Entry cuối cho chủ đề tiền

0
3718
5/5 - (2 votes)

Đúng như em Thùy đã comment, các vấn đề liên quan tới tiền ta đã học hồi đại học trong hai giáo trình là Kinh tế học vĩ mô và Kinh tế học vi mô. Hai giáo trình này đã bao trùm từ tổng thể tới chi tiết, tiếc là hồi đó chủ yếu ta học để biết chứ cũng không dựa vào đó mà có thể nhận định thực sự ở tầm vĩ mô cho tình hình thế giới hiện nay. Nhất là hiện nay tài chính thế giới đang bước vào thời kỳ hết sức khó khăn và phức tạp.

Chúng ta thấy thế giới ngày nay đâu đâu cũng nợ, từ nước giàu như nước Mỹ với 15.000 tỷ, rồi tới các nước nghèo như Việt Nam, rồi thì ta mới nghe thấy lần đầu một quốc gia lâm vào phá sản như Hy Lạp… Chẳng nhẽ mỗi năm tổng giá trị mà thế giới tạo ra lại đang thấp hơn tổng chi phí của thế giới, phải chẳng thế giới này đang lâm vào cảnh bội chi giống như Việt Nam vậy.

Không cần phải học nhiều chúng ta cũng thấy rằng rõ ràng với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, tổng giá trị của mỗi chúng ta tạo ra một tháng lớn hơn rất nhiều so với cha ông ta ngày xưa. Ngày nay một nhân viên kế toán với sự hỗ trợ của phần mềm kế toán có thể tạo ra giá trị bằng ít nhất 10 nhân viên kế toán hồi xưa với cách làm thủ công. Ngày nay chỉ một cú điện thoại ta có thể trao đổi thông tin với ai đó thay vì phải mất cả ngày đi đường.  Ngay nay một kỹ sư xây dựng có thể vẽ bản vẽ chỉ mất một ngày thay cho 10 người ở tuổi bố mẹ ta dùng giấy can để sao chụp bằng tay, dùng bút vẽ bằng tay.

Đứng ở tầm quốc gia ta cũng sẽ thấy với sự phát triển của công nghệ sinh học thì ngày nay một ha trồng lúa có thể hơn 10 tấn trong khi hồi xưa khi Thái bình đạt một ha 5 tấn mà đã ầm ỹ hết cả lên. Tương tự với các ngành khác, ngành nào cũng có sự hỗ trợ của công nghệ vì vậy ngành nào cũng tạo ra giá trị gấp nhiều lần so với trước đây. Có nghĩa là tổng giá trị mà thế giới sản sinh ra trong 1 năm đã lớn hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây.

Về tổng chi phí, chúng ta phải ăn uống và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tái đầu tư sản xuất.. và cả chiến tranh. Việt Nam là nước nông nghiệp, cho dù có được khoản xuất khẩu rất lớn của dầu thô nhưng vẫn đang bội chi, mục tiêu 2012 chúng ta đặt mức bội chi dưới 200.000 tỷ ~ 4,8% GDP (tổng chi là 900.000 tỷ và tổng thu là 700.000 tỷ). 3 năm bội chi đã bằng tổng thu của cả một năm, thật khó mà tưởng tượng được đến bao giờ chúng ta mới không phải vay để quay sang chỉ tập trung trả nợ.

Với giá trị năng suất lao động ngày càng cao, gấp nhiều lần cha ông ta tại sao chúng ta cũng vẫn rất chật vật để duy trì cuộc sống, thế giới vẫn có người chết đói, công nợ các nước thì ngày càng tăng. Giá trị tạo thêm đã đi đâu? đã chảy vào túi của ai. Phải chăng nếu với cái đà tăng nợ của Mỹ và các quốc gia khác bao gồm cả Việt Nam thì tới một lúc đó thế giới sẽ hỗn loạn thực sự, gần như nhiệm vụ bây giờ là chỉ cần phải xác định khi nào nó xảy ra chứ không cần phải trả lời câu hỏi nó có xảy ra hay không nữa.

