Hoàn thiện bản thân ( P16: Tổng kết 3 thói quen đầu và Mô thức tương thuộc)

0
11853
4.8/5 - (13 votes)

3 thói quen đầu tiên thuộc về Thành tích cá nhân. Bạn chỉ cần nhớ những điều chính trong 3 thói quen này như sau:

1. Thói quen thứ nhất: Chủ động

– Mỗi chúng ta đều đang sống với một mô thức nào đó. Mô thức này quy định các suy nghĩ dẫn tới cảm xúc và hành động hàng ngày của chúng ta. Chúng ta ít khi thấy mô thức của mình có vấn đề vì ta luôn tự hình thành lên nhưng lý lẽ bảo vệ mô thức đó. Ta chỉ có thể phát hiện ra mô thức có vấn đề thông qua kết quả ta nhận được. Nếu bạn đang gặp vấn đề trong mâu thuẫn vợ chồng, đồng nghiệp, khó khăn xin việc, thăng tiến, cảm thấy chán nản…. thì mô thức của bạn đang có vấn đề.

– Cuộc đời như thế nào là do ta: đầu tiên ta phải nhận thức đươc rằng chúng ta chịu trách nhiệm về chính cuộc sống của mình. Cuộc sống của ta bê bết không phải do bố mẹ ta, vợ con ta, sếp ta hay ông hàng xóm. Việc tự nhận thức này là một việc vô cùng khó nhưng là bước khởi đầu cho mọi chuyện. Chúng ta chỉ có thể thay đổi được những thứ chúng ta chịu trách nhiệm về nó. Ví dụ bạn có thể bất mãn về sếp vì đáng nhẽ ông ta phải làm thế này thế kia nhưng bản thân ông sếp khi hành xử đều có lý do của ông ta vì vậy bạn không thể chỉ bằng góp ý, chống đối mà giải quyết được vấn đề. Tương tự đối với vợ con, đồng nghiệp, ông hàng xóm, thằng lái xe tạt đầu, thủ tướng, chủ tịch Hà Nội, ….

– Tự quyết định: Vì cuộc sống của ta ra sao phụ thuộc vào chúng ta nên cần có sự chủ động chính là tự ra các quyết định. Nếu ta không tự quyết định thì người khác sẽ quyết định thay ta. Khi người khác quyết định giúp ta thì hoặc là họ vì lợi ích của họ hoặc là họ không đủ hiểu chúng ta để có thể có những quyết định đúng.

– Cuộc sống là trò chơi cân bằng giữa quả trứng và con vịt: Nếu chỉ mong muốn có nhiều trứng thì chúng ta sẽ có một con vịt xơ xác. Nếu chỉ tập trung chăm sóc vịt thì sẽ có một con vịt béo mà ít trứng. Nếu bỏ học đại học để kiếm tiền ta sẽ có ngay trứng nhưng về lâu dài ta sẽ có ít trứng hơn những người đi học. Nếu ta chỉ chăm học thạc sỹ, tiến sỹ, bằng cấp đầy mình thì ta chỉ có một con vịt béo mà chẳng có quả trứng nào. Nếu như mỗi ngày chỉ mong làm hết việc để về nhà đi chơi thì ngày mai chúng ta sẽ có số trứng đúng bằng số trứng kiếm được của ngày hôm nay. Con vịt là năng lực bản thân, quả trứng là tiền là thành quả chúng ta có được nhờ phát huy năng lực.

– Đặt tiêu điểm vào vùng có thể gây ảnh hưởng: Thế giới có hơn 8 tỷ người, Việt nam có 80tr dân, Hà nội có 7 triệu dân. Hàng ngày có hàng ngàn tin tức giật gân khiến ta tò mò từ đó quan tâm. Ta có quyền quan tâm tới mọi thứ, có quyền than phiền về 6700 cây bị chặt nhưng điều đó không có lợi cho ta. Cuộc sống của tôi và bạn phải được đặt tiêu điểm vào những vùng có thể gây ảnh hưởng

– Chúng ta học hỏi nhiều từ những thất bại và những lời chê: ta có thể học hỏi từ những thành công và những lời khen nhưng ta học nhiều hơn khi ai đó chỉ cho ta biết đã không làm tốt một cái gì đó nhờ vậy ta có thể khắc phục các điểm yếu của mình.

