Tiến sỹ Lê Thẩm Dương là một diễn giả có nhiều bài giảng rất hay. Ông là người có khả năng truyền cảm hứng tốt, có thể khiến cho người nghe bị cuốn hút từ đầu tới cuối
Trong một bài thuyết trình về tăng trưởng và suy thoái kinh tế, ông có nhắc tới đại ý nếu ai cũng tiết kiệm thì sản xuất làm sao phát triển. Nếu anh mặc cái áo cũ từ ngày này qua ngày khác và ai cũng như anh thì ngành may mặc chắc phá sản.
Từ ý này câu hỏi bạn có thể thắc mắc về mối quan hệ giữa Chi tiêu và Thu nhập. Chúng ta hiểu rằng nền kinh tế cho dù đơn giản hay phức tạp là được tạo thành từ hàng nghìn hàng triệu các giao dịch mỗi ngày. Khi một người chi tiêu 10 đồng thì anh ta tạo ra thu nhập 10 đồng cho người khác. Khi anh ta thu nhập được 10 đồng thì một ai đó đã chi tiêu 10 đồng cho anh ta. Chi tiêu và thu nhập có mối quan hệ qua lại với nhau, có chi tiêu thì mới có thu nhập mà có thu nhập thì mới có chi tiêu.
Điều gì diễn ra với một nền kinh tế đóng
Để phân tích một vấn đề, kinh tế học thường đưa ra các giả định nhằm làm đơn giản hóa mô hình sau đó mới thêm vào các yếu tố để nó về gần sát với thực tế.
Giả định có một mô hình kinh tế chỉ có một doanh nghiệp và một cá nhân. Doanh nghiệp này trồng gạo, cá nhân được DN thuê để cày cấy, gieo hạt,…….DN chỉ có duy nhất một khách hàng là chính cá nhân đó.
Nếu cá nhân này chỉ ăn 1 kg gạo/ngày thì DN chỉ bán được 1kg gạo/ ngày. DN sẽ làm đúng một vụ 3 tháng, tích gạo vào kho và bán dần cho cá nhân. Cá nhân này sẽ có việc làm trong 3 tháng và 9 tháng thất nghiệp.
Nếu cá nhân này tiêu thụ lượng gạo đủ để DN phải trồng trọt quanh năm thì cá nhân đó cũng sẽ có việc làm quanh năm. Có việc làm thì có thu nhập để tiếp tục mua gạo. Vòng tròn cứ thế khép kín.
Bên nào đột nhiên chậm lại thì sẽ ảnh hưởng tới bên kia. Nếu DN ngừng trả lương thì cá nhân không có thu nhập để mua gạo -> DN sx chậm lại -> Thu nhập cá nhân lại giảm -> Lại tiếp tục ngừng mua gạo… Cứ như vậy tới lúc mà cá nhân thì bị đuổi việc và DN thì ngừng sản xuất hoàn toàn. Chẳng hạt gạo nào được sx ra nữa.
Kết luận: Đúng là tiêu dùng kích thích sản xuất từ đó ảnh hưởng tới thu nhập.
Giờ ta bổ sung vào mô hình Nhà cung cấp và chủ DN.
Nhà cung cấp cung cấp phân bón, giống, máy móc,…và thu lại tiền. Chủ lao động cung cấp tiền vốn, rủi ro đầu tư, chất xám quản trị và sức lao động; anh ta cũng thu lại tiền.
Giả định vẫn chỉ có một cá nhân mua là cái anh A đó. Lúc này nếu anh A mua gạo hết 10.000 đồng thì lương anh ta chỉ có thể tối đa 5000đ vì 5000đ còn lại phải phân bổ cho nhà cung cấp và chủ doanh nghiệp.
Vòng tròn này sẽ ngày càng nhỏ dần giống như quả lắc ngày càng yếu dần. Bỏ ra 10.000 đ mua gạo nhận về 5.000đ, bỏ ra 5.000đ mua gạo, nhận về 2.500đ, bỏ ra 2.500đ mua gạo, nhận về 1.250đ….
Chủ DN và nhà cung cấp phải cũng mua gạo của DN thì tiền mới không bị thất thoát, đảm bảo được mối quan hệ Tiêu dùng- Thu nhập.
