Trong entry trước có bàn về thói quen chủ động. Một người chủ động tự mình quyết định mình nghĩ gì, làm gì để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Trong thói quen chủ động bạn đưa ra các lựa chọn, có những lựa chọn đúng và những lựa chọn sai. Khi lựa chọn sai bạn rút kinh nghiệm để không lặp lại ở tương lai.
Nhưng bạn không thể cứ lặp lại sai lầm mãi được vì trước khi bạn có kinh nghiệm thì bạn đã phải trả giá cho sai lầm của mình rồi. Có những sai lầm ảnh hưởng tới cả đời người, ảnh hưởng vài năm, vài tháng, vài ngày.. Bắt đầu từ mục tiêu sẽ giúp bạn hạn chế tối đa các lựa chọn sai để tiến tới đích nhanh nhất. Dù sao bạn biết rõ điểm đến vẫn hơn là bạn mù mờ.
1. Khái niệm sáng tạo hai lần
Trước khi bắt tay vào xây dựng một ngôi nhà, chúng ta hình dung ra ngôi nhà đó và được phác họa cụ thể ra thành bản vẽ. Trước khi thiết kế nội thất một ngôi nhà, chúng ta hình dung ra ngôi nhà trông sẽ như thế nào, mỗi đồ đạc sẽ đặt ở đâu.
Như vậy trước khi một thứ gì đó xuất hiện như vật chất thì nó đã được định hình về mặt tinh thần rồi. Hết giờ làm, bạn nghĩ về nhà, nhà là điểm đến, bạn hình dung ra đường đi và thực hiện. Bạn không thể bước ra khỏi công ty và đi lung tung với hy vọng là sẽ về nhà được.
Hoạt động sáng tạo lần một và sáng tạo lần hai là hai giai đoạn. Có thể một người nào đó sáng tạo lần một và bạn là người sáng tạo lần hai.
Khi còn nhỏ thường người sáng tạo lần 1 sẽ là bố mẹ bạn. Bố mẹ bạn bảo là phải học trường này, trường kia thì mới tốt. Bạn thực hiện theo vì tin tưởng hoặc bị thúc ép. Khi ra trường bạn có thể biết rằng lựa chọn đó là đúng hay sai.
Khi đi làm, sếp hình dung ra đích đến và giao việc cho bạn, bạn làm công việc đó xong mà không hề là người sáng tạo lần 1.
Ngoài xã hội, bạn bè bảo làm cái này cái kia, bạn tin tưởng. Và bạn làm theo.
Về gia đình, vợ và con bảo bạn làm cái này, cái kia. Và bạn làm theo.
Nếu bạn theo một tín ngưỡng nào đó, các vị chúa, phật bảo là phải làm cái này mới tốt, không được làm những cái kia. Và bạn làm theo.
Có đôi khi cả đời ta làm theo lời người khác, ta là người sáng tạo lần hai, chính ta là người chịu cái kết quả đó nhưng cái kết quả đó lại bắt nguồn từ người khác.
Nếu bạn rèn luyện được thói quen thứ nhất (chủ động) thì bạn sẽ trở thành người sáng tạo lần 1. Chính bạn hình dung ra đích đến và chính bạn là người tới đích. Bạn nghĩ ra việc cần làm và bạn làm công việc đó.
Bạn có thể sáng tạo cả đời bạn, sáng tạo vài chục năm, sáng tạo vài năm, sáng tạo vài tháng, sáng tạo vài ngày, sáng tạo vài giờ, thậm chí sáng tạo vài phút. Tất cả phụ thuộc và nhận thức và trí tưởng tượng của bạn.
2. Sáng tạo cả cuộc đời
Chết là điểm kết thúc của mỗi người, nếu chết chính là deadline thời gian thì lúc đó chúng ta muốn đạt tới cái gì? Không hẳn câu trả lời là lúc đó những người xung quanh tiếc thương mình như thế nào vì điều đó là vô nghĩa đối với bạn. Cuộc sống là tiến trình, đích đến chỉ là điểm kết thúc mà thôi.
