Vài trải nghiệm chia sẻ ở Bệnh Viện

0
5441

Đời người có mấy ai là chưa từng vào viện. Có thể là đi thăm người quen, chăm sóc người thân hoặc cũng có thể là nhân vật chính. Hầu hết các mảnh đời khi còn trẻ thì phung phí sức lực để kiếm tiền, từ trung niên đổ đi thì tiêu hết số tiền có được thời trẻ để lấy lại sức khỏe. Một cái vòng luẩn quẩn, mấy ai có thể cân bằng được điều này.

Trong một lần có cơ may được nói chuyện với một vị cũng có vai vế trong ngành y thì được biết là một trong những giải pháp để giảm số người nghèo hoặc tái nghèo chính là phòng ngừa bệnh tật. Vì đơn giản là cho dù bạn dư dả tới đâu thì chỉ một người trong nhà bạn mắc bệnh hiểm nghèo cũng đủ kéo bạn xuống tầng lớp nợ đầm đìa rồi. Có những bệnh dai dẳng, không có hồi kết còn khiến cho bạn còn không nhìn thấy tương lai như thế nào nữa.

Vào viện mới thấy người ta chi cho sức khỏe không biết bao nhiêu tiền mà kể. Luôn luôn có một lực lượng nội trú đông đảo với thâm niên từ vài ngày tới vài tháng. Và cho dù bệnh bạn có nặng tới đâu, hoàn cảnh của bạn có bi bét tới đâu thì khi vào viện bạn cũng sẽ gặp người bệnh còn nặng hơn, hoàn cảnh còn bi bét hơn.

Vào viện, chẳng ai muốn vào viện nhưng khi sức khỏe lên tiếng thì chúng ta chẳng còn con đường nào khác. Lúc đó chúng ta chắc chắn sẽ tiếc nuối là hồi còn khỏe chúng ta đã không biết quý trọng từng phút giây khỏe mạnh đó. Con người ta khi cuộc sống nhẹ nhàng yên bình thì thấy thật vô vị muốn sôi nổi, sóng gió một tí. Khi cuộc sống sóng gió thì lại cảm thấy stress, mệt mỏi và muốn yên bình đi.

Bệnh viện là một trong những ngành dịch vụ công ở nước ta cũng thuộc dạng bị dân kêu ca nhất. Nhưng có vào viện mới thấy áp lực công việc của đội ngũ lao động ở đây lớn tới chừng nào. Chúng ta cứ bảo họ là vô cảm nhưng nếu như họ không học cách kiềm chế cảm xúc của mình thì chắc họ cũng chẳng thọ được bao lâu.

2013-10-31 22.00.47
Liệu hàng ngày, hàng giờ bạn phải tiếp xúc với những con người bi quan thì bạn có thể không vô cảm được không?

Chữa bệnh cho con người nó khác với sửa chữa một cái máy tính. Con người thì có phản hồi  và đôi khi họ phản hồi theo những quan điểm sai lệch họ nghĩ ra. Khi kết quả không được ưng ý cho dù bất cứ nguyên nhân nào, người bác sỹ cũng bị lôi ra đầu tiên. Và trong một xã hội người dân đã có sẵn thành kiến với bác sỹ thì việc bị hành hung là dễ xảy ra.

Với kinh nghiệm nhiều tháng ở hai bệnh viện lớn tôi thấy bệnh viện chúng ta có vài vấn đề sau:

1. Về trao đổi thông tin giữa bác sỹ và bệnh nhân:

Rất là kỳ lạ dường như bác sỹ cho rằng có nói cho bệnh nhân thì bệnh nhân cũng không hiểu vì vậy họ im lặng. Thế nên bệnh nhân chẳng biết bệnh tình của mình tiến triển thế nào, bác sỹ định điều trị theo phác đồ nào, kế hoạch thời gian ra sao. Mà đã bị bệnh thì ai chẳng muốn biết tình hình bệnh từng ngày, từng giờ.

Trong viện có 3 đối tượng; Bác sỹ, Y tá, hộ lý điều dưỡng. Bác sĩ có nơi đi lướt một vòng mỗi ngày, cũng có nơi thì bác sỹ tuần chẳng thấy mặt. Y tá và hộ lý thì làm các việc phụ vì vậy họ cũng chẳng thể biết được bệnh của mình như thế nào.

