Cứ tới cuối ngày thể nào cũng nhận được 2 tin nhắn nhắc nhở những việc cần làm của hai đứa con ở tiểu học. Đúng là thời đại của công nghệ có khác, tiện lợi thật. Về nhà thì các con mỗi đứa đều có một vở gọi là “vở hướng dẫn” hoặc “vở nhắc nhở” ghi lại những việc cần làm vào buổi tối (vì cũng chỉ có buổi tối thôi mà). Hình như nhớ mang máng hồi xưa gọi là Sổ liên lạc nhưng nhớ rằng nó khá mỏng, không thể hôm nào cũng có thông tin.
Hôm nào ít thì có nhắc nhở đọc lại bài cũ, chuẩn bị bài mới. Hôm nào dài thì học thuộc bài thơ A, làm hết tờ bài tập toán, soạn bài cũ,….Những lúc như thế điên hết cả người, rõ ràng học cả ngày từ lúc 7h45 tới tận 16h20 chiều, chẳng nhẽ học như vậy chưa hết hay sao mà đến tối về nhà cũng phải học. Mình đã làm cả ngày, tối lại còn dạy nó học tới lúc đi ngủ, bố ai mà chịu được.
Thỉnh thoảng cũng muốn cho nó sang học trường tư với suy nghĩ rằng ít nhất ở đó sẽ không nặng bài vở như ở trường công, học trong một lớp học nhỏ, tham gia các buổi học thể, mỹ với cơ sở vật chất đầy đủ. Nhưng rồi cân nhắc được mất lại thấy không được, bỏ ra tối thiểu 100tr/năm/một đứa rồi sau đó xác định cho đi du học rồi sau đó có khi làm việc lấy vợ lấy chồng bên bển.
Nhớ hồi còn nhỏ, ngày học nửa buổi, nửa buổi còn lại bị nhốt hoặc tự làm những gì mình thích, buổi tối sau giờ bông hoa nhỏ lúc 7h ngồi vào bàn học tới lúc đi ngủ. Ít nhất lúc đó cũng còn cả một buổi có thể làm những gì mình thích.
Câu hỏi đặt ra: Thực sự có nên cho con học trường quốc tế không?
Có lẽ phải gọi chính xác là trường quốc tế thay vì trường tư vì nó có nghĩa là ngoài cơ sở vật chất thì có thêm môi trường học, chương trình học quốc tế một chút. Các trường tư không gắn với quốc tế thì cũng chỉ hơn trường công ở cơ sở vật chất là cùng vì chương trình học của họ còn nặng hơn trường công.
Nguyên nhân vì trường tư muốn có người học thì phải có tỷ lệ học sinh đỗ đại học cao, phải có thủ khoa đại học, phải đạt giải thi quốc gia quốc tế…Muốn như vậy trong khi đầu vào không bằng các trường chuyên thì họ sẽ phải nhồi nhét nhiều hơn, túm lại học nặng hơn. Những trường này ta không bàn tới vì mục đích của phụ huynh chúng ta không phải là thế.
Việc chọn trường tư hay trường quốc tế phụ thuộc vào việc ta muốn gì và ta có năng lực để theo con đường đó không.
Ta muốn gì ở con ? hay ta muốn sau khi hoàn thành 12 năm học phổ thông, xong đại học nó sẽ trang bị được những gì?
- Nó phải hiểu cuộc sống là đầy áp lực, không có chỗ cho người rong chơi
Học trường công đầy áp lực sách vở, bị thầy quát, bạn bắt nạt. Phải ăn theo kẻng, học theo trống, học trong một cơ sở vật chất thiếu thốn. Đó đúng là môi trường thực tế của cuộc sống.
Về khoản này trường quốc tế không thể bằng. Nếu bạn đã cho con học tiểu học quốc tế thì cũng phải trung học quốc tế và cuối cùng là đại học quốc tế. Nếu thằng bé học tiểu học quốc tế sau đó lại học trường THCS công lập thì nó sẽ bị một cú sốc, mất rất nhiều thời gian để hòa đồng với cuộc sống mới đó. Một đứa đã sướng bảo nó khổ thì khó lắm.
