7 điều giúp bạn tồn tại trong thời gian thử việc

8
13229

Những ngày đầu một nhân viên mới tới thử việc ở công ty cũng giống như việc một đôi nam nữ cưới nhau chỉ qua vài lần gặp gỡ. Chàng (là công ty) kỳ vọng rất nhiều vào những gì nàng (là nv thử việc) có thể làm được. Nàng cũng có kỳ vọng chàng sẽ chu cấp tiền và mang lại những phút giây lãng mạn cho cả hai đứa.

Kể lại phút giây đầu tiên hai đứa gặp nhau. Chàng đã bị vẻ ngoài của nàng làm cho tắc thở, rồi dăm câu chuyện qua lại chàng đã quyết sẽ phải cưới nàng về làm vợ. Từ phút giây đó chàng tung hết bài của mình, chàng là một đại gia, về với chàng nàng sẽ được sung sướng vừa có tiền tiêu riêng vừa được chàng cho đi chơi hàng năm. Bù lại, nàng chỉ phải làm một số công việc nhất định nào đó.

Từ khi hai đứa gặp nhau tới khi nàng về ở với chàng chỉ diễn ra trong vài tuần phụ thuộc vào mức độ cấp thiết của chàng và mức độ ràng buộc của nàng với chồng cũ. Đối với những cô gái kiêu sa, cành cao thì thời gian từ lúc gặp lần đầu tới lúc về chung nhà có thể lên tới vài tháng nhưng số lần gặp nhau chỉ trên đầu ngón tay.

Thời gian tìm hiểu nhau quá ngắn dẫn tới việc hai bên không hiểu hết khả năng và mong muốn của nhau.  Điều này dẫn tới việc mong muốn của chàng là phải lau hết cái nhà 4 tầng nhưng thực tế nàng chỉ có thể lau hết tầng 1 đã bở hơi tai. Mong muốn nàng phải rửa bát sạch sẽ thì bát lúc nào cũng bẩn khiến chàng phải rửa lại. Nàng cũng không vui vì những lời hứa trên mây lúc phỏng vấn đã không được thực hiện nghiêm chỉnh với cái cớ là nàng đã không làm được hết những gì chàng muốn.

Cả hai bắt đầu sinh ra bất mãn. Chàng cảm thấy ân hận, đuổi nàng đi thì không đành mà giữ nàng lại thì không thể lấy vợ khác trong khi nhà cửa vẫn bừa bộn, không đạt được mục đích ban đầu. Nàng cũng lâm vào thế khó, ở lại thì không đạt được những gì mình muốn, ra đi thì tìm chồng mới ở đâu.

Kịch bản này rất phổ biến. Công ty mất chi phí để tuyển nhưng lại không dùng được. Ứng viên lãng phí thời gian ở công ty trong khi đáng nhẽ thời gian đó họ đã có thể chọn được công việc tốt hơn. Sai lầm xuất phát từ việc nhà tuyển dụng quá vội vàng và ứng viên thì quá ham muốn có công việc mới đó. Bài viết này là những lời khuyên cho những ai đang và sẽ thử việc:

 

1. Đừng cố đấm ăn xôi

Đã đi ứng tuyển thì ai cũng muốn được trúng tuyển. Để trúng tuyển thường ta sẽ phải nói quá lên nhiều so với khả năng có thể làm được. Ứng viên không biết cái nào cần ba hoa, cái nào cần nói thật so với khả năng. Giả sử ứng viên qua mặt được nhà tuyển dụng thì sẽ gặp khó khăn trong quá trình thử việc khi nhà tuyển dụng đặt kỳ vọng quá cao so với khả năng thực tế.

Vậy đâu là cái có thể ba hoa và đâu là cái không nên?

Rõ ràng rằng vì ứng viên chưa làm ở công ty nên không thể yêu cầu ứng viên biết về công ty, về môi trường kinh doanh, mô hình kinh doanh,….Những cái đó là kiến thức mà kiến thức thì có thể học. Vì vậy, đó không phải là cái quan trọng, ứng viên thay vì cố gắng nặn ra câu trả lời thì nên thẳng thắn là không biết nhưng kèm theo một đường rút ở khả năng học hỏi của mình.

