Hoàn thiện bản thân (P9: Đọc sách có thực sự quan trọng?)

1
9519
5/5 - (11 votes)

Đọc sách chỉ là một trong nhiều phương pháp để chúng ta tích lũy tri thức. Điểm khác biệt của đọc sách đó là ở:

– Các cuốn sách đều là đứa con tinh thần của tác giả, là những thứ tinh túy mà phải mất nhiều năm thậm chí cả đời người để có được.

– Một cuốn sách có giá rất rẻ so với giá trị thực của nó do đã được chia đều ra ở số lượng xuất bản. Nếu như một cuốn sách chỉ in có một bản thì chắc chẳng bao giờ chúng ta có cơ hội sở hữu.

– Chúng ta có thể chủ động đọc bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào miễn là ta muốn. Ngoài tự học ra thì các hình thức khác đều có tính bó buộc trong những điều kiện nhất định.

Khó khăn nhất trong đọc sách đó là tìm kiếm động lực. Ảnh hưởng của đọc sách không thực sự rõ rệt như ta tập tạ. Cho dù đọc hay không đọc thì có vẻ như cũng không liên quan lắm tới sự tích lũy tri thức của ta do khả năng ghi nhớ của chúng ta có giới hạn. Bạn cứ thử đọc hết cuốn “Thế giới phẳng” và sau một tuần thử nghĩ về nó xem còn có gì đọng lại không?

Bằng kinh nghiệm của mình tôi cho rằng cái cách mà ta tích tụ tri thức thông qua đọc sách như sau:

Thứ nhất: Không phải những thứ ta quên thì ta sẽ quên mãi mãi

Có thể bạn sẽ không còn nhớ gì nhiều khi đọc xong một cuốn sách nhưng vào một tình huống nào đó cần tới tri thức đó chúng ta có thể nhớ ra. Nó có thể xuất hiện nguyên bản hoặc cũng có thể trợ giúp cho một ý tưởng nào đó xuất hiện.

 

Thứ hai: Gia tăng về lượng sẽ làm biến đổi về chất

Đó là nguyên tắc của logic biện chứng. Khi ta gia tăng số lượng về một thứ gì đó thì chất sẽ biến đổi. Đọc rất nhiều về một chủ đề ta sẽ ngày càng hiểu sâu sắc hơn.

Càng đọc nhiều bạn càng thấy có nhiều sự trùng lặp về ý. Có tác giả viết dài dòng vài chục trang chỉ để chứng minh một ý nào đó; cả chương sách chỉ để chứng minh cái tiêu đề của chương đó.

Mức độ khó đọc phụ thuộc rất nhiều vào tri thức bạn có tại thời điểm đó. Bạn phải lựa chọn cho mình cuốn vừa sức mà đọc. Đọc nhiều sẽ gia tăng khả năng đọc hiểu.

 

Thứ ba: Đọc sách là một cách tập luyện cho não

Bình thường thì chúng ta vẫn cứ đi lại hoạt động nhưng đó không gọi là tập thể dục. Chúng ta muốn có sức khỏe thì vẫn phải dành thời gian cho tập thể dục ít nhất 3 buổi/tuần, mỗi buổi 1 giờ.

Bộ não cũng vậy. Các hoạt động thường ngày không làm cho não phải nghĩ ngợi nhiều. Muốn cho não khỏe thì bạn phải tập thể dục cho nó. Đọc sách là một cách tập thể dục của não. Trong toàn bộ quá trình đọc sách bạn phải tập trung, phải suy nghĩ .

Thứ tư: Đọc sách để luyện tâm tính và thư giãn

Bạn không thể vừa đọc sách vừa quát con, quát chồng được. Quá trình đọc sách là một sự tĩnh lặng. Nếu khả năng tập trung cao độ thì có thể một mình một thế giới, không để tâm tới ngoại cảnh. Rất hiếm có những khoảng khắc ta tĩnh lặng như vậy trong cuộc sống ngày nay.

Người đọc sách nhiều thường có trạng thái ổn định, ít bị kích động.

Đối với một số người ham muốn có được tri thức khiến họ tìm được niềm vui trong đọc sách. Vì vậy, đọc sách đối với họ không phải là một sự cực nhọc mà giống như sự thư giãn. Nó cũng tương tự như người ta đi bộ tập thể dục vậy; nếu đầu óc căng thẳng rất khó để có thể duy trì; thường người ta phải tìm một niềm vui nào đó ví dụ như vừa đi vừa nghe nhạc hoặc là tìm một bà bạn vừa đi vừa tâm sự.

