Hoàn thiện bản thân ( P1: Khái niệm)

5
23491
4.7/5 - (10 votes)

Chỉnh sửa ngày 17/2/2019

Con người chúng ta ai cũng muốn ngày một tốt hơn. Khái niệm “tốt hơn”, hoàn cảnh, tố chất của mỗi người mỗi khác nhau nên ta đi trên những con đường khác nhau. Trên những con đường đó người tiến băng bằng, người đi chậm chạp, hoặc đã cắm trại giữa đường ngơi từ lâu.

“Tốt hơn” hiểu đơn giản là ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua về một thứ gì đó. Đó có thể là nhận thức, sức khỏe, tài chính,…Bất cứ đó có là thứ gì, nếu bạn của ngày kế tiếp tốt hơn bạn của ngày trước đó thì phần thưởng cuối cùng nhận được thực sự rất đáng giá.

Các entry trong chủ đề này đã được tôi bắt đầu từ 2014 và thực hiện hiệu chỉnh trong 2019 để bản thân nó cũng ngày một tốt hơn; giúp ích được cho chính tôi và những người biết tới trang web này.

Tất cả các entry trong chuỗi này có tính độc lập rất cao; bạn quan tâm cái gì thì nên đọc ngay cái đó. Giống như khi đọc một cuốn sách, bạn không nên đọc từ đầu mà nên xem mục lục để đi ngay tới phần mình quan tâm. Nguyên nhân vì sự nhiệt huyết của bạn có giới hạn, nếu đọc từ đầu có khi chưa tới phần mình quan tâm nhất thì bạn đã nản và nhét cuốn sách vào đâu đó rồi.

———————

Thái độ là yếu tố quan trọng nhất trong 3 yếu tố Thái độ, Kiến thức và Kỹ năng. Nó quyết định vào việc bạn có quan tâm, có thích, có muốn làm hay không. Cho dù kiến thức và kỹ năng có giỏi tới đâu mà không quan tâm, không thích hay không muốn làm thì cũng bằng không.

Nhưng trong tất cả các yếu tố của thái độ này thì yếu tố nào là quan trọng nhất? Tôi nghĩ quan trọng nhất đó là “ham muốn hoàn thiện bản thân”. “Ham muốn hoàn thiện bản thân” là việc ta quan tâm, thích, muốn hay cao cấp nhất đam mê làm cho mình ngày càng tốt hơn. Giống như một nhà sản xuất ô tô muốn xe của họ ngày càng an toàn hơn, tiện dụng hơn, rẻ hơn. Công ty du lịch có ham muốn có được tour du lịch ngày càng tốt hơn nhưng rẻ hơn…bất chấp có cạnh tranh hay không. Kể cả không bị ép buộc, ta vẫn muốn “tốt hơn”.

Ai trong chúng ta đều đã từng trong trạng thái giận quá mất khôn. Trong trạng thái cảm xúc tiêu cực đó ta để dòng suy nghĩ tiêu cực miên man, nói những điều không nên nói, làm những thứ không nên làm. Ta có thể ý thức rất rõ lúc đó là không nên hành động lúc tức giận nhưng ta vẫn cứ thực hiện. Càng lớn lên thì khả năng kiềm chế của ta càng tốt hơn, người trẻ thường phản ứng nhanh, hành động nhanh; người già thường phản ứng chậm, hành động chậm. Chẳng phải sức họ yếu hơn nên không thể hành động nhanh mà vì khả năng kiềm chế của họ tốt hơn người trẻ. Bạn sẽ tự chiêm nghiệm thấy điều này; cùng với tuổi tác tăng lên thì những thứ khiến bạn bất ngờ ngày một ít đi; hiểu rằng cuộc đời vốn là vậy chỉ có cách ta phản ứng là khác nhau.

Một người già có thể hành động thiếu suy nghĩ như người trẻ hoặc một người trẻ có thể hành động chín chắn như người già. Như thế nào phụ thuộc vào việc người ta có ý thức trong việc biến mình trở thành chín chắn hay không hay để bên ngoài tự đưa đẩy mình tới đâu thì tới.

Tương tự với những mặt không tốt khác như lười biếng, lười suy nghĩ,….Thực ra chúng ta đều ý thức được nhưng lại thiếu quyết tâm thay đổi. Con người luôn xây dựng các lý lẽ để bảo vệ hiện trạng của họ để không phải cố gắng.

