Có ai muốn đi ra ngoài chiến trường cầm súng và không biết sẽ chết lúc nào? Có ai muốn xa rời người thân để ra đi mà không chắc có ngày gặp lại? Có ai muốn ăn đói mặc rét, có ai muốn mất an toàn? Câu trả lời là về lý thuyết thì chẳng có ai cả, nhưng các cuộc chiến tranh, xung đột thì thời nào cũng có.
Nhu cầu của người dân nói chung đều rất đơn giản, có cơm ăn áo mặc, được vui vầy với gia đình, chiều tối đi làm cốc bia với ông bạn. Việc chiếm một vùng đất của người khác để làm gì khi mà cái giá phải trả rất rõ ràng?.
Chung quy lại thì tất cả các cuộc chiến tranh, xung đột chỉ bắt nguồn từ một vài cá nhân riêng lẻ. Các cá nhân này có tham vọng thỏa mãn hai nhu cầu cấp cao là 1.Được tôn trọng và 2. Được thể hiện mình. 2 nhu cầu này có đặc điểm là có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội. Anh ta có thể là Thomas Edison sáng tạo ra nhiều thứ và được mọi người tôn trọng. Anh ta có thể là Hitle người phát động chiến dịch diệt chủng người do thái và khiến 2 triệu người Nga hy sinh.
Đại bộ phận người dân nói chung đều là người đi theo. “Người đi theo” có đặc điểm là dễ bị thuyết phục và hành xử theo đám đông. Nếu như không có “Người đi theo” thì chiến tranh không thể xảy ra bởi ý muốn chủ quan của một số người cá biệt.
Nhìn lại xung đột Trung-Việt thời gian qua, dám cá là nếu không bị tác động từ bên ngoài thì 100% người dân phản đối việc này. Vấn đề là dân cư hai nước được nghe các lý lẽ thuyết phục hàng ngày về tính chính nghĩa của Chiến tranh. Người dân TQ cũng không muốn chính phủ của họ đi xâm chiếm nước khác chẳng qua là họ hàng ngày nghe các tin tức phát ra từ chính phủ và các chuyên gia độc lập của họ rằng họ đang làm điều đúng.
Nếu ta bứt ra khỏi đám đông thì ta sẽ thấy tình huống này giống như hai người nông dân chăn bò đang lùa hai đàn bò của họ vào một cuộc xung đột một mất một còn. Con bò nào cũng chỉ đơn giản muốn gặm cỏ cho no, cái đám đất nó đang có đã thừa đủ thỏa mãn nhu cầu rồi; nhưng nó vẫn cứ lao đầu vào con bên kia hòng chiếm miếng đất bên đó (cho người khác hưởng).
Các cuộc chiến tranh luôn khiến người dân quên đi các bức xúc nhỏ hàng ngày và đoàn kết hơn với chính phủ của họ. Trung quốc và Việt Nam hiện đều có những bất ổn nội bộ trong lòng và chúng ta thấy giờ dây dư luận đều đang hướng tới dàn khoan ngoài biển. Vấn đề Tân Cương, bệnh sởi, đề án thay SGK đều chẳng còn ai chú ý nữa.
Chúng ta nên làm gì?
1. Làm sao để người dân nước láng giềng hiểu chính phủ họ đang dẫn dắt dân tộc vào cuộc chiến tranh phi nghĩa giống như chúng ta đã làm với Mỹ trước đây.
2. Chúng ta có chính phủ vì vậy phải theo cách thức của chính phủ. Nếu chúng ta manh động thì chỉ làm ngăn cản chiến lược chung của chính phủ thôi. Làm sao bạn có thể đánh được cờ khi quân cờ cứ tự ý đi theo cách của chúng?
3. Mỗi chính phủ đều hành xử theo lợi ích và chi phí vì vậy việc tìm kiếm đồng minh phải trên cơ sở này. Thời buổi này không thể có sự giúp đỡ không vụ lợi. Chúng ta không thể chơi với bạn bè hời hợt, ba phải rồi đến lúc cần lại kêu gọi bạn bè giúp đỡ.
4. Kẻ thắng là kẻ mạnh và khôn ngoan. TQ là kẻ mạnh và hành động của nó không phải bộc phát mà đều nằm trong một chiến lược chung. Chúng ta không thể mạnh bằng TQ vì vậy muốn thắng thì phải khôn ngoan hơn họ. Tất nhiên nếu chiến trang nổ ra thì ta cũng không dễ dàng thua vì cho dù vũ khí hiện đại đến mấy thì thắng thua vẫn phải quyết định trên mặt đất, mặt đối mặt.
5. Kẻ khỏe thường hay bắt nạt người khác nhưng nó chỉ chọn những đứa yếu nhất để bắt nạt. Muốn khỏi bị bắt nạt thì đừng là đứa yếu nhất.