558340_4625527840881_196085694_n

Những thế hệ 7x hoặc 8X đời đầu chắc không thể quên được thời kỳ truyện kiếm hiệp thịnh hành. Khu phố nào cũng có cửa hàng thuê sách. Người ta thi nhau thuê và đọc ngấu nghiến, có khi cả ngày đọc hết một bộ sách.

Ngày nay thì có truyện Tiên hiệp cũng rất lôi cuốn như Tru tiên, Bàn Long, Tinh Thần Biến,…

Tại sao đọc truyển chưởng hay Truyện nói chung khiến ta say mê tới vậy mà đọc sách thì khó khăn đến thế?

Tìm hiểu về đặc điểm của truyện chưởng có thể là một cách nào đó khiến ta tìm được niềm say mê tương tự khi đọc sách.

1. Truyện chưởng thường thỏa mãn nhu cầu bậc cao của ta

Chúng ta có nhu cầu được tôn trọng, được làm cái mình thích, được thực hiện các hoài bão to tát. Ngoài đời thực rất khó để thỏa mãn các nhu cầu này.

Các nhân vật trong truyện chưởng có mô típ là đầu tiên bị người ta khinh thường nhưng sau đó gặp được kỳ duyên khiến cho mọi người đều bất ngờ rồi tôn trọng. Vì là kẻ mạnh nên nhân vật chính đi tới đâu là dẹp yên nơi đó, mọi người phải cun cút vâng lời.

Nhân vật xuất hiện ban đầu càng bị người ta khinh thì hiệu quả tới người đọc càng cao. Nhân vật ngay từ thời điểm xuất hiện đã được người ta biết tới là kẻ mạnh (kiểu như Kiều Phong trong Thiên Long Bát Bộ) hiệu quả mang lại không cao.

Sách có các sự kiện, các phân tích. Nhân vật chính không xuất hiện trong sách mà chính chúng ta là nhân vật chính. Các nhân vật trong truyện chưởng cho dù có kỳ ngộ thì cũng phải nỗ lực rất lớn. Cuốn sách trước mặt ta giống như một bí kíp mà nhân vật trong chuyện có được, nghiên cứu nó giúp ta tiến bộ lên và một ngày trong tương lai chính ta lập lên các kỳ tích giống như trong truyện.

Hãy coi sách mà ta muốn đọc như một thứ gì đó rất khan hiếm, không phải ai cũng phát hiện ra cái hay của nó để mà mua nó đọc.

 

2. Kết cấu của truyện chưởng thường đơn giản

Truyện chưởng không bắt người đọc phải nghĩ nhiều. Không có quá nhiều sự lừa lọc; các nút thắt nếu có cũng dễ phân tích, thậm chí thể dự đoán được cách mở nút.

Để giữ người đọc hứng thú các nút thắt nho nhỏ liên tục được tạo ra khiến cho người ta tò mò kiểu như “hồi sau sẽ rõ”. Các phim theo dạng nhiều tập cũng theo cách làm này. Kết thúc của một tập luôn để lại sự tò mò muốn xem tiếp tập tiếp theo.

Nếu so về độ dài giữa  “Ỷ Thiên đồ long ký” và cuốn “Cành oliu và chiếc xe Lexus” thì như giữa một con kiến và một con ngan. Nhưng đọc cả bộ Ỷ Thiên đồ long ký chỉ mất một tuần còn đọc sách Cành Oliu kia chắc vài tháng không xong.

Hầu hết các cuốn sách đều có trình bày dài lê thê, rối rắm và phức tạp. Một cuốn sách được viết lên chỉ từ vài ý chính của tác giả. Thay vì tác giả ngắn gọn trong chục trang các ý đó thì họ bôi nó thành mấy trăm trang. Không bị lộn xộn mới là lạ.

Để đơn giản hóa một cuốn sách ta phải bắt đầu tư mục lục. Sau đó đừng có cố đọc hết từ trang 1 tới trang cuối. Không như truyện, các cuốn sách đa phần đều có thể đọc bắt đầu từ bất cứ đâu. Chỉ đọc những thứ bạn thấy rằng mình không hiểu, bỏ qua hoặc đọc lướt các chương mà bạn đã hiểu ý của nó.

