Một nước đang phát triển phải hiểu các vận động mang tính xu thế tất yếu của mình. Trong phần cơ cấu kinh tế ta thấy mặc dù chia theo nhiều tiêu chí khác nhau nhưng trong mỗi cách thức phân loại đều có một xu thế vận động nhất định. Việc bổ ra thành nhiều lát cắt của cùng một vấn đề giúp ta có cái nhìn nhiều chiều hơn.
Trong các xu thế đó thì xu thế chuyển dịch cơ cấu ngành là xu thế vận động quan trọng nhất mà các nước đang phát triển phải tính tới. Có hai quy luật trong xu thế vận động:
1. Quy luật tiêu dùng của Engel:
Trong ba lĩnh vực Nông nghiệp, Công nghiệp, Dịch vụ; người ta coi sản phẩm của nông nghiệp là hàng hóa thiết yếu; sản phẩm của công nghiệp là hàng hóa lâu bền; sản phẩm của dịch vụ là hàng hóa cấp cao.
Tùy thuộc vào thu nhập mà cách thức tiêu dùng của chúng ta khác nhau:
Một người thu nhập 200 triệu/năm tiêu dùng khác với một người 20 triệu/ năm rất rõ rệt. Người thu nhập 20 triệu/năm sẽ dành hầu hết tiền của họ cho hàng hóa thiết yếu; khi thu nhập tăng lên họ tiêu dùng hàng thiết yếu nhiều hơn; nhưng khi tới một mức nào đó họ lại tiêu dùng ít đi do họ chuyển sang loại hàng khác ví dụ thay vì đi mua đồ về tự nấu thì họ đi nhà hàng nhiều hơn.
Nếu toàn bộ người dân trong một nền kinh tế có sự chuyển dịch tiêu dùng như vậy thì tất nhiên là các ngành cung cấp cũng sẽ phải thay đổi theo nhu cầu của tiêu dùng. Mặt khác các nhà cung cấp sẽ có thu nhập cao hơn khi chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi sang dịch vụ; và cũng chính họ lại là người tiêu dùng.
Đây là một vòng khép kín; tự thu nhập tăng sẽ khiến cách thức tiêu dùng thay đổi kéo theo cơ cấu ngành dịch chuyển dần.
2. Quy luật tăng năng suất lao động của Fisher
Cùng với thời gian công nghệ nuôi trồng, công nghệ sinh học khiến cho cùng trên một ha đất năng suất tăng lên, số lao động cần thiết cũng ít dần đi. Điều này tạo ra một sự dư thừa lao động nông thôn. Lực lượng lao động ở nông thôn này dịch chuyển ra thành thị làm trong các khu công nghiệp khiến cho tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm đi và tỷ trọng lao động công nghiệp tăng lên.
Lewis cho rằng tỷ lệ lợi nhuận biên của ngành nông nghiệp sẽ giảm dần và tiến tới bằng không do giảm về số lượng, chất lượng của đất và nước. Việc tiếp tục tăn thêm các yếu tố đầu vào tcho khu vực nông nghiệp sẽ không làm tăng mức sản lượng đầu ra tương ứng.
Người lao động dư thừa ở nông thôn nếu anh ta tiếp tục ở nông thôn sẽ tạo ra một sự thất nghiệp trá hình. Anh ta sẽ vẫn có việc nhưng năng suất lao động ngày càng giảm dần. Khối lượng công việc ngày càng giảm dần do công nghệ, nhưng số người lao động lại càng tăng dần; vì vậy các thành viên trong giai đình sẽ cùng nhau chia sẻ công việc cứ ngày càng ít dần.
Trong khi đó công nghiệp lại đang rất thiếu lao động vì vậy theo quy luật nguồn lực sẽ tự chảy từ nơi bị trả giá thấp sang nơi được trả giá cao nên người lao động sẽ dịch chuyển sang khu vực công nghiệp.
Tuy nhiên việc người lao động dịch chuyển từ ngành này sang ngành khác đòi hỏi phải có thời gian đào tạo. Mỗi ngành lại có mức độ khó trong thay thế khác nhau:
Nông nghiệp: là ngành dễ thay thế lao động nhất; một người làm trong ngành dịch vụ chẳng mấy khó khăn để làm trong ngành nông nghiệp.