Thực tế thì nền kinh tế vận hành như vậy. Cá nhân bán sức lao động cho DN sx gạo thu về thu nhập bằng tiền. Anh dùng tiền đó để mua nhiều hàng hóa phục vụ cho cuộc sống của mình trong đó có thịt. Người bán thịt phải mua rau cho bữa ăn, người bán rau phải mua quần áo mặc, người mua quần áo có khi lại mua chính gạo nơi cá nhân đang làm, cá nhân đó lại có việc làm và lại có thu nhập
Tiền không chảy về đúng DN
Nếu trên thị trường chỉ có một doanh nghiệp sx gạo duy nhất thì mô hình trên hoàn toàn đúng. Thu nhập của người lao động sẽ theo một số bước rồi lại quay trở lại DN bằng hình thức mua hàng của khách hàng.
Vấn đề là trên thị trường có rất nhiều DN sản xuất gạo. Tiền có khi không chảy về DN của anh ta mà lại chảy về DN khác tạo ra việc làm cho người LĐ DN đó (thay vì DN của anh ta). Anh ta có thể vẫn mất việc làm cho dù chi tiêu có tăng.
Xét trên tổng thể một nền kinh tế đóng thì Tổng chi tiêu sẽ bằng Tổng thu nhập. Chi tiêu nhiều thì thu nhập nhiều. Có thể rằng tiền không được phân bổ đều nhưng sẽ luôn là như thế.
Một người có thu nhập 10 đồng họ không chi tiêu hết 10 đồng mà tiết kiệm 2 đồng. 2 đồng này sẽ được tiêu vào một lúc nào đó trong tương lai giúp bù đắp cho số tiền tiết kiệm của những người có thu nhập nhưng tiết kiệm tại thời điểm đó.
Bất cứ người nào cũng có những sản phẩm tiêu thụ giống nhau ở nền cơ bản ví dụ như gạo, muối, nồi cơm điện,…Trong vòng tròn Chi tiêu-Thu nhập ta thấy thu nhập không được phân bổ đều vào người LĐ và các chủ DN. Người LĐ nhận được lương có mức dao động quanh một mức bất chấp tình hình kinh doanh của DN. Chủ LĐ có mức độ dao động mạnh hơn. Trên tổng thể lâu dài thì chủ DN có mức thu nhập cao hơn. Họ sẽ tiêu dùng các dải tiếp cận lên vùng trên ví dụ như siêu xe, trực thăng, túi cao cấp,… Thường những đồ cao cấp này VN chưa sx được, chính phủ phải áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm làm tăng giá hàng xa xỉ khiến cho người giàu cân nhắc hơn trước khi tiêu thụ.
Phải chăng tiêu dùng cái gì cũng được và càng nhiều càng tốt ?
Tháng này là tháng cô hồn, bạn mua 1 triệu tiền vàng mã để đốt cho các cô hồn. Cửa hàng bán vàng mã có thu nhập 1 triệu. Anh ta dùng 1 triệu đó để trả lương, mua hàng đầu vào… rồi sau một vài công đoạn nó quay lại DN của bạn để trả lương cho bạn, giúp bạn vẫn duy trì việc làm của mình.
Anh A đốt càng nhiều vàng mã thì có phải là anh ta sẽ ngày càng tăng thu nhập không? Câu này sai, thứ nhất ở điểm anh ta chi ra 10 đồng đốt vàng mã nhưng thu nhập nhận lại không bằng 10 đồng, có khi chỉ 2 đồng thôi, thậm chí chẳng đồng nào vì có hàng ngàn DN sản xuất những mặt hàng giống như DN của anh A. Thứ hai một hàng hóa sản xuất ra ngoài sức người còn phải mất thêm:
- Nguyên liệu như sắt, than, gỗ, dầu,…Nhiều trong số đó là nguyên liệu không thể tái tạo.
- Nước thải, khí thải và chất thải rắn. Nhiều trong đó bị thải trộm ra môi trường.
Khi bạn tiêu dùng thêm một hàng hóa nào đó thì cũng sẽ lấy thêm của trái đất một cái gì đó. Có những thứ trái đất sẽ tự bù đắp sau một khoảng thời gian nhưng cũng có những thứ mất đi là không thể khôi phục hoặc mất hàng nghìn năm để làm được điều đó.
Trái đất là một mô hình khép kín. Nó chỉ nhận từ bên ngoài ánh sáng từ mặt trời, còn lại mọi thứ có tổng không đổi, các chất dịch chuyển từ loại này sang loại khác mà không mất đi (mặc dù nó rất lớn). Tổng số lít nước, tổng số than, tổng số khoáng sản nào đó,…Cứ mỗi khi bạn tiêu dùng bạn lại chuyển một số thứ sang một số thứ khác mà con người không sử dụng được. Ví dụ khi bạn đi xe từ điểm A tới điểm B thì đã biến một số lít xăng thành khí thải, nước,…Xăng đó được tạo ra từ dầu mỏ, dầu mỏ được hút từ các giếng dầu có trữ lượng nhất định.