 

Game cũng như truyện chưởng. Những thứ ta không có được ngoài đời ta có thể có được trong Games. Nếu Games cũng chán như sách thì chắc chẳng có ai nghiện.

Để việc đọc sách mang lại hiệu quả nhanh chóng bạn nên xác định chủ đề bạn quan tâm trong một giai đoạn. Trong giai đoạn này bạn sẽ chỉ tập trung đọc các sách về chủ đề đó. Có nhiều chủ đề cho bạn lựa chọn:

– Chủ đề về cảm xúc: trí tuệ cảm xúc, động lực, niềm tin, lập trình ngôn ngữ tư duy,..các sách về phật giáo.

– Chủ đề về kinh tế : chiến tranh tiền tệ, đô la hay lá nho, ..hoặc tốt nhất nên mua sách dạy trong trường đại học về Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Tài chính tiền tệ, …Sách photo ở đối diện cổng đại học kinh tế quốc dân nhan nhản.

– Chủ đề về Quản trị: Chiến lược đại dương xanh, các sách của Philip Kotler, Peter Drucker, Jim Collins.

– Chủ đề về chính trị, Xã hội, kỹ năng …

 

Việc đọc sách không thể vội được. Phải có kế hoạch rất dài hạn cho từng thời kỳ. Bắt đầu sớm thì thành công sớm; bắt đầu muộn thì có gấp rút thì vẫn thành công muộn. Càng về sau đọc sẽ càng nhanh; càng mới bắt đầu thì đọc càng chậm.

 

Chúng ta có thể học từ:

1. Học từ chính kinh nghiệm bản thân

Cho dù thế nào cũng đừng mắc lại lỗi mà ta đã mắc trong quá khứ. Hoặc cũng đừng quên những kinh nghiệm thành công trong quá.

2. Học từ kinh nghiệm của người khác.

Nếu bạn là một người thành công hay thất bại thì nếu phải làm lại bạn sẽ làm hay không làm một điều gì đó. Bạn sẽ chọn con đường thông minh hơn, tiết kiệm thời gian và mang lại hiệu quả cao hơn. Bạn không thể làm lại nhưng bạn sẵn sàng chia sẻ điều đó với những người đang ở điểm khởi đầu.

Chỉ cần bạn muốn và đừng ngại thì bạn có thể học hỏi được kinh nghiệm từ họ.

3. Học từ đọc sách

Cho dù thế nào thì hãy đọc sách. Ghi lại những gì bạn cho rằng quan trọng và cố gắng thực hiện những điều học được từ sách.

 

Comments

comments

1 COMMENT

  1. Đọc sách và học sách là hai hệ tưởng song hành có khi tưởng là một ,có khi lại đối lập với nhau,tùy theo qua trạng thái của người đọc chủ điểm muốn gì ? Đồng thời chủ điểm của cuốn sách có đáp ứng chủ điểm với người đọc hay không ? Chưa kể giá trị đích thực bên trong có thực là kInh nghiệm SỐNG thực sự của tác giả hay không ? Vì theo mình nhận thấy có rất nhiều tác giả đi vay mượn nhiều đề tài của nhiều tác giả để làm ra những cuốn sách rồi tự cho là tác phẩm của mình,chưa kể thực tế trước đây các tác giả trước cũng đả đi vay mượn của người khác nữa,,nhưng khổ nổi cái tinh thần đích thực của tác giả đầu tiên khai phá ra chưa chác các tác giả khác về sau đã nám bát cái hồn của sách.Do đó đọc sách hay học từ sách là sự góp ý hay gợi ý để rút ngán thời gian cho người đọc ,nhưng cái chính vẫn là người đoc phải trải nghiệm thực tế qua kinh nghiệm ,qua sự cảm xúc của trí nảo và tâm hồn thì mới thấy cái hay của sách đemlại cho người đọc. Do đó người đoc sách phải nghiêm túc chon lựa những cuốn sách có giá trị thực sự để tránh mất thời gian ,rồi đâm ra loạn nảo mất phương hướng trong Rừng Tri Thức .Chưa kể thái độ phong cách đọc sách cũng tạo sự tiếp thu nhanh cho người đọc,.Xin góp ý .

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here