Đây là cuốn sách mình mua hôm 28 tết, mong muốn ban đầu là thư giãn vì dù sao những sách dạng này cũng rất dễ đọc và có thể đọc nhanh được. Khi đọc rất bất ngờ về cách kể không giống như tự truyện thông thường. Thông thường khi một nhân vật nào đó muốn làm cuốn tự truyện thì họ thường phải thông qua một nhà văn, nhà báo nào đó vì vậy mà nội dung viết không thực sự chân thực như câu chuyện thực tế của nhân vật do có sự pha trộn với thế giới quan của người viết. Nguyễn Bích Lan bản thân cô là một nhà văn vì vậy việc viết ra cuộc đời mình có gì đó rất gần gũi, không hoa mỹ.
Với một cuộc đời chịu nhiều ngịch cảnh cùng khả năng viết khiến cho cuốn sách rất cuốn hút mà bất cứ ai cũng nên đọc. Entry này chỉ nhằm nêu những cảm nghĩ khi đọc xong cuốn sách.
1. Về khủng hoảng
Cuộc sống của chúng ta như một bộ phim, bộ phim thì không thể cứ đều đều từ đầu tới cuối được. Bộ phim phải có cảnh yên bình, phải có kịch tính, có thắt nút, có mở nút, có kết thúc có hậu hoặc không. Nếu ta không là một trong số những người tàn tật, người bị bệnh hiểm ngèo, có con hoặc bố mẹ bị bệnh hiểm ngèo, gia đình không hạnh phúc, sống trong vùng chiến sự, sống bữa đói bữa no thì quả là may mắn vì nếu tính % thì có lẽ số người đó chắc chiếm trên 80%. Nếu như chúng ta thuộc trong số 20% những người thuộc dạng “không bị sao cả” thì cũng nên chuẩn bị tinh thần vì mỗi ngày có tới gần 100 người chết hoặc mất đi một phần cơ thể vì tai nạn (tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp) chưa kể số người bệnh hiểm nghèo cũng tăng hàng ngày do thực phẩm và môi trường sống.
Theo duy tâm thì chúng ta là những linh hồn, mỗi linh hồn xuất hiện trên cõi đời này không phải để hưởng thụ mà để học tập và tiến hóa. Vì vậy chắc chắn luôn có thử thách chúng ta đã vượt qua, đang phải vượt qua hoặc đang chờ phía tương lai. Vì vậy việc chuẩn bị cho những tình huống xấu là hết sức cần thiết. Tình huống xấu kiểu như cãi nhau với đồng nghiệp, mất việc, mất tiền,…. thì không được gọi là khủng hoảng, khủng hoảng là những sự kiện khiến cho cuộc sống của chúng ta giẽ sang một bược ngoặt khác hẳn với cuộc sống trước khi sự kiện xảy ra.
Đọc tự truyện của Nguyễn Bích Lan thấy việc chuẩn bị dường như không bao giờ là đủ. Chúng ta đang có cuộc sống bình thường đọc tự truyện và thấy thương cảm cho họ, cùng tự hào với họ khi họ vượt qua thử thách nhưng khi chính chúng ta gặp khủng hoảng thì lúc đó mới thấm thía, mới hiểu được chính con người của chúng ta.
2. Về đối phó với khủng hoảng
Theo như trình tự khi gặp khủng hoảng thì chúng ta có 5 giai đoạn 1. Đông cứng 2. Từ chối 3. Đổ lỗi 4. Chấp nhận và 5. Vượt qua. Với kinh nghiệm thực tế đã trải nghiệm qua tôi xin giải thích như sau:
– Khi chúng gặp khủng hoảng, ví dụ như tai nạn khiến chúng ta bị mất một phần cơ thể, trạng thái đầu tiên là chúng gần như không suy nghĩ gì cả, lúc đó nỗi đau quá lớn khiến chúng ta gần như chết lặng đi đó là trạng thái Đông cứng. Trạng thái này sẽ hết khi chúng ta qua được gia đoạn nguy cấp.
– Trạng thái Từ chối là trạng thái rất dai dẳng và đau đớn về tinh thần. Chúng ta tiếc nuối về giai đoạn trước khi gặp sự kiện đó, những câu “giá như..” sẽ lặp đi lặp lại. Ai đã từng trải qua rất hiểu trạng thái này, nếu chúng ta bị khủng hoảng liên quan tới thể xác thì cộng với tinh thần suy xụp cuộc sống có lẽ không còn đáng sống nữa.
