Tổng sản phẩm quốc nội GDP và Thâm hụt thương mại

0
7636

Bài viết này giải thích về GDP danh nghĩa, GDP thực tế, Tổng thu nhập của nền kinh tế, Tiết kiệm và chi tiêu của nền kinh tế, tích lũy tài sản của nền kinh tế, tổng đầu tư toàn xã hội và thâm hụt thương mại.

Tổng sản phẩm trong nước GDP là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong khoảng thời gian nhất định.

Để dễ hình dung chúng ta xét một mô hình hộ gia đình như sau;

Theo định nghĩa của GDP, tổng sản phẩm của hộ gia đình trong năm sẽ có cách tính như sau:

  • Tính theo thu nhập: Là tổng thu nhập của hộ gia đình trong năm. Ví dụ như năm 2017 tổng thu nhập đi làm sau thuế của vợ chồng bạn là 200 triệu, cộng với các thể loại thu nhập khác (tiền gửi ngân hàng, tiền cho thuê, tiền bố mẹ cho,..) 100 triệu thì Tổng sản phẩm gia đình bạn tạo được trong năm 2017 là 300 triệu.
  • Tính theo chi tiêu: 300 triệu thu nhập này bạn dành đã sử dụng như sau:
    • Chi tiêu hoặc chuyển nhượng cho người ngoài hộ gia đình. Ví dụ như bạn mua một cái tủ lạnh gọi là chi tiêu, biếu tặng bố mẹ bạn gọi là chuyển nhượng. Nếu bạn cho con bạn tiền, sau đó nó mua bói bim bim thì cũng là chi tiêu vì con bạn cũng là một thành viên trong hộ gia đình. Giả sử tổng chi tiêu năm 2017 là 180 triệu và tổng chuyển nhượng là 50 triệu.
    • Tiền để trong két phòng những ngày trái nắng trở trời 20 triệu (tiền nằm trong hộ gia đình)
    • Tiền gửi ngân hàng là 50 triệu

-> Tổng sản phẩm mà hộ gia đình bạn làm được năm 2017 = 180 + 50 + 20 + 50 = 300 triệu. Trong đó 230 triệu là cho chi tiêu và 70 triệu là cho tích lũy tài sản.

Tương tự với GDP cũng có 2 phương pháp tính chính là theo thu nhập và theo chi tiêu (ngoài ra còn phương pháp sản xuất). Về lý thuyết thì 3 phương pháp tính khác nhau nhưng cho ra kết quả giống nhau nhưng thực tế không thể làm thế được vì tính cho hộ gia đình thì dễ, tính cả đất nước thì rất khó. Tùy thuộc vào mục đích của chính phủ tổng hợp để làm gì mà theo phương pháp tương ứng; tuy nhiên phương pháp chi tiêu vẫn là phổ biến vì dễ thống kê chính xác nhất.

Phương pháp tính GDP theo chi tiêu

GDP = Tiêu dùng cuối cùng + Tích lũy tài sản + Chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ

GDP = C + G + I + NX

Trong đó GDP là tổng sản phẩm quốc nội

C là chi tiêu cuối của hộ gia đình

G là chi tiêu cuối của chính phủ

I là tích lũy tài sản (hay thường gọi là đầu tư)

NX là xuất khấu ròng = Xuất khẩu E – Nhập khẩu I

Tổng sản phẩm quốc nội GDP gồm hai loại GDP danh nghĩa và GDP thực tế. GDP danh nghĩa là GDP tính theo giá của năm hiện hành. GDP thực tế là GDP tính theo giá của năm gốc hoặc năm so sánh.

Theo từng giai đoạn mà tổng cục thống kê sẽ chỉnh lại năm gốc; mục đích của năm gốc nhằm giúp so sánh các năm dựa trên một cột mốc cố định. Hiện năm gốc là 2014. Ngoài ra tổng cục thống kê còn lấy năm 2010 làm mốc (gọi là theo giá so sánh 2010) có lẽ là năm đầu tiên của kế hoạch 10 năm một (2000 – 2010, 2010-2020) để tiện so sánh các năm trong một kỳ kế hoạch. Còn năm 2014 làm mốc là vì nó trước năm bắt đầu của kế hoạch 5 năm ( 2015-2020). Lấy mốc quá xa sẽ phi thực tế vì hàng hóa/dịch vụ ngày càng thay đổi, xuất hiện, mất đi rất nhanh.

Ví dụ cách tính giữa GDP của năm hiện hành và GDP của năm so sánh (ví dụ lấy ở đây năm gốc là 2010)

Khi tính GDP danh nghĩa thì các chỉ số C, G, I, EX, IM đều lấy theo giá hiện hành, có thể dễ dàng lấy được tại Tổng cục thuế, tổng cục hải quan.

