Ngày 18/6/2019 chắc chắn sẽ đi vào lịch sử tài chính thế giới là ngày Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, công bố về dự án tiền kỹ thuật số Libra. Tất cả người dân còn chưa hiểu đầu cua tai nheo; chính phủ các nước còn đang nghiên cứu cần phải đổi diện với sự kiện này như thế nào. Đối với Việt Nam, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng ngân hàng nhà nước sẽ cấm đồng tiền này; nhưng tốt nhất hãy cứ tìm hiểu về nó để chúng ta hiểu hơn thông tin về đồng Libra trong các bàn tin thời sự sắp tới đây.
Đứng ở góc độ thuần kinh tế học ta sẽ thấy rằng đồng Libra sẽ không có cửa sống với các lập luận phía dưới (bạn hãy kiên trì đọc qua để sau đó xem Mark sẽ làm gì để biến đồng libra thành hiện thực).
1. Chính phủ sẽ mất đi công cụ chính sách tiền tệ
Bên cạnh việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh hành vi của các đối tượng trong nền kinh tế thì Chính phủ Việt Nam (và các chính phủ khác) có hai công cụ tài chính đó là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ quản lý việc cung tiền, điều chỉnh dòng chảy của tiền nhằm thúc đẩy ngành này hạn chế ngành kia. Chính sách tài khóa là điều tiêt chi tiêu của chính phủ (cái này thì dễ hiểu rồi)
Nước nào cũng có ngân hàng trung ương của riêng mình nhằm thực hiện chính sách tài chính. Ngân hàng trung ương trực thuộc chính phủ hay độc lập với chính phủ tới bây giờ mỗi nước mỗi khác nhau nhưng đa số là thuộc sự quản lý của chính phủ. Ví dụ độc lập có Mỹ (FED), Châu Âu (ECB), Thụy sĩ (SNB); phụ thuộc thì đa số trong đó có cả các nước phát triển như Nhật (BOJ), Singapore (MAS).
Mục đích của chính sách tiền tệ là nhằm đảm bảo rằng lượng tiền đủ tương đương với lượng hàng hóa để không vì thiếu tiền mà làm cho lưu thông hàng hóa khó khăn và không vì thừa tiền mà sinh ra lạm phát. Vì vậy chính sách tiền tệ về logic nên độc lập so với chính phủ; nếu phụ thuộc vào chính phủ thì chính phủ có thể điều chỉnh cung tiền nhằm đạt tới các mục tiêu của chính phủ. Ví dụ chính phủ có thể tăng cung tiền để có các con số GDP, tỷ lệ thất nghiệp đẹp nhưng mặt trái là sinh ra lạm phát. Các đồng tiền được quản lý bởi ngân hàng trung ương có sự độc lập so với chính phủ thường sẽ có uy tín, có tỷ lệ lạm phát thấp,..khiến cho người dân yên tâm giữ tiền mặt.
Vấn đề ở đây là cân bằng giữa lợi và hại. Ví dụ như ở Mỹ, ông Trump không thể bắt Cục dự trữ liên bang Mỹ FED hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế (phối hợp với các chính sách khác của chính phủ). Có thể nếu ông ý có quyền điều chỉnh lãi suất thì sẽ tốt cho nền kinh tế hơn (mà FED không nhận ra điều đó vì họ có mục tiêu khác). Và trong một môi trường hai đảng cạnh tranh nhau thì việc đảng này ngăn cản đảng kia không phải chỉ vì lợi ích quốc gia mà có khi nhằm hạ uy tín, ngăn cản sự thành công của đảng kia.
Mạng xã hội Facebook hiện đang là vấn đề đau đầu đối với các chính phủ với câu hỏi làm sao để khống chế được nó. Đồng Libra ra đời giả định hơn 2 tỷ người dùng facebook đều dùng nó để trao đổi hàng hóa/dịch vụ thì chính phủ quản lý nó kiểu gì? Làm sao có thể dùng chính sách tiền tệ được nữa khi mà không độc quyền được cung tiền.
2. Libra có đảm bảo chức năng của một đồng tiền
Đồng tiền có 3 chức năng chính:
- Đơn vị đo lường giá trị : Cái ô tô 4 tỷ, cái xe máy 70 triệu; cái ô tô có giá trị hơn cái xe máy gấp 4000/70= 57 lần.
- Phương tiện trao đổi : Có tiền mua tiên cũng được.
- Phương tiện dự trữ về mặt giá trị: Giữ nó trong két sắt và khi cần có thể dùng tới; nhớ đừng giữ gà trong két sắt vì nó sẽ mất giá trị chỉ sau 1 giờ.