– Trạng thái đổ lỗi là trạng thái chúng ta đổ lỗi cho khách quan. Trạng thái này tôi nghĩ xảy ra nhanh và thường pha trộn cùng với trạng thái ở giai đoạn 2.
– Chấp nhận là thời điểm rất quan trọng vì chỉ khi chúng ta chấp nhận chúng ta mới thực sống tiếp được, mới cố gắng để tới bước 5 được.
Các sự kiện khủng hoảng bên cạnh những hậu quả nặng nề đều có mặt tốt của nó. Nếu như Bích Lan không bị bệnh loạn dưỡng cơ ảnh hưởng tới vận động và cả tim thì chắc gì cô ý đã là dịch giả nổi tiếng, đã là 1 trong 8 phụ nữ đương đại được nêu tên trong Bảo tàng phụ nữ. Với cuộc sống ở một vùng quê nghèo thì có thể cô ý có một cuộc sống rất bình thường như bao phụ nữ khác, thậm chí có thể cô ý còn gặp nghịch cảnh lớn hơn cả cái nghịch cảnh cô ý đã có.
Vì vậy việc đối mặt với khủng hoảng với ý nghĩ rằng sự kiện đó xảy ra là có một ý nghĩa nào đó sẽ khiến chúng ta nhanh chóng bước qua giai đoạn Chấp Nhận. Có hàng triệu người quanh quẩn trong 3 bước đầu mà không thoát ra được, dù sao thì số người vượt qua nghịch cảnh như Bích Lan, như Nick Vuijicic …cũng chỉ là con số rất nhỏ trong rất nhiều người khuyết tật. Nguyên lý Stockdale cũng hàm ý này, đừng đồ lỗi, đừng tiếc nuối, hãy Chấp nhận và tin rằng khó khăn rồi sẽ qua để từ đó cố gắng.
Nguyên lý StockDale :
Khi gặp nghịch cảnh hay khó khăn bất kỳ hãy cứ cố gắng hết mình. Cho dù bạn làm được đến đâu thì cuối cùng điều đó cũng trôi qua.
Khi đã qua bước 5 lúc đó nhìn lại họ đều thấy sự kiện đó có một ý nghĩa nào đó tích cực với cuộc đời họ. Nếu như không có sự kiện đó thì có khi họ cũng không có được thành công như ngày hôm nay. Tất nhiên chúng ta, những con người có cuộc sống bình thường, không ai là muốn gặp nghịch cảnh, bản thân Bích Lan hay Nick Vuijicic cũng không muốn nhưng khi chúng ta gặp thì chúng ta hoặc tiến lên hoặc là lùi xuống. Như Bích Lan đã nói ” Hành trình vượt qua khó khăn với cố gắng hết sức mình còn quan trọng hơn là kết quả nhận được từ cố gắng đó’.
3. Về những cánh cửa
Khi một cánh cửa đóng lại thì có một cánh cửa khác sẽ mở ra, câu này tôi biết từ rất lâu rồi nhưng đọc tự truyện của cô Bích Loan mới thấy thấm được sâu sắc câu đó. Cơ hội gì cho một cô gái mới học hết cấp hai, ở một vùng quê nghèo, mẹ là giáo viên bố là bộ đội vào những năm 80? Việc cô ý học tiếng anh rất tình cờ, và bản thân khi học tiếng anh mục đích của cô cũng chỉ là để có cái gì đó khiến mình bận rộn chứ không phải có mục tiêu rõ ràng là trở thành dịch giả.
Tình tiết này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, phải chăng chúng ta cứ phải có mục tiêu trong cuộc sống thì chúng ta mới thành công. Tất nhiên mục tiêu là rất quan trọng, nhưng việc lập ra mục tiêu 3 năm hay 5 năm tới đâu phải dễ dàng gì. Nếu thay vì đặt ra mục tiêu thì hãy cố gắng ở hiện tại, tận dụng thời gian học những gì mình cho là có ích thì rồi sẽ có những cánh cửa ở đâu đó chờ chúng ta, chúng ta có thể không nhìn thấy những cánh cửa đó ngay lúc này nhưng biết chắc rằng sẽ có nó, miễn là chúng ta cố gắng.
4. Về hạnh phúc
Cô Bích Loan có một số sự kiện vinh danh quan trọng :
1. Trong triển lãm ảnh “họ đã sống như thế”; triển lãm đó tôi đã xem ở Tràng tiền vài năm trước nhưng lúc đó chưa biết cô.
