Hôm nay đọc được cái bàn ” 7 tình huống dễ dẫn tới nghỉ việc” mà tức anh ách vì cái sự viết chỉ tập trung vào giật tít mà it đầu tư phần nội dung. Mình xin viết lại. Bài viết này phù hợp cho cả những người là lao động cũng như người sử dụng lao động.
1. Nghỉ việc vì thói quen
Những ngày này Hà nội chuẩn bị vào thu. Không khi mát mẻ, lá rụng đầy vỉa hè; chắc chắn trong lòng bạn xuất hiện những cảm xúc khác hẳn với những ngày hè. Đó có thể là cảm xúc buồn nhẹ nhàng nhớ về những kỷ niệm xưa thời còn cắp sách tới trường hay cảm giác trốn học đi chơi. Một năm trước, 5 năm trước… vào đúng dịp thời tiết chuyển mùa như thế này bạn cũng có cảm xúc tương tự.
Tương tự, cái cảm xúc sinh ra rồi dẫn tới quyết định muốn nhảy việc cũng đến khi nó hội tụ đủ một số yếu tố nào đó. Nó có thể xuất hiện ngay khi bạn vừa cãi nhau với sếp, khi công việc bừa bộn, khi thời tiết như thế này 😛
Từ lúc bắt đầu vào công ty tới lúc rời khỏi công ty tất cả chúng ta đều tuân theo một chu kỳ về mọi mặt. Đó có thể là sự mới mẻ, khả năng học hỏi, khối lượng công việc, sự đam mê,…
Chu kỳ thường theo đồ thị lúc đầu thì dốc; tới đỉnh rồi thì giảm dần tới tiệm cận với một giá trị nào đó.
Với mỗi người khác nhau thì đỉnh max sẽ khác nhau, các độ dốc lến xuống cũng khác nhau.
Một người có thể bỏ việc ở các thời điểm sau:
Thời điểm X trước khi tới max: khi mà anh ta cảm thấy áp lực quá lớn. Khối lượng công việc ngày càng vượt xa năng lực anh ta có thể làm hoặc là anh ta không còn háo hức như thủa mới vào công ty nữa nên sự chịu khó giảm dần trong khi khối lượng công việc luôn có xu hướng tăng.
Thời điểm Y sau khi vượt qua max: khi mà anh ta cảm thấy mọi thứ trở nên nhàm chán. Vẫn con người đó, công việc đó, quy trình đó,.. từ ngày này qua ngày khác. Và anh muốn thay đổi.
(Trong mục này tôi chỉ nhấn mạnh tới nguyên nhân chúng ta hành động theo thói quen mà không suy xét cụ thể)
Mỗi người có một thời điểm mà tự nhiên trong đầu nảy sinh quyết định nghỉ việc khác nhau. Và nó mang tính lặp đi lặp lại ở tất cả các công ty cả quá khứ và tương lai. Nếu anh ta nhảy việc ở công ty trước đó ở thời điểm X thì ở công ty này anh cũng sẽ nhẩy ở thời điểm X và trong tương lai cũng vậy. Nghiên cứu lịch sử nhẩy việc của một người ta sẽ tính ra chu kỳ này, đó có thể là vài tháng, một năm, hai năm hoặc lâu hơn. Một người có chiến lược nghề nghiệp tốt thì khác hẳn; chẳng có chu kỳ gì cả.
Lời khuyên: bạn đừng làm theo thói quen trừ khi thói quen đó đang mang lại cho bạn sự tiện nghi và thành công về một mặt nào đó. Ở bất cứ công ty nào bạn cũng sẽ gặp một chu kỳ như nhau và nếu bạn đều bỏ việc tại thời điểm X thì bạn sẽ mãi mãi ở trạng thái dở dang.
Nhẩy việc tại thời điểm Y nghe có vẻ hợp lý nhưng cũng phải hết sức cân nhắc vì đỉnh max là do bạn tự đặt ra một cách chủ quan. Đôi khi bạn nghĩ rằng bạn đã biết hết, đã quen hết nhưng thực tế là bạn chỉ biết một phạm vi rất ít do tầm nhìn bị bó hẹp.
Điểm Y chỉ hợp lý đối với những người thực sự có ham muốn học hỏi, không ngại khó và có tầm nhìn. Khi nhẩy việc anh ta sẽ có thu nhập cao hơn, học hỏi được nhiều hơn trong khi người khác thì thu nhập không cao hơn mà học hỏi cũng không nhiều hơn.
