Trong một doanh nghiệp nhỏ thì am hiểu quy định của pháp luật nhiều nhất có lẽ là kế toán thuế vì đụng tới tiền nhà nước là lằng nhằng bị khởi tố ngay ví dụ như ông chủ Nhật Cường đang hoành tráng là thế mà giờ bỏ đi đâu không thấy; lụi tàn cả một thương hiệu. Rồi mới đầu tuần vụ luật sư Hải bị khởi tố vì trốn hơn 200 tr giao dịch đất đai.
Nhưng việc xuất hóa đơn, kê khai thuế ngày nay đã có phần mềm rồi nên kế toán không cần đọc văn bản quy định giống như hồi xưa nữa. Cứ khi có các văn bản thuế mới thì bên phần mềm tự khắc cập nhật; nghĩ lại mới thấy hồi xưa làm kế toán phức tạp hơn nhiều so với bây giờ.
Trong một doanh nghiệp nhỏ thường cũng chỉ duy nhất có phòng kế toán là có phần mềm kế toán hỗ trợ. Vẫn tồn tại những phần mềm riêng lẻ khác như phần mềm quản lý dự án, phần mềm quản lý quan hệ khách hàng CRM, phần mềm nhân sự HRM,… và cả giải pháp Quản lý doanh nghiệp ERP, nhưng rất ít doanh nghiệp áp dụng.
Đối với các doanh nghiệp có các nghiệp vụ mua hàng từ nước ngoài thì họ có thể thuê một công ty làm dịch vụ nhập khẩu; họ cứ nghe cty đó hướng dẫn cần thủ tục gì là xong; không phải nghĩ quá nhiều về các văn bản liên quan tới xuất nhập khẩu. Tương tự với nghiệp vụ xuất khẩu, chỉ có các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh số hàng xuất khẩu lớn thì mới tồn tại phòng xuất khẩu ngay trong doanh nghiệp; việc có ai đó nghiên cứu các văn bản luật về xuất khẩu là quá xa xỉ.
Có thể nói hệ thống luật của VN đầy đủ, thậm chí là thừa; các quy định trong luật ngày càng giống với quy định chung của các nước khác do VN tham gia nhiều hiệp định thương mại, hiệp định đối tác nên cũng phải tuân theo những ràng buộc đó. Tuy nhiên các văn bản dưới luật là nghị định, thông tư thì thường chậm và áp dụng phức tạp do nó phải tuân theo cách thức tổ chức chính phủ của VN (tổ chức chính phủ của ta không giống với các nước khác để mà lại bê nguyên các văn bản hướng dẫn sang).
Tối thiểu mỗi tình huống sẽ ít nhất có 3 văn bản cần phải đọc bao gồm Luật của quốc hội, nghị định của chính phủ và thông tư của cơ quản quản lý. Nhưng thông thường thì một luật sẽ có vài cái nghị định hướng dẫn, rồi sẽ có vài cái thông tư hướng dẫn mỗi nghị định; và sau một tới 2 năm luật thay đổi thì hệ thống vb phía dưới nó cũng phải thay đổi theo. Người ta sẽ ban hành nghị định sửa đổi nghị định, thông tư mới tương ứng với nghị định mới,.. :). Ngoài ra, nhiều khi các địa phương thích thành tích ban hành hẳn một cái quyết định bê nguyên nội dung thông tư (do Bộ ban hành) vào để áp dụng cho địa phương mình 🙂 Nói chung văn bản của ta là một mê cung vì vậy mà đi vào thực tế rất khó khăn.
Ngay cả những người làm trong cơ quan nhà nước quản lý chính cái lĩnh vực đó có khi cũng còn chẳng biết hết, hiểu hết huống chi là các doanh nghiệp nhỏ. Hồi xưa mình làm nhà nước quản lý lĩnh vực công nghệ thông tin mà đọc toét mắt cũng không hiểu hết.
Vì vậy thông thường các doanh nghiệp sẽ làm theo thói quen cho tới khi bị ai đó sờ tới. Gặp nhiều vấn đề nhất có lẽ là quy định về hàng hóa; sẽ được đề cập trong entry này.
Ví dụ với vụ tivi Asanzo dán nhãn made in Vietnam nó phải tuân theo hai quy định:
- Quy định thế nào là hàng trong nước.
- Quy định nhãn dán trên hàng hóa phải bao gồm thông tin gì.
Trong entry trước “Made in Vietnam hiểu thế nào cho đúng“, mình có đề cập về quy định thế nào là Made in Vietnam, nhưng đó là cho các hàng hóa xuất/nhập khẩu. Nhưng đối với các hàng hóa mà sản xuất và cung cấp trong nước thì hiện nay lại không có quy định gì cả (mà xét về lý thuyết có thể bê nguyên quy định lấy từ nghị định 31 và thông tư 05 đó).
Nghị định 31 có ghi rõ là áp cho hàng hóa xuất nhập khẩu; nghị định này hướng dẫn cho luật quản lý ngoại thương mà luật quản lý ngoại thương là quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu chứ không phải hàng hóa sản xuất lưu thông trong nước.