2. Thói quen thứ hai: Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định

– Cuộc sống của chúng ta là các điểm đến và hành trình. Chúng ta sẽ có một cuộc đời ý nghĩa nếu có một mục tiêu tại điểm đến rõ ràng. Vì vậy, đầu tiên phải xác định được sứ mệnh của cuộc đời. Ta tồn tại là vì cái gì? Điều này cũng giống như sứ mệnh của một công ty vậy. Tham khảo sứ mệnh các công ty để tìm ý tưởng cho sứ mệnh của chính mình.

Không để cho mình lệ thuộc vào bất cứ cái gì một cách cực đoan. Khi ta lệ thuộc vào một cái gì đó thì ta đã đánh mất đi sự độc lập của chính mình. Muốn biết mình đang trọng tâm vào cái gì bạn hãy thống kê những thứ bạn hay nghĩ tới nhiều nhất.

– Trọng tâm dựa vào nguyên tắc: Sứ mệnh của cuộc đời giúp cho chúng ta thấy cuộc đời của mình có ý nghĩa. Nó cũng giúp định hướng các hoạt động hàng ngày. Trên đường đời chúng ta phải xây dựng cho mình một số nguyên tắc cần tôn trọng. Nó giống như việc phải tuân thủ luật lệ giao thông khi đi ngoài đường vậy. Việc quan trọng của nguyên tắc là phải cân bằng được các yếu tố công việc, gia đình, sở thích cá nhân. Bản chất là cân bằng giữa quả trứng và con vịt.

– Sáng tạo lần thứ nhất: trước khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì chúng ta phải hình dung được cái mình mong muốn đạt được. Cuộc đời của chúng ta là những chặng đường mà trên mỗi chặng đó đều phải đạt được một cái gì đó. Nếu ta không biết rõ là ta muốn gì thì khả năng cao là ta sẽ cảm thấy không thỏa mãn với những thứ đạt được.

– Vai trò của chúng ta: Mỗi chúng ta đều đang nắm một vai trò nào đó trong gia đình, trong xã hội, tại công ty. Mỗi vai trò đều có những trách nhiệm mà bạn phải thực hiện. Khi không thực hiện đúng trách nhiệm của vai trò tương ứng thì bạn sẽ bị loại ra khỏi vai trò đó.

3. Thói quen thứ ba: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất

– Sống phải có kỷ luật: Vô kỷ luật mang lại lợi ích trước mắt nhưng bị đánh mất đi cái lợi lâu dài. Kỷ luật đòi hỏi bạn phải hy sinh những cái lợi trước mắt. Có kỷ luật thì bạn mới có thể làm theo kế hoạch các công việc đã định sẵn, vượt qua ham muốn làm những công việc dễ.

– Tập trung vào công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp: Mỗi công việc đều có thể xếp vào một nhóm nào đó trong 4 nhóm công việc được phân loại dựa theo 2 tiêu chí là mức độ quan trọng và thời gian còn lại phải hoàn thành. Quá tập trung vào công việc khẩn cấp sẽ khiến bạn lâm vào trạng thái căng thẳng mà không hiệu quả. Quá tập trung vào công việc không quan trọng sẽ khiến bạn không đạt được cái gì lớn lao mà vẫn mệt mỏi.

– Bài toán cân bằng giữa quả trứng và con vịt: Những quả trứng là cái lợi trước mắt là những công việc khẩn cấp. Con vịt mang lại cái lợi lâu dài khi bạn chăm cho nó nhưng vì nó ở xa nên bạn hay quên nó.

– Nhận biết công việc thông qua vai trò : Lập kế hoạch công việc tuần và lập lịch các công việc dựa trên mỗi trách nhiệm mà mình đang đảm nhận.

 

Hoàn thành 3 thói quen đầu sẽ giúp bạn có những bước tiến trong gia đình, tại công ty, ngoài xã hội. 3 thói quen này nền tảng để những thói quen sau có tác dụng. Bạn có thể bắt tay ngay vào 3 thói quen tiếp theo nhưng nên làm tốt 3 thói quen đầu đã vì nếu không sẽ rất khó để thực hiện được 3 thói quen sau.