Đối với các bệnh viện ngoại thì chưa trải qua nhưng nghe kể lại thì bác sỹ thường xuyên trao đổi với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về bệnh tình. Thế nên mình nghĩ đầu tiên bệnh viện nhà ta nên cải thiện điểm này, đơn giản không mất nhiều thời gian và công sức.

2. Về quản trị

Bác sỹ tiến hành ca mổ nhưng người trực tiếp chăm sóc sau mổ lại là y tá. Mà chăm sóc sau mổ lại cực kỳ quan trọng, y tá thì vì không chịu trách nhiệm chính cho kết quả của điều trị nên thông thường sẽ làm cho xong. Bác sỹ người chịu trách nhiệm chính, ông nào chịu khó thăm bệnh nhân phát hiện kịp thời các vấn đề thì còn đỡ, ông nào lười không thăm bệnh nhân thì nhiều rủi do. Chưa kể giữa bác sỹ và y tá mà mâu thuẫn với nhau thì có khi mình ở giữa làm vật hy sinh.

Trong bệnh viện bác sỹ giỏi thường kiêm luôn vai trò quản lý, thường là trưởng hoặc phó khoa chuyên khoa đó. Chính vậy bên cạnh chuyên môn họ còn làm cả quản lý; mà chuyên môn giỏi chưa chắc đã làm quản lý giỏi. Vì vậy có khi bác sỹ thấy vấn đề của hệ thống của mình nhưng cũng không xử lý được.

Cách thức một chuyên viên giỏi lên làm quản lý là khá phổ biến trong kinh doanh. Nếu ông chuyên viên đó làm quản lý tốt thì không sao nếu không thì vừa mất một vị trí kỹ thuật giỏi vừa không được việc của quản lý.

2013-11-28 14.15.27

3. Về phong bì

Quan điểm của mình là ngươi ta nên nhận được kết quả xứng với công sức lao động vì vậy không có trách cứ gì chuyện phong bì. Tuy nhiên vấn đề là bên cạnh tiền thì còn là cách đưa nữa. Đưa không khéo có khi còn bị ăn mắng, mà đâu phải ai cũng có kinh nghiệm này. Người nhà bệnh nhân thế là vừa phải lo tới bệnh của mình vừa phải lo tới sự hài lòng của bác sỹ.

Trong bệnh viện tùy thuộc vào chuyên khoa cụ thể mà có tồn tại việc đưa phong bì hay không. Thông thường nếu là bệnh của người già, người chữa thường là đối tượng bảo hiểm hưu trí thì việc phong bì ít khi xảy ra. Nếu bệnh đó giới lao động mắc nhiều thì việc phải phong bì là luật bất thành văn.

Vì là khoản không quy định rõ ràng nên việc đưa bao nhiêu cũng là cả vấn đề lớn. Có thừa quá để gây ra lãng phí hay có ít quá để khiến bác sỹ phật ý. Chưa đưa được cho bác sỹ, y tá là chưa yên tâm; khi đưa được mà ngươi ta nhận đã là niềm hạnh phúc lớn rồi nhưng cũng phải tiếp tục đoán già đoán non xem người ta có hài lòng không.

Thông thường khoản tiền ngầm cũng ngang ngửa với khoản tiền chính thức. Vì vậy nếu tính cả thì viện phí của ta không hề rẻ. Việc tăng viện phí cũng sẽ không thể làm giảm khoản tiền ngầm. Nguyên nhân là trong các khoản chi của bệnh viện thì chi lương chỉ là một phần, họ còn phải chi rất nhiều các khoản khác như duy trì cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị. Thậm chí cũng giống như các đơn vị nhà nước khác thì bên cạnh những người làm việc thì cũng còn một lực lượng con ông cháu cha ít khi đụng vào cái gì.

Vì vậy, tăng viện phí không làm tăng lương của đội ngũ y bác sỹ và vì vậy khoản ngầm vẫn cứ tồn tại. Nếu Bộ y tế bảo là sẽ tăng gấp đôi viện phí và bệnh nhân không phải phong bì thì chắc mọi người đều giơ tay đồng ý cả.

2013-11-28 14.01.17
Đây là cuộc họp người nhà bệnh nhân với lãnh đạo bệnh viện. Lãnh đạo bệnh viện nhấn mạnh “không được làm hư bác sỹ họ đã được trả thù lao đầy đủ rồi”. Nhưng có ai là dám không đưa?

