Thông minh tài chính (P4: Dầu mỏ và các chỉ số kinh tế vĩ mô)

1
8411

Entry này ta sẽ nói tới chủ để dầu mỏ. Sở dĩ chúng ta quan tâm tới dầu mỏ là vì…thời sự hàng ngày ra rả về giá dầu còn thỉnh thoảng mới đưa tin về giá vàng.

Bất cứ một hàng hóa hay dịch vụ nào cũng có hình bóng của dầu trong đó. Dầu dùng để sản xuất điện, chạy các dây truyền máy móc, là nguyên liệu của các phương tiện vận tải, làm phân bón, làm nhựa đường,.

Thiếu vàng thì cùng lắm cô dâu Việt Nam đeo cái vòng vàng mỏng hơn nhưng thiếu dầu thì chỉ có nước về thời đồ đá. Chúng ta chỉ nghe tới giá vàng trong các bản tin kinh tế còn giá dầu thì cả trong các bản tin về chính trị và xã hội.

Nhìn bảng dưới ta thấy các sự kiện liên quan tới dầu mỏ cũng liên quan tới các sự kiện kinh tế, chính trị. Nó là giằng co giữa bên cung với mong muốn dùng dầu để kiểm soát kinh tế, chính trị và những người bên cầu muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu.

 

Dầu mỏ ảnh hưởng tới giá các loại tài sản khác vì vậy cho dù bạn không định đầu tư vào dầu bằng cách mua vài chục thùng nhét gầm giường thì bạn cũng phải am hiểu về nó.

Phân biệt các loại dầu

Dầu biển bắc (dầu Brent): khai thác từ hệ thống mỏ Brent và Ninian trên biển bắc. Dầu mỏ sản xuất ở châu Âu, châu Phi và dầu mỏ khai thác ở phía tây của khu vực Trung Cận Đông được đánh giá theo giá của dầu này, nó tạo thành một chuẩn (benchmark) đánh giá dầu.

Dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) cho dầu mỏ Bắc Mỹ.

Dubai được sử dụng làm chuẩn cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương của dầu mỏ Trung Cận Đông.

Tapis (từ Malaysia, được sử dụng làm tham chiếu cho dầu mỏ nhẹ Viễn Đông).

Minas (từ Indonesia, được sử dụng làm tham chiếu cho dầu mỏ nặng Viễn Đông).

Có nhiều loại dầu và giá cũng khác nhau, thường ta hay nghe nói tới giá hai loại dầu chính trên: Dầu biển bắc và dầu mỏ bắc mỹ hay dầu ngọt nhẹ WTI trong đó dầu biển bắc có chất lượng tốt hơn nên giá thường cao hơn 10%.

1.Dầu và Tăng trưởng kinh tế

Vì dầu đóng vai trò đầu vào quan trọng của sản xuất nên thường logic sẽ thế này:

Giá dầu tăng -> Chi phí đầu vào tăng -> Giá bán ra tăng -> Số người có đủ khả năng mua giảm -> Sản lượng sản xuất giảm -> Kinh tế đi xuống.

Giá dầu giảm -> Chi phí đầu vào giảm-> giá bán ra hàng hóa/dịch vụ giảm -> Số người có đủ khả năng mua tăng -> Sản lượng sản xuất tăng -> Kinh tế tăng trưởng.

Nhưng nhìn trên biểu đồ mối quan hệ giữa giá dầu và GDP thế giới ta thấy lại có quan hệ cùng chiều với nhau. Khi giá dầu giảm thì tăng trưởng kinh tế thế giới đi xuống, khi giá dầu tăng thì tăng trưởng kinh tế đi lên.

Mối quan hệ này có thể hiểu đúng thế này, tăng trưởng kinh tế thế giới ngoài phụ thuộc vào giá dầu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Khi kinh tế thế giới tăng trưởng thì nhu cầu dầu tăng, cung không theo kịp cầu nên giá dầu tăng. Khi kinh tế thế giới suy giảm thì nhu cầu dầu giảm, cung vượt cầu nên giá dầu giảm.