3 thói quen tiếp theo thuộc về Thành tích tập thể. 3 thói quen này đòi hỏi bạn phải hợp tác với người khác để thực hiện những việc lớn. Thực tế dù ít hay nhiều, dù muốn hay không thì ta vẫn cứ phải sống và làm việc với người khác trong công việc, ở nhà, ở trường.

1. Mô thức tương thuộc:

Tương tự như mô thức cá nhân, việc quan hệ với người khác cũng dựa trên một mô thức gọi là Mô thức tương thuộc.

Cho dù bạn không có 3 thói quen đầu bạn có thể làm việc với người khác thông qua việc phát triển Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng làm việc nhóm. Khi bạn thuyết phục tôi mua bảo hiểm thì bạn không cần phải có 3 thói quen đầu, bạn chỉ cần học các mánh thuyết phục, làm theo đúng quy trình. Tuy nhiên nếu muốn lâu dài thì bạn buộc phải chăm sóc từ gốc thay vì chỉ quan tâm tới ngọn.

Mô thức tương thuộc dựa trên niềm tin lẫn nhau. Nếu giữa hai người có niềm tin vào nhau thì việc khó cũng thành dễ; nếu ngược lại thì việc dễ cũng thành khó. Đặc điểm của người Việt Nam nói chung là để ý tới lời nói, cử chỉ còn hơn cả hành động thực tế.  Một người bán một sản phẩm tốt nhưng lời nói không tự tin có thể bị cho là sản phẩm kém chất lượng. Chúng ta sẽ cùng làm rõ hơn mô thức tương thuộc:

Tại sao người khác phải phối hợp với tôi?

Họ phối hợp với tôi khi mà tôi giúp họ giải quyết một vấn đề nào đó của họ. Việc phối hợp với tôi sẽ tốt hơn là họ làm một mình. Nếu tôi không có năng lực đó thì tôi và bạn không thể chơi hay làm việc với nhau.

Như vậy đầu tiên để cho sự phối hợp mang lại hiệu quả thì tôi phải là người tự chủ, tự kỷ luật. Khi tôi sở hữu điều đó thì người đối diện mới đủ niềm tin với tôi để phối hợp với tôi.

Con vịt và quả trứng (P và PC)

Con vịt là mối quan hệ giữa tôi và anh, con vịt là thành quả có được khi tôi phối hợp với anh . Nếu tôi nuôi dưỡng con vịt, có nghĩa là làm cho tôi và anh có sự tin tưởng, có thể phối hợp nhuần nhuyễn thì tôi sẽ có nhiều quả trứng. Nếu tôi chỉ tập trung vào những quả trứng mà không quan tâm trong việc nâng cao mối quan hệ của tôi với anh thì về lâu dài tôi sẽ có ít trứng dần.

Ví dụ khác là mối quan hệ giữa vợ và chồng. Mối quan hệ vợ chồng đòi hỏi sự nuôi dưỡng thường xuyên giống như con vịt. Nếu ta không nuôi dưỡng mối quan hệ này thì kết quả của quá trình phối hợp giữa hai vợ chồng sẽ ngày càng ít đi. Nếu như cả hai không thể cùng nhau giải quyết bất cứ vấn đề nào thì có nghĩa là chẳng ai nói chuyện với ai, hôn nhân chấm dứt.

Tài khoản tình cảm

Khi một ai đó giúp bạn, bạn chỉ mong trả lại bằng cái gì đó để không bị cảm giác mắc nợ. Khi tôi giúp bạn một việc gì đó thì bạn nếu không trả lại được ngay sẽ ghi nhớ trong lòng, tôi đã thêm được một ít ào tài khoản tình cảm với bạn

Hai vợ chồng sống cùng nhau thì mỗi người cũng sẽ có tài khoản tình cảm về nhau. Nếu như tài khoản này càng đầy thì mối quan hệ của hai vợ chồng càng tốt. Nhiều đôi lấy nhau về rồi thì suy nghĩ rằng nghiễm nhiên là sở hữu nhau nên không quan tâm tới tài khoản này. Tài khoản không được thêm vào mà ngày ngày bị rút ra bởi việc anh ta hay về muộn, nói dối vợ, lo cho bạn bè hơn lo cho gia đình,…

Một người vợ thấy chồng mình đèo một cô khác ngoài đường. Nếu như tài khoản tình cảm lớn cô vợ sẽ cho rằng anh chồng đang có việc nghiêm túc nào đó và có thể về nhà bình tĩnh hỏi. Trường hợp tài khoản tình cảm ít không đủ để cho cô vợ tin anh ta thì cô có thể đưa ngay ra kết luận. Mọi kết quả đều có nguyên nhân nên mỗi hành xử của mọi người xung quanh với bạn đều được quyết định bởi cách bạn cử xử với họ trước đó.