Một số tố chất là bản năng và một số kỹ năng không thể học trong ngắn ngày thì không nên ba hoa. Một người hướng nội không nên ra vẻ mình là người hướng ngoại và ngược lại.  Chưa từng đọc một cuốn sách thì không nên nói là mình đọc sách thường xuyên. Có kỷ luật kém thì không nên tự nhận mình là người có kỷ luật. Tư duy tiêu cực làm chủ đạo thì đừng nhận mình là người có tư duy tích cực. Không có tư duy logic thì đừng nhận mình có tư duy logic.

Đối với những vị trí không quan trọng thì nhà tuyển dụng có thể xuề xòa không tính tới. Với các vị trí quan trọng thì thường họ sẽ loại ngay ứng viên khi trong quá trình thử việc khi ứng viên không thể hiện đúng với những gì đã nói.

Như vậy ngay khi đọc tin ứng tuyển, ứng viên phải nhận biết được đâu là yếu tố key bắt buộc phải có (để xem mình có đang sở hữu không), đâu là yếu tố phụ có thể bổ sung. Nhằm tạo ra kỳ vọng vừa đủ cho nhà tuyển dụng vừa có được cơ hội thử việc.

ton tai trong thoi gian thu viec

2. Tìm hiểu công ty trong tuần đầu thử việc

Thường một công ty sẽ có các hình thức hỗ trợ ứng viên như sau:

  • Thời gian: cho thời gian tối thiểu 1 tuần để ứng viên học hỏi hòa nhập vào công ty. Tuần thứ hai trở đi bắt đầu giao công việc khó dần.
  • Người hỗ trợ: giao cho nhân viên ngang hàng hướng dẫn, quản lý trực tiếp trực tiếp hướng dẫn.
  • Một lộ trình hòa nhập: Nêu rõ ứng viên phải đọc, học cái gì. Thường cái này là cái chung mà bất cứ ai mới vào công ty cũng phải học kiểu như nội quy, cơ cấu tổ chức, lịch sử công ty,..

Điều mà công ty sẽ không cung cấp cho ứng viên đó là một kế hoạch cụ thể cho 1 hay 2 tháng thử việc. Việc được giao phụ thuộc vào vị trí, kỳ vọng, thời gian trong năm,…nên không thể cố định được. Tốt nhất ứng viên nên tự xây cho mình một kế hoạch trong đó mục tiêu hướng tới là sau 1 hay 2 tháng thử việc nhà tuyển dụng đánh giá rằng mình là phù hợp với công ty.

Với mục tiêu sẽ cần phải đọc lại mô tả công việc, tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của vị trí ứng tuyển. Xác định cái gì mình đang sở hữu, cái gì mình chưa có phải bổ sung cấp tốc.

Nếu như ứng viên xây dựng một kế hoạch tốt và chủ động đề xuất với người có liên quan thì họ sẽ đánh giá cao về tính chủ động. Nhưng cũng cần cẩn thận, vội vàng đưa ra kế hoạch không tốt có thể tạo ấn tượng xấu.

Tránh sai lầm là chưa biết gì mà đã “mạnh dạn” đề xuất. Ứng viên phải hiểu rằng có những vấn đề ở công ty chưa được giải quyết không phải là không ai nhìn thấy mà vì rằng họ không muốn hoặc không thể giải quyết lúc này. Mong muốn của công ty là trước hết ứng viên phải làm tốt những việc được giao đã. Ngoài ra việc ứng viên mới tiếp cận trong thời gian quá ngắn chắc chắn sẽ không hiểu hết bức tranh, dẫn tới các đề xuất không đúng.

 

3. Đặc biệt chú ý tới thái độ

Thái độ là yếu tố cực kỳ khó học, khó thay đổi; nhà tuyển dụng đặt rất nặng vào yếu tố thái độ. Họ sẽ làm gì để biết thái độ của ứng viên ra sao?

