Mỗi chúng ta hàng ngày có lẽ đưa ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn các quyết định. Có những quyết định có mức ảnh hưởng thấp cũng có những quyết định ảnh hưởng tới cả cuộc đời một con người. Có những người khi đứng trước quyết định thì cứ đắn đo không quyết được, phải để người khác quyết hộ; có những người lại quyết dễ dàng cho dù trông ở ngoài thì quyết định đó quả là hết sức khó khăn. Vậy điểm khác biết là ở đâu?
Có một điều chắc chắn, đứng trước một sự việc phải đưa ra quyết định thì mỗi người có cách quyết định riêng. Các quyết định này thường dựa vào những kinh nghiệm tương tự mà họ đã tích lũy trong quá khứ + Năng lực tư duy giải quyết vấn đề (Tư duy tổng hợp và phân tích)
Ví dụ nếu phải đi từ Giảng Võ tới Đại học Bách khoa. Nếu như ta đi lần đầu thì ta sẽ bắt đầu đắn đo, tính toán để làm sao đi cho nhanh nhất, cũng mệt óc phết. Nhưng nếu như ta đã đi nhiều rồi, ta biết đường nào thì ngắn, đường nào giờ nào thì hay tắc, ta sẽ đưa ra lộ trình rất nhanh, chẳng phải nghĩ nhiều. Đó là những quyết định dựa trên kinh nghiệm. Nếu bạn quyết định đúng thì bạn sẽ đỡ bị đứng trong đám đông tắc đường hơn 1 giờ đồng hồ cùng với 1 lít xăng hao phí, quy ra tiền được cả.
Cũng trên tuyến đường đó, có những người trung thành với tuyến đường cố định mà họ vẫn thường đi, không bận tâm nhiều, cho dù có thể tắc hoặc không. Khi nhìn thấy dấu hiệu tắc đường họ cũng không buồn động não xem có cách nào tránh đám tắc không. Thực tế là từ Giảng võ tới Đại học Bách khoa có rất nhiều cách đi khác nhau, nếu chịu khó thử các con đường chưa bao giờ đi, chịu khó động não để ra các quyết định đúng thì bạn sẽ không bao giờ gặp tắc đường. Nhưng có nhiều người không bao giờ muốn thử thách, luôn muốn đi trên những con đường rộng thênh thang, mặc cho các yếu tố khách quan bên ngoài.
Con đường, một ví dụ rất dễ tưởng tượng để mô tả những yếu tố liên quan tới những quyết định của chúng ta. Các yếu tố bao gồm::
1. Trải nghiệm nhiều
Càng thử nhiều cái mới ta càng có nhiều kinh nghiệm. Càng làm nhiều ta càng có nhiều kinh nghiệm. Vì vậy hãy làm thật nhiều vào, nhận những việc mà bạn chưa bao giờ làm, đâm đơn những việc bạn chưa hề có kinh nghiệm trước đó….
Có nhiều người không muốn thử cái mới, không muốn làm việc nhiều, không muốn nhận việc, không muốn tìm kiếm những thử thách mới. Do vậy, họ không tích lũy được nhiều kinh nghiệm và vì vậy họ rất khó khăn khi phải đưa ra các quyết định, cho dù quyết định trong cuộc sống hay là quyết định trong công việc.
2. Kiến thức nhiều
Ngày nay, có quá nhiều thông tin, quá dễ tiếp cận các thông tin. Nhờ có google chỉ cần ta muốn tìm hiểu về cái gì là có ngay cái đó ngay lập tức, free. Hồi xưa thì làm gì có internet, sách báo cũng hiếm, thông tin thì được truyền cho chúng ta qua lăng kính lọc của VTV, của báo nhân dân, hà nội mới.
Do có quá nhiều thông tin mà ta dễ bị ngộ độc thông tin, có nhiều thông tin rất vô bổ. Tôi thực sự không tìm ra lý do gì để ta phải biết một ngôi sao nào đó sở thích, ăn mặc, gia đình…Tôi chẳng tìm ra lý do gì mà ta phải biết một vụ giết người cướp của, tra tấn trẻ con,…Tôi không tìm thấy lý do nào phải đọc các báo cáo tổng kết, các buổi trực tuyến, nghe phỏng vấn một ông chủ tịch UBND nào đó. Thời nay biết phải có kiến thức gì hóa ra là rất quan trọng, không biết kiến thức nào là quan trọng bạn sẽ chẳng tích lũy được gì cả.
Muốn biết ta nên học gì thì hãy vào hiệu sách, hãy nhìn rất nhiều quyển sách trên kệ, quyết định cái gì là có ích với nghề nghiệp của bạn, với cuộc sống mà bạn đang sống. Thời nay đừng dại mà đọc báo, bạn sẽ ngập lụt trong cái mớ giết người cướp của, hãy đọc có chọn lọc. Quyển sách được viết ra dựa trên những kinh nghiệm thu lượm được của tác giả mà nhiều khi nó đã được trả giá bới rất rất nhiều tiền, và có khi bằng cả cuộc sống của một ai đó tới cuối đời mới nghiệm ra.