Nếu bạn cầm đô la Mỹ đi khắp thế giới thì gần như ở đâu bạn cũng có thể dùng nó để mua hàng hoặc đổi sang đồng nội tệ của nước đó. Trong lịch sử loài người cũng có một đồng tiền có thể trao đổi toàn thế giới đó là vàng. Hiện giờ thì tính lỏng của vàng thấp hơn so với đô la Mỹ vì các chính phủ muốn người dân dùng tiền do chính phủ ban hành. Nếu các chính phủ đã không chấp nhận vàng như một phương tiện trao đổi thì cớ gì họ đồng ý đồng Libra.
Bạn có thể tưởng tượng một ngày mà thay vì nói cái điện thoại Iphone 8 có giá 40 triệu đồng hoặc 2000 USD thì giờ bạn nói nó có giá 2000 Libra. Thật khó có thể tưởng tượng được viễn cảnh đó.
Nếu như các chính phủ không công nhận đồng Libra thì cũng rất khó cho bạn mua tiền Libra bằng đô la Mỹ hay Việt Nam đồng. Hệ thống ngân hàng thương mại được quản lý bởi ngân hàng nhà nước sẽ không cho đổi tiền libra; chắc chỉ có thể mua nó ở chợ đen (chợ ngoài đời thực hoặc chợ trên mạng). Nếu như việc mua đồng Libra quá khó khăn thì người mua sẽ không chấp nhận; nếu như việc bán Libra cũng quá khó khăn thì người bán cũng không chấp nhận.
Đồng Bitcoin hiện nay không thể thực hiện chức năng trao đổi, chức năng đo lường thì phải thông qua quy đổi qua trung gian đô la Mỹ. Bitcoin giống như một tài sản đầu cơ hơn là một đồng tiền. Không có ai đứng đằng sau Bitcoin để đảm bảo giá trị cho đồng tiền đó.
Đứng đằng sau đồng Libra là những tập đoàn tài chính lớn nhằm đảm bảo giá trị cho nó; để cho người dân sẵn sàng cất libra trong ví điện tử giống như giữ đô la Mỹ hay vàng trong két sắt. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là khả năng đổi đồng Libra sang hàng hóa hay sang một loại tiền tệ phổ biến khác; việc quy đổi càng khó khăn thì càng ít người muốn giữ đồng Libra.
Chúng ta sẽ tìm hiểu ông chủ facebook Mark Zuckerberg sẽ giải bài toán khó này như thế nào:
1. Lý do đồng Libra ra đời (theo sách trắng về Libra- Libra White Paper)
- Mặc dù hệ thống tài chính phát triển rất mạnh mẽ nhưng vẫn có tới 1,7 tỷ người trưởng thành không được tiếp cận hệ thống tài chính mặc dù trong số đó có 1 tỷ người có điện thoại di động và 500 triệu người có kết nối internet. Có thể hiểu đơn giản ví dụ như bố tôi có điện thoại smartphone, có tài khoản facebook nhưng không hề có tài khoản ngân hàng, không thực hiện vay mượn, chuyển tiền,..
- Chi phí truy cập vào hệ thống internet ngày càng rẻ đi nhưng việc truy cập hệ thống tài chính lại nhiều rào cản và đắt đỏ. Ví dụ những người cần tới tiền nhất lại tiếp cận hệ thống tín dụng đen để vay tiền vì họ không đủ điều kiện, không đủ kiên nhẫn để vay từ ngân hàng. Chi phí để có một tài khoản trong ngân hàng, chi phí chuyển tiền,….rất nhiều loại chi phí mà nếu bạn gửi tiền vào ngân hàng với lượng quá ít thì tiền đó sẽ mất dần theo thời gian khi mà chi phí duy trì lớn hơn số lãi có được.
- Libra là đồng tiền điện tử dựa trên công nghệ Blockchain. Nó được quản lý phân tán; không có thực thể nào kiểm soát nó, chỉnh sửa nó vì vậy nó rất đáng tin cậy.
- Các đồng tiền điện tử hiện có (ví dụ như bitcoin) không thực hiện được chức năng bảo toàn giá trị và trao đổi. Đồng Libra với sự kết hợp của nhiều tổ chức tài chính, công nghệ cùng các nhà quản lý chuyên nghiệp sẽ đảm bảo tính bền vững của đồng tiền này.
2. Libra được đảm bảo bởi ai và như thế nào?
Đồng libra sẽ được quản lý bởi Hiệp hội Libra (Libra Association) có trụ sở đặt tại Thụy sĩ sẽ bao gồm 100 thành viên. Tại thời điểm sáng lập đã có 27 thành viên là các quỹ đầu tư mạo hiểm, cá công ty blockchain, tổ chức phi lợi nhuận, mạng xã hội, tổ chức truyền thông, thương mại điện tử, tổ chức tài chính.
