Ảnh hưởng của giảm thuế thu nhập DN xuống 15-17%

0
8899
5/5 - (1 vote)

Hôm 30/3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi phát biểu tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS6, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mê-Kông mở rộng (GMS) đã hé lộ thông tin là chính phủ VN có ý định giảm thuế thu nhập xuống còn 15-17%.

Điều này làm rõ thêm định hướng của chính phủ đẩy chuyển dịch từ thuế thu nhập sang thuế tiêu dùng. Cụ thể trước đây chính phủ đã có đự định tăng thuế VAT từ 10% lên 12%. Trong bài “Chính phủ nên đánh Thuế thu nhập hay Thuế tiêu dùng?” tôi đã phân tích tại sao lại phải chuyển dịch dần thu thuế từ thu nhập sang tiêu dùng, trong entry này chúng ta sẽ phân tích mức độ ảnh hưởng khi thay đổi thuế và tìm hiểu tại sao vào chính lúc này chính phủ lại đưa ra tuyên bố như vậy.

Mức độ ảnh hưởng:

Theo số liệu từ bộ tài chính thì năm 2018 tổng thu ngân sách dự kiến là 1.319.200 tỷ trong đó thu từ thuế là 995.139 tỷ ~ 75%

Số nếu cộng dồn trên excel là 932.707 có thể BTC nhầm chỗ thuế sử dụng đất nông nghiệp vì chẳng nhẽ có 13 tỷ thu được cả nước.

Thuế giá trị gia tăng đang chiếm 38% tổng thu nhập từ thuế và thuế thu nhập doanh nghiệp đang là 23%. Giả định nếu tăng thuế VAT từ 10% lên 12% và giảm thuế thu nhập từ 20% xuống 17% thì ta thấy chênh lệch giữa cũ và mới không đáng kể; vẫn có đầu 932 nghìn tỷ. Tổng thu ngân sách vẫn vậy chỉ là phân bổ lại các hạng mục thôi, đúng là trò chơi kế toán nhỉ.

Một số ảnh hưởng sau khi tăng thuế tiêu dùng và giảm thuế thu nhập:

  • Thuế thu nhập giảm đồng nghĩa với khoản lợi nhuận sau thuế khi phân bổ lợi nhuận cho các cổ đông của Doanh nghiệp tăng dẫn tới khoản thuế thu nhập cá nhân tăng. Một phần tiền thuế thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp được chuyển dịch sang thuế thu nhập cá nhân.
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm sẽ bớt áp lực trốn thuế lên doanh nghiệp vì vậy họ có thể đặt lợi nhuận trước thuế cao lên. Một trong những cách trốn thuế là hợp thức hóa chi phí đầu vào vì vậy có thể làm giảm số thu mục thuế giá trị gia tăng.
  • Tăng áp lực trốn thuế giá trị gia tăng lên người bán nhằm giảm giá bán cho khách hàng cuối. Điều này có thể làm giảm giá trị phải đóng thuế giá trị gia tăng từ đó con số sau tăng thuế không cao bằng dự đoán.
  • Và theo đúng lý thuyết khi thuế thu nhập giảm thì sẽ kích thích mọi người mở công ty, mở rộng sản xuất kinh doanh hơn. Tổng giá trị tính thuế sau điều chỉnh tăng lên có thể cân đối với số giảm do giảm tỷ lệ.
  • Cũng theo đúng lý thuyết khi thuế VAT tăng lên thì giá cả đắt đỏ hơn và người ta có thể tiêu dùng ít đi khiến cho số giảm đi cân bằng với số tăng thêm nhờ tăng tỷ lệ.

Trên các phương diện thì chắc chắn giảm thuế thu nhập đi 3% và tăng thuế VAT thêm 2% là một quyết định chính sách có xác xuất thành công rất cao. Tổng thu sau thay đổi sẽ cao hơn trước thay đổi.

Tại sao chính phủ lại đưa ra thông báo vào lúc này?