Khi tính GDP thực tế theo phương pháp chi tiêu thì tất cả các chỉ số trong đó cũng phải tính theo giá của năm gốc.

Ví dụ năm 2017 GDP danh nghĩa của VN là 220 tỷ USD (5.007,9 nghìn tỷ). GDP thực tế nếu lấy 2010 làm gốc là 143 tỷ usd. Thường chính phủ dùng mức độ tăng trưởng năm sau so với năm trước ( %) để so sánh chứ ít khi nói giá trị tuyệt đối của GDP thực tế. Chúng ta cần phải phân biết hai chỉ số này, GDP danh nghĩa chưa loại ra sự mất giá của đồng tiền nên nó không thực sự phản ánh đúng sản lượng quốc gia.

Tiết kiệm và chi tiêu

GDP = C + G + I+ NX     (1)

Tổng sản phẩm quốc nội GDP = Tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình C + Tiêu dùng cuối cùng của chính phủ G + Đầu tư I (Tích lũy tài sản) + Chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ NX

(1) có thể viết lại thành GDP – (C + G) = I + NX

C + G là tổng chi tiêu của người dân và chính phủ.

GDP vừa là tổng chi tiêu theo phương pháp chi tiêu lại vừa là tổng thu thập theo phương pháp thu nhập mà về lý thuyết thì hai phương pháp tính phải có cùng một kết quả.

GDP – (C+ G) = Tổng thu nhập – Tổng chi tiêu là tiết kiệm của nền kinh tế (2)

Tiết kiệm của nền kinh tế = Tổng thu nhập của nền kinh tế – Tổng chi tiêu của nền kinh tế

Quay lại ví dụ hộ gia đình ở đầu entry này. Năm 2017, Hộ gia đình có tổng thu nhập là 300 triệu, tiêu dùng hết 230 triệu -> Tiết kiệm = 300 triệu – 230 triệu = 70 triệu

Ví dụ tương ứng từ mô hình hộ gia đình ta thấy tiết kiệm càng cao thì càng mang lại thu nhập cao hơn trong tương lai. Nhìn bảng trên ta thấy tỷ trọng giữa C,I,G trên GDP cơ bản là không đổi tuy nhiên vì GDP tăng nên giá trị tuyệt đối của tiết kiệm cũng tăng.

Tích lũy tài sản

Trong công thức GDP = C + G + I + NX thì I là Tích lũy tài sản (hoặc gọi là đầu tư)

Tích lũy tài sản bao gồm 3 nhóm dưới:

Tích lũy tài sản cố định là toàn bộ phần mới tăng thêm trong kỳ của tài sản có giá trị lớn, được sử dụng nhiều lần và có thời gian sử dụng trong sản xuất hơn một năm.

Khi bạn mua một cái ô tô để đi trong gia đình thì đó là tiêu dùng vì nó không “dùng trong sản xuất”; nhưng nếu bạn dùng nó để đi grab tạo ra thu nhập thì là “đầu tư”. Cùng một nội dung chi tiêu nhưng mục đích khác nhau dẫn tới phân vào hai khoản mục khác nhau( Chi tiêu hoặc Đầu tư).

Trong entry trước chúng ta có tìm hiểu về vốn đầu tư toàn xã hội của nền kinh tế. Trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản chiếm tỷ lệ cao nhất hơn 80% trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tích lũy tài sản cố định = Tổng vốn đầu tư cơ bản toàn xã hội – Vốn đầu tư không làm tăng TSCĐ.

Vốn đầu tư không làm tăng tài sản cố định như tiền đền bù hoa màu, tiền xây nán trại cho công nhân ở,..

Tích lũy tài sản lưu động gồm tài sản là nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, sản phẩm dở dang, thành phẩm tồn kho, hàng hóa mua vào để bán ra. Tất nhiên là nó phải xuất hiện trong kỳ tình toán bằng cách lấy tổng cuối kỳ trừ đi tổng đầu kỳ. 1 tấn cát của năm 2017 tới năm 2018 vẫn nằm đó thì nó chỉ được tính vào GDP của 2017, không được tính vào 2018 nữa.

Tích lũy tài sản quý hiếm là tài sản quý hiếm không bị hao mòn và thông thường không mất giá theo thời gian (vàng bạc, đá quý,…)

Các khoản chi cho tích lũy tài sản đều giúp tạo ra tài sản gia tăng trong tương lai vì vậy nó còn gọi là đầu tư.

Tích lũy tài sản và thâm hụt thương mại

Từ (2) ta có: Tiết kiệm của nền kinh tế = Tích lũy tài sản I + Xuất khẩu ròng NX

Xuất khẩu ròng = Tiết kiệm của nền kinh tế – Tích lũy tài sản

Trong ví dụ hộ gia đình, hộ gia đình năm 2017 đã tiết kiệm được 70 triệu đồng. Trong kỳ hộ gia đình xây một nhà vệ sinh ở cuối vườn với giá 100 triệu. 100 triệu cao hơn so với tiết kiệm 70 triệu nên đã có 30 triệu phải vay ở đâu đó hoặc lấy từ tiền tích lũy từ năm trước. Ngược lại nếu hộ gia đình chỉ mất 50 triệu thì khoản tiết kiệm vẫn đủ 70 triệu.