Càng nhiều kiến thức, bạn càng dễ đưa ra các quyết định đúng. Nếu bạn thuộc lòng bản đồ Hà Nội, thuộc cả thời điểm tắc đường của mỗi con đường, mỗi ngôi trường, mỗi cái chợ, nơi các chú công an hay đứng,….thì có lẽ bạn chẳng bao giờ phải lo mất mỗi tuần vài giờ chỉ để gửi khó và cáu bẳn
3.Kỹ năng ra quyết định
Nếu cái gì cũng biết thì quyết định dễ dàng quá, đơn giản quá. Nhưng kiến thức thì mênh mông, nhiều tình huống ta chỉ gặp một lần trong đời như quyết định lấy vợ chẳng hạn 😛 cũng có những quyết đình chỉ có vài lần trong đời như quyết định khi nào có đứa thứ nhất, khi nào có đứa thứ hai. Cũng có những quyết định khó khăn mà ta phải quyết hàng ngày như là khi nào thì nên ….đánh vợ để khẳng định chủ quyển lãnh thổ, khi nào nên đánh con để lập lại trật tự gia đình.
Kiến thức thì mênh mông nhưng nếu ta có một kỹ năng tốt thì chỉ với một ít kiến thức và kinh nghiệm chúng ta cũng có thể đưa ra quyết định đúng. Kỹ năng ra quyết định tôi đã trình bày trong entry về kỹ năng giải quyết vấn đề trong khóa học IMQ. Nếu bạn chỉ đọc cái entry đó thì bạn sẽ có kiến thức về nó, còn nếu muốn biến nó thành kỹ năng của mình thì bạn phải tự luyện tập lấy. Bạn không thể biết bơi nếu như không xuống nước, bạn không thể giỏi võ nếu chỉ xem phim võ thuật, bạn cũng không thể hát hay khi xem người ta hát, bạn không thể luyện tập trí tuệ cảm xúc chỉ bằng cách xem phim hàn quốc. :P.
4. Thái độ đúng
Và cho dù có 3 cái trên đỉnh cao tới đâu mà bạn không có thái độ đúng thì cũng không ăn thua. Người ta không thể tránh tắc đường bằng chửi bới, cáu bẳn, oán hận, viết vài entry chửi rủa. Người ta không thể ra quyết định đúng nếu như người ta còn không muốn cả ra các quyết định.
Nếu thái độ của bạn không đúng thường có thể bạn ra được một quyết định đúng ở ngắn hạn và sai ở dài hạn. Bạn có thể ra một hành động trong khi bạn lại quyết định theo một hướng khác. Thế nào là một thái độ đúng? mỗi người một cách hiểu cho dù có nhiều quyển sách trình bày thế nào là một thái độ đúng rồi nhưng chẳng mấy ai làm được. Lý do là ai cũng muốn có một thái độ tốt kiểu như lương thiện, trung thực, giúp đỡ người khác không vụ lợi, nhiệt tình,….nhưng thái độ tốt luôn phải trả giá ở ngắn hạn.
Bạn cho tiền không vụ lợi, bạn mất tiền. Bạn trung thực bạn có thể bỏ lỡ cơ hội bỏ túi rất nhiều tiền. Bạn nhiệt tình, nhưng người ta không tương thượng cho bạn. Bạn sẵn sàng cầm bom ba càng để lao vào xe tăng địch để bảo vệ tổ quốc, bạn phải trả giá bằng mạng sống của mình. Và cái được là gì nếu ở dài hạn? Bạn có thể được Tổ quốc ghi công nếu bạn cầm bom ba càng. Bạn nhận được kết quả tốt và cảm thấy sung sướng vì mình làm được một việc có ích. Đa số kết quả thường khó nhận thấy, khó nắm bắt, khó đo đếm.
Ngoài 4 yếu tố trên có lẽ còn một yếu tố nữa phải kế tới đó là thói quen. Mỗi người có một thói quen ăn sâu vào tiềm thức rất khó thay đổi. Nhiều khi bạn đi từ nhà tới trường chỉ theo thói quen và không muốn thay đổi. Bạn làm những thứ lặp đi lặp lại mặc dù rất muốn thay đổi, muốn thử thách nhưng lại không muốn vất vả, không muốn hy sinh, không muốn chịu rủi ro. Bạn muốn làm ít mà hưởng nhiều, bạn muốn người ta phải tôn trọng bạn nhưng không muốn hành động để người khác phải tôn trọng.
Có lẽ những thứ ở trên thì đa phần chúng ta đề biết, tôi chỉ hệ thống ra để chúng ta ngẫm nghĩ. Tôi nhận thấy có rất nhiều người đưa ra các quyết định sai lầm mà đứng ở tầm cao tôi có thể nhìn ra rất rõ ràng. Và tất nhiên những người ở tầm cao hơn tôi cũng có thể nhìn ra những quyết định sai lầm của tôi. Quan trọng là ưu điểm của một quyết định sai lầm là ta có một kinh nghiệm, một kinh nghiệm mà có thể giúp ta tránh một quyết định sai lầm mang lại một kết quả tệ hại gấp nhiều lần trong tương lai.