Covid tác động vào Tổng cung-Tổng cầu thế giới như thế nào?

23
10901

Covid-19 đáng ngại như thế nào dân tình ai cũng đã hiểu được rồi. Chưa bao giờ chúng ta ở trong tình huống mà bọn trẻ con nghỉ tết vô thời hạn và ra đường phải nơm lớp lo sợ như thế này. Mọi thứ quay trở lại đúng quỹ đạo trước nghỉ tết nếu như Covid được dập sớm, ít nhất là không có xuất hiện sự kiện bệnh nhân thứ 17. Nhưng giờ chúng ta không thể có mong ước xa xỉ đó nữa, mọi thứ đã thay đổi.

Tại thời điểm 2 tuần sau nghỉ tết, Covid-19 ảnh hưởng chỉ giới hạn một số nhóm người như các hàng quán ven đường, các cửa hàng trong các trung tâm mua sắm. Chúng ta lúc đó đa phần còn nhìn sự kiện với thái độ “Người bên ngoài thích thú xem kẻ bên trong khổ sở”. Giờ hầu như tất cả chúng ta đều đã thấy Covid-19 ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào, không chỉ là lối sống mà còn là kinh tế.

Covid-19 khác cơ bản với khủng hoảng 2008 (cách đây 11 năm). Khủng hoảng 2008 bắt nguồn từ một nơi rất xa chúng ta đó là Mỹ. Ở đó họ vay tiền ngân hàng để mua nhà, và nhà được định giá cao hơn nhiều so với giá trị thực. Khi nhà đất giảm giá, khoản thế chấp không còn được đảm bảo nữa và Ngân hàng nhằm đảm bảo lợi ích đã bắt người mua nhà hoặc nộp tiền hoặc bán ngay nhà trả nợ. Tác động của cuộc khủng hoảng này trực tiếp vào tổng cầu của thế giới rồi mới lan tới VN.

Còn covid-19 thì sao? Chắc chắn rồi nó tác động vào Tổng Cầu, bằng chứng là người dân không còn chi tiêu mạnh như trước nữa. Những người bị ảnh hưởng đầu tiên của Covid vì giảm thu nhập nên họ giảm chi tiêu. Giảm chi tiêu làm ảnh hưởng tới các ngành không bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 ví dụ như bất động sản, các dịch vụ lưu trú,…

Thời gian càng dài thì mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng, tới từng ngõ ngách, tới từng người dân. Tổng Cầu suy giảm dẫn tới suy thoái thì ai cũng hiểu rồi. Nhưng khác với năm 2008, lần này nó còn tác động vào Tổng Cung.

Dòng dịch chuyển nguồn nhân lực bị ngăn trở khi nhiều chuyên gia/công nhân đã không thể quay trở lại nhà máy của họ ở một nước khác hoặc thậm chí ở trong cùng một nước. Các nhà máy không thể sản xuất, không thể giao được hàng hóa mà khách hàng đã đặt mà cũng không dám nhận những đơn hàng mới.

Ngay cả dòng hàng hóa đã sản xuất cũng bị ngăn cản do người ta lo ngại là con Covid-19 có thể bám dính vào hàng hóa. Nông sản thời kỳ đầu của chúng ta đã không thể qua biên giới; giờ đi qua nhỏ giọt thì ai dám đánh cược được rằng khi hàng từ miền nam vận chuyển ra bắc, tới biên giới nó không bị giam trở lại. Hàng hóa từ Trung Quốc đi cũng phải bị cách ly 14 ngày, bị khử trùng trước khi nhập vào nước khác.

Nhiều thành phố đang bị cách ly hoặc sắp bị cách ly. Người dân không thể ra đường chứ nói gì tới việc sản xuất ra hàng hóa/dịch vụ.

covid19
Covid đã tác động vào cả Tổng cung lẫn Tổng cầu. Tổng cung không những bị ảnh hưởng bởi sức giam của tổng cầu mà còn bị ảnh hưởng vào các nguồn lực liên quan tới sản xuất.

Ảnh hưởng kép này sẽ gây hậu quả gấp đôi so với thời điểm 2008. Mặc dù sức khỏe của chúng ta tốt hơn nhưng cú đấm này nặng hơn nhiều. Covid-19 rồi cùng sẽ qua nhưng hồi phục của nền kinh tế sẽ rất chậm; thay vì trước đây ta chỉ cần tác động vào Tổng cầu ví dụ như tăng chi tiêu chính phủ, giảm lãi suất huy động; thì nay phải tác động cả vào tổng cung như tung ra các gói hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế,…

Lạm phát (mức giá chung) giảm nhiều tháng liên tiếp sẽ là dấu hiệu cho thấy đường tổng cầu đã dịch trái. Ngay cả khi nó tăng cũng không đảm bảo được điều gì khi mà sản lượng cũng đang bị giảm tương ứng với nhu cầu.