Không ngừng rèn luyện là thói quen cuối cùng trong cuốn sách 7 thói quen của người thành đạt. Trên thói quen đó chính là Thái độ “ham muốn hoàn thiện bản thân”. Nếu không mong muốn mình ngày càng giỏi lên thì người ta khó có thể duy trì nỗ lực liên tục trên con đường vốn rất chông gai. Các bài viết của loạt entry này cho dù tốt tới mấy cũng không thể giúp được gì cho bạn nếu bản thân bạn không có ham muốn hoàn thiện bản thân nằm phía trong.

Khái niệm Tính cách: là một thuộc tính tâm lý cá nhân, bao gồm một hệ thống thái độ đối với hiện thực, thể hiện trong hệ thống hành vi cư xử và giao tiếp tương ứng.

Những gì ta nghĩ luôn được thể hiện ra bên ngoài thông qua ánh mắt, nét mặt, tác phong, cử chỉ,….Những thể hiện đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của ta vì nó là các thay đổi từ từ, chậm rãi.

“ý nghĩ” được sinh ra từ “cách nghĩ” mà “cách nghĩ” của mỗi người đều có những đặc trưng ít thay đổi vì rất khó thay đổi.

Quan sát một người nhiệt tình làm cùng một công việc ta sẽ thấy khác hẳn với một người không nhiệt tình. Từ dáng đi đứng, nét mặt, ánh mắt tới độ nhanh chậm của hành động đều có khác biệt. Thông qua khác biệt này ta đánh giá là anh A nhiệt tình, anh B không nhiệt tình.

Nếu một người phát biểu rằng “tôi là người nhiệt tình” thì nó có thể là nhận thức của anh ta rằng anh ta là người nhiệt tình thông qua đánh giá của người khác về anh ta hoặc anh tự thân nhận thức. Muốn kiểm chứng thì phải thông qua phản ứng của anh ta trước những thứ xảy ra khách quan bên ngoài. Chú ý rằng ai cũng muốn sở hữu những đức tính tốt và đôi khi họ vơ vào các đức tính đó mặc dù mình không hề sở hữu.

hoan thien ban than - p1 khai niem

Đứng trước mỗi hoàn cảnh, mỗi người phản ứng theo các cách khác nhau; đó chính là thể hiện của tính cách. Người thiếu kiên trì sẽ bỏ cuộc, người lười biếng sẽ không hành động, người tự ti sẽ thu mình lại, người điềm tĩnh sẽ không phản ứng ngay lập tức, người lạc quan sẽ vượt qua nỗi buồn rất nhanh. Người khiêm tốn ít nói về mình, người dũng cảm sẽ hành động vì những nguyên tắc anh theo đuổi bất chấp hy sinh.

“Tính” là rút gọn của “Tính cách”. ” Tính chăm chỉ” tương đương với “Tính cách chăm chỉ”.

Thế nào là điểm yếu, thế nào là điểm mạnh?

Muốn nói tới mạnh hay yếu đầu tiên phải xét chuẩn so sánh là gì. Thằng chột làm vua xứ mù nhưng chẳng là gì ở xứ sở sáng mắt xét về năng lực nhìn. Cái nóng mùa hè ở miền nam VN chẳng là gì so với nhiệt độ tại vùng sa mạc; hay cái lạnh miền bắc chẳng là gì so với cái lạnh ở các nước đông âu. Vậy phải xác định chuẩn.

Chuẩn đầu tiên chính là chính chúng ta:

Trong rất nhiều thái độ, kỹ năng, kiến thức mà ta sở hữu thì luôn có một thái độ, kỹ năng, kiến thức nào đó nổi trội hơn hẳn so với những thứ khác. Cái sự nổi trội đó chúng ta theo đuổi và sẵn sàng trả giá cao vì nó. Nó tạo ra cá tính; giúp thằng An phân biệt với thằng Nam, con Loan phân biệt với con Hằng. Tính cách gì bạn nghĩ tới đầu tiên khi nghĩ về một người nào đó chính là tính cách đặc trưng của họ.

Trong chúng ta ai chẳng nhiệt tình nhưng mức độ hy sinh vì nó là hoàn toàn khác nhau dẫn tới cấp độ nhiệt tình khác nhau.

Lấy ví dụ một người tốt bụng sẵn sàng chi 1% thu nhập của anh ta cho một hoàn cảnh đáng thương khác với một người chỉ chi trả 0,5% thu nhập. Cùng là tốt bụng nhưng cấp độ là khác nhau.