Tương tự với quy mô quốc gia, nếu tiết kiệm lớn hơn tích lũy tài sản thì có thăng dư thương mại và ngược lại. Muốn giảm thâm hụt thương mại thì phải tăng tiết kiệm, tăng tiết kiệm thì có thể lại làm giảm tổng cầu (tổng chi tiêu ít đi) dẫn tới GDP giảm. Muốn giảm thâm hụt thương mại cũng có thể giảm tích lũy tài sản nhưng giảm tích lũy tài sản thì có thể không duy trì được thu nhập trong tương lai.

Cách tốt nhất giải quyết là làm sao chỉ số ICOR ngày càng nhỏ thể hiện bằng mỗi vốn đầu tư của chính phủ bỏ ra vừa mang lại GDP ở hiện tại cao lại vừa giúp gia tăng thu nhập trong tương lai. Ví dụ việc xây nhà hát có giá 1.500 tỷ ở hiện tại giúp GDP ở hiện tại tăng nhưng nếu tương lai chi phí để duy trì còn cao hơn cả tiền bán vé thì nó lại khiến túi của chính phủ vơi thêm đi trong khi đáng nhẽ nó phải mang lại thu nhập. Tương tự đầu tư đường sắt

Tương ứng với hộ gia đình, khi bạn tăng chi tiêu ở hiện tại có thể làm cuộc sống tốt hơn nhưng nếu thu nhập lại thấp hơn chi tiêu thì bạn phải đi vay hoặc tiêu vào tiền tích lũy. Nếu bạn đầu tư bằng cách gửi ngân hàng, xây chuồng chăn nuôi lợn, mở quán trà đá, đầu tư tham gia một khóa học thì cũng là tiêu tiền nhưng sẽ giúp tăng thu nhập trong tương lai.

Nếu như thu nhập chỉ vừa đủ cho chi thường xuyên có nghĩa là bạn không còn tiền để đầu tư vào cái gì nữa; lúc này muốn đầu tư bạn phải đi vay. Đó chính là khó khăn của chính phủ, phải đi vay để đầu tư nhưng đầu tư lại không hiệu quả vì vậy càng ngày càng phải vay nhiều hơn (để trả nợ cũ và tiếp tục đầu tư)

Họp báo chính phủ 6 tháng đầu năm 2018

Trình bày báo cáo đánh giá công tác điều hành, thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm tại Hội nghị trưc tuyến về tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) sáng nay (18/7), Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết đến hết tháng 6, tổng thu NSNN ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49,4% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong tổng chi NSNN 6 tháng đầu năm trên 649.200 tỷ đồng thì hơn 70% là chi thường xuyên, tương đương 455.800 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Chi đầu tư phát triển được đẩy mạnh, tăng 42% cùng kỳ với số chi hơn 130.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngân sách cũng đã phải chi ra 59.300 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ lãi, tương đương mức tăng 6%. Với mức chi lãi này, tính ra mỗi ngày NSNN phải chi khoảng 330 tỷ đồng chỉ để trả tiền lãi vay.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm cũng đã phát hành 89.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi và trả nợ gốc tiền vay theo dự toán

Họp báo chính phủ 9 tháng đầu năm 2018

Đi sâu vào kết quả tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2018, Thủ tướng phân tích và cho rằng có 8 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 sẽ vượt, 4 chỉ tiêu đạt.
Theo Thủ tướng, GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011, trong đó, cả 3 khu vực: nông nghiệp,công nghiệp và xây dựng, dịch vụ đều tăng cao. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (tăng 14,6%). Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD, là kỷ lục đáng mừng.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9%. Tổng cầu tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Trong 9 tháng, cả nước có trên 96 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, CPI tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục tăng 5,7% và đặc biệt là giá xăng dầu tăng. Sức ép lạm phát còn rất lớn, cả do nguyên nhân bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý… “Đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra”, Thủ tướng lưu ý.
Không chỉ có vậy, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, giá thành giảm, ảnh hưởng đến tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tình trạng nông sản nhập khẩu mạo danh sản phẩm trong nước diễn biến phức tạp. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước. Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục xu hướng khả quan. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 36,8%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 9 tháng các năm 2012-2016. Thu hút khách du lịch đạt trên 11,6 triệu lượt, tăng 22,9%.
Về tình hình từ nay đến cuối năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các tổ chức quốc tế dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến dao động trong khoảng 6,6-6,9%.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here