 

4. Về bảo hiểm y tế

Nếu như đúng tuyến thì người đi làm được hưởng 80%; nếu trái tuyến thì được hưởng 30%. Bảo hiểm sẽ chi trả những thuốc có trong danh mục. Những thuốc này đã được bệnh viện mua trước đó bằng phương pháp đấu thầu. Bác sỹ thì có khi còn ăn tiền của cả đơn vị bán thuốc nên thường sẽ kê đơn ngoài danh mục được bảo hiểm.

Tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò của bảo hiểm. Bảo hiểm sẽ gánh được rất nhiều nếu như nội trú dài hạn. Vì vậy tốt nhất vẫn cứ phải có bảo hiểm cho mỗi thành viên trong gia đình.

5. Về chuyên ngành bỏng

Bỏng là một bệnh dai dẳng và tốn kém. Có người bị bỏng từ nhỏ, cứ mỗi năm vào viện phẫu thuật một lần để đắp chỗ này một ít, sửa chỗ kia một tí, thế mà giờ đã lớn vẫn còn đang vào viện.

Theo thứ tự mức độ nặng thì các nguyên nhân của bỏng bao gồm:

– Bỏng do điện giật: đường đi của bỏng là đường đi của dòng điện vì vậy thường là bỏng ở hai đầu tiếp xúc và bỏng ở trong. Bỏng ở ngoài đã khó chữa rồi, đây còn bỏng ơ trong nữa thì càng khó khăn. Vì vậy tốt nhất đừng có lại gần các dây điện trung, cao thế.

– Bỏng do nồi hơi: món này hiếm thường liên quan tới những người chế tạo hay vận hành nồi hơi. Nguyên lý của nồi hơi khiến cho hơi nước trong nồi hơi rất nóng. Nhiệt độ cao cùng hơi nước sẽ khiến cho cơ thể người bị bỏng toàn thân và giống như bị luộc vậy. Kết quả thường 8 phần là chết chắc.

– Bỏng Axít: thường là kết quả của tạt axit do ghen tuông hay trả thù. Nạn nhân dạng này bị bỏng rất sâu tới tận xương và nếu không may bị tạt vào mặt thì còn có thể bị mù, mặt biến dạng. Nếu có chứng kiến những nạn nhân bỏng axit thì mới thấy cái bọn tạt axít nó dã man như thế nào và rất nên bị tử hình thay vì vài năm tù.
2013-09-06 08.39.56-2

– Bỏng xăng: xăng có tính bay hơi rất mạnh, dập lại khó nguyên nhân thường do chứa xăng trong nhà. Người bị bỏng xăng thường là diện rộng và nếu không được dập kịp thời thì có thể bị bỏng rất sâu. Nhân đây cũng nói thêm là bỏng có hai thông số chính là diện tích bỏng tính bằng % và độ sâu bỏng tính bằng độ ( nơi thì tính từ 1 tới 3; nơi thì tính từ 1 tới 5; độ càng cao thì bỏng càng sâu). Nếu bỏng diện rộng > 70% thường nguy cơ khó giữ được mạng sống; còn độ càng sâu thì chữa càng lâu và càng khó thẩm mỹ.

– Bỏng cồn: ngọn lửa cồn có mầu xanh, nếu ở ngoài ánh mặt trời thì càng khó nhìn. Vì vậy thường mẫu số chung là nghĩ hết cồn, lửa đã tắt thế là đổ thêm cồn. Cồn chỉ bốc kém xăng vì vậy sự việc diễn ra rất nhanh. Bỏng cồn chiếm tỷ lệ rất lớn hàng năm và thường cao điểm vào mùa hè do nướng mực. Việc phòng tránh tốt nhất là không nướng cồn bằng mực; và khi nướng thì đừng có túm tùm tụm lại với nhau.

– Bỏng do nước sôi: bỏng nước sôi thường chỉ bỏng tới độ 1 đối với người lớn; nhưng đối với trẻ con do da bé còn non nên có thể tới độ 2. Bỏng ở độ 1 thường chữa trị nhanh và không để lại sẹo. Nhiều người bảo là ông lang A, ông lang B chữa bỏng không để lại sẹo nhưng lại thiếu thông tin độ bỏng. Khi bỏng tới độ 3, gốc da đã mất đi thì da chỗ đó không thể tái tạo lại được vì vậy đắp thuốc thì chắc chắn không xong; có khi còn dẫn tới nhiễm trùng.

http://dantri.com.vn/su-kien/tinh-canh-nguy-nan-cua-be-8-tuoi-bi-bong-nang-457298.htm

Các giai đoạn chữa bỏng:

Giai đoạn 1: sơ cứu (20 phút đầu)

Khi vừa bị bỏng thì nếu là bỏng axit thì dùng xà phòng (có tính bazơ) để trung hòa trước khi dội nước. Còn lại thì dùng nước mát dội lên trong ít nhất 20 phút. Nếu bỏng nước mà mà đang mặc quần áo thì không được cởi ra vì cởi ra sẽ làm mất lớp da do dính vào quần áo. 20 phút đầu này rất quan trọng quyết định rất lớn tới việc chữa trị sau này.