Tôi và bạn là những người bạn ngoài xã hội quen nhau vì học chung hồi phổ thông, quen nhau ngoài đường hay qua facebook. Nếu tôi và bạn gặp nhau thì chỉ xoay quanh chuyện phiếm giết thời giờ thì tài khoản tình cảm của tôi và bạn chẳng có gì. Điều đó có nghĩa là cũng chẳng có quả trứng nào được hình thành, khi có vấn đề gì đó tôi không thể nhờ bạn mà bạn cũng không thể nhờ tôi. Do vậy chất lượng của quan hệ quan trọng hơn nhiều so với số lượng quan hệ.

Sáu tài khoản hình thành lên tài khoản tình cảm

1. Hiểu rõ người đối diện: 

Về nguyên tắc thì điều quan trọng của anh ABC có thể không phải là quan trọng đối với tôi. Những vấn đề anh ta gặp phải, những thứ anh ta quan tâm không làm tôi bận tâm. Nhưng anh ABC sẽ tin tôi hơn nếu tôi cũng coi những vấn đề anh ABC gặp phải là vấn đề của tôi để cùng nhau giải quyết.

Nếu như có sự qua lại giữa tôi và anh ABC như vậy thì tài khoản tình cảm của tôi với anh ABC sẽ ngày càng đầy. Anh ABC có thể là vợ/chồng, con, đồng nghiệp, sếp,…

2. Quan tâm tới những điều nhỏ nhất

Con người ta thường suy luận từ điều nhỏ ra điều lớn, từ cái chi tiết ra cái tổng thể. Chỉ cần ông Lý Quang Diệu bắt tay người quét rác thôi là người quét rác đã tôn sùng ông ý. Như vậy, bạn phải để ý từ những cái nhỏ nhất trong quá trình tương tác với người khác.

3. Giữ cam kết:

Điều này ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của người khác bạn. Nếu bạn không chắc có thể thực hiện được điều gì thì tốt nhất không hứa.

Đôi khi với con cái, chúng ta hay đưa ra các phần thưởng kiểu như ăn hết bát cơm rồi bố cho đi chơi, viết chữ đẹp rồi có thưởng,….Chúng ta có thể quên ngay nhưng con chúng ta thì vẫn nhớ. Dần dần nó sẽ không tin vào các lời khuyên của chúng ta nữa.

4. Làm rõ các kỳ vọng

Mỗi vai trò mà chúng ta đóng như trưởng phòng chăm sóc khách hàng, nhân viên kỹ thuật, người bố, người mẹ, người trí thức, người bạn…. đều có một tiêu chuẩn nào đó không thành văn mà được xã hội ngầm công nhận. Ví dụ : người chồng phải là trụ cột trong gia đình, phụ nữ phải đảm đang quán xuyến việc nhà, sếp phải có tầm nhìn rộng phải làm được mọi thứ, bạn bè phải giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, người tri thức thì phải cư  xử lịch sự, bác sỹ phải giúp đỡ bệnh nhân, công an phải bắt cướp,..

Nếu trong quá trình giao tiếp hai bên chỉ ngầm hiểu theo những kỳ vọng đó thì rất dễ dẫn tới thất vọng. Đáng nhẽ anh ta phải làm điều đó. Tôi không nghĩ rằng anh ta làm thế. Tôi quá tin tưởng anh ta vì tôi nghĩ anh ta là một người bạn tốt.

Ngay từ đầu tôi biết rằng anh không thể làm được điều đó khác với việc anh bảo tôi rằng anh làm được sau đó để tôi phát hiện ra.

5. Chính trực

Là việc lời nói và hành động đồng nhất. Tôi bảo tôi là người có kỷ luật nhưng thể hiện ra bên ngoài là việc tôi không tôn trọng giờ giấc, sẵn sàng bỏ dở công việc,… thì tôi không phải là người chính trực.