  • Một người đáng tin: tôn trọng các deadline, đúng giờ các cuộc họp.
  • Một người trung thực: họ đưa ra các mồi nhử nhỏ để khiến ứng viên bộc lộ. Ví dụ giả vờ không kiểm soát nhưng thực ra có kiểm soát, cung cấp một số nguồn lực và xem cách mà anh ta sử dụng nguồn lực dư thừa..
  • Khả năng thích nghi với những người trong công ty: đánh giá thông qua việc hỏi ý kiến cá nhân khác có làm việc với ứng viên.
  • Một người có khả năng vượt khó: Yêu cầu hoàn thành trong một thời gian ngắn mà thường nếu như ứng viên không làm ngoài giờ thì không thể hoàn thành.
  • Nhiệt tình: cách mà ứng viên phản ứng với công việc chung. Giao một việc mà ứng viên biết trước là sẽ không được đo đếm để xem ứng viên làm như thế nào và kết quả ra sao.
  • Một người có kỷ luật: thông thường trong vài ngày đầu ứng viên sẽ rất chỉn chu, giờ giấc nghiêm chỉnh. Nhà tuyển dụng sẽ ra vẻ không quan tâm, thậm chí là cho vài người đi muộn mục đích là xem ứng viên có giữ sự kỷ luật đó lâu không. Thường thì ứng viên không có kỷ luật sẽ đi làm muộn ngay vài ngày đầu khi không thấy ai để ý. Hoặc giao việc nhưng không giám sát để xem ứng viên có tự cho mình vào quy củ hoàn thành công việc mà không cần phải nhắc nhở thường xuyên không.

Nếu những thái độ này sinh ra ứng viên đã có thì mọi việc sẽ rất dễ dàng. Ngược lại nếu như không sở hữu thì rất khó che giấu. Anh có thể che giấu trong một thời gian ngắn nhưng không thể che giấu trong một thời gian dài. Ngoài ra cũng có cách khác đơn giản hơn là quan sát ứng viên trong trạng thái quá chén. Khi rượu vào ứng viên sẽ khó che giấu được con người thật của mình.

(Thế nên nếu như một ai trong công ty có rủ bạn đi rượu chè thì phải hết sức tỉnh táo nhé 🙂 )

 Dựa trên cách mà nhà tuyển dụng đánh giá giờ bạn đã biết phải làm gì rồi chứ?

  • Tôn trọng các deadline, đừng hứa để rồi thất hứa
  • Làm việc với tâm thế rằng không bao giờ giấu được cái gì. Làm như thế có người giám sát.
  • Chịu khó giao tiếp với người xung quanh. Xây dựng sự thiện cảm ở nơi họ thông qua việc khen đúng chỗ, lắng nghe chăm chú,..
  • Tập trung mọi nguồn lực vào công việc, chấp nhận làm ngoài giờ, đi sớm về muộn,..
  • Nói nhanh nhưng đủ nghe, dáng ngồi thẳng nghiêng về phía người nói, thao tác nhanh nhẹn, làm công việc không ai làm.
  • Tuân thủ giờ giấc làm việc. Nên về muộn hơn người khác và tới sớm hơn người khác. Trong quá trình làm việc không quay ngang quay ngửa, thể hiện sự tập trung cao độ.

 

4. Hỏi đúng cái cần hỏi

Trong thời gian mới thử việc ứng viên nên chịu khó giao tiếp với những người xung quanh. Tìm cho mình một vài người nhiệt tình có thể giải đáp các thắc mắc. Ứng viên cũng đừng ngại hỏi quản lý trực tiếp các thắc mắc của mình. Nếu câu hỏi đúng thì họ sẽ không ngại gì mà không trả lời, dù sao thì việc ứng viên thành công trong quá trình thử việc sẽ tốt hơn nhiều so với việc lại mất công nhận một người thử việc mới khác.

Lúc này nên tránh việc hỏi người khác khi mà tài liệu đã có sẵn. Giống như việc chúng ta tới một sân bay chưa từng tới, chúng ta có xu hướng hỏi người xung quanh hơn là việc kiên nhẫn xem cái bản đồ, các quy trình dán ở cửa. Nguyên nhân đơn giản là vì hỏi sẽ được thông tin tinh, còn đọc thì phải đọc thông tin thô, mất thời gian chắt lọc ra cái mình muốn.