Nếu bạn quan tâm tới loạt entry về cuốn Đã đến lúc phải cứng rắn của Donald Trump có thể thấy rằng ông đang thực hiện đúng như những gì đã viết trong sách trong 1 năm qua. Đây một khác biệt rất lớn so với các đời tổng thống trước, thường không làm đúng những gì mình nói. Cũng trái hẳn với các đời tổng thống trước, các đối tác hay kẻ thù của Mỹ rất khó dự đoán được phản ứng của Mỹ trước mỗi tác động vì chính sách đó không nhất quán. Với tôn chỉ “Nước Mỹ trên hết”, hôm nay ông quyết định thế này, ngày mai có thể quay ngoắt 180 độ . Nếu bạn cảm thấy chính sách của Donald Trump có vẻ khó lường thì nên tìm đọc cuốn sách này hoặc đọc một loạt entry mà tôi đã tóm tắt. Và nếu bạn thắc mắc việc ông Đỗ Nam Trung tiền hậu bất nhất có ảnh hưởng tới uy tín của ông hay không thì cần đọc bài Quân vương.

Nền kinh tế thế giới được hình thành từ các chính phủ, các công ty đa quốc gia và các tổ chức tài chính. Các công ty đa quốc gia đặt các nhà máy của họ ở các quốc gia theo cách mà họ có lợi nhất. Thuế thu nhập tại Mỹ đang là 35%, ông Trump giảm xuống còn 20%; nó có nghĩa rằng việc đặt nhà máy sản xuất hàng hóa ở Mỹ trở nên rẻ hơn so với trước. Với những hàng hóa mà thị trường tiêu thụ là Mỹ thì các doanh nghiệp sẽ ưu tiên đặt nhà máy ở Mỹ hơn. Mặc dù rằng nhân công ở Mỹ vẫn đắt nhưng với cuộc cách mạng 4.0 nơi máy móc thay con người thì đó không còn là vấn đề nữa.

Trung quốc, nước sát nách chúng ta, vốn là công xưởng của thế giới đang có thuế thu nhập doanh nghiệp là 33%. Mức thuế này cao hơn nhiều so với mức thuế TNDN 20% hiện hành của Việt Nam. Khi Mỹ và Trung Quốc đang ăn miếng trả miếng tăng thuế của hàng hóa nước đối diện thì đây là thời cơ vàng cho Việt Nam. Kể cả 100% cuộc cãi vã đó rồi sẽ giải quyết bằng đàm phán mà không dẫn tới chiến tranh thương mại nhưng các doanh nghiệp vẫn cảm thấy sốt ruột, họ sẽ tìm tới mảnh đất an toàn hơn. Giống như dân Nam Hàn sang Việt Nam mở nhà máy để phòng tránh xung đột giữa hai miền triều tiên vậy.

 

Việc thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ý định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một hội nghĩ xúc tiến đầu tư chính là nhằm thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, khiến các dòng tiền chuyển hướng về Việt Nam. Hiện đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của VN là gần 36 tỷ usd; riêng thuế thu nhập thu từ khối FDI đã chiếm tới 46% tổng thuế thu nhập Doanh nghiệp.

Khi tổng số vốn FDI tăng lên sẽ kéo theo tổng thuế thu nhập doanh nghiệp tăng theo. Trong quá khứ có thời điểm năm 2008 FDI của VN đột biến lên 71.7 tỷ. Và bạn cũng nhớ rằng năm 2008 lạm phát là 15% và lãi suất tiền gửi ngân hàng là 20%. FDI nhiều không phải là tốt nếu năng lực hấp thụ không tốt, tham khảo bài chiến tranh tiền tệ. Nhưng cho dù thế nào thì nhiều tiền đầu tư vẫn là tốt vì nó mang lại ngoại tệ, giúp Việt Nam có thể học hỏi được các công nghệ hiện đại của các nước, giúp người lao động có việc làm. FDI tăng cũng thể hiện VN không bị bỏ rơi khỏi chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Tại sao chính phủ phải kêu gọi đầu tư nước ngoài, thúc đẩy khởi nghiệp trong nước?

