Phi lý trí (P13: Quyết định theo hoàn cảnh)

1
4674

Trong cuộc sống hàng ngày các quyết định thực hiện một công việc nào đó của chúng ta có thể phân ra làm ba nhóm sau:

Nhóm 1: những việc theo thói quen không đòi hỏi bạn phải suy nghĩ gì cả. Bạn ăn sáng, ăn trưa ở đâu; đi bằng phương tiện gì trên tuyến đường nào; bạn sẽ gặp những ai và nói chuyện với chủ đề gì với họ.

Nhóm 2: những việc có kế hoạch từ trước. Một số việc bạn thực hiện hàng ngày, một số mỗi tháng bạn thực hiện một lần hoặc cả đời bạn thực hiện một lần. Ví dụ như bạn sẽ thực hiện công việc gì trong ngày, bạn sẽ quyết định cưới khi nào, mua nhà, sinh con khi nào.

Nhóm 3: những công việc bạn thực hiện mang tính bột phát; quyết định ngay lập tức và thực hiện ngay lập tức. Ví dụ như hôm nay trời đẹp, gió mát bạn thấy hứng thú với một cuộc đi dạo ngoài trời hơn là ngồi im ở nhà.

 

Nếu như các công việc bạn thực hiện chủ yếu nằm trong nhóm 1 thì có thể là cuộc sống của bạn rất yên ổn vì mọi thứ đều diễn ra theo như cái bạn muốn; bạn hoà hợp với hoàn cảnh sống mà không phải mất sức chống đối nó. Ở thái cực ngược lại thì cũng có thể cuộc sống của bạn khá nhàm chán vì mọi thứ cứ diễn ra đều đều.

Nếu như công việc của bạn chủ yếu thuộc nhóm 2 thì bạn làm việc rất có kế hoạch. Có thể là bạn khá thoải mái khi có một cuộc sống được lập kế hoạch đầy đủ, bạn ít khi phải vội vàng bởi những công việc cấp bách vì mọi thứ đã được dự phòng trước. Thái cực ngược lại thì cũng có thể bạn sống nguyên tắc quá và cũng có thể bạn khó thích nghi với những cái gì đột xuất xảy ra.

Entry này chủ yếu tập chung vào các quyết định ở nhóm 3. Các quyết định chi phối bởi hoàn cảnh chúng ta gặp.

Điểm mấu chốt ở đây là hoàn cảnh tác động và làm thay đổi cảm xúc, cảm xúc sẽ dẫn tới hành động tương ứng. Môi trường bên ngoài chúng ta gần như không thể kiểm soát được, một số chúng ta có thể lựa chọn tíếp xúc hoặc không như giải trí, một số ta không có sự lựa chọn nào ít nhất là trong ngắn hạn như công việc hay gia đình.

Khi hoàn cảnh làm ta vui ta sẽ thực hiện các công việc vẫn hay làm khi vui và ngược lại. Nó giống như việc khi mùa đông tới bạn thích một nồi lẩu ấm cúng; còn nếu đang là mùa hè nóng nực thì chắc chắn bạn không ham hố gì.

Tâm trạng vui vẻ cũng khiến ta có thể ra các quyết định một cách nhanh chóng và ít suy nghĩ hơn. Người bán hàng rất hiểu điều này. Nếu như trong đầu bạn nảy ra một ý định là đi siêu thị vừa với mục đích giải trí vừa để mua một số món hàng, bạn chắc chắn sẽ chọn chỗ nào vui vẻ hơn là chỗ buồn bã, vắng lặng. Các siêu thì nói riêng và các nơi mua hàng nói chung sẽ tạo ra không khí sôi động để thu hút khách hàng cũng như giúp họ có các quyết định mua hàng nhanh chóng.

Một ngày u ám làm bạn cảm giác buồn bã. Bạn sẽ thích đi tới những nơi, gặp những người mà những lúc buồn bạn hay tìm đến. Đó thường là các địa điểm khơi lại những kỷ niệm trong quá khứ, đặc biệt là thời còn bé. Đó cũng thường là các điểm yên tĩnh, vắng lặng, không gian rộng và thoáng. Khi bạn cảm thấy buồn chắc chắn bạn muốn tránh xa những nơi ồn ào, nhộn nhịp, chật chội.

Cảm xúc vui vẻ thường dẫn tới các họat động còn cảm xúc tiêu cực thường dẫn tới việc co cụm, chủ yếu là suy nghĩ.

beach-sea-wallpaper

Hoàn cảnh có thể biến chúng ta thành người khác

Một cái xe đậu trên đường, vẫn cắm ổ khóa, xung quanh ít người qua lại, người chủ thì đang vào siêu thị gần đó và khả năng còn lâu mới ra. Hoàn cảnh này có thể biến một người lương thiện, vốn chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ăn cắp có thể thực hiện hành vi ăn cắp.