Ngược lại, chỉ chăm chăm đọc tài liệu mà không hỏi người xung quanh cũng không tốt. Ứng viên cần cảm nhận được lúc nào nên hỏi và lúc nào nên tự tìm hiểu.

Việc hỏi nhiều sẽ tạo ra cảm giác cho mọi người rằng ứng viên là người chịu khó, chủ động tìm tòi. Một người hỏi nhiều thường sẽ học hỏi tốt hơn so với một người ngại hỏi. Chỉ cần chú ý là đừng có hỏi đi hỏi lại những cái người ta đã trả lời hoặc hỏi những thứ quá cơ bản.

 

5. Tự lực cánh sinh

Vị trí càng cao thì đòi hỏi sự tự lực của ứng viên. Không người hướng dẫn, không có kiểm soát, không hỗ trợ, mù thông tin,….Mọi thứ phải tự thân vận động. Giai đoạn này tránh việc phát sinh sự chán nản hay bất mãn. Đôi khi đó như là thử thách mà nhà tuyển dụng muốn quan sát ứng viên sẽ xử lý tình huống đó như thế nào.

Một nhà quản lý sẽ phải tự chủ trong hầu hết các công việc của mình, tự xác định việc phải làm, tự mình vượt khó, tự xây dựng quan hệ với nhân viên cấp dưới,….Vậy có gì thử thách hơn việc để cho một ứng viên ở cấp độ quản lý tự mình xoay xở trong thời gian thử việc nhằm thể hiện được hết năng lực của mình?

 

6. Làm gì khi chẳng có việc gì để làm?

Một vị trí thấp thường sẽ dễ bị lâm vào tình trạng là không có đủ việc để làm. Điều này có thể từ chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp đang ở thấp điểm đối với vị trí đó, người quản lý trực tiếp quá bận rộn hoặc năng lực của ứng viên quá thấp so với tiêu chí hoàn thành công việc nên nhà quản lý không dám giao.

Kết quả quá trình này là sau 2 tháng thử việc, nhà tuyển dụng chẳng biết gì thêm về ứng viên, ứng viên thì chẳng có dịp để thể hiện năng lực của mình.

Thực ra luôn luôn có việc để làm nhất là những ứng viên mới chân ướt chân ráo vào công ty, cái gì với họ cũng là mới. Một ứng viên cảm thấy không có việc gì để làm chứng tỏ rằng ứng viên đó thiếu tính chủ động.

Lúc này ứng viên nên tăng cường quan sát. Chủ động nhận các việc mà mình thấy rằng có thể làm được. Chủ động xây dựng kế hoạch cho mình hàng ngày. Chủ động hỏi người quản lý.

 

7. Họ đo kỹ năng của ứng viên bằng cách nào?

Logic là thế này. Làm sao để biết được một người có chạy được một cự ly marathon 42km dưới 4 giờ hay không? Quá đơn giản; hãy cho họ chạy marathon. Đừng phức tạp hóa vấn đề bằng cách đo lượng cơ, đo dung tích phổi,….

Làm sao để biết kỹ năng đặt mục tiêu, lập kế hoạch, hoạch định công việc, quản lý thời gian, tư duy logic….của một ứng viên đang ở đâu? Hãy giao việc cụ thể có độ khó tương ứng cho họ để họ làm.

Trong thời gian phỏng vấn nhà tuyển dụng không có nhiều thời gian và điều kiện để đưa ra các bài toàn cụ thể. Giờ đây khi ứng viên sau một thời gian thử việc đã có đủ điều kiện cần thiết thì hãy giao cho họ bài toán cụ thể, cho họ thời gian đủ dài và xem họ sẽ làm như thế nào và kết quả ra sao.

Lúc này là lúc mà ứng viên rất khó để ba hoa về năng lực thực sự của mình. Không còn cớ nào để vin vào nữa. Thế nên tôi mới nhấn mạnh rằng trong quá trình phỏng vấn ứng viên đừng nên nói quá những năng lực đòi hỏi nhiều thời gian mới có được. Việc thất bại trong quá trình thử việc sẽ làm giảm tự tin của ứng viên.