Trong 27 thành viên sáng lập này ta dễ nhận thấy có đại diện các tổ chức lớn giúp cho đồng tiền libra có thể thực hiện các chức năng của nó bao gồm:
- Tổ chức thanh toán như Mastercard, Visa,..: Để người dân có thể mua/bán đồng libra từ đồng tiền pháp định.
- Công ty thương mại điện tử như Ebay : Để người dân có thể mua/bán hàng hóa trên đó dùng đồng libra.
- Mạng xã hội như facebook: là môi trường để người dân trao đổi về món hàng trước khi giao dịch.
- Các quỹ đầu tư: giúp rót tiền thực vào để cho người dân lúc nào cũng yên tâm rằng nếu họ có libra, họ có thể đổi nó sang đô la Mỹ.
27 thành viên sáng lập này phải qua vòng tuyển chọn khắt khe và chắc chắn đã bàn với nhau chán về phản ứng của các chính phủ, về phương thức vận hành,…trước khi Mark có thể công bố dự án đồng tiền libra.
Muốn trở thành thành viên tiếp theo trong giới hạn 100 thành viên thì các tổ chức đăng ký sẽ phải đạt được các tiêu chuẩn nhất định. Có tiêu chí rõ ràng cho từng loại tổ chức miễn làm sao nó có nguồn lực để giúp cho đồng Libra phát triển.
Lần cuối cùng đô la Mỹ được neo vào vàng là trước 1971 với 35 USD = 1 ounce vàng. Cứ 35 usd trong lưu thông thì có 1 ounce vàng được giữ trong ngân khố. Người dân dùng đô la Mỹ với niềm tin rằng bất cứ lúc nào cũng có thể mua vàng với giá cố định. Dễ dàng nhận thấy là lượng USD lúc đó sẽ tương ứng với lượng vàng tích trữ. Nhưng lượng hàng hóa ngày càng nhiều do năng suất lao động tăng lên trong khi lượng đô la Mỹ không tăng tương xứng dẫn tới việc lưu thông hàng hóa trở nên khó khăn. Vàng thì hữu hạn mà lượng hàng sx ra ngày một nhiều; từ 1971 trở đi đô la Mỹ được đảm bảo bởi uy tín của chính phủ Mỹ giống như mọi đồng tiền pháp định ngày nay của mỗi nước.
Mark cam kết rằng cứ mỗi đồng Libra trong lưu thông sẽ có 1 đồng đô la (ít hơn hoặc nhiều hơn) được cất vào “kho” của hiệp hội Libra. Người dân dùng 1 đô la để mua 1 libra với niềm tin rằng bất cứ lúc nào anh ta cũng có thể bán 1 libra để lấy 1 đô la Mỹ. 1 đồng la Mỹ là hình tượng để ta hiểu rằng nó được neo vào tiền pháp định (mà không phải vàng).
1 Đồng đô la Mỹ tương ứng với đồng libra không phải tiền vật chất mà nó được đầu tư vào những lĩnh vực có rủi ro thấp và tính thanh khoản cao ví dụ như tiền gửi ngân hàng, trái phiếu chính phủ nhằm bù đắp lạm phát và chi phí duy trì hệ thống tài chính libra. Ví dụ như khi có một số lượng rất lớn libra cần được quy đổi sang đô la Mỹ thì tài sản đầu tư đó phải nhanh chóng chuyển thành đô la Mỹ để đổi lấy số lượng lớn Libra đó.
Libra mặc dù cũng là đồng tiền số dựa trên công nghệ blockchain giống như Bitcoin và Ether nhưng khác biệt là nó có tài sản đảm bảo trong khi đó đó Bitcoin và Ether phụ thuộc hoàn toàn vào niềm tin. Không ai đảm bảo được rằng 1 bitcoin ngày hôm nay mua được cái bánh mỳ thì ngày mai còn mua được nữa không (bất ổn định). Người ta sở hữu bitcoin chỉ vì kỳ vọng nó tăng giá trong tương lai (đầu cơ) chứ không phải nhằm mục đích lưu trữ đơn thuần hay trao đổi. Vì Libra được đảm bảo bằng một tài sản ít biến động nên giá trị của nó ổn định.