Giá dầu giảm xuống mức 33 USD, TTCK đang có hành vi rất giống với năm 2008, Vàng và USD đang tăng giá, Tồn kho bất động sản đang có xu hướng tăng, tỷ lệ thất nghiệp tăng. Toàn dấu hiệu xấu.

Dịch Covid-19 càng kéo dài thì hậu quả càng lớn và càng khó để hồi phục. Thật khó mà tưởng tượng được phải mất bao lâu nữa thì phố đi bộ quanh Hồ Gươm mới trở nên nhộn nhịp như ban đầu. Nền kinh tế cũng vậy, bao giờ bạn thấy Hồ gươm đông vui trở lại thì lúc đó có thể tin tưởng rằng kinh tế đã hồi phục.

Mình hay ăn bánh mì buổi trưa sau khi tập, thấy bà bán hàng tâm sự, bà lên TP bán bánh mỳ, thuê một cái cửa hàng chưa đầy 2m2 trên đường Bà Triệu và thuê một chỗ trọ để ở. Hàng họ ế ẩm, tiền thuê nhà và cửa hàng thì trả trước vài tháng, không có thu nhập vào, chẳng biết có trụ nổi được đôi tháng nữa không. Giờ chính phủ, doanh nghiệp và người dân không nên bàn về việc sẽ phát triển như thế nào mà làm sao để sống sót.

Mình nghĩ rằng cách ứng xử chung sẽ là thế này:

  • Giữ một trạng thái tinh thần ổn định; không nên quá lo lắng về bệnh tật; nỗi lo về kinh tế đã là quá đủ rồi. Dịch bệnh sẽ qua, chỉ có các vấn đề về kinh tế là ở lại.
  • Giảm thiếu tối đa chi tiêu không cần thiết.
  • Thay vì đòi hỏi một thu nhập cao hơn từ công ty thì hãy đặt mục tiêu công ty tồn tại, và mình không bị cho nghỉ việc. Cũng không chủ động nghỉ việc vì bạn sẽ không thể cạnh tranh được với những người đang đi tìm việc vốn ngày càng tăng.
  • Không mua vàng, ngoại tệ lúc này. Nếu phòng thủ thì bạn phải phòng thủ từ sớm còn giờ vàng, ngoại tệ đã cao rồi.
  • Không mua tài sản giá trị cao như nhà đất; nếu có tiền hãy đợi cho kinh tế tiếp tục suy giảm để có giá tài sản thấp hơn. Rất nhiều người sẽ phải bán thống bán tháo tài sản của họ để trả nợ ngân hàng.
  • Không khởi nghiệp vào lúc này vì bạn sẽ không thể cạnh tranh được với lực lượng những người mới giải thể doanh nghiệp. Chưa kể nhu cầu đang sụt giảm, sẽ không ai mua hàng của bạn. Nếu hàng đó là hàng vẫn bán tốt mùa dịch thì rất nhiều người đã đi trước bạn rồi.
Những yếu tố làm dịch chuyển tổng cầu

Nếu giá làm cho lượng cầu di chuyển trên đường tổng cầu thì những yếu tố khác sẽ làm dịch chuyển tổng cầu AD khi nó tác động lên C, I, G, NX:

– Chi tiêu người dân C thay đổi do:
+ Thu nhập khả dụng thay đổi vì  Yd= C + Sp; nên khi thu nhập khả dụng Yd thay đổi thì cả C và tiết kiệm Sp đều thay đổi

+ Của cải thay đổi; thị hiếu thay đổi

+ Kỳ vọng về thu nhập và việc làm: kỳ vọng là thu nhập sẽ tăng trong tương lai thì chi tiêu sẽ tăng. Đại loại là nếu bạn kỳ vọng năm tới lương mình sẽ tăng gấp đôi; bạn không đợi tới lúc đó mới tăng chi tiêu mà tăng chi tiêu ngay ngày hôm nay.

– Đầu tư của doanh nghiệp I thay đổi do:

+ Chính sách tiền tệ: cung tiền MS tăng làm lãi suất giảm khiến cho I tăng và ngược lại.

+ Kỳ vọng về sự phát triển kinh tế: doanh nghiệp kỳ vọng sắp tới kinh tế sẽ hồi phục và tăng trưởng thì họ sẽ tăng đầu tư để đón đầu.

