Chỉ số vượt khó bao gồm thái độ với khó khăn và kỹ năng vượt khó. Thái độ đóng yếu tố quan trọng vì với thái độ mạnh mẽ sẽ giúp bạn gặp rất ít cái gọi là “khó khăn”. Điều này giúp cho tâm lý bạn ổn định, vững vàng thay vì lúc nào cũng sốt xình xịch lo lắng từ cái bé nhất. Kỹ năng vượt khó có được nhờ bạn có kiến thức về phương thức vượt khó sau đó áp dụng một cách thuần thục. Hai yếu tố này kết hợp lại khiến con người bạn trở nên mạnh mẽ, giúp cho chính mình và gia đình mình có một cuộc sống ổn định và bình yên.
Đâu là cái đích cuối cùng trong luyện tập chỉ số vượt khó? Đó là bạn biến mọi thứ thành thói quen. Nhờ thói quen, bạn không vất vả khi lái xe về nhà lúc tan giờ làm; có nhiều thói quen tốt giống như bạn có một người trợ lý tốt; bạn giao hết việc điều khiển cho anh ta còn mình tập trung đầu óc vào việc thực sự khó.
Học gì cũng vậy, cũng phải hướng tới mục đích cuối cùng là biến nó thành thói quen; khiến bạn không phải nỗ lực đấu tranh với chính mình trước lúc bắt đầu và vật vã trong tiến trình. Nếu thái độ, kỹ năng vượt khó tới cấp độ thói quen thì nó sẽ biến thành bản chất con người bạn; không còn là vật ngoài thân mà cứ mỗi lúc dùng là phải nỗ lực nữa.
Chúng ta có 5 cấp độ từ khi bắt đầu tới khi đạt đỉnh cao:
Mục lục:
Cấp độ 1: Không thành thạo vô thức
Đây là trạng thái mà ta tưởng mình biết nhưng thực ra không biết. Nếu như chúng ta không biết gì về leo núi, chưa từng leo núi, khi nhìn một ngọn núi ta có thể nghĩ rằng việc vượt qua nó là dễ dàng; trên đường đi có thể đuổi bướm bắt hoa; mệt đâu thì cắm trại nghỉ ở đó. Nhưng thức tế không phải vậy, việc leo núi rất mệt mỏi và cắm trại ở đâu cũng đầy ruồi nhặng.
Mỗi người trong chúng ta có độ tự kỷ rất cao; đề cao mình lên trên mức thực tế. Ở mức độ năng lực cao trong nhận thức ta nhìn mọi thứ với con mắt đơn giản hóa đi so với thực tế. Câu cửa miệng của những người này là “tôi biết rồi” khi ai đó có ý định giảng giải điều đó cho họ. Bọn trẻ con hay bị tình trạng này, nhất là lứa teen dở dở ương ương, nghĩ mình là nhất và mọi thứ quá đơn giản. Sinh viên ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể nghĩ trình độ của mình thì tìm việc không khó; thực tế ra trường họ mới vỡ mộng vì thấy rằng những gì họ nghĩ là không đúng. Càng ít trải nghiệm thì càng hay bị mắc bệnh này.
Ta không thành thạo nhưng nghĩ mình thành thạo; đứng trước những cái mới ta dễ bị tình trạng này. Chỉ số vượt khó đo được là thông qua thực tế khó khăn đã vượt qua mà không phải thông qua một tờ giấy trắc nghiệm. Khi chưa thực sự gặp khó khăn ta có thể nghĩ mình có năng lực cao nhưng thực tế khi gặp khó khăn lại cảm thấy tuyệt vọng, mất phương hướng.
Cấp độ 1 là cấp thấp nhất; muốn vượt qua cấp độ này đòi hỏi chúng ta phải thực sự bắt tay vào tìm hiểu thực tế. Khi bắt tay vào va chạm thực tế ta mới có cái nhìn chính xác hơn về năng lực của mình. Chỉ khi đeo ba lô lên và leo núi ta mới biết năng lực leo núi của mình đến đâu; chỉ khi cắm trại mình mới biết được rằng chỗ đó có thực sự yên bình không hay lại chỉ toàn ruồi muỗi rắn rết.
