốn có sức khỏe và trí tuệ là những thứ sẽ nuôi lớn thằng quản lý. Mạnh hay yếu là do bạn. Nuôi thằng quản lý như nuôi lợn ý, lúc nó còn bé thì cho nó ăn ít thôi để nó tiêu hóa kịp, khi nó lớn lên thì cho nó ăn nhiều hơn. Khi quản lý còn đang yếu mà bạn tống vào mồm nó cái mục tiêu to đùng thì đời nào làm được.
4. Tập trung trong sự nhất quán
Nhất quán là việc ta suy nghĩ và hành xử theo những nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc này được mọi người dễ dàng nhận ra. Nguyên tắc tốt sẽ xây dựng sự tin tưởng từ chính bản thân mình (sự tự tin) sau đó tới người khác tin mình (niềm tin của người khác với ta)
Một con người có khả năng tập trung cao độ là người tập trung trong mọi công việc trong mọi hoàn cảnh. Tập trung trở thành bản chất của anh ta. Anh ta tập trung trong công việc ở công ty, tập trung trong công việc ở nhà, tập trung trong các trò chơi, tập trung khi ăn uống thậm chí tập trung trong ấy ấy. Nó gần như là sống trong chánh niệm theo quan điểm nhà phật vậy.
Khi tập trung không phải bản chất thì có nghĩa rằng ta phải mất sức để tập trung. Sức lực tâm trí chống lại cám dỗ có thể khiến ta không còn sức lực để làm chính công việc đang làm đó nữa.
Hoặc ta tập trung khi có ngoại cảnh bắt buộc phải tập trung ví dụ như có ông sếp đứng đằng sau, khách hàng ngồi bên cạnh, phải hoàn thành công việc trong 30 phút nữa,…như thế là đã bị bên ngoài chi phối rồi. Bạn phải tập trung ngay cả trong hoàn cảnh không có ngoại cảnh tác động, tập trung đến từ chính con người bên trong mình. Đó mới là đẳng cấp của sự tập trung.
Trong chạy có một loại chạy gọi là Interval giúp cải thiện tốc độ chạy. Chạy chậm rồi chạy nhanh rồi lại chậm rồi lại nhanh. Giống như một sợi chun lúc co lúc giãn thì sẽ giãn được nhiều hơn. Tương tự trong một tuần thì có ngày chạy nhanh có ngày chạy chậm, có ngày chạy dài có ngày chạy ngắn.
Muốn luyện sự tập trung hãy thường xuyên đẩy sự tập trung lên cực độ sau đó giảm rồi lại tăng rồi lại giảm. Phải học cách quan sát con người mình, lúc nào nó phải được nghỉ, lúc nào phải hành hạ nó. Lúc nào cũng như lúc nào thì rất khó đột phá, giống như mỗi ngày chỉ nâng ở một mức tạ thì tới lúc nào đó cóc khỏe lên được nữa.
Hãy nhớ nhất quán không phải là bạn máy móc làm một cái gì đó giống nhau ngày này qua ngày khác, nó cũng không phải là thói quen. Nhất quán là việc bạn hành xử theo những nguyên tắc không đổi. Nó giống như một bộ luật, bạn hành xử rất đa dạng nhưng theo luật.
5. Tập trung trong cả đời người
Chúng ta hay bị tình huống là khi đặt mục tiêu giả sử 1 năm, lúc đầu thì vô cùng hăng hái nhưng sau đó sự hăng hái giảm sút dần tới mức mà ta chẳng còn nhớ tới cái mục tiêu đó nữa. Nó cũng giống như khi bạn bắt tay vào làm một việc gì đó, lúc bắt đầu thì tốt sau đó cứ kém dần dần rồi tới mức quay sang làm việc khác.
Tập trung trong dài hạn đó là bạn theo đuổi một mục tiêu nào đó trong nhiều tháng, nhiều năm. Nó đòi hỏi phải tập trung thường xuyên thì mới có thể tới đích. Tuy nhiên, ta phải biết cách để tập trung trong dài hạn, căng thẳng quá lâu sẽ dẫn tới mệt mỏi và bỏ cuộc.