+ Chính sách tài khóa: thay đổi về thuế, trợ cấp. giảm thuế thì doanh nghiệp thấy lãi hơn vì vậy tăng đầu tư.

– Chi tiêu của chính phủ G: G tăng thì AD tăng và ngược lại

– Xuất khẩu ròng NX = X – IM.

+ Xuất khẩu X thay đổi do thu nhập của người nước ngoài thay đổi, chính sách liên quan tới thuế quan, hạn ngạch của nhà nước; Thị hiếu của người nước ngoài tiêu dùng hàn trong nước; Tỷ giá hối đoái

+ Nhập khẩu IM thay đổi do thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, thuế, thị hiếu đối với hàng nước ngoài

Tổng cung và dịch chuyển Tổng cung

Là lượng hàng hóa và dịch vụ được cung ứng trên thị trường; nó thể hiện quan hệ giữa mức giá chung và lượng hàng hóa được cung ứng

Công thức của tổng cung là Y= Y* + α (P – Pe)

Pe là mức giá kỳ vọng và P là mức giá thực tế.

Y là sản lượng thực tế và Y* là sản lượng tiềm năng

α là hệ số đo lường giữa sản lượng và giá thực tế:

Ví dụ : Khi nhà sản xuất kỳ vọng rằng sẽ bán được hàng hóa là Pe; họ sẽ tăng sản lượng lên tương ứng với mức này. Tăng như thế nào phụ thuộc vào hệ số α. Tuy nhiên thực tế giá bán không phải là Pe mà là P. Nguyên nhân là thị trường thông tin là không hoàn hảo, người sản xuất chỉ dự đoán Pe chứ không phải là con số thực tế P.

Về ngắn hạn thì thông tin là không hoàn hảo nhưng về dài hạn thì nó là hoàn hảo nên P = Pe. Khi đó ta có Y=Y* chính là tổng cung trong dài hạn. Nó là đường thẳng đứng.

Mặt khác trong bài Kinh tế vĩ mô trong dài hạn ta biết là Tổng cung dài hạn không phụ thuộc vào giá (là biến danh nghĩa) mà nó có công thức  Y*= f(K,L,R,T)phụ thuộc vào tư bản K, lao động L, tài nguyên R và công nghệ T. vì vậy các yếu tố này là dịch chuyển tổng cung trong dài hạn. Cụ thể:

(1)Lao động (Labour)

Tất cả các nguyên nhân khách quan, chủ quan ảnh hưởng tới lực lượng lao động thì đều làm dịch chuyển tổng cung dài hạn. Ví dụ như sự nhập cư ồ ạt từ các nước khác làm tổng cung dịch sang phải hay lao động trong nước bỏ ra ngoài làm tổng cung dịch sang trái. Chính phủ tăng lương tối thiểu làm số người thất nghiệp tăng lên khiến cho tổng cung dịch sang trái.

(2)Tư bản K

Tư bản bao gồm tư bản hiện vật (số lượng máy móc) và tư bản nguồn nhân lực (trình độ người lao động). Thay đổi tăng tư bản làm tăng năng suất lao động vì vậy làm tăng lượng cung hàng hóa và dịch vụ; làm tổng cung dài hạn dịch sang phải và ngược lại

(3)Tài nguyên thiên nhiên R

Tài nguyên bao gồm tài nguyên tái tạo được (rừng, đất, nước,…) và tài nguyên không thể tái tạo (than đá, dầu mỏ,..). Đột nhiên phát hiện là mỏ than đã hết ? hoặc phát hiện ra mỏ than mới đều làm giảm hoặc tăng cung đường tổng cung.

Giá dầu tăng giảm trên thị trường dầu cũng là nguyên nhân của tăng giảm của tổng cung

(4)Công nghệ T

Cải tiến công nghệ làm gia tăng năng suất khiến cho tổng cung dịch phải. Đây là yếu tố càng ngày càng trở nên quan trọng với sự phát triển của công nghệ thông tin, công nghệ sinh học,…

Comments

comments

23 COMMENTS

  1. Làm 1 bài chiến tranh thương mại Mỹ Trung tác động tới cung cầu sao đi b ơi ?

  2. Trong mùa dịch virus Corona “Nhiều mặt hàng thực phẩm ớ Việt Nam tăng giá mạnh”. Hãy phân tích các nhân tố chính tác động đến việc tăng giá thực phẩm ở Việt Nam.