Cấp độ 2: Không thành thạo ý thức
Khi bạn bước 15 phút trên con đường leo núi bạn nhận ra rằng những gì mình nghĩ có vẻ không đúng. Việc leo dốc thực sự mệt mỏi, chẳng có tâm trí đâu mà ngắm cảnh. Buổi tối trước khi đi ngủ bạn dự định sáng mai sẽ dậy 5h sáng để tập thể dục, nhưng tới 5h bạn không dậy nổi, bạn nhận ra việc dậy sớm thực sự khó hơn mình tưởng. Giai đoạn này bạn ý thức được rõ ràng mình đã ko làm được cái gì đó.🙄🙄🙄
Chúng ta có xu hướng tự bảo vệ hiện trạng nên khi nhận thức được cái đó là khó khăn, đa phần sẽ từ bỏ dự định đẹp đẽ ban đầu. Tệ hơn nữa là khi trải nghiệm nhận thức cái đó qua đi chúng ta lại bắt đầu lại rồi lại từ bỏ.
Một ngày đẹp trời, bạn nhận ra rằng sức khỏe là quan trọng và quyết tâm đi phòng gym mỗi ngày. Bạn làm được vài ngày rồi từ bỏ vì vô vàn lý do biện minh; tìm một phương thức có được sức khỏe khác hoặc chẳng làm gì cả. Một tháng trôi qua khi đọc một bài viết về tầm quan trọng của sức khỏe nào đó hoặc thấy sức khỏe có vẻ yếu đi, bạn lại chợt bừng tỉnh và lại đi phòng gym; được đôi ngày thì lịch sự lại lặp lại. Túm lại bạn cứ bắt đầu rồi từ bỏ, rồi bắt đầu rồi lại từ bỏ.
Mà bản thân cái hành vi này cũng là một dạng thói quen nên nếu gặp phải vấn đề này ở một lĩnh vực nào đó thì cũng gặp ở mọi lĩnh vực khác.
Tóm lại chúng ta cần phải tìm cách vượt qua được bước này thông qua việc “không giấu dốt”; chấp nhận mình dốt một lần còn hơn là giữ cái dốt suốt đời. Mà cái gì “phải làm” thì không sớm thì muộn cũng “phải làm”. Làm khi không bị thúc ép còn hơn là làm bị thúc ép. Vượt qua một lần sẽ tạo cho bạn sự tự tin để từ bỏ thói quen “từ bỏ”, từ đó tạo ra sự chuyển biến trong mọi lĩnh vực.
Ở vế ngược lại, ta cũng không nên bảo thủ, làm bất chấp mình thực sự không phù hợp với việc đó. Nếu như ta nhận ra có những thay thế khác khả thi hơn để đạt tới mục tiêu thì nên thay đổi. Ta chỉ sai khi biết một việc rõ ràng là phải làm nhưng vì sự yếu đuối của mình mà từ bỏ để rồi lại quay lại thử làm vào một ngày nào đó trong tương lai.
Cấp độ 3: Thành thạo có ý thức
Khi vượt qua được sự “từ bỏ ngay khi nhận ra” ở cấp độ 2 một thời gian thì khả năng bỏ cuộc sẽ ngày một giảm dần đi. Lúc này ta vẫn phải vất vả leo núi nhưng ít nhất là đã cảm thấy tự tin là mình có thể làm được. Khi đã hiểu biết hơn ta có thể đã xác định cho mình một mục tiêu rõ ràng nhờ vậy mức độ quyết tâm rất cao, đủ để không bỏ cuộc.
Giống như một người mới tập lái ô tô; sẽ vẫn căng thẳng xử lý tình huống trên đường; vẫn phải nhìn mỗi khi gạt cần số; đạp phanh cũng phải nghĩ. Nhưng ít nhất thì mình đã cho rằng mình có thể lái ô tô và với hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ thành thục giống như những người khác, ta nỗ lực vượt qua khó khăn vì ta tin rằng ta có thể vượt qua.
