Trong 3 entry trước chúng ta biết tới vô thức và ý thức nhưng không chỉ có vậy chúng ta còn có cảm xúc. Cảm xúc bao gồm một tập các cảm xúc tiêu cực và tích cực, nhưng tựu chung thì có mấy trạng thái chính đối ngược nhau: lo lắng, sợ hãi – yên tâm, an toàn tĩnh lặng; buồn – vui vẻ; Yêu, thích – ghét, tức giận – bình thản. Một người hạnh phúc là một người luôn giữ được cho mình những cảm xúc tích cực.
Vấn đề là chúng ta đang tham dự vào rất nhiều kịch bản phim khác nhau, chúng ta liên tục bị tác động bởi ngoại cảnh. Ngoại cảnh tác động sinh ra suy nghĩ, suy nghĩ ảnh hưởng tới cảm xúc. Lấy ví dụ ta đang đi bình thản trên đường có một thằng lái xe máy quẹt cắt đầu ta, ta lập tức nảy sinh suy nghĩ tức giận.
Có những cảm xúc lại xuất hiện từ bên trong, đang yên đang lành vô thức khiến chúng ta nghĩ về một vấn đề nào đó kéo theo một chuỗi các suy nghĩ tiêu cực hoạc tích cực phía sau khiến cho ta trở nên lo lắng hay vui buồn. Khi ta nghĩ tới một cuộc cãi vã gần đây nhất thì cảm xúc của chúng ta giống như là chúng ta đang ở trong cuộc cãi vã thực sự, tương tự khi chúng ta nghĩ mình đang ngồi yên lặng trước biển chúng ta sẽ thấy cảm giác bình an hạnh phúc.
Các cuộc cãi vã giữa vợ chồng, đồng nghiệp,…thường bắt đầu từ những lý do hết sức nhỏ, sau đó một hoặc cả hai người bắt đầu theo các chuỗi suy nghĩ của mình và dẫn tới trạng thái tức giận và từ đó việc bé xé ra to, cuộc cãi vã nổ ra. Nếu như mỗi người đều kiểm soát được suy nghĩ của mình, ngay khi vô thức xuất hiện ý nghĩ đầu tiên tiêu cực thì lập tức dừng ngay suy nghĩ đó và chuyển nó sang suy nghĩ tích cực, nếu cần thiết thì có thể kiểu AQ để hóa giải ngay vấn đề nhờ vậy cảm xúc của ta sẽ không bị đẩy lên trạng thái tức giận.
Chúng ta sống hạnh phúc hay không là tùy thuộc vào cách chúng ta quản lý cảm xúc của chúng ta. Một người có một sự nghiệp thất bại, khó khăn chồng chất nhưng vẫn có thể hạnh phúc nhờ giữ cảm xúc của mình tốt; giống như người điên, ai cũng thấy họ rất khổ sở nhưng bản thân họ lại cảm thấy hạnh phúc.
Tuy nhiên thì đa phần chúng ta không thể ngắt mối liên hệ giữa suy nghĩ và cảm xúc. Vì vậy cách chắc chắn nhất là quản lý suy nghĩ của mình, dập tắt mọi suy nghĩ tiêu cực ngay khi nó còn manh nha, nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực; điều chỉnh vô thức nếu thấy cần thiết.
Còn một điểm nữa chúng ta phải chú ý là suy nghĩ ngoài việc sinh ra cảm xúc còn sinh ra hành động và lời nói. Hành động và đặc biệt là lới nói cũng ảnh hưởng ngược lại suy nghĩ, nếu lặp đi lặp lại sẽ ảnh hưởng tới vô thức. Vì vậy quản lý lời nói và phương tiện gián tiêp là chữ viết để không nói những câu tiêu cực cũng là quan trọng. Nếu bạn thường xuyên than phiền thì hãy cẩn thận, nó ảnh hưởng tới suy nghĩ của bạn, nó ảnh hưởng tới cả suy nghĩ của vợ con bạn và những người khác xung quanh.
