Thông minh tài chính (P1: Không thể đánh bại thị trường)

1
16882
4.9/5 - (22 votes)

Chắc hẳn những ai đã học kinh tế học hẳn phải nghe nói tới câu “Sự thất bại của thị trường”; giờ lại có câu “Không thể đánh bại thị trường” thì chắc có đôi chút tò mò. Tôi lựa chọn câu này trong chủ đề đầu tiên về Thông minh tài chính vì nó giúp ta có cái nhìn tổng quan về thị trường tài sản.

Tài sản như tôi đã định nghĩa trong entry về Chiến lược tài chính cá nhân thì tài sản là những thứ sinh ra tiền khi nắm giữ. Định nghĩa này giúp ta tránh việc cho rằng bộ salon, cái tủ lạnh, máy giặt,… ở nhà là Tài sản. Vì chúng ta đang quan tâm tới lĩnh vực đầu tư nên ta phải hiểu sự khác biệt này.

Thị trường là nơi cung cầu gặp nhau, cung cầu gặp nhau ở mức giá cân bằng là giá trao đổi của một hàng hóa trên thị trường. Cung cầu giúp giải thích việc nước rẻ hơn rất nhiều so với kim cương mặc dù thiếu nước người ta có thể chết trong 3 ngày trong khi thiếu kim cương vài chục năm thậm chí không có cũng chẳng sao.

Thịt lợn thời gian vừa rồi giảm tới mức người bán không có lãi bởi vì cung nhiều hơn quá nhiều so với cầu. Nó khiến cho giá trao đổi được định thấp hơn cả chi phí sản xuất và cao hơn nhiều so với giá trị khi mà bên cầu sử dụng.

Người bán thịt lợn không thể dựa vào phân tích lợi ích mà thịt lợn mang lại để thuyết phục người mua mua tại giá cao hơn giá cân bằng được. Giá trị sử dụng của hàng hóa dường như tách rời khỏi giá trị trao đổi của hàng hóa đó.

Thị trường chỉ thua khi có độc quyền, cạnh tranh không hoàn hảo, các ngoại ứng, hàng hóa công cộng, phân phối thu nhập, thông tin không công bằng. Nhưng nói chung nó chiến thắng trong hầu hết trường hợp bao gồm cả thị trường tài sản.

Trong entry Chiến lược tài chính cá nhân hẳn bạn sẽ thắc mắc rằng tại sao người ta không công thức hóa việc kinh doanh tài sản để làm sao mang lại % tối đa. Điều này sẽ khiến bạn chỉ cần tập trung vào tích tụ vốn mà không phải cố gắng học việc quản lý và phát triển vốn.

Chính vì nguyên nhân thị trường tài sản như Nhà đất, vàng bạc, cổ phiếu,….  đang vận hành bởi cung cầu. Nếu như có một công thức nào đó thì ngoài bạn sẽ có hàng triệu người cũng được tiếp cận. Nếu họ cùng làm theo công thức đó thì nó sẽ không còn là công thức tốt nữa.

Điều này dẫn tới việc mỗi người sẽ phải tự tìm con đường riêng cho mình. Chẳng ai có thể bắt chước được ai. Những con đường chỉ chung nhau về nguyên lý nhưng đi như thế nào lại tùy thuộc vào mỗi người.

Nó đại loại giống như việc có một vụ nổ ở quảng trường, tất cả mọi người đều chạy đi với mục đích tránh xa khỏi vùng nguy hiểm nhưng hướng đi của họ lại khác nhau phụ thuộc vào vị trí họ đang đứng và cách phản ứng với vấn đề của họ.

Ví dụ thực tế được trích tóm lược từ cuốn “Nhà đầu tư thông minh” để minh họa cho điểm này như sau:

Thông thường cứ tới cuối năm thì các nhà đầu tư vì muốn làm đẹp danh mục đầu tư của mình nên thường bán ra các cổ phiếu nhỏ, đang bị lỗ; điều này dẫn tới việc giá của cổ phiếu đó sẽ giảm do lượng bán nhiều. Sau đó tới đầu năm mới họ lại bắt đầu tính toán cho mùa kd mới và trong đó sẽ mua lại các chứng khoán nhỏ. Điều này dẫn tới việc giá cổ phiếu công ty nhỏ sẽ giảm vào cuối năm và tăng vào đầu năm vì vậy công thức là Hãy mua chứng khoán nhỏ vào cuối năm, sau đó nắm giữ tới đầu năm sau bán đi thu lãi.

Mọi người đều biết công thức này do vậy họ suy nghĩ rằng ” Những người khác sẽ phản ứng ra sao khi biết công thức này?” Nếu họ làm theo thì giá cổ phiếu công ty nhỏ sẽ tăng vào cuối năm do nhiều người mua và có khi cũng không tăng tiếp vào đầu năm sau vì người có ý định mua trước đó sẽ không mua nó nữa. Công thức biến từ công thức thành công thành công thức thất bại.

Nhà đầu tư được phân ra làm hai loại là Nhà đầu tư đúng nghĩa và Nhà đầu cơ. Nhà đầu tư đúng nghĩa căn cứ vào giá trị nội tại và tiềm năng của tài sản để quyết định nắm giữ hay bán ra. Nhà đầu cơ căn cứ vào dự đoán cung cầu để quyết định.