2. Là một trong 8 người phụ nữ đương đại được vinh danh trong bảo tàng phụ nữ.
3. Là thành viên trẻ nhất của Hội nhà văn.
4. Là khách mời của Người đương thời và là 1 trong 11 người trong chương trình kỷ niệm 10 năm chương trình người đương thời năm 2012. Thời điểm đó tôi cũng có nghe cô giải thích về chữ “bình thường” khi một em bé bị bệnh tim khi được hỏi đã trả lời là “tim em bình thường”.
Những sự kiện đó đến rồi đi thoáng qua rất nhanh, còn lại với cô vẫn là không gian bốn bức tường với bệnh tật. Vì vậy nếu như cô hay chúng ta chỉ cảm thấy hạnh phúc khi đã thành công, khi được vinh danh thì hạnh phúc của chúng ta rất ngắn ngủi. Khi đọc tới đoạn những cố gắng của cô được đền đáp tôi cũng sa vào ý nghĩ là cô ý thật hạnh phúc, nhưng ngẫm lại mới thấy Bích Lan hay Nick Vujicic ngoài những giây phút được vinh danh ngắn ngủi đó họ vẫn từng ngày phải sống với bệnh tật. Nick có thể nói rằng việc không có tay chân khiến cho việc xuất hiện của anh đã là minh chứng cho sự vượt qua khó khăn mà không cần phải diễn giảng nhưng tôi nghĩ chắc chắn Nick có những phút giây “giá như” đặc biệt khi anh đã có vợ, rồi sẽ có con.
5. Về sự cho đi
Có một bài học có thể thấy rõ được là chúng ta cứ làm hết sức mình, cứ cho đi rồi thì chúng ta sẽ được đến đáp. Bích Lan mở lớp học tiếng anh ban đầu là free, ngay cả việc cô có thu tiền sau đó cũng xuất phát từ nguyên nhân phụ huynh học sinh sẽ tìm cách trả học phí bằng một cách nào đó hoặc con họ sẽ không tham gia nữa. Vì vậy mục đích của ban đầu của cô là cho đi, về gốc gác là cô sẽ cảm thấy có ích hơn khi làm một việc có ích, hiệu ứng phụ là năng lực cô sẽ tích lũy (phụ huynh học sinh sẽ không nhìn thấy được lợi ích này mà cô có được).
Cuộc sống này có Nhân và có Quả. Khi tạo ra một Nhân thì chắc chắn là sẽ có Quả, có thể ta không nhận ra ngay nhưng một lúc nào đó trong tương lai ta sẽ được đền đáp. Rất tiếc là hầu hết chúng ta có yếu tố tài chính dẫn đường, đứng trước một vấn đề cần phải cố gắng chúng ta nghĩ chúng ta sẽ được bao nhiêu tiền khi làm xong. Chính điều này đã hạn chế khả năng phát triển của chính chúng ta, chúng ta không tạo cơ hội cho những cánh cửa được mở ra. Bất cứ người vượt khó thành công nào cũng có thể hiểu được tiền luôn là kết quả phụ trong các nỗ lực của chúng ta.
6. Lời kết
Tôi nghĩ 5 giai đoạn chỉ mang tính phân đoạn lớn còn thì người gặp khủng hoảng họ luôn xen lẫn giữa các trạng thái. Có thể đang ở giai đoạn 5 họ vẫn cứ tiếc nuối, vẫn cứ đổ lỗi nhưng thường thì cảm xúc đó trôi qua nhanh.
Những người thân của những người gặp khủng hoảng cũng đóng vai trò quan trọng giúp cho người đó có thể vượt qua khủng hoảng, họ cũng sẽ vượt qua 5 giai đoạn đó, mặc dù không sâu sắc bằng.
Những người vượt qua được nghịch cảnh để thành công hầu hết đều có sự hỗ trợ rất lớn của gia đình. Nick trong cuốn “Không giới hạn” có sự hỗ trợ rất lớn của bố mẹ, nếu không có sự hỗ trợ này thì chắc không có Nick ngày nay.
Gia đình của Bích Loan cũng rất tuyệt vời, mặc dù bố Bích Loan sau đó đã quá sức chịu đựng bỏ đi nhưng chúng ta phải là người trong cuộc mới hiểu để thông cảm được. Tình huống này đặt ở trong hoàn cảnh một gia đình nông thôn trong thời điểm kinh tế đất nước còn khó khăn lại càng đáng khâm phục.