Mặt khác lượng cung tiền của libra phụ thuộc vào lượng mua libra (bằng một loại tiền nào đó) trong khi đó bitcoin có được là nhờ “đào”, và nó có giá trị bởi sự khan hiếm. Với cách thức tạo libra như vậy thì lượng libra được tạo ra là vô cùng phục vụ cho hàng tỷ người có thể trao đổi nhưng nó vẫn được đảm bảo bằng tài sản đảm bảo để không bị mất giá.
Hãy tưởng tượng một ngày đẹp trời toàn bộ đồng tiền pháp định bị xóa bỏ; lúc đó chỉ có libra là đồng tiền duy nhất trao đổi toàn cầu. Libra lúc đó không thể được đảm bảo bằng tiền pháp định nữa mà phải tìm một tài sản khác để đảm bảo ví dụ như vàng chẳng hạn; hoặc nó phải được cung ở mức vừa đủ để thực hiện chức năng mà vẫn đảm bảo không có lạm phát. Có lẽ điểm khác biệt khiến nó thành công là so với đồng đô la Mỹ (hiện cũng đang thống trị ngày nay), nó không được quản lý bởi bất cứ một ai cả.
3. Phản ứng của các chính phủ và cách vượt qua nó
Chắc chắn phản ứng của các chính phủ đã được Mark tính tới và việc điều trần vào ngày 16/7/2019 trước thượng viện Mỹ cũng đã được Mark chuẩn bị từ trước đó. Tư cách của Mark giống như lãnh đạo của một quốc gia với hơn 2 tỷ dân mà không phải như một chủ doanh nghiệp bình thường.
Nói về mạng xã hội Facebook thì 100% các chính phủ đều căm ghét và muốn xóa bỏ nó. Vì facebook mà quyền quản lý thông tin của chính phủ bị mất tính độc quyền. Ngày nay với facebook, bạn có thể nêu quan điểm của mình (mà không phải xin phép ai), đọc bất cứ thông tin nào bạn muốn (mà không bị ngăn cản). Ghét là vậy nhưng các chính phủ không thể cấm nổi mà chỉ có thể đưa ra các luật nhằm vớt vát phần nào quyền lực.
Với đồng tiền Libra, trước hết nó cần phải được sự đồng ý của chính phủ Mỹ. Khi chính phủ Mỹ đồng ý sử dụng libra (song song với đồng đô la Mỹ) thì sẽ tạo ra một xu hướng buộc các chính phủ nước khác không thể không đồng ý; vì nếu không đồng ý, nước đó sẽ đứng ra ngoài hệ thống tài chính toàn cầu.
Điều mà hiện nay chính phủ nghi ngại đó lả tính bảo mật người dùng và quyền lực của người quản lý đồng tiền Libra. Nếu đồng Libra được chứng minh rằng nó được quản lý bởi không ai cả nhưng vẫn đảm bảo được tính bảo mật thì thật khó mà từ chối nó. Còn đối với vấn đề rửa tiền thì thời bitcoin mới ra đời người ta cũng nêu ra nghi ngại này nhưng nó vẫn cứ tồn tại.
Nếu Libra bị cấm tại Việt Nam trong khi nó được cho phép ở nước khác thì sao? Thì cũng giống như hồi người ta ngăn cản vào facebook; lúc đó vẫn có cách để sử dụng facebook nếu như nó thực sự có ích đối với người dùng. Đồng libra tồn tại trong ví điện tử; nếu bạn tin tưởng đồng tiền thì thiếu gì cách để bạn có libra trong ví. Đối với các ngân hàng sống nhờ chi phí các giao dịch tài chính, thì đây cũng là lúc thực sự phải lo lắng. Ngày nay gọi đi Mỹ mất 0 đồng; 20 năm trước với 1 triệu, bạn chỉ gọi được vài phút.
Trước khi đọc sách trắng về Libra, tôi cũng chỉ biết tới Libra bởi các bản tin tài chính, vài tin tức trên mạng và cảm thấy rất nghi ngờ về nó. Sau khi đọc, tôi có cảm giác như mình đã sống trong thời kỳ đồng libra thịnh hành giống như Facebook thịnh hành ngày nay. 20 năm trước chẳng ai tưởng tượng được một mạng xã hội toàn cầu với 2,4 tỷ tài khoản giúp người ta trao đổi với nhau với giá không đồng, phá bỏ mọi biên giới quốc gia; chiếm lấy quyền quản lý thông tin của các chính phủ. Nếu sống qua thời kỳ đó, giờ chúng ta có thể tin rằng không đầy 10 năm nữa sẽ có một đồng tiền toàn cầu tên gọi Libra được quản lý bởi không ai cả với gần như không có lạm phát.
Hãy chờ tới giữa năm 2020, lúc mà đồng Libra theo kế hoạch chính thức được phát hành.