Trường quốc tế họ muốn con bạn gật đầu khi bạn hỏi “Còn muốn học ở đó năm học tới nữa không?”. Hãy tưởng tượng bạn đứng ở phía trường quốc tế đó, bạn sẽ phải làm cho thằng bé hài lòng với việc học ở đó bằng mọi giá. Bạn có thể lấp liếm theo kiểu:
- Nếu con bạn có ích kỷ thì bảo rằng nhà trường dạy con sống độc lập.
- Nếu nó có hơi lập dị thì bảo rằng nhà trường dạy con phát triển cá tính riêng.
- Nếu nó học không tốt thì bạn có thể bóp méo bằng câu chữ, đằng nào thì phụ huynh cũng không thể tự kiểm tra chất lượng bọn trẻ được trừ khi họ chuyển nó sang học một trường khác.
Tóm lại trường quốc tế sẽ khiến cho cả phụ huynh lẫn học sinh đều hài lòng. Họ sẽ nói những cái bạn muốn nghe, làm những thứ mà bạn muốn họ làm. Và tất nhiên hãy trả tiền đầy đủ.
2. Nó phải phát triển toàn diện văn thể mỹ
Về khoản này trường công thua là chắc chắn. Một lớp học 54 em học sinh với thầy cô giáo bị áp lực bởi lương thấp sao có thể bằng một lớp học chỉ tối đa 20 em với thầy cô giáo hài lòng về thu nhập họ nhận được.
Vào giờ thể dục, học sinh trường công có thể phải ra vỉa hè trước cổng trường để học. Nếu sân trường rộng rãi hoặc có nhà thể chất thì khá hơn. Nhưng với lớp học 54 em cùng một thầy giáo thì cũng có thể hiểu chất lượng tới đâu. Sức khỏe là một vấn đề, vấn đề lớn nhất là không khơi dậy được cho bọn trẻ con niềm yêu thích hoạt động thể chất.
Giáo dục công lập gặp phải vấn đề là khi họ muốn cắt giảm một môn học nào đó thì phải sắp xếp lại giáo viên, phải đuổi bớt và tuyển mới ở quy mô toàn quốc. Với số lượng giáo viên trên cả nước hơn 1 triệu người thì điều đó vô cùng khó. Trường tư thì khác, với quy mô gọn nhẹ hoạt động như một doanh nghiệp họ có thể cho nghỉ và tuyển mới nhanh chóng. Điều này dẫn tới hệ quả là học môn nào xuất phát từ tạo công ăn việc làm cho giáo viên đang có mà không phải xuất phát từ môn học đó có thực sự cần thiết không.
Quan niệm của phụ huynh chúng ta là khi còn nhỏ việc chính của trẻ con là chơi, không phải học. Đó là quãng đời đẹp nhất của một đời người vì vậy đừng khiến nó thành ác mộng, thành kỷ niệm đáng quên. Mặt khác trẻ con học nhiều nhất qua chơi chứ không phải ngồi ngay ngắn ở bàn.
Đây là động lực lớn nhất khiến những người đang trường công muốn chuyển con sang trường tư.
3. Tài chính
Chính phủ chi khoảng 8% GDP cho giáo dục (chiếm 21% trong tổng chi NS), người dân chi 40% thu nhập của họ cho giáo dục. Hai con số đó đều cao hơn nhiều so với các nước khác, kể cả đó có là nước phát triển hay đang phát triển
Chúng ta chi nhiều như thế nhưng hiệu quả thấp bởi vì chúng ta chi lãng phí. Chúng ta hay nghĩ rằng chỉ nhà nước mới chi tiêu lãng phí vì họ tiêu tiền công còn cá nhân chi tiêu hợp lý vì đó là tiền của họ. Thực tế người dân cũng chi tiêu lãng phí không kém gì chính phủ.