Việc đốt vàng mã cũng như mua gạo thổi cơm, cả hai hàng hóa khi dùng là hết nhưng khác biệt ở chỗ:
- Lợi ích khi ăn cơm là rõ ràng, còn lợi ích khi đốt vàng mã là không.
- Để tạo ra vàng mã cần giấy. Giấy tạo từ gỗ. Gỗ thì phải trồng hoặc chặt trên rừng. Phải mất vài năm mới có thân gỗ đó.
- Khi tiêu dùng, vàng mã tạo ra ô nhiễm không khí và nguy cơ cháy.
Ngay cả ở phạm vi quốc gia thì nó cũng là không tốt. Nếu người dân không đốt vàng mã thì nguồn lực cho sản xuất vàng mã đó có thể làm cái gì đó có ích hơn. Một anh đẹp trai ngồi in vàng mã nếu không làm việc đó anh ta có thể đi nuôi lợn hoặc đi làm phụ hồ. Gỗ có thể dùng làm giấy viết cho bọn trẻ con.
Người Việt đốt 400 tỷ vàng mã mỗi năm. Nếu người người thợ làm vàng mã kiếm được 200.000đ/ngày thì sẽ có 2 triệu ngày công lãng phí. Ta có thể dùng nhân công đó để làm nhiều thứ có ích hơn.
Tiêu dùng và đầu tư
Khi bạn tiêu dùng một hàng hóa đó thì hàng hóa đó sẽ chuyển hóa thành năng lượng cơ thể hoặc cảm giác thoải mái dễ chịu. Khi bạn đầu tư một cái gì đó thì nó tiếp tục tạo ra hàng hóa/dịch vụ. Thường thì mang lại một giá trị gia tăng nhất định.
Ví dụ:
- Mua nhà để ở và mua nhà để cho thuê.
- Mua đường, chanh, chè về để tự pha cốc nước uống và mua những thứ đó để mở quán trà chanh.
- Xây một con đường để cho người dân qua lại và xây một tượng đài hoành tráng.
Đầu tư là trì hoãn hưởng thụ ở hiện tại để có tiền nhiều hơn trong tương lai. Chi tiêu là hưởng thụ và mất tiền. Một cá nhân cũng như một quốc gia nếu tỷ trọng Đầu tư trên Tiêu dùng càng lớn thì càng có sự phát triển lâu bền.
Trong một nền kinh tế mở
Trong một nền kinh tế mở, nếu như người dân vẫn chỉ tiêu dùng các hàng hóa trong nước và hàng hóa đó có nguyên vật liệu và sản xuất trong nước thì sẽ kích thích thu nhập của chính người dân trong nước. Nhưng ở VN hầu hết các sản phẩm đều có yếu tố nguyên liệu nước ngoài, chúng ta còn rất thích hàng hóa nhập khẩu nguyên chiếc. Cứ mỗi khi ta tiêu dùng một hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng hóa có một thành phần phải nhập khẩu thì một ít tiền tương ứng lại chảy ra khỏi đất nước. Tiêu càng nhiều thì tiền chảy ra càng nhiều.
Để bù đắp cho nhập khẩu chúng ta cũng có xuất khẩu hàng hóa. Nếu nước ta là một nước xuất siêu thì cứ mỗi vòng chúng ta lại tích thêm một ít ngoại tệ USD. Ngược lại thì cứ mỗi vòng chúng ta lại mất đi một ít ngoại tệ.
Từ năm 2012 trở lại đây chúng ta đã bớt bị nhập siêu hơn và dần trở thành xuất siêu. Điều này nó có nghĩa rằng chúng ta đã thu được nhiều ngoại tệ hơn, bằng chứng là dự trữ ngoại tệ của VN ngày càng tăng, tới nay đã gần 42 tỷ usd gần đủ cho 4 tháng nhập khẩu.
