Vâng, em đã DNF cự ly 100miles (165km) tại CP4 km thứ 136 qua 36 giờ di chuyển. Sau gần một tuần, ngoài nỗi đau dát từ bàn chân truyền tới thì còn nỗi đau về tinh thần vẫn chưa nguôi ngoai. Có nhiều tiếc nuối; giá như một số thứ làm khác đi nhờ có kinh nghiệm hơn thì đã có thể hoàn thành ngay ở lần tham gia đầu tiên.
Giống như các lần chạy khác, mình sẽ viết lại trải nghiệm của bản thân nhăm mục đích lưu giữ lại trải nghiệm vì nếu không chỉ đôi tuần nữa thôi trải nghiệm này phai mờ chỉ còn những chấm ký ức nhỏ nhỏ.
Mình cũng viết bài này để mong những người chạy lần sau sẽ không mắc sai lầm như mình; để cho những hy sinh vất vả trong quá trình tập luyện được đền đáp xứng đáng bởi một cái Finish đẹp.
Cự ly 100miles với người chưa bao giờ chạy hoặc mới tham gia chạy mà nghe chắc kinh lắm. Đây là cuộc đua khó khăn và khốc liệt, nơi thử thách các giới hạn chịu đựng của con người để rồi chúng ta thấy rằng chúng ta có thể làm nhiều hơn nhiều những gì chúng ta nghĩ là mình có thể làm được.
Tất nhiên như mọi lần mình đăng ký tham gia 100miles vì đã hoàn thành 100km trước đó. Mọi thứ cứ từ từ diễn ra từ khi hoàn thành 42km năm 2017 tới nay.
Tập luyện
VMM năm 2022 diễn ra vào 9/9/2022 trở lại với thời điểm bình thường hàng năm vì năm 2020 diễn ra vào 20/11. Vào khoảng tháng 5/2022 mình mới quyết định tham gia vì mặc dù rất ghê cái cự ly này nhưng cảm giác tham dự mùa đầu cũng như cái thói quen hàng năm tới sapa đã khiến mình bấm nút chuyển tiền.
Sau đó mình đăng ký luôn khách sạn; và như mọi năm thuê ở đường Thác Bạc cho gần sân nhà thờ đá (KS beauty boutique). Nếu ai không áp lực về thi cử thì nên thuê khách sạn gần đường đi ra bản cát cát (Đường Violet và đường Sapa).
Về phần tập luyện mình tăng dần cường độ tập luyện theo hướng tăng khối lượng tích lũy hàng tuần và chia ra làm nhiều lần chạy. Như 2020 thì mình sẽ tích lũy các lần chạy cự ly dài > 42km thì năm nay mỗi lần chạy chỉ hơn 18km nhưng một ngày có thể chạy 2 lần. Từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 8 là cao điểm thì chạy hai lần một ngày cho tổng 42km.
Mình không tập thực địa ví như lên Đồng Đò sóc sơn như nhiều người mà chỉ tăng khối lượng, tập lớp body pump, bodycombat và leo cầu thang vài buổi. Nói chung phần tập thì cũng không có gì sáng tạo, cũng giống như mọi người nhưng cảm giác trong race thấy tốt hơn so với hồi chạy 100km.
Phần taper của mình thì không được tốt lắm. Mình nghỉ khoảng 2 tuần trước race vì lý do chấn thương chỗ mắt cá chân chân trái và gối phải. Nếu không chấn thương thì mình nghĩ không nên nghỉ mà chỉ nên giảm cường độ chạy xuống. Đang tập khối lượng nặng bỗng nghỉ liên tục nhiều ngày khiến cảm giác như các khớp xương chân cứ rời ra.
Quay lại với cự ly 100miles:
Trên giấy tờ thì 100 miles tương đương với 159km nhưng thực tế nó hơn 165km (chưa kể nhiều người còn bị đi lạc phải chạy thêm vài km khuyến mại). Đây là cự ly dài nhất của VMM, cũng là cự ly dài nhất mà chưa một giải nào có (Dalat ultra trail thì dài nhất mới là 100km, Cao bằng ultra trail 2022 có cự ly 200km nhưng là chạy làm 3 lần không phải chạy liên tục.