2. Nhìn thấy cơ hội tốt hơn
Người lao động nói chung là thường rơi vào trường hợp chủ động nghỉ việc. Trường hợp bị động nghỉ việc có nghĩa là bị người ta đuổi rất hiếm xảy ra. Trường hợp bị động thường là có dấu hiệu từ trước chẳng qua người lao động không quan tâm hoặc quan tâm nhưng không tìm được chỗ thay thế ngay.
Tốt nhất chúng ta không nên rơi vào thế bị động.
Ở thế chủ động, người lao động nói chung chỉ nghỉ việc khi họ đã tìm được việc mới mà theo họ là tốt hơn. Một người lao động bất kỳ luôn đứng trước sự lôi kéo của công ty anh ta đang làm và công ty khác (thường là trong ngành).
Một công ty vì vậy cũng luôn đứng trước hai nhiệm vụ liên quan tới nhân sự đó là Tuyển và Giữ người. Giống như vợ chồng với nhau, lúc chưa lấy về thì có khi đưa đón, cơm bưng tận miệng, tật xấu cũng thành tốt. Lúc lấy về rồi thì xấu ít thành xấu nhiều, bỏ mặc, chăm người dưng còn hơn chăm vợ. Các công ty có xu hướng nghĩ tới việc tuyển người nhiều hơn là công việc giữ người đang có.
Người lao động so sánh giữa lực kéo của công ty khác (nhiệm vụ tuyển dụng) và lực giữ của công ty mình (nhiệm vụ giữ người) thì sẽ luôn khập khiễng.
Các công ty trong một ngành thường có những vấn đề gặp phải giống nhau do cùng chung một môi trường kinh doanh. Nếu bạn rời bỏ công ty vì một vấn đề nào đó khách quan thì có thể bạn sẽ gặp đúng vấn đề đó ở công ty sẽ tới.
Lời khuyên là bạn phải hết sức tỉnh táo. Khi so sánh giữa công ty đang làm và công ty muốn nhẩy sang bạn thường so sánh giữa một góc nhìn bên trong của công ty đang làm và góc nhìn bên ngoài của công ty muốn nhẩy. Không ở trong chăn làm sao biết có rận.
3. Hoàn cảnh thay đổi
Chúng ta ai cũng phải lớn lên, lấy vợ, sinh con, bệnh tật, già đi. Lúc độc thân khác với lúc có vợ, khác với lúc có 1 con và càng khác với lúc có 2 con.
Một công việc rất phù hợp lúc bạn còn độc thân (ví dụ như hay ở lại muộn, hay đi công tác, mức thu nhập) trở nên không còn phù hợp nữa lúc bạn có gia đình riêng. Lúc độc thân bạn có thể chỉ làm vì đơn giản là có một hội chơi rất vui ở công ty, công ty có những hoạt động vui vẻ đặc biệt phù hợp với người còn độc thân.
Nhiều ca sĩ, diễn viên,…. khi lấy chồng họ cũng phải từ bỏ luôn sự nghiệp đơn giản vì nó không phù hợp với người đã có gia đình, đặc biệt là những ông chồng, bà vợ người Việt có suy nghĩ thường không phóng khoáng được như tây.
Khi một người lao động vừa lập gia đình, vừa sinh con thì đó là thời điểm họ rất dễ nhảy việc. Người làm nhân sự phải dự đoán để quan tâm hơn tới tâm tư nguyện vọng của người lao động vào giai đoạn này nếu muốn giữ người.
Lời khuyên: vì việc lập gia đình hay có con đều có thể dự đoán trước nhiều năm nên tốt nhất hãy thêm biến số này vào trước khi bạn lựa chọn một công việc nào đó.
4. Sự đi xuống của công ty
Kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế việt nam khó khăn, tăng trưởng ngành âm. Túm lại thông tin tiêu cực có ở khắp mọi nơi. Công ty nào cũng đang phải đối mặt với các thách thức đòi hỏi thay đổi để thích nghi hay là chết.
Không có công ty nào là ngoại lệ, công ty lớn gặp vấn đề của công ty lớn và công ty nhỏ gặp vấn đề của công ty nhỏ.
Rất ít sự thay đổi mang lại thành công, có lẽ chỉ dưới 20%. Sự thay đổi đòi hỏi năng lực và nhiều nỗ lực. Giả sử việc thay đổi hoàn thành thì cũng chưa chắc là trạng thái mới sau sự thay đổi đã tốt hơn so với trạng thái cũ. Thay đổi mất nhiều thời gian trong khi thị trường bên ngoài lại thay đổi hàng ngày.
