< Thói quen thứ tư: Tư duy cùng Thắng>
Hồi xưa khi đánh giá học sinh thì bên cạnh các điểm số còn có thứ bậc trong lớp học. Ví dụ như hồi tôi học tiểu học thì tôi thường dao động quanh 47/52 (xếp thứ 47 trên 50 học sinh). Vì xếp theo kiểu này nên cho dù điểm số kiểu gì thì cũng luôn có người trước người sau, có người đứng đầu và có người cuối lớp. Nó có nghĩa là nếu bạn học giỏi hơn tôi thì tôi sẽ bị tụt đi ít nhất 1 bậc vì bạn.
Khi đi thi đại học, cho dù giảm khảo có trông lỏng tới đâu thì ta cũng không muốn cho người bên cạnh xem bài. Vì nếu như ta cho bạn đó xem thì có khả năng ta sẽ bị ít đi một cơ hội trúng do việc xét điểm là từ cao xuống thấp.
Khi một công ty đăng tuyển 20 vị trí mà có tới 30 người tới phỏng vấn thì ta cũng chẳng bao giờ chia sẻ thông tin phía trong mà ta biết được. Nếu ta chia sẻ thông tin quan trọng đó hay là nhắc anh ta về một điều gì đó thì đồng nghĩa với việc ta ít đi một cơ hội được trúng.
Khi đã được nhận vào làm thì nếu như anh bên cạnh giỏi hơn mình thì khi có cơ hội anh ta sẽ lên làm trưởng phòng vì vậy ta không muốn giúp đỡ anh ta.
Mỗi một công ty đều có một cơ cấu tạo lên một chuỗi giá trị. Việc đánh giá mỗi phòng ban dựa trên việc lấy hiệu số của Giá trị phòng đó tạo ra và Chi phí phải trả. Vì vậy phòng ban có xu hướng đùn đẩy những trách nhiệm tạo ra chi phí và lôi kéo về mình những thứ tạo ra giá trị.
Trong gia đình, khi bố mẹ mua về một gói bánh. Nếu thằng anh ăn thêm một cái bánh cũng có nghĩa là con em bị ít đi một cơ hội có thêm được một cái bánh. Khi lớn lên, bố mẹ chỉ có một lượng gọi là X của cải, thằng anh được thừa kế thêm một tài sản thì có nghĩa là con em bị ít đi một cơ hội có thêm tài sản.
Ở ngoài đường, đường xá thì cố định về chiều rộng. Xe của bạn đi trên đó thì xe của tôi ít đi một cơ hội đi nhanh hơn, thêm các rủi ro về tắc đường.
Trong các cuộc thi như võ vẽ, bơi lội, cờ quạt,.. thì đương nhiên là anh thắng thì tôi thua.
Như vậy ta thấy là tư duy chủ đạo của chúng ta từ bé tới lớn, từ ngoài đường tới trong nhà, từ ngoài xã hội tới trong công ty,.. đều là Tư duy Thắng – Thua. Được định nghĩa là anh Thắng thì tôi Thua.
Hồi còn đi học ta thấy mấy đứa bạn học giỏi quá, ban đầu ta cũng cố gắng để đuổi kịp chúng, dần dần ta nhận ra rằng có cố cũng chẳng được. Ta bảo là “các bạn cứ học giỏi đi, tớ chịu thua”, sự cố gắng cứ giảm dần cho tới khi mặc định rằng ta thua.
Ở ngoài đường ta cũng muốn tránh xa mấy tay anh chị vì thời các cụ đã có câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ta bảo là ” Vâng, anh khỏe, tôi yếu; tôi xin nhận thua”.
Trong công ty ta thấy có những nhân vật kiệt xuất. Ta cho rằng có cố cũng chẳng bằng được nên ta chấp nhận “Vâng, anh giỏi, tôi kém”.