Xét ở quy mô từng nước thì đối với các nước có nguồn thu phụ thuộc vào dầu mỏ như Nga hay các nước trong khối OPEC thì GDP tỷ lệ thuận với giá dầu. Đối với các nước phải nhập khẩu dầu mỏ thì khi giá dầu nhập khẩu giảm khiến xăng dầu trong nước giảm, giá đầu vào giảm -> giá bán ra giảm -> sản xuất gia tăng -> GDP tăng; mối quan hệ tỷ lệ nghịch.

2. Dầu và lạm phát

Đồng đô Mỹ có một lịch sử thăng trầm của nó. Từ 1913 tới 2013 :

Cụm từ sức mua đồng tiền được căn vào việc mua một món hàng nào đó tại thời điểm 1913 và mua cũng sp đó vào 2013. Chỉ số này giúp ta có cái nhìn định tính chứ không hẳn rằng đô la Mỹ đã mất đi 20 lần giá trị sau 100 năm. Có một chỉ số phổ biến hơn dùng với mục đích tương tự đó là Chỉ số đô la Mỹ ( US dollar Index), nó được tính dựa vào rổ 6 loại tiền tệ thanh khoản nhất thế giới : đồng euro, đồng yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, đồng krona Thụy Điển và đồng franc Thụy Sỹ.

Đồng đô mạnh lên thì hàng hóa rẻ đi trong đó có dầu do vậy mối tương quan này là tỷ lệ nghịch.

3. Dầu và Lãi suất

Cứ mỗi lần FED họp là thiên hạ bắt đầu đồn thổi về việc họ sẽ giảm, giữ nguyên hay tăng lãi suất. Đồng đô la Mỹ là đồng tiền có phạm vi toàn thế giới vì vậy mặc dù cục dự trữ liên bang Mỹ FED chỉ là ngân hàng trung ương của một nước nhưng tầm ảnh hưởng của nó là cả thế giới.

Chính sách tiền tệ của một nước là do ngân hàng trung ương của nước đó quản lý. Khi thấy kinh tế đi xuống nó nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất, khi thấy kinh tế đi quá nhanh nó hãm lại bằng cách thắt chặt tiền tệ để hãm đà. Việc FED tăng hay giảm lãi suất cũng nhằm mục đích như vậy, đương nhiên nó sẽ quan tâm tới lợi ích của nước Mỹ hơn là lợi ích của các nước khác.

Khi giá dầu tăng làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất khiến cho nền kinh tế đi chậm lại thì cần một chính sách tiền tệ nới lỏng (hạ lãi suất). Khi giá dầu giảm thì sản xuất gia tăng cần phải kìm hãm lại do vậy cần thắt chặt tiền tệ (tăng lãi suất)

Tất nhiên là việc thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng hay thắt chặt còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa cũng giống như việc kinh tế tăng trưởng hay suy giảm không phải chỉ phụ thuộc vào giá dầu.

Trên đồ thị, đường màu đỏ là đường lãi suất. Giai đoạn 2003 tới 2008 FED tăng lãi suất dần khiến những người dân vay tiền để mua nhà phải trả lãi suất cao hơn, họ buộc phải bán nhà trả nợ hoặc bị ngân hàng siết nợ. Tăng trưởng kinh tế chậm lại nên FED phải hạ lãi suất, và giờ khi thấy tăng trưởng kinh tế khá tốt thì FED lại rục rịch tăng lãi suất.

4. Dầu và tỷ lệ Thất nghiệp

Giá dầu tăng -> Chi phí sản xuất tăng -> Giá tăng -> Tiêu dùng suy giảm -> Sản xuất giảm -> Thất nghiệp tăng. Dễ dàng nhận thấy là giá dầu và tỷ lệ thất nghiệp tỷ lệ thuận với nhau. Tuy nhiên nếu giá dầu tăng xuất phát từ nhu cầu dầu tăng có nghĩa là nền sx đang đi lên thì thất nghiệp giảm xuống.