Mục đích của thay đổi nhằm tới gia tăng năng suât lao động, cải tiến quy trình để gia tăng hiệu suất công ty, gia tăng chât lượng dịch vụ khách hàng, cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, đẩy mạnh thị phần,…..Hoặc là cắt giảm chi phí hoặc là thay đổi chiến lược kinh doanh.
Một người lao động đứng trước 2 sự lựa chọn : hoặc anh ta ở lại cố gắng thay đổi cùng công ty trong khi chưa chắc công ty đã thành công, hoặc là có thể rời bỏ sang công ty khác trong khi chưa chắc công ty này cũng không ở tình huống tương tự.
Lời khuyên: Khi động đất, nếu bạn đứng yên một chỗ thì xác suất sống cao hơn nhiều so với việc chạy loạn cả lên. Nếu có chạy thì phải chạy bài bản.
5.Khi môi trường không còn đủ cho bạn vùng vẫy
Một con cá con có thể thấy thoải mái trong một bể cá nhỏ. Nhưng khi con cá lớn lên thì bể cá không còn phù hợp nữa, một cái bể cá to hơn sẽ thoải mái hơn. Con cá sẽ ngừng lớn hoặc sẽ chết nếu nó vẫn cứ ở trong cái bể cá nhỏ đó.
Tốc độ phát triển của một công ty thường không theo kịp tốc độ phát triển của một cá nhân có năng lực. Đến một lúc nào đó người đó sẽ không học được cái gì mới và năng lực sẽ dậm chân tại chỗ.
Một người không ngại thay đổi sẽ sẵn sàng nhảy việc sang một công ty khác giúp họ tiếp tục thăng tiến về năng lực.
Một ao cá đương nhiên là nguy hiểm hơn một bể cá. Bạn phải chắc chắn mình có đủ nguồn lực cần thiết để có thể sống tốt khi vào môi trường rộng lớn nhiều thách thức hơn.
6. Do Quản lý trực tiếp
Người quản lý trực tiếp đóng một vai trò rất quan trọng. Anh ta là người đặt ra mục tiêu, lên các công việc cần làm, giám sát và kiểm tra; là người quyết định tới hiệu suất lao động của cả phòng, một người mà chúng ta phải làm việc hàng ngày.
Một người quản lý tốt sẽ hướng dẫn bạn khi gặp khó khăn, giúp bạn tăng tiến về năng lực. Khi người quản lý thiếu kỹ năng quản lý anh ta sẽ làm công việc lộn tùng phèo và bạn lúc nào cũng nhiều việc trong khi kết quả chung của phòng vẫn thấp.
Mặt khác, trong mỗi con người chúng ta luôn tồn tại hai mong muốn mâu thuẫn nhau:
– Tôi muốn được làm thứ mình thích theo cách mình thích. Tôi thích được tự do về thời gian, tôi ghét sự gò bó. Tôi không thích bị ai sai khiến, chỉ bảo,..
– Tôi muốn được chỉ bảo, được hướng dẫn những gì phải làm vì nếu không tôi sẽ cảm thấy rất hoang mang. Tôi muốn mình thuộc về một cái gì đó, muốn bị quản lý bởi một ai đó.
Lúc bạn muốn được hướng dẫn thì người quản lý không hướng dẫn. Lúc bạn muốn được khen ngợi thì người quản lý không khen ngợi. Lúc bạn muốn được giao việc thì người quản lý không giao việc. Lúc bạn muốn công việc bớt áp lực hơn thì người quản lý lại giao thêm việc. Lúc bạn muốn việc A nên làm theo cách của bạn thì người quản lý lại bắt bạn làm theo cách của anh ta.
Khi người quản lý không đáp ứng được những mong muốn, kỳ vọng của bạn thì sẽ sinh ra bất mãn tới một lúc nào đó bạn sẽ rời bỏ công ty. Nếu như công ty thay quản lý khác, chuyển ta tới phòng ban khác thì có khi bạn đã ở lại.
7. Không thỏa mãn với thu nhập
Đi làm thuê là hình thức bán thời gian cho người khác sử dụng và họ trả lại bạn bằng thu nhập. Sức lao động tạo ra giá trị, theo thời gian năng lực thăng tiến vì vậy giá trị tạo ra cũng lớn hơn. Bên mua có thể không trả thu nhập tương xứng với giá trị bạn tạo ra và bạn muốn tìm người mua khác trả giá cao hơn.