Trên thương trường, khi gặp các đối thủ to con trong khi ta có một mô hình công ty siêu siêu nhỏ. Ta cho rằng ta không thể cạnh tranh được và ta rút lui còn trước khi cả biết là công ty đó đang làm có bằng ta không.
Đi nước ngoài vì mang trong mình rằng mình là một nước nhược tiểu nên ta luôn cảm thấy sao cái gì của nước ngoài cũng tốt thế. Ta còn trầm trồ cả những cái họ thực sự kém hơn ta vì nghĩ rằng họ làm như vậy chắc phải nghiên cứu kỹ lưỡng lắm.
Tâm lý nhận thua còn trước khi cả biết rõ về cuộc cạnh tranh là Tư duy Thua – Thắng. Người mang tư duy này cực kỳ thiếu tự tin, họ sống trong sự an toàn kiểu AQ rằng tôi đã công nhận là anh Thắng rồi thì hãy để cho tôi yên.
Đôi khi có những người họ chủ động nhận thua khi thấy tranh đấu không giải quyết vấn đề gì cả, đó là sự nhường nhịn. Muốn nhìn ra người nào đó có trong mình Tư duy Thua – Thắng không thì phải xem trong những trường hợp cụ thể mà họ tự mình từ bỏ những lợi ích mà đáng nhẽ ra nếu cố gắng họ cũng sẽ có được.
Ngay cả những người tự tin nhất cũng sẽ có lúc rơi vào tư duy Thua – Thắng. Nó ngăn cản bạn học hỏi vì cho rằng mình không thể học hỏi, nó ngăn cản bạn làm việc trong một công ty tốt vì cho rằng mình không thể cạnh tranh được với các ứng viên khác, nó ngăn cản bạn có một cô vợ đẹp vì nghĩ rằng không thể cạnh tranh với các đối thủ khác. Tóm lại nó ngăn cản bạn đạt được những cái mà đáng nhẽ ra bạn sẽ đạt được nếu không bỏ cuộc ngay từ đầu.
Khi ta có suy nghĩ là “không ăn được thì đạp đổ” thì đó là Tư duy Thua – Thua. Cho dù việc anh ta thắng chẳng ảnh hưởng tới ta nhưng ta thậm chí sẵn sàng chịu chi phí để anh ta thua.
Ví dụ về các trường hợp các anh bị các cô từ chối quay ra nhẹ thì nói xấu, nặng thì tạt axit thì nhiều lắm. Vì vậy các cô nên tránh xa những loại người này đặc biệt là những người còn thêm tính cách bất cần đời hay có hành vi bạo lực.
Người có tư duy thua thua sẽ lôi kéo bạn xuống hố nếu bạn là bạn của anh ta. Giả sử như bạn có một kế hoạch hay ho dẫn tới kết quả tốt nào đó thì họ sẽ đưa ra các lời khuyên để bạn nản trí và từ bỏ. Họ cho rằng nếu họ không thực hiện được thì bạn cũng nên không thực hiện được.
Những người tư duy Thua – Thua đa phần là có cuộc sống thất bại. Để chắc ăn anh ta thường làm bạn với những người cũng thất bại vì anh ta sẽ an tâm rằng cả làng thất bại chứ chẳng phải riêng mình. Mà nếu có thằng bạn có điểm gì đó thành công thì anh ta cũng phải lôi xuống cho bằng được hoặc là không chơi nữa. Do đặc điểm này nên người có tư duy Thua – Thua càng khó thay đổi được cuộc sống hiện tại của mình.
Người có tư duy Thua -Thắng và tư duy Thắng – Thua đều có tính cách ganh ghét những người thành công. Người Việt Nam ta đa phần đều rơi vào một trong hai loại này. Khi báo đài đưa ra một câu chuyện thành công nào đó thì thể nào bên cạnh những người trầm trồ suýt xoa thì cũng có những người nghi ngờ, đả kích, xuyên tạc,…
Những người này cũng có xu hướng đọc những tin mang tính tiêu cực vì nó cho họ cảm giác họ là người ở thế thắng cuộc. Hoặc họ có xu hướng đọc các tin mà giúp giải thích cho nguyên nhân thua cuộc của họ ví dụ như sự yếu kém của chính phủ, sự tha hóa của công chức, sự biến chất của cảnh sát,…
Mỗi người trong chúng ta đều có thiên hướng về một tư duy nào đó. Tùy từng trường hợp cụ thể mà ta có thể nhẩy sang loại tư duy khác nhưng rồi ta sẽ lại quay lại tư duy chủ đạo.