Tại sao TQ lại đưa dàn khoan tới vị trí đó và lại đúng vào lúc này?
Hiện tại có nhiều giả định nhưng có thể tóm tắt mấy giả định chính sau:
1. Để hướng dư luận trong nước ra bên ngoài:
Chiến tranh xảy ra luôn làm người dân các nước đoàn kết với chính phủ của họ. Hiện TQ ẩn chứa rất nhiều bất ổn bên trong vì vậy gây chú ý bên ngoài sẽ nâng cao lòng tự hào dân tộc. Tuy nhiên nếu làm quá thì câu chuyện lại khác.
Nếu như TQ hành xử vì lý do này thì yên tâm là sẽ không có chiến tranh vì nếu chiến tranh xảy ra thì sẽ nảy sinh sự ca thán của người dân; là cơ hội để thổi bùng lên các xung đột sắc tộc trong nước. Lúc đó TQ vừa phải lo bên ngoài vừa phải lo bên trong.
2. Tranh thủ hiện tượng Crưm
Hãy tưởng tượng là nếu như người dân trên đáo Lý Sơn – Đà Nẵng bỏ phiếu theo TQ và TQ lấy cái cớ đó để sát nhập Lý Sơn vào với TQ. Đó là những gì xảy ra với Crưm. Nếu Nga không đủ mạnh thì Nga cũng không thể nuốt được Crưm. Cộng đồng quốc tế cũng không thể làm gì để ngăn cản Nga.
Crưm đã làm cho Nga xích lại gần TQ hơn vì TQ không phản đối Nga do vây TQ sẽ yên tâm hơn ở biên giới với Nga. TQ cũng thấy rằng nếu mình hành động mạnh thì cộng đồng quốc tế cũng chẳng làm gì được; dù sao cộng đồng quốc tế cũng chỉ là nhóm người ô hợp có những mục đích khác nhau.
3. Thử phản ứng của Mỹ
Obama vừa đi công du các nước về và khẳng định là sẽ ủng hộ đồng minh khi có xung đột. Việt Nam là lựa chọn lý tưởng để TQ thử phản ứng của Mỹ. TQ cũng biết là Mỹ sẽ không phản ứng gì mạnh mẽ ngoài những phát ngôn nên việc này sẽ làm hạ uy tín của Mỹ tại Châu Á, khiến cho chiến lược xoay trục châu á của Mỹ phá sản.
Ngoài ra lúc này cộng đồng quốc tế còn đang hướng về Ukraira nên họ sẽ ít chú ý hơn tới châu á. Mỹ lúc này cũng đang phải dành nguồn lực tại đó nên cũng không thể chú tâm vào vấn đề Biển Đông.
4. Vị trí chiến lược của Biền Đông
Nếu Biển Đông là một hoang mạc thì chắc chẳng ma nào tranh chấp. Thực tế thì đây là nơi có trữ lượng dầu lớn, có nguồn lợi thủy sản, là con đường đi từ âu sang á, là trung tâm của Asean.
Chiến tranh có khả năng xảy ra không?
Ngày nay các nước đều phụ thuộc vào nhau bởi thương mại quốc tế. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng khác nhau tùy thuộc vào việc quốc gia đó tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu như thế nào. Việt Nam ta là nền kinh tế nhỏ, các thay đổi của nó không tác động gì tới phần còn lại của thế giới vì vậy chúng ta ở thế nguy hiểm.
Chiến trường của cuộc chiến tranh nếu có xảy ra chắc chắn trên lãnh thổ Việt Nam, chiến tranh lại giúp kích cầu rất tốt vì vậy sản xuất của Trung quốc sẽ có lợi nếu xảy ra cuộc chiến tranh. TQ là một con sư tử, nó hành xử càng quyết đoán thì nước khác càng nể sợ chứ nó không sợ dư luận các nước, nó cũng chẳng cần thằng khác phải tôn trọng nó.
Sự việc xảy ra với Crưm càng giúp TQ tự tin rằng kẻ thắng là kẻ mạnh. Tuy nhiên, Nga có mối quan hệ yếu với phần còn lại của Thế giới vì vậy khi bị trừng phạt chủ yếu Nga bị thiệt hại do vốn chảy ra ngoài quốc gia. Còn TQ là công xưởng của thế giới, TQ sẽ thiệt hại rất lớn nếu bị các nước lớn như Mỹ, các nước EU trừng phạt. Mặt khác trong trường hợp này thì bản thân EU, Mỹ cũng thiệt hại không kém vì quan hệ kinh tế là quan hệ hai bên cùng hưởng lợi.