Câu trả lời chắc chắn là để tăng tổng thu ngân sách. Để hiểu tính cấp thiết của tăng tổng thu chúng ta nhìn vào dự toán chi ngân sách 2018 của chính phủ

Chúng ta chỉ dành có 20% cho đầu tư phát triển còn lại đều phục vụ duy trì. 45% chi thường xuyên giống như các khoản chi cố định của nhà bạn là tiền ăn hàng ngày, điện nước, tiền trả bà giúp việc,…Tầm quốc gia đó là tiền lương trả cho công chức viên chức, tiền bảo tu sửa chữa các viện bảo tàng, các tượng đài liệt sỹ, các cây cầu và con đường,…

Nếu 100% thu nhập của gia đình bạn đều cho chi trường xuyên thì cơ hội để có thu nhập tăng lên trong tương lai gần như không có; tương tự ở tầm quốc gia cũng vậy, tỷ trọng cho đầu tư càng cao thì càng đảm bảo cho GDP tăng trong tương lai. Cầu Nhật Tân được xây dựng nối giữa trung tâm Hà Nội và quận Gia Lâm đã rút ngắn thời gian di chuyển ra sân bay Nội Bài; nó tạo ra lợi ích về lâu dài (tiền xăng xe, thời gian di chuyển, cảm xúc của người tham gia giao thông và hiện có vài dự án tỷ đô khu đô thị dọc con đường mới mở lên cầu Nhật Tân). Nếu như người ta dùng tiền xây cây cầu đó để xây một cái tượng đài ông bố Việt Nam anh hùng cao 300m to nhất thế giới thì chẳng có lợi ích nào được sinh ra cả.

Khi tổng thu giảm đi trong khi chi thường xuyên không đổi sẽ kéo theo chi cho đầu tư giảm đi. Vì vậy phải tìm cách tăng tổng thu.

Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam là một con số quan trọng, nó có ý nghĩa chính trị rất lớn vì nó thể hiện mức độ hoạt động hiệu quả của chính phủ. Chính phủ luôn muốn GDP năm sau tăng hơn so với năm trước. GDP = C + I + EX-IM  ; Xuất khẩu càng cao thì GDP càng cao, nhà máy Samsung đặt ở VN có nghĩa rằng điện thoại khi ra khỏi quốc gia sẽ tăng giá trị xuất khẩu, mặc dù rằng cũng có dòng tiền chảy ra khỏi đất nước khi các ông chủ nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước nhưng kệ nó.

Tăng chi tiêu thì dễ chứ giảm chi tiêu rất khó, bộ ngành nào cũng la oai oái cũng phải cố gắng giữ cho mình mức chi năm sau ít nhất phải bằng và sau đó là cao hơn so với năm trước. Tổng thu tăng lên sẽ làm cho bội chi ngân sách giảm xuống

Năm 2018 chúng ta dự kiến bội chi ngân sách chiếm 15% so với tổng thu. 15% này sẽ phải bù đắp bằng tiền vay; tiền vay tăng dần sẽ kéo theo tiền trả nợ gốc trong tương lai tăng dần. Bội chi ngân sách kéo dài sẽ tới lúc mà số thu của chúng ta chỉ vừa đủ cho chi thường xuyên hoặc tệ hơn phải đi vay để bù cho chi thường xuyên. Hãy tưởng tượng nhà bạn duy trì cuộc sống bằng cách đi vay tiền ngân hàng, điều này không thể kéo dài mãi được.

Tóm lại việc giảm thuế thu nhập DN xuống mức 17% là một nước đi đúng, biết đâu chúng ta sẽ là công xưởng thay trung quốc nhờ vậy chúng ta sẽ thoát khỏi bội chi để dần dần có thặng dư. Nếu đã không để lại tài sản gì cho con cái thì đứng bắt chúng nó phải làm quần quật để trả nợ cho chúng ta. Mong rằng xã hội hiểu điều này để ủng hộ chính sách của chính phủ.

File dự toán thu chi ngân sách 2018 của Việt Nam: So lieu du toan NSNN nam 2018

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here