Hầu hết các hoạt động hàng ngày của chúng ta thuộc dạng này. Vẫn phải cố gắng để hoàn thành; chưa tới mức không phải nghĩ gì mà có thể hoàn thành. Bản tính con người là thích thử thách; ban đầu leo núi họ đặt mục tiêu là A; khi đã đạt một trình độ nhất định họ đặt một mục tiêu mới là A+a; cứ như vậy, luôn luôn phải nỗ lực.
Xét về chỉ số vượt khó, thành thạo có ý thức là khi ta nhanh chóng biến một khó khăn thành một cơ hội để phát triển bản thân (thay vì than khóc). Sau đó chúng ta cố gắng vượt qua nó bằng sự nỗ lực của mình. Cả tiến trình đều phải chiến đầu với ham muốn dừng lại nhưng cuối cùng bạn cũng sẽ vượt qua.
Cấp độ 4: Thành thạo vô thức
Hầu hết trong chúng ta lái xe máy mà không phải nghĩ nhiều; gõ bàn phím 10 ngón cũng không phải nghĩ xem nút nào đó nằm ở đâu. Đó là cấp độ thành thạo vô thức; ta làm một cái gì đó với không hoặc ít nỗ lực nhất.
Một người neo núi đạt trình độ này họ sẽ không phải cố gắng quá nhiều để thực hiện một độ cao nào đó với một tốc độ nào đó. Tất nhiên với những thử thách độ khó cao hơn khả năng của họ thì họ vẫn phải nỗ lực như ở cấp độ 3.
Ở hình bên nếu coi vòng tròn xanh là năng lực của bạn thì vòng 1 với mức độ rất dễ; bạn có thể làm việc đó mà gần như không phải một chút cố gắng nào. Các công việc càng sát với vòng tròn năng lực thì bạn càng phải nghĩ nhiều để hoàn thành. Khi một việc vượt qua khỏi năng lực càng xa thì bạn càng phải nỗ lực để hoàn thành. Nếu việc vượt quá gấp nhiều lần năng lực của bạn thì có thể bạn đang ở cấp độ 1, không nhận thức đúng về khó khăn mình sẽ gặp phải nếu thực hiện.
Điều này càng cho ta thấy việc gia tăng năng lực là rất quan trọng. Năng lực càng cao thì số việc làm được trong vô thức càng nhiều; để dành ý thức cho những công việc thuộc cấp độ 3.
Nếu năng lực vượt khó của ta ở cấp độ này thì mọi khó khăn đều chỉ là cơ hội; không có một phút nào than khóc. Chúng ta gặp khó khăn, nỗ lực vượt qua nó với ít thời gian lãng phí nhất. Tâm trạng cũng vì vậy mà bình yên hơn.
Cấp độ 5: Thành thạo vô thức cấp độ cao
Cũng là lái ô tô nhưng những tay đua chuyên nghiệp họ xử lý tình huống tới mức xuất sắc; hành động nhanh hơn não. Cũng là trượt băng nhưng ở cấp độ cao thì họ có thể làm những động tác mà cơ thể tự họ điều chỉnh (trong vô thức) mà họ không phải dùng suy nghĩ để điều chỉnh. Ta dễ cảm nhận sự xuất sắc trong thi đấu thể thao vì ta dễ dàng so sánh với chính ta.
Khác với 4 cấp độ trước là chỉ cần quyết tâm, kiên trì có thể đạt được thì cấp độ 5 còn đòi hỏi bản thân người đó phải có năng khiếu, có tố chất. Mà lĩnh vực nào cũng vậy sẽ luôn tồn tại những con người xuất sắc như vậy. Mỗi người trong chúng ta cũng tồn tại một tố chất nổi bật nào đó; nếu ta khai quật được lên và hướng cuộc sống của mình cho phù hợp với tố chất đó thì sẽ là thành công nhất.
Ý thức và vô thức
Ý thức hiểu đơn giản là ta biết được rằng ta đang nghĩ gì. Khi bạn phải làm một phép tính 546 + 367 thì bạn biết rằng mình đang làm một phép tính trong cả tiến trình làm.