Thông thường mỗi khi nhẩy việc thì thu nhập sẽ cao hơn. Nguyên nhân là khi bạn quyết định sang một công ty nào đó và từ bỏ công ty hiện tại thì bạn đã có số liệu để so sánh rồi.
Đôi khi công ty đối thủ có thể trả lương bạn cao hơn bình thường. Sau khi khai thác hết hiểu biết của bạn ở công ty cũ, họ sẽ giảm lương bạn xuống mức bằng với mức thu nhập ở công ty cũ.
Nhẩy việc để tăng thu nhập không phải là biện pháp tối ưu nhất nhưng đôi khi bạn có thể tìm thấy cơ hội mới, niềm đam mê mới, bạn bè đồng nghiệp mới,…
Tôi nhớ có đọc ở một cuốn sách nào đó về một tình huống liên quan giữa tài năng và thành quả nhận được khá hay. Trình bày thì dài nhưng tóm gọn lại như thế này : Giữa người giỏi thứ nhất và người giỏi thứ hai chênh lệch năng lực thường rất ít nhưng người thứ nhất nhận được thành quả gấp nhiều lần so với người đứng thứ hai.
Ví dụ trong đội Chicago Bull, giữa Michael Jordan và người giỏi đứng ngay sau đó chênh lệch rất ít nhưng Michael Jordan có tất cả còn người kia thì không. Trong chuyến bay đưa con người lên mặt trăng năm 1969 có ba người nhưng người ta chỉ nhớ tới tên người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng là Neil Armstrong, 2 con người còn lại cũng có tên và họ cũng không kém hơn Neil Armstrong về sức khỏe, sự dũng cảm; nhưng không ai nhớ được nổi tên họ.
Steve Jobs cùng Apple không phải là người đầu tiên có ý tưởng và nghiên cứu để tạo ra một thiết bị kiểu Iphone. Trước đó vài năm Nokia đã nghiên cứu rồi nhưng vấn đề là họ đã không nhận định đúng nhu cầu của người dùng và để mặc cho Apple vượt qua. Kết quả là Nokia phá sản và người ta nhắc tới Nokia như một bài học kinh điển cho hậu quả của sự chủ quan, người ta chỉ nhớ tới Steve Job ( mặc dù ông cũng như Apple không phải là người đầu tiên nghĩ ra và cũng không làm chủ hết các công nghệ tạo lên Iphone).
Trong một lớp học khi nhắc tới một môn học bất kỳ nào bạn cũng có ấn tượng về một ai đó mà theo bạn là giỏi nhất và tất nhiên là cả dốt nhất.
Ở bất cứ lĩnh vực nào chúng ta chỉ nhớ tới những thứ nhất cho dù là tiêu cực hay tích cực. Và người thắng cuộc là người có tất cả cho dù là khoản chênh với người thấp hai có nhỏ tới đâu.
Bài học rút ra là ở đời nếu bạn thua người ta chỉ một điểm rất rất nhỏ nhưng giữa bạn và họ là cả khoảng cách về sự thành đạt thì đó là việc hết sức bình thường.
Vậy điểm khác biệt thường là gì?
Người ta chỉ nhớ tới người giỏi nhất về một thứ gì đó. Đó có thể là khả năng ngôn ngữ, khả năng sáng tác nhạc, khả năng vẽ vời, khả năng tính toán, khả năng diễn thuyết, khả năng sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề,….
Người ta cũng hay mua thương hiệu tốt nhất, nó có thể là đẹp nhất, tiện dụng nhất, rẻ nhất….
Tựu chung lại là bất cứ công ty hay cá nhân nào cũng phải nhận thức được cái gì mình làm tốt nhất. Điều này quan trọng vì nếu bạn tập trung sức mình vào thứ bạn không làm tốt nhất thì kết quả không thể là nhất đối với người khác.
Tập trung vào cái làm giỏi nhất chưa chắc đã giúp bạn thành công nhưng ít ra là bạn sẽ rất nhậy cảm với những cơ hội phù hợp với cái tốt nhất đó. Cơ hội đến với chúng ta liên tục nhưng vì chúng ta không quan tâm nên chúng ta không nhận ra mà thôi.
Đọc tiểu sử những người thành đạt bạn sẽ thấy là đa phần họ đều trải qua rất nhiều khó khăn trước khi thành công. Thành công họ có được nhờ gặp được một điểm tới hạn nào đó. Điểm đó hội tụ đủ các yếu tố chủ quan và khách quan giúp cho họ thành công. Khi họ gặt hái được thành quả từ điểm tới hạn đó họ không phải cố gắng nhiều nữa vì khi bánh đà đã quay họ không còn tốn sức như lúc nó còn đứng yên.