Để trả lời câu hỏi này đòi hỏi chúng ta tự suy nghĩ rằng chúng ta đang hướng cuộc sống vào trọng tâm nào. Có một số trọng tâm sau
1. Hôn nhân (vợ/chồng)
2. Gia đình ( bao gồm cả con cái, bố mẹ)
3. Công việc, danh vọng
4. Tiền bạc
5. Bạn bè.
6. Kẻ thù
7. Cá nhân
8. Xã hội
9. Tôn giáo
10. Thú vui
Việc chúng ta coi cái gì là trọng tâm có thể do chúng ta chủ định và tự nhận thức được điều đó. Hoặc cũng có thể chúng ta không chủ định và cũng không tự nhận thức được. Mỗi một trọng tâm đều có những ưu nhược điểm riêng.
– Trọng tâm kẻ thù:
Bạn có một anh hàng xóm vô cùng khó chịu. Anh ta thường xuyên gây ra tiếng ồn lúc nửa đêm, vứt rác sang nhà bạn. Hôm nào anh ta và bạn cũng phải cãi nhau về một lý do nào đó. Lúc nào trong đầu bạn cũng căm ghét, nguyền rủa và tìm cách trả thù anh ta.
Một ngày đẹp trời, anh hàng xóm chuyển đi, bạn chuyển sự chú ý sang xã hội. Xã hội ngày nay thật là loạn, con người đối xử với nhau vô cảm, Angela Phương Chinh vừa mới bị đánh, tình hình căng thẳng ở biên giới Việt Trung,…Bạn có một ông sếp mới, bạn căm thù ông ta, chính ông ta khiến cuộc đời của bạn trở nên xám xịt…
Người đặt trọng tâm vào kẻ thù luôn trong một giai đoạn của cuộc đời căm thù một ai đó. Giá trị của anh ta là so sánh tương đối với kẻ thù.
– Trọng tâm bạn bè
Bạn có rất nhiều các nhóm bạn khác nhau. Các nhóm bạn hoạt động rất vui. Gần như tối nào bạn cũng có thể cafe chém gió với bạn bè. Bạn quan tâm tới họ, lo lắng cùng họ các vấn đề của họ.
Nếu phải đứng trước nhiều sự lựa chọn như đưa con đi chơi, làm nốt việc ở công ty, xem nốt cuốn phim, bạn bè rủ đi chơi,… thì chắc chắn bạn sẽ đi chơi cùng bạn bè.
Người đặt trọng tâm vào bạn bè dành hầu hết thời gian của họ cho bạn bè. Giá trị tự cảm nhận của anh ta là số lượng các mối quan hệ
– Trọng tâm tiền bạc
Mong muốn của bạn là kiếm càng nhiều tiền càng tốt. Tiền đối với bạn là thước đo của hạnh phúc. Khi đứng trước các lựa chọn khác nhau thì bạn sẽ chọn thứ mang lại nhiều tiền nhất.
Người đặt trọng tâm vào tiền coi tiền là trên hết. Giá trị tự cảm nhận của anh ta được đo đếm bởi số lượng tiền anh ta có.
– Trọng tâm hôn nhân (vào vợ / chồng)
Ví dụ như bạn là vợ thì lúc nào bạn cũng nghĩ tới chồng, làm sao để anh ta cảm thấy thoải mái nhất. Bạn suy nghĩ và hành xử theo người đó.
Nếu đứng trước các sự lựa chọn thì bạn ưu tiên cho người hôn phối.
Người đặt trọng tâm vào hôn nhân dành hầu hết thời gian, các mối quan tâm cho vợ/chồng. Giá trị tự cảm nhận của anh ta sự hoàn hảo của vợ/chồng.
– Trọng tâm vào gia đình
Con cái phải được giáo dục kỹ lưỡng, bố mẹ phải được báo hiếu, họ hàng phải chăm đi lại. Bạn sẽ chuẩn bị mọi thứ để gia đình mình được an toàn.
Người đặt trọng tâm vào gia đình rất coi trọng sự an toàn, sự thoải mái của gia đình. Giá trị tự cảm nhận của anh ta phụ thuộc vào mức độ hạnh phúc của gia đình mình.
– Trọng tâm cá nhân
Thỏa mãn nhu cầu của bạn luôn phải là ưu tiên hàng đầu. Mọi người cảm nhận bạn là con người ích kỷ.
Tuy nhiên nếu như trọng tâm cá nhân theo hướng phát triển bản thân để cống hiến cho người khác thì đó lại là mang nghĩa tích cực.