Công nghiệp : là ngành khó thay thế hơn nông nghiệp; một người nông dân phải qua đào tạo nghề mới có thể gia nhập vào lĩnh vực công nghiệp. Và để tiếp tục thăng tiến trong lĩnh vực công nghiệp anh ta còn phải tiếp tục được đào tạo.
Dịch vụ: là ngành khó thay thế nhân lực nhất. Một người nông dân để làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giáo dục… có khả năng là sẽ không được nếu như không được đào tạo ngay khi bước qua tuổi thành niên
Điều này không có nghĩa là một người làm về dịch vụ có thể dễ dàng tổ chức một nông trại chăn nuôi. Xu thế trên chỉ phù hợp với số đông; có nghĩa là những lao động phổ biến trong mỗi ngành.
Các ngành có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ và có mối quan hệ bổ trợ nhau:
Để có nông sản, người nông dân có thể phải mua giống lúa, mua phân bón, mua máy cầy, máy kéo, máy gặt,,….Sau một thời gian trồng, chăm bẵm có được hạt lúa, người nông dân sẽ bán cho người thu mua. Người thu mua này sẽ chế biến hạt gạo bằng cách phân loại hạt, đánh bóng, đóng gói và bán cho công ty thương mại A. Công ty TM A này lại phân phối tới các sạp chợ hoặc xuất khẩu cho công ty B ở nước ngoài,….
Như vậy nông sản có mối quan hệ ngược với phân bón, máy móc và quan hệ xuôi với hệ thống chế biến, phân phối. Toàn bộ các công đoạn này thì có công đoạn thuộc về nông nghiệp như ươm giống, trồng trọt; có công đoạn thuộc về công nghiệp như sx phân bón, chế biến đóng gói và có công đoạn thuộc về dịch vụ như quảng cáo, xây dựng thương hiệu, vận chuyển,..
Tương tự để may một cái áo thì cần phải có vải, để dệt vải thì phải có người trồng bông, người làm hóa chất nhuộm. Có áo rồi thì phải phân phối tới người tiêu dùng.
Để có nhà thì phải có vật liệu xây dựng, có các công ty thiết kế. Để có vật liệu xây dựng thì phải có các nhà máy xi măng, khai thác đá, cát…
Để phát triển du lịch thì phải có các khu vui chơi nghỉ dưỡng, có khách sạn nhà hàng, có hệ thống giao thông, có người phiên dịch,….Đó là cách của Thái Lan khi dùng du lịch để kéo theo các ngành khác phát triển như đường xá, khách sạn, nhà hàng, sòng bạc, ngành sx ô tô,…Hàn quốc lại đẩy mạnh ngành sản xuất thép kéo theo ngành ô tô…
Vì vậy người ta sẽ không cùng lúc đẩy mạnh toàn bộ cả chuỗi mà chọn một mắt xích trong chuỗi để phát triển; sau đó các ngành khác sẽ tự động phát triển theo. Đẩy mạnh lĩnh vực may mặc sẽ làm tăng trưởng ngành dệt và mảng phân phối. Việt Nam từ đầu đã theo phương pháp này nhưng cuối cùng thì vẫn nhập sợi từ nước ngoài do ngành dệt không phát triển; tập trung bán ra thị trường nước ngoài mà bỏ quên thị trường trong nước. Các thương hiệu như may 10, Quyết Thắng, Việt Tiến,…đều là thương hiệu lớn nhưng lại chủ yếu phục vụ cho xuẩt khẩu.
Tương tự, Chúng ta giảm thuế linh kiện ô tô và tăng rất cao ô tô thành phẩm để đẩy mạnh ngành ô tô trong nước. Cuối cùng thì lại chỉ đẩy mạnh ngành lắp ráp mà không đẩy mạnh được công nghệ phụ trợ. Đó là vấn đề chung của chúng ta, đẩy mạnh một mắt xích nhưng không kéo theo các mắt xích khác.
[…] Kinh tế phát triển (P5:Chuyển dịch cơ cấu ngành)11/01/2014 […]