Một người ngồi nhà học bài tối nay vì anh ta chẳng có lựa chọn hay ho nào cả. Nhưng nếu có ai đó rủ đi chơi điện tử thì anh ta sẵn sàng lên đường. Cũng tình huống đó một người khác có thể vẫn ở nhà, anh ta chấp nhận hy sinh sự sung sướng khi chơi điện tử. Người thứ hai rõ là chăm chỉ hơn người thứ nhất.

Một người có thể dũng cảm bảo vệ bạn gái trước đàn kiến…nhưng có thể chẳng đủ dũng cảm để bảo vệ bạn gái trước nguy hiểm. Cùng là “dũng cảm” nhưng cấp độ khác nhau vì chỉ có va chạm với thực tế mới khẳng định được ai đó sở hữu một tính cách nào đó ở cấp độ cao hay thấp.

Cái chúng ta cần không phải là so sánh mỗi tính cách của ta với những người xung quanh mà cần xác định tính cách nào là nổi bật nhất nếu so với các tính cách khác của ta. Chọn ra tính cách bạn thấy rằng nổi trội nhất, tự hào nhất để sử dụng nó làm đòn bẩy phát triển bản thân. Tính cách đó có thể là dũng cảm, kiên trì, kỷ luật, nhiệt tình,….

Chuẩn mực xã hội

Chuẩn mực xã hội là tập hợp chuẩn mực của mỗi cá nhân trong xã hội đó. Có “hành động” ở xã hội này được coi là kỳ tích nhưng ở xã hội khác lại coi đó là bình thường. Lấy ví dụ như người Nhật xếp hàng nhận viện trợ trong trận động đất sóng thần tạo lên một sự ngạc nhiên của rất nhiều người ở các nước khác.

Chúng ta tạo lên chuẩn mực xã hội và ngược lại xã hội áp đặt lên chuẩn mực của chính chúng ta. Bạn có thể vô kỷ luật khi ở VN nhưng sang Mỹ có khi lại trở thành người kỷ luật vì mọi người xung quanh đều vậy, bạn không làm khác được. Mức độ kỷ luật của bạn khi ở VN có thể đã đáng tự hào nhưng sang Mỹ có khi lại trở thành điểm yếu. Cùng là chăm chỉ nhưng khi ở công ty A là điểm mạnh của bạn nhưng khi sang công ty B nó lại không còn là điểm mạnh nữa. Chúng ta cần ý thức được điều này để tránh ảo tưởng về chính mình.

4/12/2014

Hoàn thiện bản thân  giống như quá trình bạn hoàn thiện một sản phẩm để có thể bán được  với giá cao vậy. Rốt cục chúng ta cũng là như một món hàng, chúng ta cung cấp giá trị sử dụng cho những người xung quanh để thu về những lợi ích nhằm thỏa mãn nhu cầu của chúng ta. Chúng ta cho đi để được nhận lại; chúng ta càng giỏi thì càng có thể cho được những thứ giá trị hơn nhờ vậy nhận lại những thứ giá trị tương ứng.

Để có thể bán được sản phẩm đòi hỏi bạn phải biết rõ sản phẩm đó phải như thế nào mới có thể bán được. Có nhiều đặc điểm của sản phẩm là bất biến và cũng có những thứ biến đổi hàng ngày. Những thái độ cốt lõi thường bất biến ví dụ như thái độ nhiệt tình chẳng hạn; cho dù có là ở thời kỳ lịch sử nào cũng vậy. Kiến thức thì kỹ năng thì thay đổi như chong chóng đòi hỏi bạn phải học hỏi hàng ngày.

Ta càng hoàn thiện thì càng có thể bán được với giá cao hơn. Quá trình tự hoàn thiện là quá trình tự gia tăng giá trị của bản thân. Ai trong chúng ta cũng ngày một tốt lên nhưng ở thế chủ động thì việc hoàn thiện sẽ nhanh hơn là ở thế bị động.

Việc hoàn thiện bản thân là không có điểm dừng. Không có một điểm nào xác định là bạn đã tới đích. Bạn chinh phục đỉnh núi này thì có đỉnh núi cao hơn để bạn chinh phục. Vì vậy không thể vội vàng cũng không thể từ từ; bạn phải đi đều như chú rùa và nhanh như chú thỏ trong cuộc đua này.

