Luật Kinh tế (P6: Nhà nước pháp quyền)

0
3255
5/5 - (2 votes)

“Xây dựng nhà nước pháp quyền” là cụm từ được nhắc tới rất nhiều trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua. Nhà nước pháp quyền là nhà nước mà mọi đối tượng trong xã hội đều tuân thủ luật pháp, các hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thật đơn giản, pháp luật được xây dựng, người ta hành xử theo pháp luật, nếu trái thì bị xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên điều đó lại rất phức tạp tại Việt Nam bởi những lý do sau:

1. Năng lực xây dựng các văn bản pháp quy

Đáng nhẽ 3 quyền lực Hành Pháp, Tư pháp, Lập pháp phải được độc lập nhau thì thực tế tại nước ta cơ quan hành pháp lại lập pháp. Cụ thể là mỗi kỳ họp, quốc hội thông qua một văn bản luật nào đó thì cơ quan dự thảo chính là bộ quản lý vấn đề đó.

Các bộ như Bộ Tài chính, Bộ giao thông vận tải, Bộ công thương, Bộ TTTT,… là các bộ quản lý các lĩnh vực của đất nước. Các bộ này thực thi các quyền lực của nhà nước tương ứng với lĩnh vực được giao. Để cho tiện lợi các bộ sẽ xây dựng các văn bản luật sao cho mình quản lý được tốt nhất. Điều này có cái hay là cơ quan thực hiện là cơ quan đề xuất thì sẽ đảm bảo được tính khả thi cao nhưng đó là hành động vừa đá bóng vừa thổi còi. Đôi khi còn là đưa ra thêm các quy định không cần thiết để tạo thêm lợi ích cho đơn vị của mình.

Ngoài ra, dưới mỗi bộ là các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước này cũng có khi chính là đơn vị đóng góp vào dự thảo và đương nhiên họ cũng sẽ là người biết đầu tiên. Biết trước một văn bản luật sẽ sắp ra đời sẽ mang lại nhiều lợi ích rất lớn, có khả năng xây dựng luật theo hướng mình mong muốn còn lợi ích hơn rất nhiều. Người ta gọi chung việc này là “Tham nhũng chính sách”.

Trong bài về các loại hình doanh nghiệp ta thấy ở nước ta có doanh nghiệp nhà nước, có doanh nghiệp ngoài nhà nước; chúng ta không thể được gọi là Nền kinh tế thị trường khi mà doanh nghiệp nhà nước ngòai được hỗ trợ về vốn còn được hỗ trợ về mặt chính sách. Với sự cạnh tranh bất bình đẳng như vậy thì các doanh nghiệp ngoài nhà nước cứ èo uột, nhìn ngắn hạn, thu lợi nhanh và rút cho nhanh. Các doanh nghiệp nhà nước thì không có động lực phấn đấu vì được chiều chuộng.

Khi các Bộ xây dựng dự thảo trình lên thì Quốc hội sẽ có một ban dự thảo. Ban này sẽ xây dựng lên văn bản dự thảo và trình ra quốc hội xem xét. Quốc hội vốn là tập hợp những người có nhiều chuyên môn khác nhau thì sẽ giúp cho nhìn nhận vấn đề được rộng hơn. Tuy nhiên, đa số đại biểu quốc hội lại đang làm việc trong các cơ quan hành pháp hay tư pháp. Các đại biểu độc lập về mặt quyền lợi thì không phải ai cũng đủ năng lực; để có thể xây dựng, đóng góp vào văn bản luật đâm ra đóng góp thấy đa phần là về câu chữ, tên gọi,…

Khi luật của quốc hội ra đời thì phải có nghị định của chính phủ hướng dẫn sau đó phải có thông tư của các bộ chủ quản hướng dẫn chi tiết hơn nữa. Vì vậy luật có độ trễ khá dài và đôi khi thông tư hướng dẫn sẽ trái hẳn so với mục tiêu khi ban hành luật.

Chúng ta còn một cụm từ đặc sản Việt Nam rất hay nghe tới nữa là “Ngồi phòng điều hòa ban hành chính sách”. Có nghĩa là các quy định không mang tính thức tế, ngồi một chỗ và dự đoán các hành vi của các đối tượng sau đó ban hành các quy định giống như một chuyên gia lập trình với hy vọng nếu ta ban hành quy định A thì sẽ đạt được mục tiêu B. Tất nhiên nói là ngồi một chỗ ban hành thì hơi quá đáng, thực tế là đều phải có thống kê, phân tích, thử nghiệm,…nhưng không thực tế vẫn cứ không thực tế.