Nếu bỏng độ 1 thì thường vết bỏng sẽ phồng lên mọng nước. Nhiệm vụ là không được làm vỡ mà phải châm kim sau đó lặn ra. Nếu như để nó vỡ hoặc bì trầy mất mất lớp da mầu tối đó thì sẽ dễ bị nhiễm trùng, lâu khỏi do mất lớp ngăn cách với bên trong và cơ thể mất thời gian để tái tạo lại lớp da đó.

Giai đoạn 2: làm lành vết thương (2 tháng)

Vùng da bị mất sẽ khiến cho lớp thịt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài vì vậy phải chống nhiễm khuẩn. Không dùng nước mắm hay bất cứ cái gì không rõ nguồn gốc đắp lên. Vùng da bị bỏng phải được đắp gạc và thay hàng ngày. Người bị bỏng diện rộng thường chết vì nhiễm trùng chứ không phải do mất sức quá.

Nếu như bỏng chỉ tới độ 2 thì việc cần làm đơn giản là đắp thuộc chỗng nhiễm khuẩn và đắp gạc lên; thay băng hàng ngày. Đợi 2 tuần là cơ thể tự làm công việc tái tạo phần da mất đi. Giai đoạn này phải ăn nhiều chất đạm như thịt lợn để cơ thể có năng lượng làm việc này. Nếu ăn kém thì chữa càng lâu. Giai đoạn này thường kết hợp với truyền nước, truyền glucose hàng ngày.

Nếu như bỏng sâu >3 thì thường người ta sẽ lấy một lớp da mỏng ở vùng da khác đê đắp lên che kín vết thường. Vì vậy nếu như diện tích bỏng > 50% thì tất nhiên vùng lành < 50% việc chữa sẽ rất khó khăn. Người ta cũng có thể lấy trung bì lợn, da người khác đắp lên nhưng thường diễn ra đào thải vì vậy thường lấy da tự thân. Trong thực tế có những trường hợp người ta còn cạo đầu để lấy da đầu đắp lên vết thương do bỏng vì đơn giản là chẳng còn chỗ nào trên cơ thể còn da để lấy nữa.
2013-08-27 09.28.25

Giai đoạn  3: Vật lý trị liệu chống co kéo ( ít nhất 1 năm)

Sau khi lành vết thương thì da sẽ bắt đầu bị co kéo. Nguyên nhân của co kéo chính la do Colagen. Bình thường colagen sẽ khiến cho da căng ra làm da chúng ta không bị nhăn. Khi về già do thiếu colagen sẽ hình thành những vết nhăn.

Nếu như bỏng ở các vùng vận động như cổ, tay, chân thì sẽ khiến cho tay không thể duỗi thằng, chân không thể đi, đầu không thể ngẩng lên. Lực co kéo rất lớn và dai dẳng.

Giai đoạn này người bệnh phải chịu khó tập tành, không được nằm yên một chỗ. 1 năm đầu sau bỏng lực kéo rất lớn; sau đó thì sẽ yếu dần đi tới lúc không cần vật lý trị liệu nữa.

be-minh-2-1355468399_500x0
Đây là cậu bé mà tôi đã gặp trực tiếp trong khoa vật lý trị liệu. Bạn sẽ không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy em, một cậu bé đẹp trai và hiền lành . Một nửa bên đầu bị cháy xém mất cả tai, phần còn lại thì còn nguyên. Hoàn cảnh này khiến bạn có thể nhìn cả thời điểm trước khi bị bỏng và sau khi bị bỏng của cậu bé; một cậu bé cực kỳ đẹp trai nếu như che phần bị bỏng đi. Để chống co kéo cậu bé ngoài việc phải đeo mặt nạ chống co kéo còn phải tập vận động cho cả tay và chân. Nhưng do quá đau nên cậu bé gần như không tập được gì. Nếu như bạn có thể trực tiếp nhìn thấy nỗi đau của bố mẹ em thì những khó khăn bạn gặp phải hàng ngày không thể gọi là khó khăn.