Cự ly 100miles được cộng đồng runner bàn tán xôn xao khi mới ra mắt vào năm 2021 nhưng do hoãn vì covid nên năm 2022 là năm đầu tiên có cự ly này.
Topas tổ chức ở Sapa (VMM), Mộc Châu (VTM), Pù luông (VJM) nhưng VMM vẫn được coi là lớn nhất bởi quy mô người tham dự, khó nhất bởi thời tiết khó dự đoán và đường chạy cũng là đỉnh của … chóp cụt (từ cao độ tới sự đa dạng của loại đường) . Cũng chỉ có ở VMM mới có cự ly 100km và 100miles, ở hai nơi còn lại tối đa là 70km. VMM tổ chức lần đầu khi mà cự ly marathon 42km đường bằng vẫn còn hiếm như lá mùa thu nên nó có ấn tượng sâu sắc trong rất nhiều người.
Năm 2022, Ban tổ chức (BTC) đã thay đổi 30km đầu tiên của cự ly 100km. Thay đổi này đã làm cho tỷ lệ về đích bình quân của 100km giảm từ 70% xuống chỉ còn 30% (chưa tới 100 người về đích trên tổng số hơn 300 người tham dự). Mình nghĩ rằng năm 2023 thì BTC sẽ phải điều chỉnh lại 30km này.
Tương tự với cự ly 100 dặm thì BTC cũng thay đổi đường chạy so với kế hoạch ban đầu nhưng rõ ràng sự thay đổi này là dễ hơn với tỷ lệ về đích hơn 60%. Nếu như năm 2023, BTC quay lại với đường chạy dự kiến thì chắc chắn mức độ khó của 100 miles sẽ tăng lên. Nói chung tỷ lệ finish của 160 nên là khoảng 40%; và tỷ lệ của 100km nên là 60%. Việc finish nhiều quá sẽ làm mất đi độ hứng thú.
Trước giờ xuất phát
Thời tiết của mùa giải 2022 rõ ràng là không tốt. Trời mưa từ thứ năm liên tục cho tới hết thứ sáu thì dừng. Đội 100miles xuất phát vào 4 giờ sáng thứ sáu ngày 9/9 nên dính chọn cơn mưa.
Mình đặt xe khứ hồi của Sao Việt đi 23h30 ngày 7/9 và chiều về 9h30 ngày 11/9. Nên đặt xe sớm và đặt khứ hồi luôn vì thời điểm này VĐV và người nhà VĐV tập trung về Sapa phải tới cả vạn người (riêng vđv đã là 7000). Tới Sapa khoảng 6h sáng 8/9 trời mưa to.
Vào tối thứ năm 8/9, trong cơn mưa tầm tã, là cuộc gặp giữa BTC và các vđv về phổ biến đường chạy và giải đáp các thắc mắc. Các vđv nói chung đều tỏ rõ sự lo lắng về an toàn của đường chạy. Đường chạy năm nay đã được BTC comment trước đó là đa số sẽ là đường đất; trong điều kiện mưa liên miên mấy ngày qua thì đường đất sẽ bị sụt lún trơn trượt; và còn rủi ro lũ quét (đã có người chết tại Dalat ultra trail 100km trước đó vì lũ quét).
Ngay trong đêm đó chắc sau khi cân nhắc rất nhiều, trong lúc các VĐV còn đang say giấc nồng thì một cái mail từ BTC được gửi tới hòm thư thông bao đường chạy sẽ thay đổi theo hướng sử dụng đường chạy của 21km ở những km đầu tiên.
Những người chạy 100miles đều lên một kế hoạch rất chi li; họ nghiên cứu từng đoạn đường chạy và việc mình sẽ phải hoàn thành trước mỗi CP là bao nhiêu thời gian. Thậm chí có người còn không tiếc công tới trước vài ngày để chạy thử trên đoạn đường đó. Việc thay đổi sang một đường chạy mới khi không có thời gian tìm hiểu tạo tâm lý bất an nhất định cho đội 100miles.