– Trọng tâm vào công việc
Lúc nào bạn cũng nghĩ tới việc hoàn thành các công việc còn dang dở. Có thể bạn đang đi chơi với con nhưng đầu óc bạn thì đang nghĩ tới công việc tại công ty vào ngày mai.
Nếu phải lựa chọn giữa việc về sớm chơi với con và ở lại công ty muộn để làm nốt việc thì bạn sẽ nhanh chóng lựa chọn ở lại công ty.
– Trọng tâm tôn giáo
Thể hiện rõ nhất là bạn theo một tôn giáo nào đó. Bạn cảm thấy rất phấn khích và tiếc cho những ai không biết tới đạo mà bạn đang theo đuổi.
Càng thờ cúng, càng dành thời gian nhiều cho tôn giáo đó bạn càng cảm thấy an toàn. Người theo tôn giáo sẽ chịu sự chi phối của các giáo lý, có xu hướng mù quáng và bị lợi dụng. Giá trị bạn tự cảm nhận là thời gian và công sức dành cho tôn giáo đó.
Tóm lại bạn đặt trọng tâm cuộc đời vào cái gì khi mà bạn dành nhiều thời gian cho cái đó và đứng trước nhiều lựa chọn bạn chọn cái đó,
Nhược điểm chung đó là chúng ta coi trọng cái gì thì chúng ta sẽ phụ thuộc vào nó.
Nếu ông chồng vui vẻ thì bà vợ cũng vui vẻ, nếu ông chồng bực tức thì bà vợ cũng phiền lòng. Nếu công việc trôi chảy thì cảm thấy phấn chấn, nếu công việc không thuận lợi thì cảm thấy mệt mỏ, chán nản.
Chúng ta cũng sợ mất đi cái mà chúng ta coi trọng. Khi thứ đó mất đi ví dụ như công việc, bạn bè, tiền bạc,…thì chúng ta hụt hẫng, mất phương hướng.
Nếu bạn không tự nhận thức được mình đang trọng tâm vào cái gì thì bạn sẽ phó mặc cho hoàn cảnh. Lúc cuộc sống khó khăn bạn đặt trọng tâm vào tiền bạc, lúc gia đình căng thẳng bạn đặt trọng tâm vào gia đình, lúc con cái trở nên hưu đốn bạn đặt trọng tâm vào con cái, lúc sợ chết bạn trọng tâm vào tôn giáo…
Nếu như hậu quả đã xảy ra rồi thì việc đặt trọng tâm vào đó cũng trở nên vô nghĩa. Bạn phải chủ động để điều đó không xảy ra.
Vậy thì trọng tâm vào cái gì là tốt ?
Không cái gì là tốt cả nếu cực đoan.
Trọng tâm dựa vào nguyên tắc
Bạn xây dựng cho mình một bộ nguyên tắc dựa trên hai nền tảng đó là 1.Nguyên tắc luôn đúng và 2. Nguyên tắc phù hợp cho riêng bạn.
Những nguyên tắc luôn đúng là những nguyên tắc cho dù hoàn cảnh xảy ra như thế nào thì nó vẫn đúng. Nó được hình thành từ các quy luật bất biến. Ví dụ hạt trong đất nảy ra cây, cây lớn lên hấp thụ co2 và thải ra 02, rồi một lúc nào đó cây chết đi, mục và trở thành đất. Cái cây không tự nhiên mà có, O2 cũng không tự nhiên xuất hiện, mưa không tự nhiên sinh ra, mây không tự nhiên mà có trên bầu trời.
Quy luật nhân quả cũng là một quy luật luôn đúng.
Nguyên tắc phù hợp của riêng bạn là bạn đứng trên mọi nguyên tắc để soi xét hoàn cảnh. Đứng trước các sự lựa chọn, bạn không bị bắt buộc phải theo lựa chọn nào cả.
Điều này không có nghĩa là trong cuộc sống bạn chẳng trọng tâm vào gì cả mà là bạn nhận thức rõ mình đặt trọng tâm vào cái gì và không theo hướng cực đoan mà coi nhẹ những thứ khác.