Lừa dối là việc nói sai so với thực tế diễn ra cũng là thể hiện việc không chính trực.

6. Thành thật nhận sai lầm

Khi nhận mình đã làm sai một cái gì đó,  ta cảm thấy mình yếu hèn đi, làm giảm niềm tin của người khác vào mình.

Dám nhận mình sai đòi hỏi một sự hiểu biết sâu sắc về bản thân. Giá trị của ta do chính chúng ta cảm nhận mà không phụ thuộc vào người khác vì vậy ta ý thức được rằng việc nhận lỗi sẽ giúp ta tiến bộ hơn.

Nếu nhận sai sau đó vẫn cứ lặp lại sai lầm thì hậu quả cũng lớn chẳng khác gì từ chối mình sai, đó chỉ là nhận sai một cách hình thức.

Quy luật của tình yêu vô điều kiện

Phản ứng chung của mọi người là rất cảnh giác trước những sự giúp đỡ. Tại sao anh lại giúp tôi? anh có lợi ích gì khi giúp tôi? Tôi có nhờ anh giúp đâu? Do đó nếu như trong sự giúp đỡ có điều kiện thì người đối diện sẽ dễ dàng nhận ra.

Tình yêu giữa vợ và chồng, giữa bố mẹ và con cái phải là một tình yêu vô điều kiện mới có thể tồn tại được lâu. Không thể tồn tại các mệnh đề kiểu như:

– Tôi sẽ yêu vợ tôi nếu như cô ta chịu nghe lời tôi.

– Tôi sẽ dành nhiều thời gian cho con cái nếu chúng ngoan ngoãn lắng nghe và làm theo những thứ tôi khuyên bảo

Cuộc sống của ta dành 8 tiếng ở cơ quan và hầu hết thời gian là ở nhà. Mức độ quan hệ giữa ta và đồng nghiệp ở công ty, giữa ta và vợ con ta  như thế nào sẽ quyết định rất nhiều tới chất lượng sống. Tuy nhiên, có những người còn lo cho người dưng hơn là cho người thân, không tiếc thời gian bù khú cùng bạn bè, đi từ thiện, tụng kinh gõ mõ; sẵn sàng giúp đỡ bạn hơn giúp đỡ chính người thân trong gia đình mình. Đó là thể hiện của việc thiếu 3 thói quen đầu tiên.

Vấn đề của P là cơ hội để cải thiện PC

Khi con cái không nghe lời ta thì ta có thể kết luận là nó hư cần phải dạy dỗ nghiêm khắc hơn hoặc là đi tìm hiểu nguồn gốc của thái độ đó. Bất cứ thái độ nào của con ta cũng đều xuất phát từ quá trình trước đó vì vậy nếu ta tìm hiểu nguyên nhân gốc sau đó tìm cách xử lý thì có thể làm biến chuyển thái độ. Trẻ con còn bé dễ uốn nắn thái độ hơn rất nhiều so với khi đã trưởng thành.

Khi con người giận dữ về một cái gì đó thì thường không phải nguyên nhân do chính sự việc vừa diễn ra. Sự việc vừa diễn ra có thể chỉ là giọt nước làm tràn ly hoặc là mắt xích liên kết tới những sự kiện khác.  Muốn xử lý hiệu quả ta phải nhìn nhận đây như là cơ hội để cải thiện mối quan hệ bằng cách giải quyết gốc của vấn đề.

Khi một khách hàng tức giận thì chắc chắn phải có nguyên nhân nào đó. Nếu tìm ra nguyên nhân gốc thì ta có thể cải thiện được dịch vụ khách hàng của mình. Hoặc tất nhiên bạn cũng có thể đổ lỗi cho khách hàng đó và đuổi anh ta đi nhưng bạn sẽ chẳng được gì cả, sẽ có nhiều vị khách hàng  tức giận tiếp theo xuất hiện.

Khi mối quan hệ giữa vợ chồng căng thẳng thì bạn có thể bỏ mặc nó khiến cho PC ngày càng đi xuống hoặc bạn có thể nhìn nhận đây là cơ hội để cải thiện mối quan hệ. Đừng nhìn quá trứng mà chán nản hay tức giận, bạn phải hướng vào việc cải thiện PC.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here