Tối hôm đó, mọi người ai cũng có phát kiến cho riêng mình nhằm chống lại trời mưa. Giầy là được ưu tiên nhất; giữ giầy khô càng lâu càng tốt là rất quan trọng. Có mấy phương pháp như sau:
- Đi áo mưa ủng ra ngoài giầy
- Đi áo mưa ủng nhưng khoét ở phần đế giầy nhằm tránh trơn trượt. Tất nhiên phải gia cố băng dính để áo mưa không bị bung ra khỏi giấy trong quá trình di chuyển.
- Đi tất rồi thêm một lớp nilon rồi đi tất rồi lại cho vào giầy đã được gia cố bằng áo mưa ủng.
Mình cũng thấy nhiều người chẳng có che chắn gì giầy ở vạch xuất phát, mặc mỗi áo mưa phần trên. Sau mình mới nhận ra là họ đã có kinh nghiệm rồi. Chỉ vài km những giải pháp giữ khô giầy là vô nghĩa do các vũng nước, các con suối quá mắt cá chân. Giầy ướt thì vẫn ướt cho dù có là biện pháp nào. Túm lại nếu trời mưa thì phải xác định là sẽ chạy với giầy ướt trừ khi bạn đi một đôi ủng thật cao che tới gần đầu gối.
Tối thứ năm sau khi đi ăn về vợ chế biến hai đôi giầy theo hướng là đeo ủng áo mưa rồi khoét phần mặt giầy, dán băng dính cố định. Mình thì sắp xếp đồ đạc; tới 10h lên giường đi ngủ cố gắng ngủ nhưng không thể ngủ được; tới gần 2h có lẽ đã chợp được một lúc; 2h sáng dậy để chuẩn bị lên đường.
2 giờ sáng ngày 9/9 dậy thì trời vẫn đổ mưa tầm tã, cảm giác hơn nản. Thôi thì an ủi là ít nhất thì BTC đã không hủy giải. Lúc này xem facebook rồi check mail mới biết tới cái vụ đổi đường chạy.
Quang cảnh vạch xuất phát trước giờ xuất phát(khoảng 3h45p sáng; 4h là xuất phát).
Tiến trình
Bảng dưới là kết quả giữa lý thuyết và thực tế. Trông hơi rối nhưng những ai tham dự chắc sẽ dễ dàng hiểu được. Đoạn từ xuất phát qua CPM1, CPM2 đã thay đổi bằng đoạn từ 0 tới CP6 theo lộ trình của cự ly 21km. Đoạn CPM3,CPM4 được thay bởi hai vòng lặp quanh CP103; Hai vòng lặp này giống với hai vòng lặp trong lý thuyết ban đầu (có nghĩa là thay vì chạy 2 vòng nhỏ mỗi vòng 8km quanh 103 thì chạy 4 vòng)
Đoạn đường của 21km khá dễ dàng, vài vòng quanh Sapa rồi chèo núi theo bậc thang đá sau đó một chút đường đất. Nói chung là quá dễ dàng so với năng lực vốn có của đội 100miles cho dù có là trời mưa. Nhờ vậy đội 100 miles đã có lợi thế về thời gian (mất ít thời gian hơn so với kế hoạch)
Tại CP103-3 trên lý thuyết thời gian trôi qua đã là 10h30p nhưng thực tế chỉ 7h11p (lợi 3 giờ). Nhưng cái lợi về thời gian này cũng phải trả một giá rất đắt.
Hơn 8km của vòng lặp nhỏ quanh 103 thì có 6km đường nhựa bằng. VĐV có thể chạy rất thoải mái trên con đường này ở tốc độ cao với mong muốn tiết kiệm thời gian nhưng bị trả giá bởi việc va chạm với đường quá mạnh. Chân lúc đó đã trải qua thời gian dài ngâm trong nước đã rất nhăn nheo + va chạm mạnh trên đường nhựa sẽ phồng rộm nặng hơn. Bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị một đôi giầy road ở C103 để có thể chạy giầy road cho các vòng lặp nhỏ này. Giầy trail được thiết kế để trống trượt là chính nên không phù hợp chạy quá lâu trên đường nhựa.