Thông thường giai đoạn này nhà tuyển dụng dễ mắc sai lầm theo kiểu muốn xem họ chạy được cự ly marathon 42km không thì bảo họ thử chạy 5km. Giữa 5km và 42km là hai cự ly khác hẳn nhau đòi hỏi những năng lực khác nhau. Mặt khác nhà tuyển dụng có thể lâm vào tình trạng cố gắng chấp nhận cho xong vì đã mất công tuyển dụng và thử việc. Sai lầm nữa là nhà tuyển dụng có thể giao những việc mà bản thân họ cũng không biết thế nào là tốt thế nào là không tốt.

Tôi nghĩ rằng nhiệt tình hết lòng vì công việc mang yếu tố sống còn đối với sự thành bại của mỗi người đặc biệt là người mới thử việc. Tất nhiên người thử việc nào chẳng muốn thể hiện sự nhiệt tình vì họ rất muốn được nhận vào; nhưng sự nhiệt tình có trong bản chất con người khác với sự nhiệt tình cố gắng thể hiện ra bên ngoài.

Một người nhiệt tình hết lòng vì công việc họ chẳng phải cố gắng tỏ ra nhiệt tình vì vậy nó rất tự nhiên không hề gượng ép. Nó cũng tồn tại lâu dài, bền vững bất chấp sự thay đổi của ngoại cảnh. Còn một người cố gắng tỏ ra nhiệt tình chỉ tồn tại được một thời gian ngắn và phải có người bên cạnh để chứng kiến. Khi không có ai chứng kiến, anh ta sẽ về với bản chất của mình và việc hiệu quả công việc thấp.

Vậy nếu bạn là sinh viên còn vài năm nữa mới phải đâm đơn xin việc thì nên luyện cho mình sự nhiệt tình bằng cách nhiệt tình trong mọi công việc khi đã nhận cho dù đó có là việc gia đình, việc thằng bạn nhờ, việc không ai ghi nhận, việc mình chẳng nhận được lợi ích gì khi làm.

Bạn chắc đã biết lý thuyết cửa sổ vỡ rồi, nếu như mình buông thả những cái nhỏ thì mình sẽ buông thả những cái lớn hơn vì vậy phải cố gắng hết sức cho dù đó có là việc bé thế nào đi chăng nữa.

Comments

comments

8 COMMENTS

  1. Em cám ơn những lời khuyên chân thành của Ad ạ, ngày mai là ngày thử việc đầu tiên của em, em sẽ cố gắng áp dụng thật tốt!

  2. minh thay nhung chia sẻ của anh cực kì hay và ý nghĩa, các bạn trẻ nên tham khảo vì nó là thực trạng phản ánh đúng ở công ty mình. những người mới thực sự thiếu tính chủ động trong khi những người cũ làm không hết việc cũng không hiểu rõ họ có năng lực gì trong khi việc nào cũng cần gấp không dám giao

  3. xin chào chú. cháu thực sự rất thích trang web này của chú. Những kiến thức mà đối với những sinh viên kinh tế như bọn cháu đọc trong sách vở cũng thấy rất khô khan mơ hồ và khó hiểu. nhưng khi đọc những bài viết tcuar chú với những ví dụ minh hoạt liên quan, thực sự rất là dễ hiểu và bổ ích. Và cháu cũng đã giới thiệu cho rất nhiều bạn bè của cháu vào để đọc những bài viết này. Cháu đang tìm hiểu về chủ đề Chứng Khoán. Tại sao chú không làm một chủ đề về Chứng Khoán cho bọn cháu có thể học hỏi thêm, dẽ hiểu hơn vì vốn dĩ học bộ môn chứng khoán này cháu thấy nó cứ mơ hồ làm sao ấy chú ạ?

    • Cảm ơn em;
      Mảng chứng khoán thì anh không kinh doanh chứng khoán nên không có kinh nghiệm và cũng không hiểu sâu. Nếu chỉ làm các bài về lý thuyết thì sẽ không hay lắm. Nhưng anh cũng sẽ thử.
      thanks.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here