    • Dear em;
      Cái này em phân tích theo cung cầu trong đó cầu tăng do nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân và cung giảm do người lao động bị hạn chế đi lại, không có hoặc phải mua với giá cao các nguyên liệu đầu vào cần thiết cho việc sxkd. Ví dụ như người nông dân sẽ phải mua phân bón với giá cao hơn gián đoạn nguồn cung từ TQ.
      anh VD

    • Vì giá vàng đang ở mức rất cao em ạ. Năm 2008 vàng chỉ là 1000usd/oz nay đã sát tới mức 1.700usd. Mặc dù vàng là nơi trú ẩn nhưng người ta nghi ngại nó đang ở đỉnh. Mặt khác khi chứng khoán, bất động sản, công việc kinh doanh cần tới tiền thì các nhà đầu tư có xu hướng bán vàng ra thu về tiền mặt để bổ sung vào. Hoặc quan điểm một số NĐT cho rằng cần nắm giữ tiền mặt để có thể mua các tài sản khi nó về mức sàn.
      anh VD

      • Giá vàng năm nay giảm mạnh ngay giữa khủng hoảng em nghĩ nguyên nhân chính do lo ngại tình trạng mất thanh khoản nên các Quỹ, Ngân hàng, Chính phủ phải bán cả những tài sản an toàn nhất.

        • Em xem bản tin 19/3 này:
          Giá vàng đã giảm mạnh hôm nay tại các thị trường Ấn Độ, tiếp tục điểm yếu gần đây. Trên MCX, giá vàng kỳ hạn tháng 4 giảm 1,4% tương đương khoảng 554 đô la xuống còn 39.169 đô la mỗi 10 gram, ngày giảm thứ bảy của họ trong tám. Tuy nhiên, bạc tăng cao hơn với tương lai trên MCX tăng 0,21% lên 33.978 đô la Mỹ / kg. Vàng đã chứng kiến ​​sự sụt giảm mạnh ở các thị trường Ấn Độ kể từ khi đạt mức cao kỷ lục khoảng 45.000 đô la vào đầu tháng này, theo dõi sự sụt giảm mạnh tương tự của tỷ giá toàn cầu.

          Trên thị trường toàn cầu, giá vàng hôm nay đã giảm 1,4% xuống còn 1.45,34 USD / ounce, đồng thời kéo dài mức lỗ đến lần thứ bảy trong 8 phiên. Cho đến nay, giá vàng đã giảm hơn 3%, trong khi chứng khoán toàn cầu đã giảm gần 30% và dầu thô giảm 60%. Trong số các kim loại quý khác, bạc ít thay đổi trong khi bạch kim giảm 2,4%.

          Tất cả các loại tài sản, bao gồm vàng, đã bị đánh bại trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư bán kim loại quý để bù lỗ ở nơi khác. Chỉ số biến động ETF vàng của CBOE, thước đo kỳ vọng về sự dao động giá, ở mức cao nhất kể từ năm 2008, Bloomberg đưa tin.

          Các biện pháp gần đây của Cục Dự trữ Liên bang và Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thất bại trong việc gây căng thẳng thị trường.

          Các nhà hoạch định chính sách của châu Âu hôm thứ Tư đã phát động một chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro (820 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế khi lục địa này vượt qua Trung Quốc về số trường hợp được xác nhận và tử vong.

          Tác động kinh tế của coronavirus vẫn không thể đoán trước và mặc dù điều chỉnh giá, nhu cầu của người tiêu dùng đối với đồ trang sức có thể không sớm xuất hiện, Abhishek Bansal, chủ tịch và giám đốc điều hành tại Abans Group cho biết.

          Nhưng mặt trái của vàng có thể nhận được một số hỗ trợ từ nhu cầu đầu tư vì đây là tài sản an toàn và điều chỉnh giá gần đây cùng với lãi suất thấp hơn, cung cấp một cơ hội tuyệt vời, ông nói thêm.

          Trong khi đó, đồng đô la Mỹ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục so với một loạt các loại tiền tệ khác trong bối cảnh lo ngại về sự gắn kết sẽ có một cuộc suy thoái toàn cầu vì sự đóng cửa liên quan đến coronavirus ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Các nhà phân tích nói rằng các nhà đầu tư đang thích sự hấp dẫn trú ẩn an toàn của đồng tiền dự trữ của thế giới (đô la Mỹ) chống lại nơi trú ẩn trong kim loại quý.