Không có tư duy nào tốt hay xấu, chỉ có thể xác định trong những tình huống cụ thể.
1. Tình huống thi đua áp dụng Tư duy Thắng – Thua
Nếu chỉ có một cái bánh và chỉ xét riêng cái bánh đó thì anh ăn phần nhiều thì tôi sẽ ăn phần ít.
Nếu trong một cuộc thi, anh là người thắng cuộc thì tôi sẽ là người thua cuộc.
Trong một thị trường đã bão hòa thì anh bán được thêm hàng nào thì tôi bán được ít đi thêm hàng đấy.
2. Tình huống áp dụng Tư duy Thua – Thắng
Nếu tôi thấy rằng giữa Thắng và Thua không có khác biệt gì nhiều, hoặc nếu tôi thấy rằng để Thắng tôi phải trả giá nhiều hơn thì tôi sẽ nhận Thua.
Khi tôi nhận thua ở mặt này tôi sẽ để dành được thời gian để tập trung vào thắng ở mặt khác.
Một doanh nghiệp bất kỳ không cố gắng thắng trên toàn bộ thị trường. Họ chỉ thắng ở một phân khúc nào đó và thua ở mọi phân khúc còn lại.
Thắng Thua chỉ mang tính chất tương đối vì vậy cần nắm rất rõ tình huống cụ thể để áp dụng cho phù hợp.
Trong tình hụống Thắng – Thua nếu như số đối tượng cạnh tranh lớn thì tôi và anh chuyển sang Tư duy Thắng – Thắng sẽ có lợi hơn. Việc tôi và anh bàn nhau cách giải một bài thi trong một kỳ thi đại học sẽ có lợi hơn là có hại. Hay tôi và anh cùng giúp đỡ nhau trong một cuộc thi chạy việt dã của một cuộc thi hàng trăm người tham dự sẽ tốt hơn là anh chèn không cho tôi chạy lên.
Tôi và anh là đồng nghiệp của nhau và có thể cùng cạnh tranh với nhau về sự tín nhiệm của cấp trên. Nhưng việc anh bị giảm tín nhiệm không có nghĩa là tín nhiệm của tôi được tăng lên hay việc anh tăng tín nhiệm sẽ làm giảm tín nhiệm của tôi. Nếu tôi và anh cùng phối hợp với nhau trong Tư duy cùng Thắng thì tôi và anh đều được gia tăng sự tín nhiệm, gia tăng trình độ.
Mỗi người có một khoảng thời gian cố định. Đôi khi ta cho rằng mọi thứ đều có sự đánh đổi kiểu như nếu tôi chăm lo cho bản thân thì khó chăm lo cho gia đình, nếu tôi đi làm cả ngày thì khó dậy dỗ con cái, nếu tôi làm việc A thì không thể làm được việc B. Những suy nghĩ kiểu như ” Giá mà tôi không hy sinh vì gia đình quá nhiều thì tôi đã có thời gian chăm lo bản thân” có rất nhiều. Đó là tư duy nhận thua ngay cả trước khi thực sự nghĩ về điều đó. Thực tế là bạn có thể làm tất cả mọi chuyện bằng cách gia tăng năng suất và tổ chức thời gian được hiệu quả hơn.
Ở entry sau ta sẽ tìm hiểu về Tư duy cùng Thắng.
Sách tham khảo: 7 thói quen của người thành đạt
bài viết quá hay, cảm ơn anh nhiều nhiều