Vô thức là không ý thức là ta không biết được rằng mình đang nghĩ gì. Ví dụ như khi phải đánh máy một đoạn văn bản thì ta ý thức được rằng mình đang làm gì, đang gõ tới đoạn nào nhưng các ngón tay của ta di chuyển và ấn xuống một cách tự động mà không phải nghĩ ngợi gì. Khi lái xe máy, nếu phải rẽ phải thì ngoài việc tay phải làm việc thì cơ thể còn phải nghiêng một góc nào đó tương ứng. Ta không hề phải nghĩ tới việc điều chỉnh tay hay cơ thể; đơn giản là ta ý thức muốn rẽ phải; cơ thể tự động điều chỉnh.
Một hành động nào đó được thực hiện hoặc từ vô thức hoặc từ ý thức mà không phải cả hai cùng lúc. Bạn không thể vừa dùng vô thức vừa dùng ý thức để gõ bàn phím được; một thời điểm chỉ 1 trong 2.
Vô thức có tốc độ rất nhanh so với ý thức. Bạn cứ thử gõ 10 ngón trong vô thức sau đó thử dùng ý thức để điều khiển mà xem; khi phải gõ phím A bạn nghĩ là A nằm ở đâu sau đó dùng ngòn nào để điều chỉnh gõ xuống và nhấc lên. Vô thức cũng có thể được coi là tiềm thức (mặc dù rằng có người cho rằng tiềm thức khác vô thức nhưng ta không nên phức tạp hóa làm gì)
Hình thành vô thức có lợi
Vô thức được hình thành từ việc lặp đi lặp lại một hành động một cách có ý thức. Vô thức cũng được hình thành ngoài sự kiểm soát của ý thức vì tất cả các giác quan của ta vẫn hoạt động bất chấp ta có nghĩ tới nó hay không. Ta có thể ăn một món ăn mà không cảm nhận gì về xúc giác, khứu giác vì còn mải nghĩ tới một việc hệ trọng nào đó nhưng những phản ứng đó vẫn được các giác quan tiếp nhận dần dần sẽ vào vô thức.
Vậy tốt nhất ta nên có ý thức trong việc nhét vào vô thức những thứ có ích cho sự tồn tại và phát triển của chúng ta.
Một đứa trẻ khi mới sinh ra khi ăn được bố mẹ bón cho ăn. Rồi dần dần nó học cầm thìa; ban đầu rất chậm và hay vãi mặc dù nó có thể rất tập trung vào điều khiển cái thìa. Dần dần nó sử dụng thành thạo. Khi chuyển sang dùng đũa cũng tương tự; rồi tới mức nó cũng lại thành thạo; điều khiển các ngón tay trong vô thức.
Đối với chúng ta những người trưởng thành; rào cản đầu tiên là nhận thức; nhận ra rằng phải làm một cái gì đó. Sau khi có nhận thức thì phải vượt qua các khó khăn để dần dần tới mức thành thạo. Dần dần sẽ có nhiều hành động đi vào vùng vô thức giúp cho ta làm một việc nào đó ngày càng năng suất hơn, giỏi hơn; những thứ trước là khó khăn thì nay không còn là khó khăn nữa.
Tham khảo: tham khảo ý tưởng từ sách “Chỉ số vượt khó – Biến khó khăn thành cơ hội” của tác giả Paul G.Stoltz
Wa hay.cảm ơn nhiều ạ.
Hay quáaa ad ơi
Em tính vote5 mà ấn nhầm nhưng em không biết sửa lại kiểu gì . Em xin lỗi ạ😓
Cảm ơn vì bài viết ạ.
Cố gắng hình thành vô thức những thói quen, việc làm k quan trọng như: vệ sinh cá nhân, ăn uống và dành ý thức, tư duy cho những việc quan trọng như đọc sách, kiếm tiền a nhỉ :))
😛 chắc chú đúng
càng đọc càng bị ghiền..cảm ơn bài chia sẻ
cam ơn em!