Trong bất kỳ thời điểm nào chúng ta cũng đang có một cảm xúc nào đó. Cách thức để tạo một cảm xúc tích cực bất cứ thời điểm nào là hãy tạo cho mình một khung cảnh nơi ta có cảm xúc tốt, khung cảnh đó có thể là thật và cũng có thể là tưởng tượng mà ra. Khung cảnh thường là một bãi biển yên lành, hãy dành thời gian tô vẽ cho khung cảnh đó càng chi tiết càng tốt. Sử dụng toàn bộ các giác quan, mắt nhìn thấy gì, tai nghe thấy gì, mũi ngửi thấy gì, cảm giác của làn da…Khi cần thiết chúng ta hãy nghĩ tới khung cảnh đó, lập tức các giác quan của chung ta sẽ có cảm giác y như thật, giống như ta nghĩ tới việc ăn quả sấu là thấy chua ở đầu lưỡi và thấy ê răng vậy.
Ngược lại, trong cuộc đời chúng ta không thẻ tránh trải qua những sự kiện vô cùng khó khăn, thậm chí cả những sự kiện không có thật nhưng là kết quả sáng tạo của bộ não. Những sự kiện này mang lại những cảm xúc xấu và vì vậy chúng ta phải tìm cách loại bỏ nó bằng cách quên nó đi. Theo như sách nói là hãy sử dụng trí tưởng tượng, tạo ra một con thuyền nhét khung cảnh xấu đó vào và phóng lên vũ trụ, lúc đó ta phải tưởng tới việc âm thanh của nó nhỏ dần, hình ảnh của nó mờ dần…Nếu như bạn đang bị ám ảnh bởi một buổi thuyết trình nơi bạn đã rất lúng túng, thất bại thì rất khó bạn có thể thành công khi đứng trước một buổi thuyết trình mới mà suy nghĩ của chúng ta cứ bị ám ảnh bởi sự kiện đó.
Đối với cá nhân tôi thì kinh nghiệm là bất cứ khi nào muốn trạng thái phấn chấn tôi sẽ tìm kiếm một sự kiện nào đó trong tương lai ví dụ như nghĩ tới hình ảnh tối nay có thể xem phim, nằm đọc sách, chơi với con,…Cảm xúc phấn chấn lập tức đến rất nhanh, nhưng ngược lại có những lúc không tránh khỏi khung cảnh tương lai u ám khi nghĩ tới khối lượng công việc phải làm sắp tới, nghĩ tối về còn phải làm nhiều thứ chứ cũng chẳng được làm cái mình thích,….
Một ngày chúng ta cũng thường phải đón nhận rất nhiều thông tin. Một vài kinh nghiệm chính nhằm hạn chế việc dung nạp những tin không có lợi cho chúng ta: 1. Đừng tin ngay những gì chúng ta nghe và thấy. 2. Không đọc những tin tức tiêu cực, 3. Hạn chế tiếp xúc với môi trường nơi có khả năng ta sẽ phải nghe nhiều lời tiêu cực, 4. Nên có kế hoạch trước, mọi thứ phải tính dư ra để đừng lâm vào trạng thái lo lắng do không làm kịp một cái gì đó và cuối cùng 5. Đừng bao giờ nói ra hết cái mình nghĩ và chọn người, môi trường nói phù hợp.
không biết nói gì hơn là bài viết này quá chuẩn khi e nhận ra e cũng trải qua tất cả những tình huống được đề cập đến. Có điều, đôi khi thực hiện được cách khắc phục như bài viết đã nói nhưng đôi khi lại quên mất cách làm ntn. Hôm nay thực hiện được rồi lại nghĩ là ngày mai cũng sẽ tự động như thế mà quên mất không nhắc lại nó mỗi ngày. Bây giờ thì phải nhớ ôn lại nó trong đầu mỗi sáng thức dậy