Giá dầu tăng -> Lợi nhuận của các công ty liên quan tới dầu tăng -> Gia tăng sản xuất -> Tỷ lệ thất nghiệp trong ngành giảm. Đối với các ngành làm việc mà đầu ra liên quan tới dầu thì tỷ lệ thất nghiệp giảm (Nghiên cứu bài Kinh tế học P32 để hiểu công ty trong ngành xăng dầu bao gồm những công ty loại nào)

Bảng dưới là một tóm tắng mối quan hệ thuận nghịch giữa các chỉ số kinh tế vĩ mô và giá dầu. Một số mối quan hệ theo hai chiều nhưng một số là theo một chiều.

 

Vi dụ như “Mưa làm ướt đường” chứ không thể “ướt đường tạo ra mưa”. Ướt đường là “dấu hiệu”, “kết quả” của mưa mà không phải là nguyên nhân tạo ra mưa.

Khi GDP tăng có nghĩa là sản xuất gia tăng tạo ra nhiều công ăn việc làm vì vậy thất nghiệp giảm. Lúc đó thu nhập người dân tăng cộng với sự lạc quan khiến họ tiêu dùng nhiều hơn làm cho lạm phát tăng. Có thể trước đó nhờ giảm lãi suất nên khiến cho chi phí tài chính của DN giảm xuống, tiêu dùng tăng lên tạo ra sự tăng trưởng GDP. Khi sự tăng trưởng quá nóng có nguy cơ tạo ra bóng bóng thì chính phủ có thể tăng lãi suất nhằm giảm tốc độ tăng trưởng.

Thất nghiệp gia tăng do công việc ít đi, công việc ít đi do sản xuất suy giảm. Thu nhập người dân giảm nên họ chi tiêu ít đi khiến cho lạm phát giảm. Có thể trước đó để kìm hãm tăng trưởng hoặc kìm hãm lạm phát, ngân hàng đã tăng lãi suất. Lúc này để tạo ra nhiều công văn việc làm hơn ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất.

Lạm phát tăng do người dân có nhiều tiền hơn  xuất phát từ tỷ lệ thất nghiệp giảm. Có thể trước đó ngân hàng đã hạ lãi suất khiến cho sản xuất, tiêu dùng gia tăng. Lúc này để giảm lạm phát ngân hàng cần tăng lãi suất để giảm cung tiền. Thường mức lạm phát 2% là mức tối ưu.

Lãi suất tăng khiến chi phí tài chính tăng, người dân thích gửi tiền vào ngân hàng thay vì tiêu dùng hay đầu tư; dẫn tới sản xuất suy giảm, thất nghiệp gia tăng, lạm phát giảm.

Giá dầu tăng làm chi phí đầu vào của DN tăng, sản xuất suy giảm, thất nghiệp gia tăng, ngân hàng hạ lãi suất để kích thích sản xuất. Ở vế ngược lại, khi sản xuất gia tăng khiến cho cầu dầu tăng, cung không đáp ứng kịp nên giá dầu tăng.

Để luyện khả năng hiểu mối quan hệ giữa các chỉ số kinh tế vĩ mô và giá dầu bạn có thể đọc/nghe nhiều các bản tin kinh tế.

Ảnh hưởng của việc FED giữ nguyên lãi suất 27/7/2017

Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), đồng USD giảm giá so với một loạt đồng tiền khác sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất và bày tỏ thận trọng về lạm phát.
Trong thông cáo sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Ngân hàng Trung ương Mỹ cho rằng lạm phát vẫn ở dưới mức 2%. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), vốn được Fed ưa dùng để đo lạm phát, tăng chậm lại còn 1,4% trong vòng 12 tháng qua so với mức đỉnh 5 năm là 2,1%.
Đúng như thị trường dự đoán, Fed giữ nguyên lãi suất, đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu bán ra trái phiếu “tương đối sớm”.
Chỉ số ICE U.S. Dollar, so sánh đồng bạc xanh với 6 đồng tiền mạnh khác (EUR, JPY, CAD, GBP, SEK, CHF), giảm 0,2% xuống 93,81 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016.
Trước khi Fed ra thông cáo, chỉ số này lên đến 94,29 điểm. Trong tuần trước, chỉ số này đã giảm 1,4%.

Kinh tế học (P32: Giá dầu giảm ảnh hưởng tới Việt nam như thế nào?)

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here