Người tiêu dùng sắm một cái Iphone 8 giá 20 triệu trong khi có thể mua cái điện thoại 6tr với đầy đủ tính năng tương tự. Trong khi đó họ lại trách chính phủ xây cái tượng đài quá to, xây cái trụ sở quá hoành tráng…
Họ mua rất nhiều thứ không bao giờ dùng tới như quần áo, giầy dép, ….Họ thay thế những thứ vẫn còn dùng tốt như đồ gia dụng, đồ công nghệ,….Và họ trách chính phủ làm lại con đường, lát lại cái vỉa hè, …
Trong chi tiêu Giáo dục cũng vậy, mỗi tháng tôi chỉ phải trả khoảng 2tr cho 2 đứa học ở trường bao gồm cả tiền ăn bán trú, chiếm phần nhỏ trong thu nhập. Nếu mọi người đều chỉ chi như thế thì chẳng sao, vấn đề là còn phải cho nó đi học tiếng anh, học thêm toán văn, học vẽ học đàn,…
Quan điểm của người dân là học không bao giờ lãng phí và đầu tư cho giáo dục là khoản đầu tư thông minh nhất. Đó là động lực lớn để một người có thu nhập mức trung bình nhịn ăn nhịn mặc dành hơn 50% thu nhập của họ để cho con đi học trường quốc tế. Và thực tế họ đã hiểu quá đơn giản về đầu tư; sao gọi là đầu tư hiệu quả khi bỏ ra số tiền rất lớn cho con học rồi ra trường nó được hưởng mức lương chỉ hơn những đứa không được đầu tư một chút.
4. Sự ích kỷ cá nhân
Tại sao bạn cho con mình đi học thêm các ngày nghỉ, các buổi tối? Lý do sâu xa là để bạn yên tâm rằng con bạn đang làm những việc đúng đắn và bạn không phải mất công chăm sóc nó. Đưa đón con vất vả một chút nhưng bạn có thể làm những gì mình thích trong khoảng thời gian chờ con. Bạn sẽ có thể yên tâm cắm mặt vào cái điện thoại mà không phải lo chơi với nó khi nó không có bài vở gì để làm.
Bạn cũng sẽ không phải dạy nó học ở nhà vì yên tâm rằng nó đã học đầy đủ chỗ học thêm hoặc cô gia sư đã dạy nó. Thà cho nó đi học thêm còn hơn là bạn phải kèm cặp nó học sau bữa ăn tối tới khi đi ngủ sau một ngày làm việc vất vả.
Muốn bỏ ra ít thời gian nhưng muốn con phải có số có má ở lớp, muốn nó phải đỗ đại học,..Cách tốt nhất là dùng tiền mua thời gian đó bằng cách cho nó đi học thêm. Ban ngày bán thời gian để có tiền, buổi tối, ngày nghỉ thì chi tiền để có thời gian.
Cho con học trường quốc tế là cách đơn giản dùng tiền để mua thời gian và sự yên tâm. Trường quốc tế không gặp các vấn đề thường gặp ở trường công khiến bạn lo nghĩ như áp lực bài vở, bạo hành, an toàn thực phẩm,…Bạn sẽ không phải lo cho con học toán văn chỉ để đảm bảo rằng nó không bị xếp bét lớp.
Tóm lại, nên học trường nào, Công hay Tư ?
Tôi nghĩ học trường quốc tế giống như việc bạn sắm một xe siêu sang cỡ 10 tỷ vậy.Nếu khoản đó chiếm một phần nhỏ trong tài sản của bạn thì chẳng vấn đề gì; bạn có quyền chi nhiều tiền hơn để tiện nghi hơn. Nhưng nếu tài sản bạn có 2 tỷ và muốn sắm xe 10 tỷ thì đúng là điên rồ.
Nếu thu nhập của bạn đủ để cho con mình học trường quốc tế các năm phổ thông, đủ tiền cho con du học, và nếu được thì đủ tiền mua nhà ở nước ngoài và sẵn sàng cho nó định cư ở đó thì trường quốc tế là lựa chọn đúng đắn.
Nếu chi trả cho việc học ở trường công > 50% thu nhập hàng năm, không thể chi trả đủ 12 năm học phổ thông, không thể cho nó đi du học hoặc không sẵn sàng sống xa nó sau này thì nên học trường công.
Đừng hành động theo kiểu được tới đâu hay tới đó vì nếu đã theo con đường trường quốc tế bạn phải theo đuổi tới cuối con đường. Xét chi phí và lợi ích giữa học trường công và trường tư thì trường công là lựa chọn ưu tiên; thay vì bỏ ra vài tỷ chi cho nó học thì hãy gửi tiền đó vào ngân hàng để khi nó ra đời có vài tỷ trong túi.