Giai đoạn 4: Thẩm mỹ (nhiều năm)

Thẩm mỹ là việc làm cho vùng da lành sau bỏng trở nên đẹp hơn. Có rất nhiều phương pháp, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà phù hợp với một hình thức thẩm mỹ nào đó. Giai đoạn này bạn phải cực kỳ tỉnh táo vì bác sỹ thẩm mỹ nào cũng hứa như thần nhưng thực tế thì  kém xa.

 

Nếu bị bỏng thì kinh nghiệm cho thấy là nên vào viện bỏng quốc gia ở Hà Đông. Nguyên nhân là khoa bỏng của Saint Paul họ theo trường phái trường kỳ còn ở Viện bỏng lại theo trường phái cấp tốc. Có nghĩa là ở Viện bỏng thì thời gian điều trị là một chỉ tiêu thành tích, chữa càng nhanh thì càng tốt. Còn ở Saint Paul thì không có tiêu chí này vì vậy lâu bao nhiêu cũng được. Chính vì vậy nếu vào khoa bỏng Saint Paul thì những ca > 1 tháng khá nhiều, còn ở viện bỏng thì tổng thời gian làm lành vết bỏng khoảng 3 tuần.

Bỏng ở Saint Paul chỉ là một khoa. Ưu điểm là nó nằm trong một bệnh viện đa khoa mà bỏng thì thường cái nảy sảy cái ung vì vậy trong một bệnh viện đa khoa thì gặp bệnh nào cũng có khoa chuyên môn chữa. Nhược điểm là vì là một khoa bỏng nên không thể bằng một viện như Viện bỏng được.

Viện bỏng thì là một Viện. Ưu điểm là toàn lực chống bỏng; nhược điểm chính là điểm mạnh của Saint Paul. Nếu như ở SainPaul thì các bộ phận hỗ trợ hẳn một khoa thì ở dây nó chỉ là một ban nhỏ.

Ở Viện bỏng thì chia các khoa theo giai đoạn bỏng bao gồm Lành vết thương, vật lý trị liệu phục hồi chức năng, tạo hình thẩm mỹ. Khoa nào biết khoa ý; lành vết thương sẽ không quan tâm nhiều tới thẩm mỹ mà chỉ cốt nhanh để còn lấy thành tích. Tuy nhiên lời khuyên vẫn là nên vào viện bỏng, dù sao chuyên nghiệp vẫn hơn.

Không nên chữa bỏng ở thầy lang vì nếu bị bỏng độ 1 hoặc 2 thì đương nhiên sẽ đẹp sau khi liền còn nếu đã tới độ 3 mà đi gặp thầy lang thì kiểu gì cũng vẫn sẹo chưa kể còn có thể bị nhiễm trùng.

Một nguyên nhân của bỏng mà tôi thấy rất phổ biến đó là vị trí bỏng không thân thuộc với bệnh nhân. Vị trí không thân thuộc là vị trí như nhà hàng xóm, ngoài đường, về thăm quê..Do không thân thuộc nên nạn nhân không biết rõ các nguồn gây bỏng để mà đề phòng. Vì vậy đối với con trẻ bạn cần phải quản lý chặt khi đi ra khỏi nhà, trẻ con không nhìn thấy các nguồn có thể gây bỏng để dự phòng thì bạn phải làm điều đó.

Kết luận:

Phương pháp tốt nhất cho mọi loại bệnh tật là phòng ngừa bằng cách loại bỏ các nguyên nhân có thể gây ra bệnh tật. Còn khi đã bị bệnh thì ta như sống với lũ. Có những bệnh người ta còn không biết đến bao giờ chữa xong, mệt mỏi cộng mất niềm tin vao tương lai sẽ khiến cho bệnh lại thêm bệnh. Ngoài ra nên mua bảo hiểm và tích lũy tiền phòng khi bị bệnh vì bị bệnh đã khổ rồi mà còn không có tiền chữa bệnh thì còn khổ hơn nữa. Có những sinh mạng mất đi chỉ vì không có vài chục triệu chữa trị.

Phần dưới đây là phần tôi viết sau 1 năm hoàn thành entry nội dung trên. 1 năm qua có nhiều kinh nghiệm hơn nên tôi muốn bổ sung cho entry này được chất lượng hơn. Nội dung phần này chủ yếu tập trung vào vấn dề thẩm mỹ.