Chúng ta người VN đã qua cái thời duy trì lợi thế cạnh tranh quốc gia bằng giá nhân công rẻ. Cái bền vững phải là khả năng tự đổi mới và nâng cấp giá trị cho đi của quốc gia. Chúng ta cũng vậy, nếu chỉ dựa vào sức lực thì một lúc nào đó ta cũng già yếu; chỉ có một thứ càng dùng càng tốt lên đó là trí óc. Hãy giúp cho trí óc của bạn ngày càng tốt hơn thì cuộc sống của bạn cũng sẽ ngày một tốt hơn.

Tính cách hình thành từ đâu? 21/01/2015

Con người từ trong bụng mẹ đã thừa hưởng gen của cả bố và mẹ. Gen của bố hay mẹ cũng là hình thành từ gen của dòng họ. Nói cách khác đứa con là kết hợp của nhiều nguyên liệu khác nhau. Nó có thể thành một món bánh ngon hoặc cũng có thể thành một cái bánh cháy khét lẹt.

Trong ít nhất 18 năm đầu đời, người con sống trong môi trường gia đình do bố và mẹ tạo lên. Người con bắt chước theo cách hành xử của bố mẹ, mà hành xử là biểu hiện của tính cách nên đứa con cũng hình thành tính cách tương tự.

Đứa con đó còn phải sống trong một môi trường làng xã, rộng hơn ra là đất nước nên nó cũng chịu ảnh hưởng từ những thành phần này.

Trường học nơi nó dành 1/3 thời gian ở đó cũng sẽ tác động lên tính cách của nó. Thầy cô giáo, bạn bè,…

Khi con người bắt đầu có ý định rèn luyện cho mình một tính cách thành công thì lúc đó tính cách đã hình thành và ăn sâu vào bản chất con người rồi. Đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để thay đổi.

11/2/2015

1. Có tham vọng:

Có nghĩa là không bao giờ bằng lòng với chính mình. Không chấp nhận sự yên ổn, luôn muốn tiến lên những nấc thang mới.

Điều này khác với việc thích những thử thách. Một người thích thử thách là người nhanh chóng chán với cái cũ và muốn có những cái mới. Người tham vọng họ có các mục tiêu lớn và theo đuổi rất quyết tâm.

Tốt nhất trong cuộc đời mình bạn nên làm sao để đối mặt với những thử thách mà bạn dễ dàng vượt qua. Muốn vậy bạn phải dự trù trước các thử thách để chuẩn bị kỹ càng. Nếu bạn muốn chinh phục đỉnh Phanxipan thì bạn phải chuẩn bị thể lực 1 năm trước đó. Những thứ lớn muốn đạt được, muốn vượt qua đều cần nhiều thời gian chuẩn bị.

2. Xây dựng động lực từ nội tại

Hãy làm một cái gì đó vì bạn muốn chứ không phải bạn hy sinh cho người khác để mong trả ơn. Bạn nuôi dạy con bạn vì bạn muốn, bạn cảm thấy hạnh phúc trong toàn bộ tiến trình đó. Nếu bạn nghĩ rằng đây là sự hy sinh thì bạn sẽ sống khổ sở với mong muốn rằng đối tác phải biết ơn và trả ơn mình.

Hãy nhớ rằng bạn làm vì bạn muốn. Người thành công làm vì họ muốn thế. Người thất bại làm vì người khác muốn.

3. Cân bằng giữa công việc, gia đình, cá nhân

Mọi thứ đều đòi hỏi các nguồn lực thời gian. Phân bổ thời gian làm sao cho hiệu quả để đảm bảo rằng bạn thỏa mãn cả 3 yếu tố.Trong cuộc đời có những lúc bạn sẽ phải ưu tiên cho cái này hơn so với cái khác nhưng đừng bỏ rơi bất cứ cái nào; sự phát triển lệch lạc sẽ phải trả giá rất đắt là sự tiếc nuối.

4. Hành động theo quy luật nhân quả

Đây là quy luật nói thì dễ nhưng làm thì khó. Hãy cứ gieo nhân tốt rồi bạn sẽ nhận được quả tốt. Nếu chỉ mong có quả mà chẳng buồn gieo nhân thì biết bao giờ mới có quả?

5. Chọn được một người vợ/chồng phù hợp

Khi yêu có thể bạn yêu hết những gì thuộc về người yêu nhưng lúc lấy nhau thì khác. Làm sao để chọn được một người cùng với thế giới quan là rất quan trọng.