Ví dụ:
Sắp tới giờ về, bỗng sếp giao thêm việc cho bạn. Bạn cân nhắc trên các tiêu chí trọng tâm để lựa chọn ra thứ phù hợp. Nếu bạn đã hẹn với con là về đưa nó đi chơi trong khi công việc này không thực sự cần gấp thì bạn có thể hứa với sếp sẽ hoàn thành vào sáng mai.
Tuyên ngôn sứ mệnh được xây dựng dựa trên các nguyên tắc mà bạn cho rằng bạn sẽ tuân thủ. Ví dụ:
– Luôn suy nghĩ lạc quan, tư duy tích cực.
– Sẵn sàng giúp đỡ người khác
– Không gây tổn hại tới người khác.
– Nghe nhiều hơn nói.
– Cân bằng giữa cá nhân, gia đình và công việc.
Tuyên ngôn sứ mệnh cuộc đời sẽ giúp bạn có một hành trình sống mà bạn không phải ân hận tại thời điểm deadline của cuộc đời.
3. Băt đầu từ mục tiêu
Sử dụng trí tưởng tượng của mình để hình dung ra viễn cảnh khi bạn kết thúc hành động trước khi bạn thực sự hành động. Đôi khi chúng ta muốn bắt tay ngay vào công việc vì sớm được phút nào thì kết thúc nhanh phút đấy. Khởi hành khi chưa biết đích đến thì khả năng chúng ta lại mất thời gian quay trở lại điểm xuất phát.
Muốn xác định mục tiêu vào lúc 40 tuổi, hãy tưởng tượng lúc bạn 40 bạn sẽ như thế nào. Bạn đã hoàn thành được gì? Đã có cái gì? Đã cống hiến cái gì? Sức khỏe của bạn sẽ ra sao? Trả lời các câu hỏi sẽ giúp bạn nhận thức ra là trong quãng thời gian từ nay tới đó bạn nên ưu tiên nguồn lực cho cái gì hơn.
4. Định vị vai trò
Mỗi giai đoạn của cuộc sống chúng ta đóng một vai trò trọng tâm nào đó. Lúc trẻ thì là con trong gia đình, lúc lập gia đình thì người vợ, người chồng. Lúc có con thêm vai trò người cha…
Mỗi giai đoạn bạn sẽ phải nhận thức rõ mình ưu tiên cho cái gì. Khi đã lập gia đình, bạn không thể trọng tâm vào bạn bè như thể lúc bạn đang còn độc thân. Khi đã về già bạn không thể trọng tâm vào tiền bạc được nữa.
Trong gia đình, người vợ hay chồng có những hoàn cảnh sống khác nhau. Khi cuộc sống gia đình không thuận lợi, cả vợ và chồng đều có xu hướng trở lại trạng thái trọng tâm trước khi lập gia đình. Càng so sánh, càng thấy mình đã hy sinh quá nhiều, mất mát quá nhiều,…Việc so sánh này dẫn tới việc giải phóng cho nhau. Họ muốn trở lại vai trò trước đó nhưng cuộc sống không cho phép họ như vậy, họ chỉ có thể trì hoãn tiếp nhận vai trò mới.
Nếu bạn chống lại quy luật thì bạn sẽ rơi vào trạng thái lạc lõng khi vai trò đang nắm giữ không phù hợp với giai đoạn đang sống.
Tóm lại Thói quen thứ hai như sau:
– Xây dựng bản tuyên ngôn sứ mệnh là các nguyên tắc bạn sẽ tôn trọng trong cuộc sống.
– Hình dung ra bạn ở các thời điểm khác nhau để xác định rõ mình mong muốn đạt được cái gì và phải ưu tiên cho cái gì.
– Trở thành người sáng tạo thứ nhất cho đời mình thông qua sự chủ động, trí tưởng tượng.
– Đừng quá trọng tâm vào cái gì một cách cực đoan hay phó mặc cho ngoại cảnh bắt mình phải trọng tâm vào cái gì.
Nhờ anh Dũng mà em hiểu thêm cuốn sách 7 thói quen. Cảm ơn anh!
Cảm ơn bạn. Nhờ bạn viết ra dễ đọc dễ hiểu hơn rất nhiều. Mình đọc sách phải mấy lần mới ngộ ra vấn đề. Mà đọc bài của bạn dễ hiểu hẳn ra.
cảm ơn em; chuỗi bài này hình như anh còn thiếu 3 thói quen cuối trong 7 thói quen của người thành đạt.