Thẩm mỹ có thể tạm chia ra làm hai nhóm. Nhóm 1 là nhóm sửa những thứ tự nhiên để đẹp hơn ví dụ như nâng ngực, sửa cằm, bơm môi,… và Nhóm 2 là nhóm khắc phục sau tai nạn mà ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Năm vừa qua nổi lên vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường với ca thẩm mỹ lấy mỡ bụng lên đôn ngực, vừa được ngực vừa giảm mỡ bụng. Chỉ cần bạn  có ý định tân trang sắc đẹp thì lập tức bạn sẽ thấy là đây là một thị trường rất sôi động. Khi đời sống người dân nâng cao thì nhu cầu này cũng sẽ lên.

1. Về phương pháp chữa bệnh

Dường như mỗi bệnh viện cho dù đa khoa đều chỉ có một vài thế mạnh cho một số bệnh nào đó. Bản thân mỗi bệnh đều có các giai đoạn chữa thì mỗi bệnh viện lại mạnh về một giai đoạn nhất định.

Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ:

– Khó khăn trong việc chia sẻ các tiến bộ y học.

Thông thường thì các hội thảo bàn về tiến bộ của từng chuyên đề trong y học rất hay được tổ chức nhưng bác sỹ tham dự hội thảo về có thể ứng dụng được thì lại chuyện của mỗi bệnh viện vì nó liên quan tới nhiều ràng buộc trong nội bộ bệnh viện đó.

– Năng lực nhân sự

Đây là nguyên nhân hàng đầu của mọi nguyên nhân. Tùy từng thời kỳ mà nhân tài xuất hiện, nhân tài đó lại chỉ mạnh về một mặt nào đó nên trong thời kỳ ông ý còn ở đó thì bệnh viện đó mạnh về mặt đó. Khi một người có năng lực kém lên thay thế thì cái khoa đó lập tức đi xuống để nhường cho khoa khác ở bệnh viện khác.

Khi một bệnh viện có tiếng tăm về một khoa nào đó thì bệnh nhân sẽ ùn ùn kéo tới. Bác sỹ ở bệnh viện đó sẽ cọ sát thường xuyên từ bệnh nhẹ tới bệnh rất nặng vì vậy họ càng có nhiều kinh nghiệm hơn.

Chính vì lý do này mà bệnh nhân có hiểu biết thường chữa theo tên bác sỹ chứ không phải chữa theo tên bệnh viện.

– Nguồn vốn đầu tư:

Thông thường các nguồn vốn đặc biệt là nguồn tài trợ từ nước ngoài sẽ đầu tư vào đúng bệnh viện chuyên ngành cho bệnh mà họ quan tâm. Có tiền thì sẽ có thiết bị hiện đại, có các khóa đào tạo, có các khoản vào ra.

2. Đừng tin 100% lời bác sỹ nói

Lượn qua các website thẩm mỹ viện hay nghe bác sỹ tư vấn ta sẽ thấy mọi thứ đều màu hồng, dường như chẳng có bất cứ một rủi ro nào cả. Thực tế thì đã đụng tới phẫu thuật là phải đối mặt với rủi ro, rủi ro có thể đến từ:

– Rủi ro khi gây mê: Mới ngày hôm qua có 3 bệnh nhi phẫu thuật hở hàm ếch theo chương trình nhân đạo bị chết. Bác sỹ gây mê chỉ cần non tay một tý thì hoặc là phẫu thuật khi bệnh nhân còn cảm giác hoặc là quá đà. Vụ Cát Tường cũng vì nguyên nhân này khi mà bác sỹ kiêm luôn cả gây mê.  Các bệnh viện đều có hẳn một khoa gây mê, chỉ chuyên gây mê thôi.

– Rủi ro khi phẫu thuật: Khi khám bác sỹ chỉ mới có thể phác họa ra một phác đồ tạm thời; khi vào thực tế mới tùy tình huống cụ thể xử lý. Lúc này có thể có ngoài tình huống vượt quá khả năng của bác sỹ dẫn tới việc phẫu thuật không thành công.

– Rủi ro trong chăm sóc sau phẫu thuật: nhiễm trùng, không tiếp nhận,….

Tóm lại phải rất cân nhắc khi quyết định làm thẩm mỹ. Nếu chỉ thẩm mỹ để đẹp hơn thì tốt nhất thôi vì hậu quả có thể còn tệ hơn hiện trạng ban đầu.

 

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here