Đồng thế giới quan là việc có cùng cảm nhận về một hiện tượng khách quan bên ngoài. Bạn có thể tìm hiểu thêm ở các entry về Tư duy logic trên blog này.

6. Làm việc chuyên nghiệp

Vào quán phở bạn có thể nhận biết được nhân viên nào chuyên nghiệp và nhân viên nào không. Đi các quán phở bạn biết quán phở nào chuyên nghiệp và quán phở nào không. Làm việc với các công ty bạn biết công ty nào chuyên nghiệp công ty nào không. Trong nội bộ một công ty bạn cũng sẽ cảm nhận ai chuyên nghiệp, ai không.

Chúng ta có thể không định nghĩa rõ ràng được thế nào là chuyên nghiệp nhưng chúng ta vẫn dễ dàng cảm nhận được.

Sự chuyên nghiệp luôn được đánh giá cao vì vậy được tương thưởng xứng đáng. Làm việc không chuyên nghiệp không khiến bạn dễ chịu hơn mà cũng chẳng khiến bạn tiết kiệm thời gian công sức hơn. Vấn đề ở đây là nhận thức.

7. Làm chủ cảm xúc

Suy nghĩ của chúng ta liên tục phản ứng lại với những thông tin mà các giác quan thu thập được từ khách quan bên ngoài. Khi để cảm xúc lấn lướt thì bạn sẽ hành động theo cảm xúc mà không phải lý trí.

Chúng ta có thể giỏi bất cứ thứ gì nếu dành thời gian và công sức đủ cho nó.

Câu này không phải là câu khẩu hiệu nhằm khích lệ bản thân và mọi người. Tôi nghĩ tới điều này khi quan sát một video clip về một người đánh đàn guitar rất nhanh.  Vì đang tập đánh guitar nên tôi có cơ hội quan sát kỹ thuật tốt hơn. Chắc chắn khi đánh một nốt nào đó anh ta không phải nghĩ là tay trái đặt ở đâu, tay phải gẩy dây nào giống như tôi bây giờ. Thậm chí anh ta có khi còn không nghĩ tới việc phải đánh nốt gì vì ý nghĩ đó cũng tiêu tốn của anh ta một lượng thời gian.

Điều này cũng tương tự như việc ta gõ bàn phím 10 ngón. Ta không bao giờ phải nghĩ là cái phím A nó nằm chỗ nào, đơn giản là bạn chỉ cần muốn gõ A là tay tự động làm việc đó. Giả sử như bạn thêm một bước là nghĩ xem phím A nằm ở đâu thì bạn sẽ bị gõ chậm lại thậm chí còn không gõ được. Nếu bây giờ hỏi bạn phím K nằm ở đâu thì chắc chắn là bạn sẽ phải tưởng tượng mình đang gõ một chữ nào đó để biết mình dùng ngón nào bấm vào phím K từ đó xác định vị trí của nó.

Hồi xưa khi chưa biết gõ bàn phím 10 ngón, tôi nhìn thấy người ta gõ cũng giống như nhìn anh chàng đánh guitar bây giờ. Nghĩ mình làm sao mà làm thế được. Nhưng rồi thì mình cũng làm được do công việc đòi hỏi phải thế, ban đầu thì cũng phải nghĩ vị trí nhưng rồi thì không còn phải nghĩ tới vị trí nữa.

guitar-girl-song-25231-hd-wallpapers

Hiện tại để đánh một nốt nhạc tôi phải làm những bước sau:

– Xem nốt đó nằm ở vị trí nào trên khuông nhạc

– Nhớ lại xem là nó nằm trên dây nào và tay trái cần đặt ở đâu.

– Thực hiện

Với 3 bước này thì cùng nắm tôi chỉ đánh được 2 nốt trong 1 giây tương ứng với 2 nốt đen trong nhịp 2/4. Với tốc độ này làm sao mà đánh được nốt móc kép. Bản nhạc đánh lên cũng có giai điệu nhưng rời rạc.

Sau 3 tuần tập tôi thấy rằng có một số nốt tôi không phải nghĩ tới điều này nữa. Những nốt này thường là những nốt phải đánh nhiều. Vì đánh nhiều nên nó thành dạng phản xạ có điều kiện do vậy tôi có thể đánh nhanh hơn.

