Mỗi ngày chúng ta phải thực hiện hàng nghìn quyết định khác nhau từ ăn cái gì tới học cái gì. Tương lai của chúng ta vì thế cũng không cố định, nó biến đổi tùy thuộc vào mỗi quyết định của chúng ta từ quyết định nhỏ nhất tới quyết định lớn nhất. Ví dụ nếu như ta về nhà bằng con đường A, sẽ có một tai nạn khiến ta gặp tai nạn nếu như các sự kiện sau cùng lúc xảy ra 1. Lúc đó đèn đang đỏ 2. Ta vượt qua đèn đỏ và đang để ý xe cộ bên tay trái chúng ta 3. Một người lái xe tải đang mải nói điện thoại và anh ta đi lấn sang đường bên cạnh 4. Một người đi xe máy vượt trái và người lái xe đã quặt tai lái sang trái để tránh và vì thế đã đâm vào ta.
Vụ tai nạn chỉ xảy ra khi có ít nhất 4 sự kiện trên cùng lúc xảy ra. Vụ tai nạn sẽ không xảy ra nếu như mỗi nhân vật góp mặt vào kịch bản này có những quyết định khác đi. Ta quyết định đi đường B thay vì đường A, cái xe của ta bị thủng lốp phải vá và vì vậy khi đến ngã tư đèn lúc đó đang xanh, ta dừng lại nếu gặp đèn đỏ thay vì vượt qua, người lái xe kô nói điện thoại bằng cách là người đầu dây bên kia kô gọi cho anh ta lúc đó hoặc anh ta dừng lại nghe máy thay vì tiếp tục đi ….thậm chí có cả những quyết định xa lắc xa lơ cũng sẽ ảnh hưởng tới việc này như nếu như chúng ta không đi làm ở chỗ đó thì ta cũng sẽ không đi về bằng con đường đó. Nếu ai đã từng xem Final Destination hay Hiệu ứng cánh bướm thì sẽ rất dễ hình dung việc này.
Tôi nghĩ nhiều về việc này khi vợ tôi gặp tai nạn, rất nhiều yếu tố hợp lại để cho sự kiện đó xảy ra. Nếu như vợ tôi không làm ở đó thì đương nhiên cô ta sẽ không gặp tai nạn ở đó, nếu như tôi không đi Đà nẵng thì cũng không mua mực để mà có để nướng…. Sự kiện gặp tai nạn đó là cấu thành của quá nhiều các quyết định khác nhau, có lẽ nếu thống kê thì có thể hàng triệu,..thậm chí quy cả về việc nếu người ta không phát minh ra cồn thì đương nhiên sẽ không nướng mực bằng cồn hoặc cái nhà máy sản xuất lọ cồn đó đã không được thành lập và vì vậy cũng không có lọ cồn đó có trên thị trường.
Vấn đề lớn ở đây là nếu chúng ta thay đổi một quyết định trong quá khứ thì chưa chắc hiện tại đã tốt hơn. Ví dụ nếu như ta không đi về bằng con đường A để bị gặp tai nạn mà đi con đường B thì cũng sẽ có một tập hợp các yếu tố có thể sẽ hội tụ và khiến ta gặp tai nạn thảm khốc hơn. Nếu như vợ tôi không quyết định làm ở đó (để kô gặp tai nạn) thì cô ta có thể gặp một tai nạn khác ở một tình huống khác và chưa chắc tai nạn đó đã nhẹ hơn tai nạn hiện nay.
Trong các quyết định trong đời chúng ta mà có ảnh hưởng rộng tới cuộc sống sau này chính là quyết định lấy ai. Khi chúng ta sống chung với một ai đó thì những quyết định của họ ảnh hưởng thường xuyên tới chúng ta, tất nhiên sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc người lái xe xa lạ đi chung trên một con đường. Nếu như hai con người đó không gặp nhau họ sẽ có cuộc đời khác với việc khi hai con người đó kết hợp với nhau, giống như hai bộ phim có kịch bản khác nhau phải kết hợp với nhau để trở thành bộ phim duy nhất.
Hiệu ứng cánh bướm định nghĩa là một sai số nhỏ ở đầu vào có thể làm thay đổi rất lớn ở đầu ra được ví như một cái phất cánh của con bướm ở tokyo có thể gây ra một cơn bão ở Mỹ để thấy rằng mỗi một sự kiện xảy ra là kết hợp của rất rất rất nhiều những đầu vào và có vẻ như chúng ta không thể kiểm soát được.
Theo triết lý phương đông có sự luân hồi thì kiếp này của chúng ta là kết quả của kiếp trước, kiếp này chúng ta gây ra “Nhân” thì “Quả” có thể ngay kiếp này hoặc sẽ ở kiếp sau. Linh hồn chúng ta có thể trải qua nhiều kiếp sống khác nhau, mỗi kiếp linh hồn chúng ta học hỏi thêm nhiều điều nhờ vậy mà tiến hóa dần. Như vậy có vẻ như cuộc sống của chúng ta đã được an bài về những điểm chính, chúng ta chỉ có thể làm chủ được những điểm phụ kiểu như trưa nay sẽ ăn gì, tối nay có đi nhậu không?… Và vì vậy khi chúng ta gặp một “nạn” nào đó thì là chúng ta đã trả một cái “Nghiệp” đã gây ra ở kiếp trước, mặt tích cực là chúng ta đã hoàn thành việc trả nợ, một vòng nhân quả.
Triết lý phương tây theo quan điểm duy vật, chỉ tin vào những cái có thể chứng minh. Cuộc sống của ta được quyết định bởi chính chúng ta mà không phải bởi người khác. Tuy nhiên ta cũng thấy rõ là ta đang sống trong một xã hội mà mỗi người đều tác động đến chúng ta dù ít hay nhiều, kịch bản cuộc đời chúng ta bị méo mó đi bởi những người khác. Còn chúng ta liệu chúng ta có là ông chủ của những quyết định của chúng ta?
Chúng ta thực ra cũng chẳng làm chủ được quyết định của chúng ta mấy. Mỗi quyết định của chúng ta được hình thành từ hai yếu tố là Vô thức và Ý Thức. Vô thức được hình thành từ khi chúng ta sinh ra, từ gia đình chúng ta, từ trải nghiệm hàng ngày. Ví dụ ta sinh ra trong một gia đình bố mẹ hay cãi nhau sẽ khác với một gia đình hòa thuận, hồi nhỏ ta thường xuyên bị đánh đập khác với được chiều chuộng,….Không có vô thức xấu hay tốt mà chỉ là có phù hợp với những sự kiện chúng ta gặp hàng ngày hay không mà thôi. Hiểu về nguồn gốc của mỗi quyết định chúng ta sẽ khiến cho mỗi quyết định của chúng ta đúng hơn, mà có lẽ dùng từ phù hợp hơn thì đúng hơn vì đúng ở hiện tại chưa chắc đã là tốt cho tương lai giống như truyện Tái ông mất mã.