Một người bị hỏng xe máy bên đường, rất nhiều km về phía trước mới có nơi sửa xe, đường rất ít người qua lại. Một tên ăn cướp chính hiệu đang lái xe đi trên con đường nhìn thấy hoàn cảnh đó; bình thường hắn có thể thực hiện ngay hành vi ăn cướp hoặc bỏ qua như những người khác. Nhưng hắn thấy sao người đó đáng thương thế, nó gợi lại trong hắn một chút tình thương đồng loại còn lại, và hắn quyết định sẽ giúp anh ta tới nơi sửa xe.

Một cô vợ ngày ngày cần mẫn với công việc và gia đình. Mọi thứ đều rất mỹ mãn từ anh chồng tới những đứa con cũng như còn mèo; chẳng có lý do gì khiến cô phải phản bội gia đình mình. Một ngày trời cũng như hôm nay, cô ý chuyển tới một công ty khác; ở đây gồm toàn các bà các cô có tư tưởng phóng khoáng; quá nửa trong chỗ đó là bà mẹ đơn thân. Cô dần dần thay đổi các quan niệm của mình về cuộc sống; cô cảm thấy hình như mình không hạnh phúc như trước đây mình vẫn tưởng. Sao ông chồng của mình lười thế, kém phong độ thế,…sự bất mãn cứ lớn dần lên rồi cô từ bỏ tất cả để trở thành một bà mẹ đơn thân chính hiệu.

Khi kinh tế đang vào chu kỳ tăng trưởng, nước dâng thì thuyền dâng, ai ai cũng kiếm được tiền dù ít hay nhiều; mọi người đều vui vẻ bỏ qua những bất mãn nhỏ hàng ngày. Rồi khi kinh tế bước vào suy thoái, không gian u ám bao phủ khắp nơi, tâm trạng bắt đầu bứt dứt, những cái hồi xưa bé bây giờ coi là to.

Một Đất nước, một doanh nghiệp, một gia đình được gọi là có hệ thống vận hành tốt khi mà nó khiến cho con người ta tránh xa khỏi các cám dỗ chứ không phải cố gắng để có được những con người tốt trong bộ máy. Đứng trước một quyết định có thể tư lợi cá nhân lớn trong khi chẳng ai biết thì người tốt cũng trở thành người xấu.

Cho dù hiện nay Nhật đứng thứ 3 trên thế giới nhưng ai cũng hiểu rằng việc họ vượt Trung Quốc chỉ đơn giản là vấn đề thời gian vì hệ thống xã hội, chuẩn mức xã hội, con người của họ đảm bảo cho một sự phát triển bền vững. Nước Mỹ cũng khó lòng mất vị trí số một vì nó có một thể chế quá tốt thu hút được những người giỏi gia nhập quốc tịch. Một thể chế mà tạo cơ hội cho tất cả mọi người kể cả anh ta có là da đen đi chăng nữa.

Sự đồng cảm

Chúng ta rất dễ thân thiện đối với những người đồng cảnh ngộ với chúng ta. Số người đồng cảnh ngộ càng ít thì chúng ta càng dễ thân thiết với họ. Và đôi khi sự cả tin này khiến chúng ta có những quyết định mù quáng.

Ví dụ như bạn đang đi du lịch ở một thành phố tại Su Đăng xa xôi. Những người quanh bạn đều nói một thứ ngôn ngữ mà bạn không thể hiểu nổi, họ cũng có lối sống khác hẳn với bạn vẫn quen biết. Bỗng từ xa một người đích thị là Việt Nam xuất hiện, bạn sẽ ngay lập tức có mối gắn bó. Nếu cũng người đó nhưng ở Việt Nam chắc bạn còn không phát hiện ra sự hiện diện của anh ta.

Khi chúng ta đang ở một hoàn cảnh nào đó chúng ta thích được nói chuyện với người có cùng hoàn cảnh và từ đó dễ tin tưởng anh ta. Nhưng thông thường thì những người đồng cảnh ngộ ít giúp đỡ được nhau hơn là những người khác cảnh ngộ. Bạn chỉ cảm thấy an toàn khi bên cạnh họ nhưng chắc chắn là không có giải pháp nào cả để thoát ra khỏi tình trạng đó.

Comments

comments

1 COMMENT

  1. Hihi, bài viết của anh hay quá. Nhìn thời điểm bây giờ, Nhật thuộc Nhóm 2 và đang xa dần cuộc chơi vì không thể thích nghi với nền kinh tế toàn cầu hoá như hiện nay.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here