Vậy nếu Asanzo nhập toàn bộ linh kiện về Việt Nam theo đường chính ngạch đàng hoàng sau đó lắp thành cái Tivi tại Việt Nam và bán cho người dân VN thì họ không bị áp bởi cái nghị định 31 này và đương nhiên không bị phạt do chưa có quy định cụ thể.
Họ chỉ bị áp bởi một cái nghị định khác về tem nhãn :P, đó là quy định về ghi nhãn hàng hóa cho hàng hóa lưu thông trong nước:
Doanh nghiệp sẽ tự kê khai xuất xứ mà không cần có một tổ chức nào đó thẩm định xem thông tin kê khai xuất xứ đó có đúng không.
Quy định của chính phủ về nhãn hàng hóa lưu thông trong nước bao gồm:
- Nghị định 43/2017/NĐ-CP của chính phủ ngày 14/4/2017 của. Nghị định 43 ban hành căn cứ vào Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 21/11/2007; luật thương mại 14/6/2007; luật bảo vệ người tiêu dùng 30/11/2010. Thay thế cho nghị định số 89/2006/NĐ-CP
- Nghị định 119/2017/NĐ-CP của chính phủ ngày 1/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa. thay thế cho nghị định 80/2013/NĐ-CP. Quy định mức phạt cho mỗi vi phạm về tem nhãn của NĐ43 (bên cạnh nhiều thứ khác nữa)
- Thông tư hướng dẫn nghị định: Hiện vẫn đang dự thảo, chưa ban hành. (Có nghĩa là sau 2 năm từ ngày nghị định ra đời mà chưa có thông tư hướng dẫn). Thông tư hướng dẫn cũ là 09/2007/TT-BKHCN.
Có thể bạn sẽ thắc mắc là cần quái gì phải thông tư, sao nghị định không chỉ rõ hết đi cho xong. Thực ra nó sẽ kiểu như thế này: Mẹ bạn ban hành nghị định là không được về muộn sau 21h trừ những trường hợp quy định bởi bố bạn; bố bạn sẽ ban hành một cái thông tư quy định trường hợp nào được về sau 21h. Sở dĩ có chuyện như vậy vì những trường hợp này thay đổi theo thời gian; khi bạn 6 tuổi thì trường hợp sẽ khác khi bạn 30 tuổi :P. Vậy chẳng nhẽ cứ mỗi lần thay đổi mẹ bạn lại ban hành một nghị định mới? Còn luật thì lại còn chung chung hơn nữa; luật sẽ như thế này: Bạn không được phép về muộn, thời gian cụ thể do mẹ bạn (chính phủ) quy định.
Khi một hàng hóa lưu thông trên đường, ở trong kho hay trưng bày trong cửa hàng thì sẽ có 2 đơn vị có quyền kiểm tra và xử phạt đó là Công an kinh tế và Quản lý thị trường. Sẽ có hai nội dung kiểm tra đó là hàng hóa đó có phải là hàng hóa hợp pháp không thông qua hóa đơn chứng từ chứng minh và hàng hóa đó có dán nhãn đầy đủ không. Nặng thì tịch thu hàng hóa, nhẹ thì phạt tiền.
Nghị định 119/2017/NĐ-CP chỉ quy định phạt khi vi phạm vì vậy muốn biết yêu cầu cụ thể về nhãn gốc, nhãn phụ; và nội dung bắt buộc trên đó thì phải xem nghị định 43/2017/NĐ-CP.
Máy tính xách tay Acer sản xuất tại Trung quốc thì nó sẽ được dán một cái nhãn gọi là nhãn gốc. Nhãn gốc được quy định bởi pháp luật của Trung Quốc chắc chắn sẽ là Tiếng TQ cùng các nội dung theo yêu cầu của TQ và các thông tin không bắt buộc khác mà ACER muốn cho vào. Khi nhập vào Việt Nam, Nhà nhập khẩu sẽ phải dán thêm một nhãn phụ, nhãn phụ bằng tiếng Việt và thể hiện các nội dung theo yêu cầu trong nghị định 43/2017/NĐ-CP.
Máy tính để bàn FPT Elead sản xuất tại Việt Nam; nhãn dán trên máy lúc này là nhãn gốc mà không cần thêm nhãn phụ nữa. Vì vậy mặc định là toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đều phải có nhãn phụ thể hiện các nội dung bắt buộc tương ứng với mỗi loại hàng hóa.
Câu hỏi:
- Nếu tôi đang cầm một cái máy tính đi từ nhà tới công ty mà công an kiểm tra cái máy tính đó không có tem nhãn thì tôi có bị phạt không?