Sau khi hoàn thành 56km thì đội 100miles bắt đầu trùng đường với đội 100km. Vòng lớn quanh Topas năm nay đã thay đổi so với năm trước. Đội 100km xuất phát lúc 20h trong khi đa phần 100miles bắt đầu cự ly 100km lúc 14h30; chênh lệch với 100km tới tận 5h30p.
Bạn sẽ suy nghĩ gì khi xuất phát trước đội 100km những tận hơn 5 tiếng khi mà cuộc đua chỉ mới trôi qua có hơn 10 tiếng? Đó là sự chủ quan nghỉ ngơi quá lâu ở Cp103 trước khi vào đường chạy của 100km cũng như sự mất đi tầm quan trọng của thông số COT. Lúc đó đều nghỉ là làm sao để giữ chân giữ sức chứ thời gian là có thừa.
Vòng lớn quanh Topas: CP103- CP101-CP102-CP103
Theo dự kiến thì vòng tròn lớn này sẽ mất khoảng 8 tiếng có nghĩa là đa phần dự kiến sẽ quay lại CP103 lúc 22h. Nhưng 30km này đã bị thay thế bởi một đoạn mới vô cùng khó với dốc lên vô đối và dốc xuống cũng phức tạp không kém trong trạng thái bùn lầy. Thực tế mình đã mất tận 12 tiếng; vượt 4 giờ so với kế hoạch và dần mất đi lợi thế tiết kiệm 5h trước đó. Kế hoạch sai làm cho việc chuẩn bị dinh dưỡng cũng sai, thay vì phải chuẩn bị dinh dưỡng cho 12 tiếng thì lại chỉ đủ cho 8 tiếng; 4 tiếng bị thiếu dinh dưỡng.
Tới CP103 để chập với đội 70km khi mà đội 70km còn khoảng 30p nữa là xuất phát. Mình lại mắc một sai lầm ở đây là thay giầy chạy do mong muốn có được một đôi dầy khô cho 70km tiếp theo. Dầy thay mới này là dầy mình mua từ hồi chạy 70km năm 2018 với đế cứng nhiều gai và mỏng không hỗ trợ. Khi chạy đôi này thì các vết phồng ở bàn chân đau nhức vì bị chọc vào. Đây có lẽ là sai lầm chính của mình dẫn tới DNF; giá vẫn chạy bằng đôi giầy cũ thì đã không bị vết phồng nặng hơn và không tốn thời gian dừng ở CP1 để băng bó chân.
Mình gọi cho vợ lúc 6h sáng tới CP103 lấy giầy cũ đó để cầm tới CP2. Tới CP2 lúc 8h30 sáng gặp vợ thay giầy. CP2 này đã không còn ở vị trí cũ như năm 2020 cảm giác từ CP1 tới CP2 xa hơn so với năm 2020. CP3 có COT là 11h, mình có khoảng hơn 2 giờ để tới CP3. Tới CP3 lúc 10h30p sớm hơn COT cũ 11h là 30p thì nghe tin BTC tăng COT thêm 1 giờ (COT của CP3 là 12h thay vì 11h)
Mình gần như không nghỉ ở CP3 mà bắt đầu luôn con đường tới CP4, đây là con đường dốc nhất, khó nhất của VMM. Lúc đó mình không có suy nghĩ gì về COT của CP4 vì do nhiều nguyên nhân:
- Mình đã qua CP3 sớm tận 1h30p
- Hầu như rất ít người 100km vượt qua mình từ đầu tới giờ.
- Có tin là đội 100miles được nới thêm thời gian hơn so với 100km trong khi thực tế là không. Nói chung việc nới COT diễn ra đột xuất và không được thông báo tới các vđv rõ ràng đầy đủ. Nhiều người 100km đã dừng tại cp trước đó trước thời điểm nới COT hoặc là không biết.