Nếu như xét dưới khía cạnh tiền tệ thì ta thấy là khi tiền không còn được đảm bảo bằng vàng bạc nữa thì tiền chỉ còn được đảm bảo bằng niềm tin. Tiền không được đảm bảo bằng vàng (bản vị vàng) không có nghĩa là ta không thể dùng tiền để mua vàng mà là tiền phát hành ra không tương ứng với lượng vàng mà một quốc gia đó có. Khi tiền  chỉ được đảm bảo bằng niềm tin thì nó vô cùng mong manh.

Niềm tin dễ tạo ra mà cũng rất dễ mất đi, nó lại còn phụ thuộc vào tâm lý đám đông nữa. Nhìn thị trường cổ phiếu, chỉ cần ta tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư là cổ phiếu ngày mai sẽ bắt đầu tăng lên thì lập tức số cầu sẽ tăng lên kéo theo giá tăng lên. Nhưng nếu người ta vẫn giữ mãi niềm tin là cổ phiếu chưa tới đáy thì cổ phiếu còn giảm. Tương tự nếu như người Việt Nam tin vào kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ tăng trưởng mạnh thì người ta cũng chẳng mua vàng làm gì.

Nếu như tìm hiểu ta thấy lạm phát tiền là một hình thức bóc lột người dân êm ái mà rất ít người hiểu ra, mà hiểu thì cũng chẳng làm gì được. Nếu như Bộ GTVT mới có chủ trương thu 500.000/xe máy/1 năm mà mọi người đã kêu la, nhưng lạm phát 20%/1 năm có nghĩa là nếu như lương của ta một năm là 60 tr thì một năm ta đã mất cũng tới gần 10 triệu rồi. Thậm chí tài sản chúng ta đang có cũng bị giảm giá trị đi 20% tương ứng với chỉ số lạm phát, ấy thế mà cũng không thấy ai lên tiếng.

Chúng ta thử nhìn lại tài sản chúng ta có gì? Toàn bộ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tiền cho vay đều là tiền tệ pháp định không được đảm bảo bằng vàng. Nếu như người ta mất niềm tin vào tiền thì một ngay nào đó tiền đó chỉ là mớ giấy vụn. Tương tự, đất đai là “Quyền sử dụng đất” không phải là “sở hữu đất”; vàng có thể bị nhà nước không công nhận quyền sở hữu hoặc biết đâu một ngày nào đó người ta tìm ra mỏ vàng trữ lượng 1 tỷ tấn hay là người ta cũng mất cả niềm tin vào vàng thì vàng cũng chỉ như sắt vụn. Như vậy tài sản là hữu hình nhưng cũng rất mong manh.

Nợ của Việt Nam (hay các nước trên thế giới) được tạo ra do Việt Nam chúng ta dùng nợ để tăng trưởng. Trái phiếu  chính phủ sẽ được trả bằng tiền thuế của người dân trong tương lai. Năm 2012 chúng ta dự kiến phát hành 45.000 tỷ trái phiếu chính phủ, trong khi tổng thu của chúng ta dự kiến 2012 là khoảng 700.000 tỷ. Có nghĩa là khi chúng ta chưa tạo ra giá trị để mà đóng thuế trực tiếp thông qua thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân hay gián tiếp qua thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước thì cái số tiền đó đã được chính phủ tiêu rồi, thậm chỉ tiêu trước đây cả chục năm. Nước nào cũng dùng nợ để tăng trưởng bởi lợi ích cá nhân của một số người trong cấp lãnh đạo, hay đơn giản là tư duy nhiệm kỳ để có con số GDP đẹp của hiện tại còn tương lai thì hãy để cho con cháu chúng ta tự lo lấy.

Tăng trưởng nóng một vài năm, thắt chặt tiền tệ để tạo ra làn sóng bán ra tài sản với giá rẻ hơn giá trị thực. Hãy xem tiếp bộ phim của chúng ta sẽ tiếp diễn như thế nào vào năm 2012. Tuy nhiên cũng mong một tương lai tươi sáng, còn sống là còn chiến đấu, biết để mà chớp thời cơ chứ không phải biết để đau khổ và rên rỉ.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here