Không vì đó là tài sản của bạn cũng giống như cái xe bạn đang đi, bộ quần áo bạn đang mặc (khoản 2 điều 1 NĐ43). Nhưng có khi bạn sẽ phải chứng minh rằng đó là tài sản của bạn mà không phải đồ bất hợp pháp; với xe cộ là giấy tờ xe; với cái máy tính xách tay thì do không có chứng nhận thì bạn phải chứng minh rằng nó là cái máy tính của bạn ví dụ như bạn biết mật khẩu đăng nhập máy,… (Thực tế là mình đã gặp tình huống này rồi). Rộng ra khi đi trên đường đặc biệt là đêm khuya thanh vắng thì cơ động có khi còn bắt bạn chứng minh rằng bạn là bạn ý chứ (thông qua chứng minh thư 😛 )
Khi bạn mua một cái máy tính xách tay ACER thì nó trở thành tài sản của bạn; bạn có thể xé tem nhãn đi muốn làm gì tùy thích.
2. Nếu gia đình tôi sản xuất bàn ghế và bán cho người khác thì có phải dán nhãn không? Và có phải trình xin đơn vị nào về nội dung không?
Nếu gia đình bạn đóng bàn ghế cho chính mình dùng thì không sao nhưng nếu sản xuất để bán cho người khác thì phải dán nhãn. Nội dung tự khai theo hướng dẫn của nghị định 43. Nếu bạn trồng rau và mang ra chợ bán thì không phải dán nhãn cho mớ rau vì đó là ngoại lệ theo điều 1 nghị định 43.
3. Nếu tôi mua cái máy tính ở Singapore thì khi qua hải quan về nước thì có gặp vấn đề về tem nhãn không?
Không vì nó coi như là hành lý của bạn; khi xuất cảnh bạn không kê khai thì khi nhập cảnh đương nhiên không ai kiểm tra được. Nhưng nếu cái máy tính đó còn nguyên hộp thì bạn sẽ phải đóng thuế để có thể mang vào VN; về lý thuyết thì bạn mang bao nhiêu cái máy tính hay bao nhiêu cái áo, mỹ phẩm cũng được miễn là chứng minh rằng đó là của bạn, cho bạn dùng chứ không phải mang về để bán dưới dạng hàng xách tay. Vì chẳng có gì quy định rằng một người được phép dùng bao nhiêu cái máy tính xách tay, bao nhiêu thỏi son nên không ai bắt bẻ được bạn; nhưng bạn cũng không thể chứng minh được là tại sao bạn lại phải cần lắm mtxt hay lắm thỏi son thế nên nói chung tùy vào cán bộ hải quan có muốn gây khó dễ hay không.
Nếu quần áo xách tay đó bạn bán qua mạng thì chẳng ai kiểm soát nổi nhưng nếu như trưng bày trong cửa hàng để bán thì bạn sẽ phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp (không phải hàng nhập lậu) và đầy đủ tem nhãn theo quy định hàng hóa lưu thông trong nước như ở trên.
Chắc chắn trong thời gian ngắn tới các quy định về hàng xách tay, mua bán hàng trên mạng sẽ ban hành nhằm tránh thất thu thuế.
4. Các thông tin trên nhãn
Thường nhãn gốc chính là vỏ đựng luôn, còn nhãn phụ sẽ là một miếng decal nhỏ. Nếu một gói bim bim được sản xuất trong nước thì trên vỏ sẽ có đủ thông tin như yêu cầu tại NĐ43 cùng một loạt các thông tin bổ sung khác. Nếu gói bim bim đó được nhập từ Hàn Quốc toàn tiếng Hàn thì trên vỏ sẽ dán một miếng decal bằng tiếng việt.
Ví dụ với đồng hồ Garmin mà tôi đang dùng được nhập khẩu bởi FPT:
Tôi cũng thấy rất nhiều món hàng nước ngoài khác không có nhãn phụ, đa phần là mua tại các cửa hàng nhỏ, mua qua mạng. Những hàng hóa đó thường mắc hai tội một lúc: hàng trốn thuế và hàng lưu thông trong nước không dán nhãn theo quy định.
Cụ thể đối với hàng điện tử thì:
Tivi Asanzo sẽ có nhãn gốc ghi những thông tin trên. Và đương nhiên vẫn không bị phạt về tội ghi “made in Vietnam” được vì nó là hàng hóa lưu thông trong nước mà hàng hóa lưu thông trong nước thì chưa có quy định thế nào là hàng Made in Vietnam. Loạn nhể; mặc dù đã có quy định khá rõ trong nghị định 31 về “made in Vietnam” rồi nhưng lại không thuộc đối tượng áp dụng; chắc bộ công thương sẽ ban hành một cái văn bản chép y xì điều kiện của Nghị định 31 nhưng áp dụng cho hàng hóa sản xuất và bán trong nước.
Các văn bản:
- Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa : Tải file
- Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa : Tải file
Văn bản khác có liên quan:
- Luật đo lường số 04/2011/QH13 của Quốc hội ngày 11/11/2011 : Tải file
- Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 ngày 29/6/2006: Tải file
- Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa số 05/2007/QH12 ngày 21/11/2007 : Tải file