2. Pháp luật không nghiêm

Ở nhà, ta đưa ra quy định cho bọn trẻ con là không xem ti vi quá 30 phút một ngày. Nếu nó xem nhiều hơn mà ta không có ý kiến dứt khoát gì thì dần dần quy định đó có cũng như không.

Mấy ngày gần đây Hà Nội di các ông đồ viết chữ vào khu vực hồ Văn với lý do nếu để ở đường Giám thì ảnh hưởng tới giao thông. Bây giờ thì các ông đồ lại về với đường Giám với lý do là ở hồ Văn không có khách. Ở đây có 2 vấn đề:

Thứ nhất, quy định đưa với lý do là do giao thông rõ ràng là không hợp lý, mang tính khiên cưỡng. Nếu như lý do thực sự có tính thuyết phục hơn thì có thể người ta đã tuân thủ hơn. Thứ hai là cho dù quy định có không hợp lý thì cơ quan hành pháp vẫn phải thực thi cho tới cùng vì như vậy mới đảm bảo tính nghiêm minh.

Từ việc nhỏ chúng ta có thể suy ra các việc lớn nó cũng như vậy. Quy định ban hành ra nhưng chúng ta lại không sử dụng được cơ quan hành pháp để bắt buộc các đối tượng chịu tác động phải tuân theo. Điều này sẽ dẫn tới tổn hại xã hội rất lớn, một con đường xây chậm tiến độ vì công tác giải tỏa sẽ làm chi chi phí xây dựng ngày càng đội lên, chi phí giải tỏa ngày càng cao. Ở giữa hầm chui Kim Liên và đường Kim Liên mới có một quán rửa xe nhô ra khiến cho buổi chiều nào cũng gần như tắc đường gây tổn hại chắc vài tỷ mỗi ngày do tiền xăng xe, thời gian và cảm xúc người lái xe. Thế nhưng chỗ đó đã tồn tại kể từ khi con đường Kim Liên mới hoàn thành tới giờ.

3. Phổ biến pháp luật không tốt

Hệ thống văn bản pháp quy của ta vô cùng phức tạp bởi hệ thống các cấp ban hành, rồi thì các văn bản sửa đổi bổ sung liên tục được đưa ra,…Ngay cả những người làm hành pháp trong lĩnh vực của mình cũng còn mơ hồ không hiểu hết. Người giỏi trong các cơ quan hành chính là người am hiểu các văn bản pháp quy và biết cách vận dụng nó; đó là định nghĩa một “người giỏi” trong một cơ quan hành chính.

Nghiêm túc mà nói, để am hiểu pháp luật đòi hỏi phải có kỹ năng tốt và thời gian nhiều. Chỉ cần đơn giản đụng tới vấn đề gì mà biết văn bản tương ứng hướng dẫn là gì để mà tìm, giở ra tra cứu đã là rất giỏi rồi; còn nhớ được thì gần như là không thể.

 

Nói chung chúng ta gặp cả 3 vấn đề lớn là Xây dựng, Truyền thông và Thực hiện. Để giải quyết cả ba vấn đề này phải bắt đầu từ việc xây dựng sao cho đơn giản mà hiệu quả. Đơn giản sẽ giúp cho việc truyền thông được dễ dàng, hiệu quả sẽ giúp việc thực thi được đúng; để từ đó nhà nước mới đạt được các mục tiêu mong muốn ban đầu.

Ở các nước phát triển, các đại biểu quốc hội hầu hết là chuyên trách, học trường luật; vì vậy họ xây dựng văn bản hiệu quả, ít phải sửa đổi. Mặt khác, hệ thống xã hội của họ cũng không phức tạp như tại Việt Nam làm cho việc tính toán đầu vào đầu ra được chính xác hơn. Vì vậy để giải quyết vấn đề xây dựng luật tại Việt Nam thì chúng ta phải có đại biểu chuyên trách, đại biểu đó phải được đào tạo bài bản và không được công tác trong các đơn vị hành pháp cũng như có khả năng được lợi từ chính sách.

Có người bảo sao không lấy các văn bản luật nước khác đã áp dụng thành công mà áp vào VN? Câu trả lời là không thể vì thể chế của ta là độc nhất vô nhị, con đường ta đang đi chưa từng có ai đi trước, nước ta đang ở giai đoạn phát triển khác với nước đó.

Câu hỏi nữa là sao không chỉ cần ban hành luật là đủ như ở các nước khác mà cần phải có ít nhất 1 cái thông tư của Bộ, rồi cũng có thêm 63 cái quy định của 63 tỉnh thành để làm gì? Câu trả lời là do năng lực xây dựng và do sự phát triển không đồng đều ở các tỉnh cũng như một vài động lực cho việc này nữa.

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here