Bài học rút ra ở đây là :
1. Bạn phải tập trung vào thứ bạn làm giỏi nhất. Dành mọi nguồn lực bạn có vào nó: thời gian, sức khỏe, tiền bạc..
2. Bạn phải nỗ lực liên tục ít nhất khi đã vượt qua được điểm tới hạn. Nếu bạn lúc đẩy lúc không thì bánh đà sẽ di chuyển rồi dừng rồi lại di chuyển. Chỉ cần bạn nỗ lực thì bánh đà đã bắt đầu khởi động rồi dù bạn không nhận ra. Bạn làm ở công ty A mà chưa đâu vào đâu đã vội nhảy sang công ty B, rồi lại nhẩy sang C thì nó cũng giống như việc lúc đẩy lúc không.
3. Thông thường khi ta biết là ta giỏi nhất trong nhóm làm việc một cái gì đó thì thường ta sẽ rất tự tin. Sự tự tin khiến ta dám nói, dám trình bày quan điểm. Cho dù ý tưởng của ta có không phải là tốt nhất và có những người trong nhóm có thể có ý tưởng tốt hơn thì quan điểm của ta vẫn cứ được quan tâm hơn.
4. Khi ta cảm thấy ta giỏi (mặc dù chưa phải là nhất) một cái gì đó thì ta sẽ rất thích thú khi thực hiện cái đó, ta dành nhiều thời gian cho nó hơn những thứ khác. Giống như khi bạn đá bóng giỏi thì bạn sẽ thích đi đá bóng hơn là khi bạn đá bóng kém. Khi bạn cảm thấy mình giỏi mặc dù chưa phải là nhất thì có nghĩa là bánh đà đã quay rồi đó.
Người giỏi nhất sẽ là người đầu tiên nhận được cơ hội:
Có hai tình huống cơ hội đến:
1. Cơ hội tuân theo quy luật:
Bạn mua được một mảnh đất giá rẻ và may quá bạn bán nó với giá cao hơn rất nhiều chỉ tháng sau đó. Tương tự với vàng, cổ phiếu,…
Ngành nghề bạn học bỗng nhiên có nhu cầu tuyển dụng cao đúng vào thời điểm bạn ra trường.
Quy luật đến hoàn toàn khách quan nhưng quan trọng là bạn phải đủ sức mà nhận cơ hội. Có những cơ hội bạn nhìn ra rõ ràng nhưng bạn không đủ nguồn lực để đón nhận.
2. Người ta trao cơ hội cho bạn.
Người ta trao cơ hội đó cho bạn vì bạn là người xứng đáng nhất trong số những lựa chọn của họ. Hoặc vì bạn nhận ra đó là cơ hội trong khi người khác lại cho rằng đó là thách thức. Người giao cơ hội cũng lựa chọn người mà có khả năng cao nhất biến cơ hội đó thành kết quả tốt nhất. Nếu bạn giỏi nhất trong việc đó thì bạn được chọn.
Điểm khác biệt ở đây so với trường hợp cơ hội tuân theo quy luật là bạn đủ nguồn lực để tiếp nhận, có thể bạn không nhận thức ra là bạn đủ nhưng người khác đã trao cho bạn cơ hội có nghĩa là họ đã đánh giá bạn đủ năng lực rồi.
Tóm lại nhảy việc liên tục thường dẫn tới thất bại. Làm ở đâu không quan trọng bằng khả năng của bạn tới đâu. Nhảy việc thiếu cơ sở là bạn giải quyết vấn đề của mình bằng yếu tố bên ngoài, trụ lại và nỗ lực hoặc nhảy việc có chiến lược mới là giải quyết vấn đề bằng tự thân.
Có lẽ e đang ở thời điểm Y. Ko còn thấy những điều mới mẻ và đam mê công việc, mong muốn thăng tiến trong công việc. Hiện tại đang lên kế hoạch để thay đổi công việc. Từ tập đoàn to sang tập đoàn nhỏ hơn để có vị trí.
Tôi nghỉ việc ở giai đoạn X, thất nghiệp hơn 1 năm nay rồi. Phải làm lại từ đầu. Cám ơn bài viết!
Bài viết rất sâu sắc. Tôi đã mắc phải rất nhiều sai sót trong chiến lược phát triển sự nghiệp nên bây giờ đang làm lại từ đầu. Chậm mà chắc. Cảm ơn!