Trung quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, TQ có tiếng nói nhất định với Mỹ; ngược lại nếu Mỹ có vấn đề gì thì TQ cũng không đòi được nợ.
TQ và VN cùng theo một đường nối XHCN định hướng thị trường. Từ trước tới nay VN với TQ vốn là cùng đứng trong một ý thức hệ, lúc nào cũng anh anh, em em; 16 chữ vàng. Nó giống như hai anh em trong một gia đình, giờ chúng máy xung đột với nhau, chúng tao (là các nước còn lại) cũng chẳng quan tâm làm gì.
Chiến tranh có thể xảy ra nhưng với xác xuất rất thấp. Khả năng thì TQ sẽ tìm lý do gì đó chính đáng để rút trong tư thế ngẩng cao đầu nhưng vẫn để mở khả năng quay trở lại. TQ cũng không rút ngay bây giờ vì nếu rút ngay thì sẽ chứng minh là TQ sợ, nhưng giờ ta cứ ở đó đến lúc mà quốc tế chịu thua ta mới rút vì lúc đó là tự ta quyết chứ không bị thằng nào ép.
Khi chiến tranh xảy ra, điều gì sẽ diễn ra?
Rõ ràng là ngày nay khác một trời một vực so với năm 1945; 1954; 1979, 1989. Chúng ta không thể dự đoán những gì xảy ra thông qua kinh nghiệm của quá khứ được.
1. Về hình thức chiến tranh:
Đành rằng thắng thua phải trên thực địa nhưng số lượng vũ khí mà TQ có rất lớn ngay cả khi nó phải dàn đều ra để chống ở mặt trận Nhật và Ấn Độ. TQ sẽ sử dụng tối đa vũ khi đánh từ xa để giảm thương vong về người vì vậy biên giới Lạng Sơn không phải là ngăn cách.
TQ sẽ phải đánh nhanh thắng nhanh vì nếu đánh chậm thì cộng đồng quốc tế sẽ kịp can thiệp. TQ sẽ phải tìm một cái cớ hợp lý để phát động một cuộc chiến giống như Mỹ đã làm với Irac.
Khi chiến tranh xảy ra luôn có những kẻ cơ hội cộng với vũ khí ngày nay có phạm vi và tầm sát thương lớn nên khó mà giới hạn phạm vi chiến tranh ở một vùng nhất định. Một phản ứng dây chuyền có thể kéo cả thế giới lùi lại nhiều thế kỷ trong khi còn rất nhiều vấn đề trước mắt mà thế giới đang phải đương đầu đặc biệt là tình hình biến đối khí hậu.
2. Phản ứng của người dân
Ngày nay con người được tiếp cận với thông tin nhiều chiều mà không bị giới hạn nữa. Vì vậy hành xử của họ sẽ có lý trí hơn. Những người tránh được cuộc chiến họ sẽ tránh; cụ thể là nhóm những người giàu của cả hai nước sẽ chuyển ra nước ngoài định cư.
Để huy động được dân cư còn lại, chính phủ phải tìm cho được một vị có đủ uy tín với nd đứng đầu. Chúng ta nhớ rằng trong các cuộc chiến trước đây luôn có một vị tướng đủ tâm và đủ tài; người ta kính trọng vị lãnh đạo và theo anh ta. Nếu chỉ với lý do là để bảo vệ từng tấc đất của đất nước thì cũng không hợp lý bằng việc để bảo về cho những người thân của họ.
3. Các nước khác sẽ làm gì?
Các nước khác sẽ chỉ “Cực lực phản đối” còn thì chẳng ai dại gì mang quân đi nướng ở nước khác; người dân các nước đó không cho phép điều đó xảy ra. Vì vậy khi chiến tranh xảy ra thì thực lực của ta như thế nào mới quyết định tới thắng thua.
4. Kết cục của cuộc chiến
Đây là lý do mà TQ vẫn còn e ngại. Đánh chiếm một quốc gia khác nhưng lại không chiếm đóng được; chưa kể là bộ máy NN hiện nay dù sao cũng vừa mắt TQ hơn bất cứ bộ máy nào khác nên chẳng có lý do gì phải xây lên một chính phủ bù nhìn.
Chủ quyền lãnh thổ đã nằm trong luật quốc tế vì vậy cắm mấy dàn khoan ở đó cũng không thể yên ổn mà hút; chủ yếu là đứng đó để uy hiếp ta do vị trí đó rất chiến lược.
Chiến tranh sẽ làm tổn hại kinh tế của của TQ, TQ có thể oai hơn nhưng lại mất uy tín hơn; chẳng ai còn dám chơi với TQ nữa vì VN là bài học nhãn tiền. TQ đang cố gắng trở thành bá chủ thế giới, mà bá chủ thì phải hành xử khác với thằng bốc vác ngoài chợ.