  3. Em có 1 quyền sổ để ghi lại các bài học và chia sẻ của anh.
    Sổ em có tên là “Bài học và kiến thức từ Ân Nhân”
    Thật sự là những thứ anh chia sẻ giúp đỡ em rất nhiều, ngàn lần cám ơn anh

      • Em vay để mua cổ phiếu, nhưng mục đích em hỏi là tại thời điểm này vay thì lãi xuất có được giảm để kích cầu không ạ

        • Tùy vào mục đích vay em ạ vì ngân hàng họ sẽ hỏi em dùng để làm gì. Nếu em đầu tư vào sản xuất kinh doanh thì lãi suất thấp nhưng em đổ vào chứng khoán thì tăng. Anh nghĩ rằng thời điểm này không nên vay tiền để mua chứng khoán vì rủi ro còn rất nhiều; đa phần những người có tiền đều đứng ngoài nhìn thị trường. Chỉ khi thị trường thực sự thiết lập đáy thì lúc đó vào có lợi nhuận ít thì cũng ít rủi ro hơn.

          • Dạ, em cảm ơn anh.
            Trên này nhiều bài viết của a hay quá
            Mà em không có nền tảng nên không hiểu được hết những gì a dạy, buồn thật

  4. Cảm ơn anh vì bài viết rất thú vị ạ 😀 Khủng hoảng lần này em nghĩ Demand Shock vẫn sẽ dẫn dắt vì những tác động nặng nề của tâm lý lo sợ và thu nhập sụt giảm, nên ở biểu đồ trên AD dịch trái nhiều hơn AS em thấy sẽ hợp lý hơn.

    P/s: Khủng hoảng nào thì cũng lại qua đi nhưng nó luôn là mảnh đất màu mỡ để truyền thông, nhà văn và các nhà làm phim canh tác :))

    • Năm 2008 anh nhớ tỷ lệ thất nghiệp nhiều dẫn tới quán nhậu cùng các khóa học kỹ năng rất ăn khách. Lần này thì thất nghiệp tăng mà quán nhậu vắng, các khóa học cũng vắng 🙂

      • Theo quan sát của em về diễn biến dịch tại Việt Nam, điểm tích cực là hiện tại nguồn lây nhiễm đều rõ nguồn gốc và đến từ bên ngoài. Có lẽ phải “cảm ơn” ca thứ 17 đã xuất hiện đúng thời điểm cộng đồng bắt đầu có tâm lý chủ quan, khi chỉ còn 1 tuần nữa Việt Nam được công bố hết dịch và quan trọng hơn là chính phủ sớm nhận thức được tâm dịch đã chuyển sang Châu Âu.
        Qua đó, VN chính thức ngừng cấp thị thực tại cửa khẩu với tất cả các quốc gia và lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay với 100% người nhập cảnh đến từ, đi qua vùng dịch.
        Quả thực rất tốn kém nhưng là cấp thiết vào lúc này để giữ lấy thị trường nội địa, em nghĩ đến tháng 5 mọi chuyện sẽ ổn.

  5. Anh Dũng dạo này bận đúng không ạ. Em rất vui khi đọc những bài viết vô cùng thực tế và dễ hiểu của anh. Em đang đề ra mục tiêu cho mình phải đọc hết những kiến thuc nền tảng về kinh tế học và tài chính trên đây trong năm nay. Để năm sau em có thể có được nhiều thay đổi mới về chất lượng tư duy và hiệu xuất công việc. Vì anh khuyên rằng cái gì cũng phải từ nền tảng mới phát triển lên được. Em đã ra truong dc 3 năm rồi nhưng vẫn loay hoay ở mức lương 5tr 1 tháng. Do em tự ti về mình, cũng như sợ giao tiếp. Nhưng từ khi đọc được những kiến thức của anh e cảm thấy mình sẽ có 1 tương lai sẽ rất phát triển sau này anh ạ. Em cám ơn anh và chúc anh và gia đình thật nhiều sức khoẻ ạ

    • Cảm ơn em; mọi thứ đều có điểm bắt đầu và điểm bắt đầu luôn khó khăn và dễ nản lòng. Cố gắng vượt qua giai đoạn “bắt đầu” thì kết quả sẽ dễ thấy hơn.

  6. Dạo này ai cũng kêu stress, ngán ngẩm quá. Cs bất ổn thật. Em vừa đọc bài của anh, có một câu em rất ấn tượng, xin được trích lại :”Chúng ta không thể chống lại sự bất ổn, chỉ có thể tìm cách sống chung với nó.”.
    Cảm ơn bài viết của anh. Nhờ bài viết của anh, em có thêm cái nhìn đa chiều, thực tế và tích cực hơn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here