Tiền bị thất thoát ra nước ngoài là tiền đô la Mỹ. Tiền bị hút ra càng nhiều thì VNĐ càng bị mất giá trước USD do số đô la Mỹ bị giảm đi trong khi số VNĐ không đổi. Khi VNĐ càng yếu đi thì nó càng kích thích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Vì vậy một đất nước không thể có dòng chảy ngoại tệ ra nước ngoài cứ dương mãi, đến lúc nào đó nó sẽ ngừng lại và chuyển hướng chảy vào. Điều đó xảy ra tương tự với nước ta, VNĐ không thể mất giá trước USD mãi, tới một thời điểm tự nó cân bằng do người dân không đủ tiền mua hàng nhập khẩu và các nhà xuất khẩu ngày càng có thêm động lực để bán hàng ra nước ngoài.
Tất nhiên điều này không đúng với các quốc gia không tự mình lo được các hàng hóa thiết yếu như lương thực. Cái ô tô đắt lên không có vấn đề gì vì đó là hàng hóa không thiết yếu nhưng nếu gạo đắt lên do giá nhập khẩu tăng lên thì sẽ làm mức sống người dân giảm sút.
Chính phủ kêu gọi dùng hàng trong nước và hãy là người tiêu dùng thông minh là mong muốn người dân sử dụng hàng trong nước và tiêu dùng những thứ thực sự cần.
Cuộc sống sẽ dễ chịu hơn nếu con người bớt tiêu dùng
Chúng ta bán thời gian của mình để có thu nhập. Rồi dùng thu nhập đó để mua các hàng hóa phục vụ cho cuộc sống. Có rất nhiều hàng hóa/dịch vụ không thực sự cần thiết và không đáng với thời gian chúng ta bỏ ra.
Nếu một quốc gia hay vùng lãnh thổ mà người dân có nhu cầu tiêu dùng thấp thì thường họ cũng có nhiều thời gian để hưởng thụ cuộc sống hơn. Một quốc gia có nhu cầu tiêu dùng nhiều thì thường cũng sẽ phải làm việc cật lực, tới nỗi mà họ có khi chẳng còn thời gian để tiêu tiền kiếm được.
Bên cạnh ít phải làm việc hơn thì trái đất cũng bớt bị mất mát hơn. Nó có thể tự hồi phục một số thứ như nước, đất đai, không khí,…
Vấn đề là các quốc gia vận hành như những DN. Một DN không thể tự mình tồn tại mà không có DN khác, nó cũng không thể tồn tại nếu như không có tham vọng hay không phát triển. Nếu quốc gia của anh yếu thì nước khác sẽ thôn tín nước anh giống như các DN thôn tính lẫn nhau vậy. Nếu cả thế giới này là một quốc gia, cùng vận hành trong một chính phủ thì có khi cuộc sống loài người sẽ tốt đẹp hơn.
Ở quy mô quốc gia hay thế giới điều đó là bất khả thi nhưng ở quy mô hộ gia đình, cá nhân thì điều đó là hoàn toàn khả thi. Nếu bạn chuyển dần tiêu dùng những thứ trả phí sang tiêu dùng những thứ miễn phí thì bạn cũng sẽ không phải làm việc nhiều hơn để có tiền trả cho các chi phí đó. Không phải làm việc nhiều hơn có nghĩa bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những gì mình yêu thích.
Khi bạn mua một cái gì đó hãy quy số tiền đó ra thời gian. Ví dụ nếu thu nhập mỗi ngày của bạn là 160.000 đ~ 20.000 đ/ giờ thì một vé xem phim có giá 80.000 sẽ tương ứng với 4 giờ lao động của bạn. Một cái Iphone 20 triệu sẽ tương ứng với 1000 giờ lao động. Bạn không cần phải trở trành người keo kiệt, chỉ cần chắc chắn rằng HH/DV đó xứng đáng với số tiền bạn bỏ ra.
Nếu có thể, hãy tăng tỷ trọng Đầu tư/Tiêu dùng hoặc Tiết kiệm/Tiêu dùng. Tỷ trọng càng cao thì càng đảm bảo thu nhập sẽ tăng dần trong tương lai. Tới một lúc mà bạn sẽ không cần phải nghĩ nhiều mỗi khi tiêu dùng một cái gì đó.
Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia thông minh. Họ kích thích tiêu dùng nước ngoài để sản xuất trong nước phát triển. Bản thân người dân quốc gia đó lại rất tiết kiệm. Họ có thu nhập cao mà chính phủ không phải suốt ngày kêu gọi người dân đẩy mạnh tiêu dùng.
Để hiểu hơn về mối quan hệ giữa chi tiêu và thu nhập bạn có thể đọc thêm entry dưới:
Các giao dịch người mua – người bán càng nhiều, sẽ thúc đẩy kinh tế đi lên.