Sau khi neo 3/4 quãng đường lên đồi bò mình dừng lại xử lý cái chân; tháo tất ra bôi vaselin. Đi một đoạn thấy không hiệu quả lại tháo tất ra lấy kim băng chọc vào các vết phồng để đẩy nước ra. Túm lại 2 lần dừng lại này của mình đã tiêu tốn hơn 1 giờ đồng hồ. Và dốc lên tiếp dài hơn so với suy nghĩ của mình rất nhiều; lúc dừng xử lý chân mình nghĩ chỉ vài trăm mét là tới đỉnh nhưng thực tế gần 2km.
Đoạn đổ dốc từ đổi bò mới đúng là ác mộng. Mình tới đỉnh thì bắt đầu mưa rào. Đoạn đổ đốc trơn trượt bởi mưa và những người chạy trước đó. Trượt mông vồ ếch không biết bao nhiêu lần. Sau thì cũng bớt ngu hơn tìm đường chạy qua các bụi cây thay vì theo đúng con đường mòn của BTC.
Một vđv có kinh nghiệm đổ đồi bò sẽ không theo đường mòn của BTC đánh dấu mà họ xác định điểm cần đế ở phía xa và tìm đường đâm thẳng qua chỗ đường bụi cỏ; không bị trơn trượt. Mình theo cách làm này khi đã ngã cơ số lần.
Nhưng cuối cùng thì cũng không kịp CP4. Tới CP4 quá 40 phút của BTC. Buộc phải dừng lại ở CP4 với thể lực vẫn còn chạy tốt (mặc dù chân hơn rát).
Việc DNS lần này mang nhiều tiếc nuối hơn hẳn lần 100km năm 2019 ở CP2. Năm 2019 là xác định rõ mình không thể kịp CP3 nên chủ động dừng; lần này là bị động và đã ở km thứ 137 khi đã di chuyển được 36 giờ.
Mình sẽ suy nghĩ có nên báo thù 100miles vào năm 2023 không. Nếu năm 2023 theo route ban đầu của 100miles thì có thể bài toán sẽ khó khăn hơn rất nhiều cho dù đã rút được những kinh nghiệm.
Một vài hình ảnh:
Họp với BTT tối 8/9
Dinh dưỡng tại các CP
Lấy bib check đồ diễn ra ngay trước họp. Việc check đồ là do tự nguyện của vđv nên ngay cả khi bạn không đủ đồ cũng không vấn đề gì (tất nhiên nếu không có chuyện gì xảy ra). Các đồ bắt buộc phải mang trong cuộc đua là rất nhiều; cái ông lúi húi chỗ ghế là kiểm tra đồ, cái ông ngồi ở đầu hàng là buộc GPS vào Vest. VĐV phải mang vest của mình đi để BTC buộc GPS vào túi giúp định vị VĐV.
Xuất phát trời mưa
Áo mưa từ trên xuống dưới
Checkpoint 6
Đường tới CP103 kết thúc 56km đầu:
Điểm nghỉ chân CP103 với nhiều đồ ăn
Rời CP103 joint vào cự ly 100km khi mới 14h30; trời đã tạnh mưa
Thử bó chân tại CP1 nhưng sau đó vài trăm mét đã phải gỡ ra vì không hiệu quả
Trạng thái chân khi ngồi xử lý tại dốc lên đồi bò:
Dốc lên đồi bò nhìn không thấy đỉnh
Lên đỉnh đồi bò thì trời mưa to
Cảnh đẹp trên đường
Nhà máy thủy điểm Nậm Củn 2 tại vòng tròn lớn 30km đầu của 100km
CP102
Sáng 8/9 trời mưa tầm tã nên cũng không có hoạt động gì
Trên xe Sao Việt: sau khi trải qua nhiều loại xe khác nhau thì mình thấy đi Sao Việt khá ổn
Chào anh,
Em chưa đọc hết bài nhưng xuống comment liền.
Lâu lắm mới thấy anh viết bài mới.