Tôi cũng phát hiện là nếu đánh lặp đi lặp lại một đoạn nhạc tôi sẽ thuộc được đoạn nhạc đó vì vậy sẽ không phải xem bản nhạc nữa. Nhờ vậy rút ngắn thời gian xem. Tôi nghĩ với việc dành 2 giờ mỗi ngày để tập thì tới một lúc nào đó tôi sẽ đạt được  trình độ như gõ 10 ngón bàn phím bây giờ.

Con người có một khả năng là nếu lặp đi lặp lại một hành động nào đó thì sẽ biến hành động đó thành một phản xạ có điều kiện. Chúng ta không phải nghĩ tới cách thực hiện mà đơn giản chỉ là một ý niệm muốn thực hiện là xong.

Đây là khả năng của bộ não, mà cấu tạo não của chúng ta giống nhau. Vì vậy, thực sự là bạn có thể giỏi bất cứ cái gì mà bạn Muốn khi dành công sức và thời gian đủ cho nó.

Comments

comments

5 COMMENTS

  1. Trước đây em đã đọc bài này và bây giờ khi đọc lại bản “cover” mới thì em thấy nó rất khác. Có rất nhiều kiến thức để e khai thác và cũng như góc nhìn của tác giả có thay đổi rất lớn. Dù sao cũng cảm ơn anh nhiều nhé. về những bài viết chất lượng và hữu ích

  2. E thì sợ một điều rằng: ” nếu mình anh viết các bài này thời gian lâu dần nó có bị tư duy theo lối mòn không? các bài liệu còn sức sáng tạo, đột phá như hiện nay không? và anh có nghĩ đến điều này và tái cấu trúc tư duy không?”

  3. Dạ, em cảm ơn Anh. Gần đây, em bị cuốn vào vòng xoáy của đồng tiền, mới ra trường đi làm, được vài tháng rồi nghỉ vì nhiều lý do và phân vân hình như mình thích ngành này hơn ngành kia. Suy nghĩ mãi cũng nhận ra sự nhận thức của mình còn yếu. Trình độ chưa tương xứng với khát vọng, mục tiêu mong muốn. Chẳng có gì đọng lại trong đầu ngoài mới lý thuyết rời rạt.
    Em thật sự rất mừng khi gặp được cái blog này của Anh. Nó giúp em có 1 “lưc kéo” để hoàn thiện bản thân hơn.
    Như Anh chia sẻ, Anh có đề cập về 1 trang blog. Em tên Nguyễn Ngọc Minh Thi nên cũng cảm thấy khó đặt tên miền. Hiện tại em đang làm Nhân viên Nhân sự nhưng không thích về viết mảng này lắm. Thích viết về cách nhận định thị trường, chủ đề kinh tế.. Em quan niệm học kinh tế thì ra phải biết gì đó về kinh tế thị trường, tài chính tiền tệ…v.v Anh tư vấn cho em được không?

  4. Anh có thể liệt kê những cuốn sách mà anh đã đọc không, em rất thích cách hành văn của anh. Anh nhớ hết ý những gì mình đã đọc à. Làm sao đọc sách hiệu quả để vận dụng như anh được hen.

    • Hi em,
      Anh bắt đầu đọc sách về kinh tế từ năm 2008 cho tới nay, còn trước đó thì toàn đọc sách kỹ thuật. Do thời gian dài nên đã đọc nhiều loại sách khác nhau; rất khó để bảo cuốn nào là có ích nhất. Khi đọc xong một cuốn sách em có thể nhớ hết các ý nhưng vài tháng sau là em sẽ quên vì vậy đòi hỏi phải ôn đi ôn lại, anh viết blog là cũng vì lý do này.
      Nếu em viết nhiều tự nhiên cách hành văn của em sẽ tốt lên thôi. Thông thường khi tham gia một khóa học, nghe hay đọc một cuốn sách, xem video,.. anh đểu suy nghĩ là mình sẽ phải trình bày lại mà ai cũng hiểu được. Do vậy mà anh tập trung hơn vào việc nghe hay xem.
      Em có thể bắt đầu bằng việc tạo cho mình một trang blog free. Em trình bày lại những gì em học được theo cách hiểu của em. Không sao chép lại mà là viết lại theo cách mình hiểu. Dần dần em sẽ tích lũy được kiến thức cũng như có khả năng trình bày.
      Chúc em thành công.
      anh V.D

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here