Nhà đầu cơ khiến giá tăng giảm trong ngắn hạn họ quyết định mua hay bán phụ thuộc chủ yếu vào yếu tố tâm lý. Một nhà đầu cơ nào đó tham gia thị trường dự đoán hành vi của các nhà đầu cơ khác và quyết định làm ngược lại. Ví dụ nếu anh ta đoán rằng tháng tới Cầu sẽ vượt xa Cung dẫn tới giá tăng thì anh ta sẽ mua ngày hôm nay và hy vọng bán vào tháng tới ở giá cao. Nếu anh ta đoán ngược lại thì sẽ bán tài sản đang nắm giữ để chốt lời hay lỗ. Hoặc nếu anh ta kinh doanh trên thị trường phái sinh, anh ta sẽ bán khống tài sản đó với hy vọng tháng tới có thể mua rẻ để trả nợ.

Vấn đề là ai ai cũng nghĩ như anh ta khiến cho thị trường gần như bất tử, không thể đoán trước được việc gì. Khi bạn đánh cờ một đối một với một người, bạn có thể dự đoán mình đi nước A, anh kia sẽ đi nước B, rồi mình đi nước C, anh kia đi nước D. Nhưng khi tổ hợp của rất nhiều người thì chẳng thể có quy luật nào cả.

Một nhà đầu cơ có cơ hội thắng thậm chí thắng có tính toán trước không? Câu trả lời là có nhưng là không với đa số những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Để biết bạn đang ở trình độ nào hãy thử tưởng tượng như sau:

Bạn có 200 triệu tiền gửi tiết kiệm và mong muốn nó sinh lợi tốt hơn so với lãi ngân hàng. Bạn tìm hiểu giá vàng thấy rằng vàng đang có xu hướng giảm, bạn nghĩ rằng chắc nó không thể giảm thêm được nữa vì vậy nên mua vào vì tương lai khi giá tăng sẽ bán đi để có lãi. Đúng như ý, giá vàng tăng lên thật, nhưng bạn không bán ngay vì nghĩ rằng vàng sẽ còn tăng nữa. Đùng cái, vàng lại giảm giá, lúc này so với lợi nhuận trước đó thì bạn càng không lỡ bán, vẫn giữ lại vì hy vọng rằng vàng sẽ tăng trở lại. Cuối cùng một lúc nào đó bạn sẽ bán vàng ở giá mà lợi nhuận có được chẳng cao hơn so với gửi tiền ngân hàng thời gian chờ đợi đó.

Một nhà đầu tư đúng nghĩa sẽ không làm thế. Anh ta không hành xử theo cảm xúc, không theo đám đông mà qua phân tích cụ thể để dự đoán. Vì vàng là nơi người ta tìm đến khi mất niềm tin vào nền kinh tế vì vậy nền kinh tế đi lên thì giá vàng đi xuống và ngược lại. Vàng cũng quan hệ ngược chiều với giá các tài sản khác như ngoại tệ, nhà đất ,…nên phải tìm hiểu được xu thế của các loại tài sản đó.

Giả sử anh ta muốn đầu tư vào nhà đất thì bài toàn cũng tương tự cộng thêm hiểu biết về chủ đầu tư, vị trí,….

Nếu anh ta đầu tư vào cổ phiếu thì anh ta cũng sẽ có các phân tích trên cộng với phân tích thực trạng và tiêm năng phát triển của doanh nghiệp.

Phân tích càng chất lượng thì khả năng thành công càng cao và lợi nhuận mang lại càng lớn. Phân tích càng kém thì rủi ro càng nhiều mà lợi nhuận đạt được càng thấp.

 

Không thể đánh bại thị trường được hiểu đơn giản là bạn không thể biết hết được thị trường. Những gì bạn nghĩ ra thì cũng có rất nhiều người khác cũng nghĩ ra, những người đó là các quỹ, các chuyên gia tài chính, các nhà đầu cơ nhiều vốn,..những người chỉ sống và nghiên cứu tài sản. Mặt khác, không thể dùng quá khứ để dự báo tương lai đặc biệt là đối với những tài sản phụ thuộc quá nhiều vào cảm xúc của con người. Do vậy, bạn không thể thắng chỉ với cách thức dự đoán sự lên hay xuống của tài sản.

Nếu bạn tích lũy được 200tr và tham gia thị trường tài sản trong khi hiểu biết không có thì sẽ dẫn tới lợi nhuận không bằng gửi ngân hàng và thậm chí sụt giảm. Các thị trường tài sản như thị trường vàng, thị trường nhà đất, thị trường chứng khoán là nơi nguy hiểm cho những người không am hiểu về nó.

Chúng ta không có công thức chung nhưng chúng ta có nguyên lý chung. Dựa vào nguyên lý mỗi người sẽ có cách vận dụng phù hợp với hiện trạng và tiềm năng tài chính, phù hợp với đặc điểm cũng như mong muốn của bản thân. Nhưng giữa nguyên lý cho tới vận dụng mang lại lợi ích là cả một khoảng cách.

Tỷ lệ lợi nhuận tỷ lệ thuận với rủi ro không hẳn đúng, người ta có thể đạt tỷ lệ lợi nhuận cao mà ít rủi ro với trí thông minh cùng độ nhạy bén của mỗi cá nhân.

 

Chiến lược tài chính cá nhân

Thông minh tài chính (P2: Lựa chọn cho mình một con đường và đức tính phải rèn luyện)

Kinh tế học: Ảnh hưởng của việc tăng VAT 12% dưới góc độ kinh tế học

Comments

comments

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here