Chạy là một môn rất nhàm chán. Đa phần người ta bỏ cuộc vì chán trước khi thực sự vì mệt. Thời gian trôi chậm chạp từng tích tắc nhất lại có cái đồng hồ trước mặt. Lúc này đòi hỏi kỹ năng phân tán, hướng đầu óc tới thứ khác sẽ khiến cho thời gian trôi nhanh hơn và ta có thể chạy 60 phút, 120 phút hoặc thậm chí là 240 phút.
Theo đuổi mục tiêu dài hạn cũng vậy, không thể căng thẳng trên cả quãng đường tới mục tiêu được. Có lúc bạn chỉ cần biết rằng mình đang đi đúng hướng sau đó hãy quay sang làm việc khác. Ham muốn giúp bạn nhanh tới đích nếu biết thư giãn đúng lúc, ham muốn là rào cản nếu ngược lại.
Trên máy tập chạy có nhiều thông số có thể theo dõi: Tốc độ chạy, quãng đường đã chạy, thời gian đã chạy, số calo đã tiêu thụ, số vòng sân vận động. Khi khỏe tôi lấy quãng đường là mục tiêu, khi mệt hay chán quá tôi lấy thời gian làm mục tiêu. Tôi biết chắc rằng mỗi thời gian chạy được sẽ tương ứng với một quãng đường nào đó vì vậy theo dõi thời gian cũng chẳng khác theo dõi quãng đường là mấy. Một mục tiêu tài chính chẳng hạn có số tiền và có khoảng thời gian. Đôi khi bạn lấy tiền để đo đếm nhưng đôi khi cũng có thể lấy thời gian để đo đếm.
Cũng có người tập chạy trên máy che luôn cái bảng thông tin trước mặt. Anh ta biết rằng mình cứ chạy với tốc độ như thế rồi thì cũng sẽ đạt mục tiêu. Bạn cũng vậy, sau khi xác định mục tiêu theo năm thì hãy xác định mục tiêu theo tháng, theo tuần, theo ngày. Sau đó quên luôn mục tiêu năm đi chỉ cần nhớ và thực hiện tốt mục tiêu ngày là đủ.
Cuộc sống phức tạp nhưng cũng đơn giản. Nó đơn giản nếu bạn nghĩ và làm nó đơn giản. Nó phức tạp nếu bạn nghĩ phức tạp sau đó càng ngày càng làm nó trở nên phức tạp.
Cuộc đời có nhiều việc phải hoàn thành nhưng cũng có thể coi như chẳng có việc gì phải hoàn thành cả. Thiên nhiên khi nhào nặn ra con người đã cấy sẵn vào đó một đoạn mã lập trình giúp người đó hoàn thành cuộc sống. Con hươu không phải nghĩ, nó hành động theo bản năng để kiếm thức ăn và trốn thoát khỏi sư tử. Con người cũng có thể như vậy, bằng một chút dẫn dắt họ có thể hoàn thành đời người không khó khăn gì.
Con người làm phức tạp vấn đề bằng cách hy sinh thứ A để có B rồi dùng B để mua lại A’. A’ thường nhỏ hơn A.
Tôi được xin dừng chuỗi entry về sống đơn giản ở đây.
CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG VÀ CÔNG VIỆC!
- 5 nguyên tắc sống đơn giản ( P4: Chủ nghĩa tối giản) 15/02/2017
- 5 nguyên tắc sống đơn giản ( P3: The Winner Takes It All) 14/02/2017
- 5 nguyên tắc sống đơn giản ( P2: Mọi thứ đều vận hành theo quy luật)13/02/2017
- 5 nguyên tắc sống đơn giản ( P1: Dẫn nhập và nguyên tắc đầu tiên)08/02/2017
Cảm ơn anh Dũng rất nhiều về chủ đề này!
Tác giả viết hay quá, triết lý, hải hước đáng iu.. cảm nhận được người viết có cả trí tuệ khoa học và trí tuệ tâm linh. Cả mớ thời gian, cả đống trải nghiệm, cả chồng sách đã đọc mới đúc kết ra được mấy cái entries hay ho này đấy. 🙂
Cảm ơn tác giả!
Cảm ơn em đã động viên.
Dòng code bạn viết ra hằng ngày phải được kiểm tra và nâng cấp thì nó mới ngày càng được tối ưu :)) Nhưng muốn được điều đó thì cần phải có sự kiên trì và tập trung cao độ.
Hóa ra mình có 1 code sinh tồn…tự tồn tại. Chất lượng sống sẽ thể hiện mình phát triển code đó ra sao.